Thursday, April 29, 2010

LẠI 30 THÁNG 4

Lại 30 tháng Tư

Hạnh Đào

29/04/2010 7:00 sáng 3 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=19638

Tôi sinh ra chỉ vài tháng sau ngày 30.4.75. Mỗi năm, trước và sau ngày này khó tránh việc nghĩ về cuộc chiến đã qua và những hậu chấn của nó. Tôi cho là mình may mắn, không sống trong thời chiến nhưng lại đủ gần để tiếp cận với nhân chứng (và bản thân cũng là nhân chứng của thời hậu chiến).

Tôi sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nhưng dấu vết chiến tranh (đã) vẫn lẫn quất đâu đó, từ khi tôi ý thức được. Nó hiện diện ở đời sống dù muốn hay không, với bản khai lý lịch “ba là sĩ quan ngụy, đã được (bị) cải tạo”. Nó là sự nhắc nhở như một món nợ (máu) với nhân dân, đúng hơn là với chính quyền, dù chúng tôi tưởng đã trả xong ngày ba tôi được thả về, khi ông đập gãy đôi nạng gỗ quăng xuống sông từ chiếc cầu đá qua con đường làng, như quăng bỏ đi một thời quá khứ đầy máu, nước mắt và uất nhục mà sau này tôi mới hiểu. Đôi nạng gỗ đó đã không trôi đi, nó vướng lại trong đời sống chúng tôi.

Nó ở những tháng năm kế tiếp, khi ba tôi chỉ có thể xoay quanh những việc làm tạm bợ và công an thì thường tới “hỏi thăm”, như một bản án treo không hạn định.

Nó ở trong những cặp mắt nghi hoặc, hay lấm lét sợ sệt khi có bóng dáng công an, thời ấy, như những hung thần.

Nó ở không khí căng thẳng trong gia đình khi mỗi người (lớn) đều mang cảm giác bất mãn, thất bại và không lối thoát.

Nó ở bản khai lý lịch ba (từng) là sĩ quan ngụy, thành phần gia đình là trí thức tiểu tư sản (dù lúc ấy, chúng tôi chẳng còn chút “tư sản” gì).

Nó ở con số phân loại của lý lịch khi anh chị tôi thi vào đại học.

Nó ở sự phân biệt “cũ” và “mới”, như là nhạc cũ, sách cũ, hình cũ, đều phải nghe, xem lén lút (dù lúc đó tôi vẫn còn nhỏ).

Chúng tôi đã bị đẩy dần qua phía bên kia ranh giới, không phải tự trèo qua “vì mặc cảm là người của phía bên kia” như “họ” vẫn nói. Có ai tự nguyện làm công dân hạng hai?

Tôi nhớ lần đầu xem phim Cuốn theo chiều gió, hình ảnh Ashley trở về bại trận, tơi tả, tôi đã vô cùng ngạc nhiên, thế thôi à? Không có trại cải tạo, không có kinh tế mới, không có cảnh người bất kể mạng sống băng rừng, lao ra biển. Hòa bình ấy, thống nhất ấy, đã hơn trăm năm trước. Vấn đề ở người Việt hay ở người cộng sản?

Tới phiên tôi thi vào đại học, may mắn, số phân loại lý lịch đã biến mất. Dấu vết chiến tranh bắt đầu lùi dần vào quá khứ.

Tuy nhiên, từ khi rời Việt Nam, tôi lại tìm tới quá khứ, với lịch sử. Thoát được sự chép, đọc và trả bài, với cách học tự do (suy nghĩ và phát biểu), được tiếp cận với nhiều thông tin lẫn nhân chứng, là cơ hội để tôi đặt câu hỏi, so sánh, suy ngẫm và tìm câu trả lời.

“Tại sao bạn và dân tộc bạn tới đây?” là câu hỏi mà tôi được hỏi và tự hỏi, nhiều lần. Tại sao người ta không bỏ nước, trốn chạy khi chiến tranh leo thang và đẫm máu, mà lại phải ra đi khi hòa bình, thống nhất? Những cuộc ra đi kéo dài tới tận bây giờ dù có thể phải trả giá bằng tài sản, hạnh phúc, phẩm giá, thậm chí cả tính mạng.

Mọi nguyên nhân, ít, nhiều đều qui về hay liên quan, ảnh hưởng, hậu quả từ cuộc chiến Việt Nam 54-75.

Liệu chiến tranh có phải là giải pháp duy nhất và chủ nghĩa cộng sản là phương tiện duy nhất để thống nhất đất nước? Chúng ta đã làm được gì ngoài việc nhớ những gì cần nhớ và quên những điều muốn quên? Ngoài vô vàn những lời tung hô và ngụy biện, có lời xin lỗi nào?

Xác người Việt trải dài, bao gia đình ly tán, những ranh giới giữa lòng người, và những hậu chứng tinh thần của chiến tranh (với người dân cả hai miền) và hòa bình (với người dân miền Nam), có con số thống kê nào ghi lại đủ? Ngoài việc đổ lỗi bên này, bên kia, thế lực quốc tế, thế lực thù địch, có ai thấy mình có trách nhiệm?

Cách đây vài hôm, về nhà, thấy ba mẹ tôi đang xem buổi họp báo của ông Thiệu ở Cali năm 90, trong DVD Quảng Trị, tôi hỏi: “Ông ấy có xin lỗi không?” Mẹ nói: “Ổng nói – ổng chịu trách nhiệm về thất bại của miền Nam, nhưng không một lời xin lỗi”. Phải chăng đó là văn hóa của người Việt? Người càng lớn, quyền càng lớn, trách nhiệm càng lớn, lỗi càng lớn thì sự “nhận lỗi và xin lỗi” càng là chuyện không thể nào? Dù sao, ông vẫn còn can đảm để mở một cuộc họp báo, đối diện và nhận trách nhiệm với bà con.

Bên này, vẫn còn không ít người mặc lại quân phục cũ, đeo huy chương (đem theo khi bỏ chạy hay mua ở một tiệm nào đó?), không chỉ loại bỏ chữ “cựu” trước cấp bực, mà một số còn không quên tự thăng chức theo năm tháng. Họ tự ca tụng hay ca tụng nhau những chiến tích lẫy lừng. Tự huyễn hoặc mình, hậu chứng chiến tranh hay tâm lý tự mãn? Những người lãnh đạo, những người từng tham nhũng, những người từng đào ngũ, có ai thấy mình đã gián tiếp góp phần vào biến cố 30.4.75?

Bên kia, tiếp tục những bài ca chiến thắng cùng công việc thao túng, cắt xén lịch sử. Họ có thể bắt tay với Mỹ, với Trung Quốc, sao không thể với đồng bào của mình? Họ có thể giúp tìm MIA, tưởng niệm những người lính Trung Quốc đã bỏ mình ở Việt Nam, nhưng đã làm gì cho những người đã nằm xuống và thương phế binh (hai bên), những người đã chết ở những trại cải tạo, trên đường vượt biên?

Nghị quyết 36 ngày 26.3.2004 khiến không ít người kỳ vọng, chờ đợi. Nhưng, thay cho lời xin lỗi, nhà nước Việt Nam vào tháng 6.2005 đã gây áp lực với chính quyền Malaysia, đục bỏ tấm bia tưởng niệm những thuyền nhân đã bỏ mình (vừa được kiều bào dựng vào dịp 30.4.2005), tấm bia tưởng niệm những người không may, không có cơ hội thành Việt kiều, Họ có thực lòng muốn hòa giải với quá khứ?

Tin rằng (những) lời xin lỗi chính thức, thành tâm của những người có trách nhiệm (và lương tâm) có thể xoa dịu được vết thương chưa lành, và tin rằng nó có hiệu quả hơn hẳn mười Nghị quyết 36 hay hai mươi Hội nghị Việt kiều.

Vấn đề hòa giải, hòa hợp đơn giản là sự bất cập trong quan niệm. Bên này coi đó là việc chìa tay của kẻ chiến thắng, một sự hợp tác, điển hình, có thể là một (hay nhiều) cuộc họp báo, lời xin lỗi, đối thoại, và những chính sách, nghị quyết công bằng cho mọi kiều bào (từ ngàn, trăm hay dù chỉ chục dặm!). Bên kia coi đó là sự thần phục của người chiến bại, trên tinh thần kẻ góp tiền, người góp quyền, điển hình, là Đại hội Việt kiều (ngàn dặm) vừa qua. Không thống nhất được quan niệm, kêu gọi, tranh luận việc hòa giải hòa hợp hay không cũng bằng thừa.

Lịch sử, chúng ta không thể thay đổi, nhưng giá trị của nó không chỉ ở những vòng hoa chiến thắng mà còn ở những bài học từ lỗi lầm và thất bại. Còn nhớ lần viếng thăm Viện Bảo tàng Holocaust ở Washington DC, chúng tôi đã dừng lại thật lâu trước bức tường ở lối vào, được khắc hàng chữ: “We who did not go their way owe them this. We must make sure that their deaths have posthumous meaning. We must make sure that from now until the end of days all humankind stares this evil in the face… and only then can we be sure it will never arise again.” Ronald Reagan.

Cuộc chiến đã qua 35 năm, tàn dư vẫn còn đó. Được cái gì? Một nước Việt Nam hôm nay, vẫn chưa từng biết tới tự do, dân chủ thật sự, con người thì vô cảm trong một xã hội vô cảm đầy bất an?

Vô cảm là sản phẩm của việc bị bịt tai, bịt mắt, khóa miệng 35 năm, lâu ngày thành tự bịt, tự khóa? Người ta không có lỗi khi bị biến thành như vậy, nhưng có thể tránh trách nhiệm của từng cá nhân vô cảm đã và đang tạo thành một xã hội vô cảm? Người không biết là thiếu trí, có trí mà chấp nhận là thiếu dũng. Sợ cũng là chuyện tất yếu dưới một chế độ độc tài, và để nhận “sợ”, nhận “hèn” cũng cần một chút hay nhiều chút dũng khí và trung thực. Chọn lựa quay lưng là một biện pháp an toàn. “Khi không (chưa) thể thay đổi xã hội chỉ đành thay đổi môi trường sống, nếu có cơ hội”, đây cũng là điều tôi từng nói với bạn bè, khi họ hỏi tôi “có nên đi hay không?” Có lẽ, khi thay đổi môi trường (thoát được cái sự sợ) con người sẽ thoát được sự vô cảm chăng?

Tôi thực sự không biết, nếu không rời Việt Nam, liệu bây giờ tôi (và nhiều người khác ở hải ngoại) có là một (hay nhiều) người vô cảm không?

Tàn cuộc đất nước hôm nay, bất kể vì nguyên nhân nào, cũng cần được dọn dẹp. Nhiều người thấy, nhiều người biết, và dĩ nhiên vẫn còn rất nhiều người quay lưng, và một số khác tiếp tay xả rác và coi đó là cơ hội vàng son để kinh doanh rác. Không có thay đổi từ trên trời rơi xuống, cũng không có phép màu để một ngày rác tự động biến mất. Không phải ai cũng có khả năng và can đảm để đứng ở tuyến đầu. Không phải tôi, tôi biết vậy. Nhưng tôi biết tôi có thể là một phần của đám đông. Không có đám đông, những người ở tuyến đầu sẽ cô độc biết mấy? Sự đấu tranh và hy sinh của họ không phải oan uổng và vô nghĩa hay sao?

Trước khi có thể dọn sạch rác, cần một số đông, thật đông, nhất là trí thức nhìn thấy rác và không xả rác.

Gia nhập đám đông, trước hết bằng sự tìm hiểu và lòng quan tâm. Không chỉ đọc, tôi thường gởi những bài viết chia sẻ với bạn bè ở Việt Nam. Một vài người ủng hộ, trao đổi, bàn luận (không nhất thiết tán đồng), còn số đông khác im lặng. Họ không đọc, không muốn đọc, không dám đọc, hay đọc mà chưa muốn lên tiếng… tôi hiểu và thông cảm. Tôi biết họ không vô cảm, bằng chứng là chưa có ai bảo tôi ngừng gởi. Tôi tin một ngày nào đó họ sẽ đọc, sẽ chuyển tiếp và chia sẻ cho bạn bè họ.

Thế hệ trước (cả Bắc lẫn Nam) đã mất tự chủ và phạm nhiều sai lầm, nhưng ít ra đa số họ đã sống bằng lý tưởng và trách nhiệm với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và bằng cả mạng sống, đây là điều đáng ngưỡng mộ và học hỏi. Còn chúng ta, đã làm được gì?

Dù sao tôi vẫn cứ hy vọng.

25.4.2010

© 2010 Hạnh Đào

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: