Thursday, April 29, 2010

HỘI LUẬN KỶ NIỆM 35 NĂM LƯU VONG CỦA NGƯỜI VIỆT

Bốn học giả Hoa Kỳ hội luận kỷ niệm 35 năm lưu vong của dân Việt

Hà Tường Cát/Người Việt

Wednesday, April 28, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112172&z=1

WESTMINSTER (NV) - Trong khuôn khổ các sinh hoạt đánh dấu 35 năm của người Việt lưu vong kéo dài suốt tháng 4 của Ban Tổ Chức Tưởng Niệm Tháng Tư Ðen và Quốc Hận 30 tháng 4 Nam Cali, một buổi hội luận có tầm ý nghĩa đặc biệt với sự tham gia của 4 học giả giáo sư đại học Hoa Kỳ đã diễn ra hôm 28 tháng 4, năm 2010, tại hội trường Rose Center, thị xã Westminster, California, có nội dung làm sáng tỏ chính nghĩa cuộc chiến đấu gian khó và kiên cường trong nỗ lực ngăn chặn Cộng Sản thôn tính miền Nam Việt Nam gần nửa thế kỷ trước.

.

Ban tổ chức cuộc hội luận của Hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại gồm các ông Cao Xuân Vỹ, Lê Tinh Thông và Nguyễn Xuân Nghĩa còn có sự đóng góp của ông Bùi Diễm, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, từ miền Ðông đến. Mặc dầu đã ngoài 90 tuổi và sức khỏe giảm sút, cụ Cao Xuân Vỹ, một nhân vật trọng yếu trong chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, vẫn sáng suốt và đầy nghị lực khi trình bày những lời mở đầu cuộc hội luận.

Giáo Sư Lê Tinh Thông, giới thiệu bốn diễn giả và ca ngợi các vị này về sự nghiên cứu đóng góp làm sáng tỏ lịch sử một cách chính xác đúng đắn để xóa tan những xuyên tạc và ngộ nhận lâu dài về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông cũng cho rằng cuộc hội luận không phải chỉ giới hạn trong mục tiêu đó mà còn nhằm rút ra những bài học ứng dụng cho hiện tại và tương lai. Mượn lời từ một châm ngôn ở trại tập trung diệt chủng Auschwitz của Ðức Quốc Xã, ông nói rằng, “kẻ nào quên quá khứ sẽ bị trừng phạt phải sống trở lại với quá khứ ấy.”

Trong chiều hướng ấy, vào phần cuối của buổi hội luận, Cựu Ðại Sứ Bùi Diễm nhận định là 4 diễn giả đã trình bày được đầy đủ những dữ kiện lịch sử chiến tranh Việt Nam và giúp nói lên nhưng điều cần nói và muốn nói. Tiếp đó ông đề nghị nêu lên một số câu hỏi có tính cách thời sự hơn để bốn vị diễn giả lần lượt góp ý, bao gồm những vấn đề về quan hệ bang giao với Việt Nam, tương quan với Trung Quốc, vị trí và vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực Á Châu.

Trả lời phỏng vấn của Người Việt sau buổi hội luận, ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho là những đề tài do Cựu Ðại Sứ Bùi Diễm nêu lên chứng tỏ là người Việt không chỉ nhìn về quá khứ mà còn quan tâm hướng đến tương lai. Theo ông toàn bộ những nội dung được đề cập trong cuộc hội luận này rất có giá trị cho sự hiểu biết của thế hệ trẻ và hy vọng tương lai sẽ có thể có những cuộc hội thảo đào sâu vào nội dung chi tiết hơn để mọi người cùng nhau trao đổi ý kiến, học hỏi và định hướng cho cuộc tranh đấu tự do dân chủ ở Việt Nam.

.

Bốn học giả và đề tài thuyết trình gồm:

Giáo Sư Mark Moyar, Ðại Học Thủ Quân Lục Chiến: “Vì sao Hoa Kỳ đã chiến đấu ở Việt Nam.”

Ký giả kỳ cựu Sol Sanders: “Vài kỷ niệm riêng với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.”

Giáo Sư Sử Học Andrew Wiest, Ðại Học Southern Mississippi: “Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa.”

Giáo Sư Bob Turner, Ðại Học Virginia và Học Viện Hải Chiến: “Hậu quả của sự bỏ rơi Ðông Dương.”

.

Các diễn giả đều có cùng quan điểm là về chiến tranh Việt Nam nhiều sự kiện đã bị bóp méo, hiểu lầm và nhiều thực tế đã bị lãng quên, do đó trước hết nên trả lại sự thật cho lịch sử. Lý do và ý nghĩa can dự của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam thập niên 1960 là đề mục được tất cả 4 diễn giả quan tâm.

.

Theo Giáo Sư Mark Moyar, tại Hoa Kỳ đã có hai khuynh hướng trái ngược là cần phải sát cánh với chính quyền Ngô Ðình Diệm ở miền Nam Việt Nam để chống Cộng Sản hay không can dự. Nhưng phân tích tình thế từ khi Cộng Sản chiếm lục địa Trung Hoa và ý đồ bành trướng trong khu vực, ông tin là sự can dự vào Việt Nam là cần thiết và chính đáng nhưng đáng tiếc là đã có những sai lầm về chiến lược và thiếu dứt khoát trong chủ trương qua các đời Tổng thống Mỹ.

.

Ký giả Sol Sanders nhắc lại một số kỷ niệm riêng và sự hiểu biết về Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho rằng ông Diệm là người có đủ khả năng đương đầu với Cộng Sản Bắc việt dù rằng ông cũng có một vài nhược điểm như quá chú ý vào những chi tiết nhỏ. Hai diễn giả đều đồng quan điểm là việc từ bỏ ủng hộ và thay đổi chính quyền Ngô Ðình Diệm là sai lầm đáng tiếc, và nếu không có sự kiện ấy “ngày nay chúng ta không phải ngồi nói chuyện về Việt Nam tại đây.”

.

Giáo Sư Sử Học Andrew Wiest bác bỏ những đánh giá không đúng mức về quân lực Việt Nam Cộng Hòa và cho rằng khi đưa quân đến Việt Nam, sai lầm lớn nhất là Hoa Kỳ muốn chủ động thay vì có sự cộng tác chặt chẽ giữa hai lực lượng bởi vì chỉ có quân đội Việt Nam Cộng Hòa mới có thể giành chiến thắng.

.

Giáo Sư Robert Turner nêu lên những hậu quả tai hại khi Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam như việc Liên Xô phát động các cuộc chiến nổi dậy ở Trung Mỹ và đem quân vào Afghanistan. Các diễn giả đưa ra nghi vấn là nếu trước kia Hoa Kỳ đã từng phải dùng Việt Nam làm tiền đồn ngăn chặn Cộng Sản thì bây giờ với tương lai phát triển của Trung Quốc, liệu Hoa Kỳ có thể một lần nữa trở lại với tình thế ấy hay không. Ông Turner phàn nàn rằng nhiều người đã không chịu hiểu rằng Hoa Kỳ tham chiến để giúp Việt Nam tự vệ cũng là cùng một lý do như đã tham chiến tại Cao Ly nhằm bảo vệ tự do của con người và thực thi việc chống xâm lược như đã ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Những sai lầm từ Việt Nam sẽ còn có thể tác động lâu dài đến tương lai của các vấn đề thế giới mà Hoa Kỳ phải vất vả đương đầu.

.

Vào một ngày làm việc trong tuần, cuộc hội luận vẫn thu hút được một số cử tọa đông đảo hơn 200 người chăm chú theo dõi. Trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt, ban tổ chức, các diễn giả và mọi người đã cùng nhau bước đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở kế cận hội trường. Theo lời Giáo Sư Lê Tinh Thông, ban tổ chức sẽ phát hành đĩa video ghi lại đầy đủ cuộc hội luận giá trị này. (HC)

.

.

.

No comments: