Tuesday, April 27, 2010

VIÊN ĐẠN BẮN VÀO TUỔI THƠ

Viên đạn bắn vào tuổi thơ

nhân đọc "Viên đạn bắn vào nhà Thục của Thảo Trường

Tuệ Chương - Hoàng Long Hải

PSN - 24.4.2010 Bài cùng tác giả

http://phusaonline.free.fr/ButViet/TueChuong_HLH/38_vien-dan.htm

Nếu là một nhà phê bình văn học, người ta sẽ đọc toàn bộ những tác phẩm của tác giả, - như của ông Thảo Trường chẳng hạn, - xong, người ta sẽ viết nhận xét, phê bình tác giả và tác phẩm. Đó là một tác phẩm văn học.

Tôi không làm được công việc ấy. Tôi chỉ là một độc giả hơi “méo mó nghề nghiệp” chút ít, là một độc giả từng dạy môn Việt Văn, nên khi đọc vài truyện ngắn của Thảo Trường, tôi cứ vương vấn, suy nghĩ không dứt, thậm chí có khi thao thức, mất ngủ chỉ vì một truyện ngắn của ông, truyện “Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục” (Văn Nghệ, P.O. Box 2301. Westminster. CA 92683)

Nếu so sánh về những tình tiết gay cấn, hồi hộp, mạo hiểm trong các truyện ngắn của Jack London, Hemingway hay Mark Twain chẳng hạn, truyện ngắn trên đây của Thảo Trường đơn giản hơn nhiều. Chuyện chẳng có gì, chỉ thuật lại việc một đứa bé theo mẹ chạy giặc khỏi một thị trấn nhỏ khi chiến cuộc xảy ra ở đó. Vài hôm sau, tình hình hơi yên ổn, đứa bé cùng mẹ quay về nhà cũ.

Đột biến làm cho truyện ngắn nầy thêm giá trị và đáng ghi nhớ là việc đứa bé thấy có một lỗ đạn bắn vào nhà nó. Nó loay hoay với cái lỗ đạn đó, cố moi cho được cái đầu đạn còn mắc trong đó ra. Để làm gì? Một kỷ niệm? Có lẽ đứa bé chưa có ý niệm gì về kỷ niệm nhưng bố nó là một ông quận trưởng, đã bị phe bên kia bắn chết. Người ta đã lấy đầu đạn trong thân thể của bố ra và trao cho mẹ nó. Bà cất giữ đầu đạn đó.

Vậy nên đứa bé cố moi cho được cái đầu đạn đã bắn vào nhà nó, để cất giữ cái đầu đạn đó, như mẹ nó cất giữ cái đầu đạn đã giết bố nó vậy.

Cái đột biến của câu chuyện là ở điểm đó, và nó làm cho độc giả, như tôi chẳng hạn, phải suy nghĩ, suy nghĩ lâu dài, thắc mắc, về một viên đạn bắn vào tuổi thơ.

Tại sao tôi gọi nó là viên đạn bắn vào tuổi thơ?

Bởi vì người ta ai cũng có cái nhà, dù đẹp dù xấu, dù to dù nhỏ. Và người ta yêu mến, nhớ nhung căn nhà đó, khi đang ở trong căn nhà đó, cũng như khi xa cách.

Người xưa, khi xa nhà thì bảo rằng “Yên ba giang thượng sử nhân sầu.” Tản Đà dịch rằng “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!” Huy Cận nói rõ hơn, ông cho rằng “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.” Khói trên sông, ông bảo rằng đó là “Khói hoàng hôn” làm cho kẻ đi xa nhớ nhà.

Mỗi khi đi xa, trẻ con thường nhớ nhà hơn người lớn. Điều đó rất dễ hiểu, thuộc về tâm lý. Trẻ con ít khi đi xa nên không quen cảnh xa nhà. Trẻ con thường chơi đùa quanh quẩn trong nhà, phía trước, phía sau, nơi ăn, nơi học, nơi ngủ, thậm chí cả ngõ trước, vườn sau, cũng là nơi nó chơi đùa cùng anh chị em, người trong nhà hay bạn bè. Có lẽ chúng nó không có ý niệm về kỷ niệm, nhưng quyến luyến những gì thân quen là tình cảm tự nhiên.

Từ những chỗ đứng như thế, đứa bé yêu căn nhà nó ở, chính là nó yêu cái tuổi thơ của nó bởi vì tuổi thơ của nó dính liền với căn nhà, nơi nó ăn, ngủ, chơi đùa và chuyện trò cùng với mẹ. Có lẽ ba nó qua đời khi nó chưa biết khôn.

Người lính Cộng Hòa (hay người miền Nam) thật vô tâm. Thấy đứa bé loay hoay với cái lỗ đạn, cố moi cái đầu đạn ra, anh ta bảo với nó nếu nó muốn chơi với cái đầu đạn, anh sẽ cho nó cái khác. Dễ thôi, với bao nhiêu băng đạn mang trên người, anh ta có thể lấy vài viên, gõ vào vật gì cứng, đầu đạn sẽ lơi, tháo đưa cho đứa bé.

Nhưng không phải nó ưa chơi cái đầu đạn. Có lẽ nó chưa có ý thức rõ rệt về chiến tranh, nhưng ở đây, rõ ràng nó không ưa những dụng cụ làm ra chiến tranh. Nó chỉ ưa lấy cái đầu đạn đã bắn vào nhà nó, giống như cái đầu đạn đã làm cho cha nó qua đời.

Có hai cái giống nhau: Cha nó và ngôi nhà nó ở. Cha nó là một vật thể đi động, đi tới đi lui, chạy nhảy và căn nhà nó ở là bất động. Căn nhà đứng yên một chỗ. Nhưng cả hai đều bị đạn bắn vào. Mẹ đứa bé yêu chồng nên giữ lại viên đạn đã giết chồng bà. Đứa bé yêu căn nhà, nên nó muốn giữ lại viên đạn đã bắn vào nhà nó, mặc dù căn nhà chưa chết như cha nó. Nhưng vì đứa bé yêu căn nhà của nó, căn nhà tuổi thơ của nó. Vậy khi viên đạn bắn vào căn nhà là bắn vào tuổi thơ của nó vậy.

Có lẽ đứa bé nhìn mối tương quan giữa căn nhà và tuổi thơ của nó không bằng lý trí mà bằng cảm tính. Nó yêu tuổi thơ của nó qua căn nhà nó ở. Đơn giản chỉ có vậy!

Nhưng cái đột biến của câu chuyện là khi đứa bé cố moi cho được cái đầu đạn bị mắc trong lỗ đạn. Nó đã biết quan sát và so sánh giữa viên đạn bắn chết cha nó và viên đạn bắn vào nhà nó, cũng như nó muốn lấy và giữ viên đạn trong lỗ đạn, như viên đạn đã làm chết cha nó vậy. Biết quan sát, biết so sánh, biết mối tương quan, biết cất giữ, ai bảo đứa bé không khôn?

Tuy nhiên, có một điểm đáng nói khác nữa!

Đó là đầu đạn của loại súng gì? Đầu đạn của súng AK, súng do Cộng Sản sản xuất, là súng phe bên kia thường dùng, hay đầu đạn súng M-16 của Mỹ mà người lính miền Nam thường xử dụng.

Nhưng ai có thể chắc rằng viên đạn AK ấy không do người lính miền Nam xử dụng hoặc ngược lại, khi nói tới cây súng M-16?

Đứa bé không thắc mắc gì về việc đó cả. Nó không thắc mắc về vũ khí Nga Tầu hay vũ khí Mỹ bắn vào nhà nó.

Viên đạn nào bắn vào nhà nó, là bắn vào tuổi thơ của nó đều có “tội” như nhau. Rõ ràng bắn vào cái vô tội là có tội, dù cố ý hay vô tình. Điều may mắn là đứa bé chưa biết đau về cái tuổi thơ bị bắn của nó.

Có phải đó là điểm khác biệt giữa chiến tranh ngày nay và chiến tranh ngày trước? Trước 8 tuổi, tôi cũng có một căn nhà tuổi thơ của tôi như đứa bé vậy. Trong căn nhà đó, gia đình tôi đầy đủ và sum họp. Thế rồi gia đình tôi bỏ căn nhà ấy mà chạy giặc. Mãi ba năm sau, gia đình tôi mới hồi cư. Căn nhà cũ không còn, bị Tây chiếm. Mẹ tôi dựng một căn nhà tranh, trên vườn cũ của bà ngoại tôi, kế căn nhà tranh có sẵn của dì, em mẹ tôi. So với trước kia, gia đình tôi bây giờ thiếu mất ba người: Ba tôi chết trên chiến khu, chị cả tôi nằm lại trên một đồi cát trắng, sau nầy là bờ Nam vĩ tuyến 17 và người anh cả bị Tây bắt và thủ tiêu. Tuy mất ba người, nhưng bây giơ ở cận dì, các con của dì, sống thân cận gần gủi với chúng tôi như anh em tôi vậy.

Tôi vẫn nhớ căn nhà tuổi thơ thứ nhất, như tôi đã từng nhớ nó trong mấy năm chạy giặc, và tôi cũng yêu căn nhà tuổi thơ thứ hai, nhớ đến quay quắt, nhất là kể từ năm 16 tuổi, tôi trốn mẹ đi tha phương.

Kể lại như vậy để độc giả thông cảm tại sao tôi thương đứa bé trong truyện ngắn nói trên của Thảo Trường. Có thể tôi không khôn bằng nó nhưng vì chiến cuộc, tôi yêu căn nhà tuổi thơ của tôi như nó yêu căn nhà tuổi thơ của nó vậy. Về tình cảm, khó đo lường, khó đong đếm để biết ai yêu cái gì hơn ai?

Có lẽ ông Thảo Trường cũng yêu đứa bé như tôi, hay hơn tôi yêu đứa bé vậy. Nếu không yêu đứa bé, và yêu tuổi thơ của nó, như ông yêu tuổi thơ của ông thì ông khó viết một truyện ngắn hay và ý nghĩa như vậy.

Viết như thế cũng chứng tỏ ông không ưa chiến tranh. Chiến tranh làm hại tuổi thơ và Thảo Trường là nhà văn phản chiến.

Đâu có thể hồ đồ như vậy được. Đâu có phải hễ ai không ưa chiến tranh là người phản chiến! Hai điều ấy khác nhau mà lại khác nhau xa. Nếu ai không thấy “Thất phu hữu trách” ấy là người phản chiến? Ai nói như thế? Nghe “nghịch nhĩ” quá. Không ưa chiến tranh là một điều, phải tham gia chiến tranh lại là một điều khác. Đó chính là nỗi cay đắng của người miền Nam.

Tô Thùy Yên viết (Trần Thiện Thanh phổ nhạc): “Em sợ một điều em không dám nghĩ, có một người đi giữa chiến tranh.” Điều “không dám nghĩ” chính là chết chóc thương vong xảy ra cho người “đi giữa chiến tranh.” Nhưng tôi có nghe ai nói Tô Thùy Yên là nhà thơ phản chiến đâu? Hoặc khi hát to lên “Anh không chết đâu anh” như Nhật Trường hát là “yêu thích chiến tranh”. Hoặc “Kẻ ở miền Xa”, “Trên bốn vùng chiến thuật” là phản chiến?

Người miền Nam, trong nửa thế kỷ qua, rơi vào một tình thế thật khó xử. Không muốn cướp đoạt tài sản của ai để “Xây dựng hơn mười ngày nay”, bản tính hiền hòa, không ưa tranh giành, gây sự nhưng phải cầm súng tham gia chiến tranh ở trong một tình thế chẳng đặng đừng. Đó là điều khác biệt giữa người miền Bắc và miền Nam vĩ tuyến 17 trước năm 1975.

Liệu bọn trẻ ngày sau có thông cảm cho người miền Nam điều ấy, dù họ có bắn hay không, khi gởi một viên đạn vào tuổi thơ của trẻ con miền Nam Việt Nam.

hoànglonghải

.

.

.

No comments: