Friday, April 30, 2010

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI TÙ CẢI TẠO LẬP LẠI CUỘC ĐỜI Ở MỸ

Chuyện của một cư dân hạt York, đã từng là tù cải tạo ở Việt Nam
Wade Malcolm

Ái Liên lược dịch

30-04-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7391

Ngày trước ông bị tù Cộng Sản ở Việt Nam, giờ đây gia đình ông thành công ở York

Sài Gòn thất thủ. Người Mỹ đã rút lui. Mùa hè năm 1975 ấy, ông Huỳnh Dương nhận được một lá thư.
Lá thư chỉ thị cho ông phải đi đăng ký tên mình ở một văn phòng chính quyền gần nhà ở một tỉnh giữa miền trung và nam Việt Nam.
Lá thư không nêu lý do.
Là một công chức của chính quyền cũ giờ đã sụp đổ, ông sợ không dám coi thường luật pháp của chế độ Cộng sản. Vì thế ông đã phải chia tay vợ và 7 đứa con trong căn nhà nhỏ của họ ở vùng quê. Mất tám năm trời trước khi ông gặp lại vợ con ông.

Ở tù, nhưng không chết
Nhiều người vợ ở nhà đã lập bàn thờ cho chồng và than khóc cho cái chết của chồng mình. Bà Thước, vợ ông đã không làm điều này. Bà ấy tin rằng chồng mình vẫn còn sống.
Hàng trăm (ngàn) công chức và những người theo chính quyền miền Nam Việt Nam dần dần biến mất. Nhiều người trong số họ bị thủ tiêu. Số còn lại bị đưa vào nơi gọi là “trại cải tạo”.

Thời trước khi chiến tranh, ông Huỳnh làm việc cho một văn phòng thuế. Cộng sản đã bỏ tù ông ta vì tội làm “nhân viên cao cấp” cho chế độ cũ. Ngay khi vừa đến trại Xuân Lộc, họ phải xây dựng những khu lán, nơi đây là nhà tù giam giữ họ.

Khoảng 60 người sống chung trong một gian phòng; mỗi người được chia một khoảng vừa bằng cái quan tài. Sau ba năm, cộng sản cho phép ông Huỳnh gởi thơ về nhà. Ông ta không được cho họ biết ông ta đang ở đâu, ngay cả những ngụ ý về thời tiết hay cảnh quang nơi ông ở. Ông chỉ có thể viết là ông ta vẫn đang còn sống, và mọi đều bình thường.
Bà Thước ở nhà đã khóc òa lên vì vui sướng khi nhận được thơ của chồng. Bà đã chạy đến từng nhà trong xóm để báo tin: “Chồng tôi vẫn còn sống! Chồng tôi vẫn còn sống!”

Năm tháng mãi chồng chất, ông Huỳnh kể rằng ông và các bạn tù đã nối được với thế giới bên ngoài qua cái radio nhỏ xíu. Ban ngày họ đã tháo rời thành từng mảnh nhỏ và giấu chúng khỏi cặp mắt của những tên cai ngục và ban đêm thì ráp lại với nhau. Một người trong nhóm của họ - thường là người có trí nhớ tốt - sẽ nghe với âm thanh rất nhỏ, và sau đó kể lại những gì mình nghe cho bạn tù.
Một ngày nọ năm 1979, họ nghe được một tin làm tăng thêm niềm hy vọng: tin tức BBC cập nhật thông tin rằng nhiều nước có kế hoạch họp để bàn luận chuyện những tù nhân chính trị đang khốn khổ, tuyệt vọng ở Việt Nam.
Cuối cùng, họ đã được ra trại.

Cảm giác tội lỗi
Khi ông Huỳnh được ra tù năm 1983, ông cảm thấy ông đã làm gia đình thất vọng, mặc dù mọi việc ngoài tầm tay của ông.
Ông Huỳnh biết được nhiều người vợ tù ở nhà lấy chồng khác. Mặc dù khó khăn vì căn nhà thiếu vắng người đàn ông, vợ ông vẫn chung thủy chờ chồng. Thay vào đó, bà Huỳnh đã cố giữ gia đình cùng nhau, và họ cố gắng vượt qua những gian khổ để sống còn. Sau buổi học ban sáng, các con ông Huỳnh đã phải làm việc từ trưa đến lúc mặt trời lặn; chúng chỉ học cầm chừng. Đứa nào cũng gầy gò, hốc hác.
Hoàn cảnh làm ông uất ức và căm phẫn, làm ông trở nên bướng bỉnh và khó gần gũi.
“Tôi đã đối xử các con tôi rất tệ.” Ông kể, “Khi nào tôi cũng thấy căng thẳng... Tôi cảm thấy có lỗi. Tôi đã không lo lắng được cho các con như ý tôi muốn.”
Theo lời anh Lee con trai ông Huỳnh, ở một xã hội coi trọng giá trị người đàn ông trong gia đình, thì có một người cha nghiêm khắc và xa cách là điều bình thường. Anh ta không trách móc thái độ của cha mình sau khi ông ấy ra tù. Anh biết có nhiều cựu tù nhân đã tồi tệ hơn nhiều, sa vào con đường nghiện ngập hoặc trở thành con phe.

Làm lại từ đầu

Gia đình ông Huỳnh sang Mỹ năm 1992, sau bao nhiêu năm chờ đợi để tù chính trị Việt Nam được chính phủ Hoa Kỳ cho phép hưởng quy chế tị nạn.
Gia đình ông chuyển từ thành phố này sang thành phố khác để tìm việc. Lee nghe tin từ một người bạn rằng có một mối làm ăn ở York, thế là anh cùng 12 người tỵ nạn khác nhồi nhét vào một căn hộ ở đại lộ West College và làm việc cho công ty Dentsply gần đó.
Đi gặp và nói chuyện từng nhà một, ông Huỳnh và năm sáu gia đình khác đã lập nên một nhóm cầu nguyện ngày Chủ Nhật. Ngày càng có nhiều gia đình theo đạo Tin lành dọn đến vùng này, nhóm cầu nguyện đã tăng lên đến hơn cả 100 thành viên. Họ mua một tòa nhà tọa lạc ở đường North George ở North York năm 2006.
Ông Huỳnh đã cải đạo không lâu trước khi rời Việt Nam. Sau khi ra tù, ông Huỳnh đã cảm nhận đạo lý của đạo Tin lành là biểu lộ lòng cảm thông với những người kém may mắn. Lớn lên theo đạo thờ ông bà, ông nhận thấy chăm sóc, chia sẻ với những người không phải người thân là một khái niệm, nhưng thú vị.

Trở thành người Mỹ đã làm thay đổi quan điểm làm cha làm mẹ của ông. Ở Việt Nam, trẻ con không được phép nói chuyện với người lớn khi chưa được phép. Từ khi sang Mỹ, ông đã chứng kiến nhiều bạn bè Việt Nam và gia đình người thân ra lệnh cho con cái họ đi ra chỗ khác khi có mặt ông.
“Họ nói, ‘đây là chuyện người lớn. Không phải của các con’”. Ông Huỳnh kể. “Tôi nói, “Không, để cho các cháu nói.’”

Kết mối tình thân
Tuổi thơ của ông Huỳnh đã trải qua hầu hết trong chiến tranh. Lúc lên 12 tuổi, có lần ông đã phải rúc vô ruộng lúa để tránh đạn rơi từ chiếc máy bay đang bay ngang trên đầu. Năm 13 tuổi, ông đã từng chứng kiến tay chân của những người hàng xóm văng tứ tung vì bom nổ trúng ngay nhà họ.
“Khi người ta chết đi, người còn sống không còn nghĩ nhiều về người đã mất.” Ông Huỳnh nói. “Cuộc sống không còn một tí giá trị nào. Ngay cả lúc còn sống mà không có đủ cái ăn. Có người còn nghĩ rằng cái sống và cái chết chẳng khác gì nhau.”
Ông Huỳnh đã tự biện hộ cho sự bỏ đi của mình ra khỏi nơi mà đời sống con người đã bị xem thường, và chẳng bao giờ nghĩ lại.
“Ăn cây nào, rào cây ấy,” ông Huỳnh nói.
Ông Huỳnh và những người trong cộng đồng Việt NamYork đã tìm mọi cách để kết mối thân tình. Họ ăn thức ăn Việt Nam chung với nhau trong hội trường nhà thờ và làm lễ bằng tiếng Việt.
Tuy nhiên cái thế hệ đi trước biết điều này sẽ không tồn tại mãi. Trong nhà thờ đã có lễ riêng cho con nít và lớp người trẻ bằng tiếng Anh.
“Trong 20 năm nữa, sẽ không còn ai ở đây nói tiếng Việt.” Yên Vũ, mục sư của nhà thờ Vietnamese Alliance nói. “Chúng tôi sẽ chết đi, và mọi người ở đây sẽ nói tiếng Anh.”
Tháng Mười vừa qua, ông Huỳnh đã vận động một cuộc lạc quyên ở nhà thờ để giúp cho các nạn nhân bão lụt ở Việt Nam. Ông và vợ mất cả ngày chuẩn bị thức ăn. Họ bán chả giò chấm với nước mắm, và đậu hủ với thịt heo hấp trong lá chuối.
Nhưng đám trẻ trong hội đoàn chỉ thích mua một dĩa chả giò của chính tay gia đình ông Huỳnh làm ra. Món ấy được dồn với thịt bò bíp-tết và phô-ma.
“Nhưng đó là cái mà tụi con nít nó thích,” Ông Huỳnh nhún vai trả lời.

Ngày Lễ hội Văn hóa
Hôm đó là ngày 14 tháng 2 rồi, nhằm ngày Tết Việt Nam.
Năm nay là năm con Cọp, một năm tốt lành để sinh con trai lớn lên khỏe mạnh. Người ta nói con gái sinh năm Dần sẽ khó tìm được chồng.
Là người Tin Lành, thành viên của nhà thờ Vietnamese Alliance không tin vào những điều thần linh kỳ bí trong ngày âm lịch của dân Á châu. Do đó họ chỉ giữ lại cái phong tục ăn mừng theo truyền thống văn hóa.
Ngày ấy diễn ra hơi giống như ngày lễ Phục Sinh trong cách trang hoàng và ăn uống tiệc tùng. Các bà và các cô bận áo dài và đứng chụp hình. Bàn thờ được trang hoàng rực rỡ. Nhà thờ giăng các biểu ngữ tiếng Việt với câu “Chúc Mừng Năm Mới.”
Huỳnh tham dự hết buổi lễ và sau đó ăn các món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên Đán với các gia đình trong cộng đoàn. Dẫu thế, Tết Nguyên Đán vẫn đang còn tiếp tục sau đó.
Ở quê nhà, con cháu thường hay đi thăm ông bà trong ngày mồng một của Tết Nguyên Đán. Ở Mỹ năm nay Tết Nguyên Đán lại trùng vào ngày Lễ Tình Nhân, một ngày bận rộn cho anh Lee, ông chủ tiệm Phở Bistro, một tiệm ăn nằm trên đường East Market ở York.
“Ba tôi biết tôi sẽ đến trễ, và ông cũng thông cảm.” Lee kể lại. “Nhưng tôi biết rằng tôi phải đến đó dù trễ cách mấy đi nữa.”

Khoảng 11 giờ tối, anh Lee đóng cửa nhà hàng và hy vọng đến được nhà cha của anh trước 12 giờ đêm. Anh ta gom hai đứa con lên xe và chạy như bay trong vòng nửa tiếng.
Mấy đứa nhỏ chạy tới ôm chầm lấy ông nội. Tụi nhóc cúi đầu chúc ông dồi dào sức khỏe và trường thọ trong năm mới này. Rồi sau đó cả nhà quây quần trong gian phòng chính của gia đình để xem truyền hình phát qua vệ tinh, chương trình đón mừng Xuân tổ chức ở Little Saigon là thành phố lân cận với San JoseCalifornia.
Ông Huỳnh ngồi trên ghế. Anh con trai Lee ngồi bên ghế đi-văng đối diện với ông Huỳnh, hai đứa con gái ngồi 2 bên. Chúng nó thi nhau túm tóc và kéo vai cha nó.
Ông nhìn hình ảnh yêu thương của con trai ông với các cháu mà lấy làm mãn nguyện với ngày đầu Xuân.

Sự Hòa Bình
Câu chuyện của ông Huỳnh có thể mang đến sự khâm phục trong hầu hết các cộng đồng, và ông cũng ít khi kể lể chuyện ấy, trừ việc kể về những nỗi khó khăn đã dẫn dắt ông đến với cộng đồng đạo Tin Lành.
Trong cái cộng đồng Việt Nam bé nhỏ nhưng đang lớn mạnh ở Quận York, mọi người tôn trọng ông Huỳnh. Nếu ai không đủ tiền mướn luật sư, ông giúp họ điền đơn xin nhập cư. Ông giúp làm hồ sơ thuế nếu gia đình đó bị trục trặc tiếng Anh.
“Ông ta là người anh cần tìm nếu muốn hỏi điều gì.” Bảo Nguyễn, một người bạn và là một giáo dân của nhà thờ ông Huỳnh nói thế.
Giờ đây đã nghỉ hưu, ông Huỳnh sống trong căn nhà chia tầng ở Springettsbury Township. Ba trai và hai gái của ông lo điều khiển vấn đề kinh doanh. Và một anh con trai của ông có bằng cao học về ngành kỹ sư.
“Cuộc đời của tôi lúc lên voi lúc xuống chó.” Ông ta kể. “Tôi bây giờ lấy làm hạnh phúc.”

Về nội dung câu chuyện
Câu chuyện này được viết lại dựa trên cuộc phỏng vấn với ông Huỳnh Dương, vợ ông bà Thước và con trai ông, anh Lee. Những cuộc phỏng vấn với ba người này và nhiều người khác, trong đó có cả Bảo Nguyễn và Yên Vũ đã mang đến cái nhìn về người dân Việt Nam ở địa phương và ý nghĩa lịch sử về đời sống ở Việt Nam trong chiến tranh và sau ngày Sài gòn thất thủ.

© DCVOnline

Nguồn:

(1) Communists imprisoned him in Vietnam; now in York, his family flourishes. Daily Record/Sunday News, 26 April 2010

.

.

.

Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 1)

Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 2)

Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần 3)

Loạt bài phỏng vấn của sinh viên Đại học Berkeley (phần cuối)

.

.

.

No comments: