Thursday, April 29, 2010

GIÁO SƯ/PHÓ GIÁO SƯ VIỆT NAM : HỌ LÀ AI ?

Giáo sư/Phó giáo sư Việt Nam: Họ là ai?

Lê Dương Hà

Thứ Năm, 29/04/2010

http://danluan.org/node/4834

Giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS) là chức danh khoa học cao nhất của nhà giáo. Tuyệt đại đa số các GS/PGS được nhà nước phong tặng trước đây đều xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có những GS/PGS xuất chúng, họ thực sự là con chim đầu đàn dẫn dắt và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong mấy chục năm qua.

Trong thời kỳ hội nhập, chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, nghị định, hướng dẫn như nghị định 20, quyết định 174/2008/QĐ-TTg ... nhằm nâng cao chất lượng các đợt xét công nhận GS/PGS tiến đến phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo các văn bản này, ngoài các tiêu chuẩn chung như thâm niên giảng dạy, hướng dẫn luận văn sau đại học... vấn đề then chốt và quan trọng nhất để trở thành GS/PGS là các ứng viên phải đạt các tiêu chuẩn về số điểm công trình tính từ các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí có uy tín.

Để đủ điểm công trình xét chức danh GS/PGS theo qui định, người làm khoa học phải có năng lực thực sự với một tinh thần làm việc nghiêm túc. Đây là lĩnh vực không có chỗ cho những người bất tài hoặc lười nhác. Vậy tại sao vẫn có người không làm khoa học, hoặc năng lực chuyên môn kém... nhưng vẫn có tên trong danh sách những GS/PGS được tôn vinh ở Văn Miếu ngày 20/11/2009 vừa qua? Họ là ai và vì sao họ có đủ tiêu chuẩn xét chức danh cao quí này? Trong bài viết này xin kể ra đây một số “công nghệ GS/PGS” và “chân dung” một số GS/PGS đang tồn tại ở Việt Nam trong 5 năm trở lại đây.

.

1. Công nghệ “góp gạo thổi cơm chung” cùng lên GS/PGS

Tôi có học trò cũ hiện làm trưởng phòng của một viện nghiên cứu. Anh là nhà khoa học thực sự, đứng tên rất nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí Quốc tế. Nhưng khi đạt được PGS rồi thì mấy năm liền không thấy tên anh trên các tạp chí nữa. Anh hồn nhiên chia sẻ : ”Trước khi được phong PGS, em và các nghiên cứu viên cùng tham gia đề tài trọng điểm cấp nhà nước, cùng viết bài báo khoa học, nhưng chỉ em đứng tên bài báo đó. Bây giờ em được PGS rồi, tiếp theo là anh phó phòng... sau đó là các anh em trẻ khác đứng tên các bài báo khoa học. Ai năng lực kém không có khả năng nghiên cứu, nhưng muốn giữ biên chế ở viện và lên PGS thì Viện tạo điều kiện cho làm kinh tế, làm công việc kinh doanh bên ngoài kiếm tiền nộp cho những người làm nghiên cứu khoa học thực sự. Vấn đề quan trọng nhất là anh em trong cơ quan phải đoàn kết, thì ai cũng đến lượt lên PGS thôi!"

.

2. Công nghệ “tìm điểm tựa của Acsimet” để lên PGS

“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng Trái Đất lên!", đó là câu nói của Acsimet, nhà cơ học thiên tài của thời cổ đại đã khám phá ra các định luật về đòn bẩy. Ông còn nói thêm rằng “giá mà có một Trái Đât khác nữa, tôi sẽ sang Trái Đất đó và đẩy bật Trái Đất của chúng ta đi chỗ khác”. Trong công nghệ GS/PGS, điểm tựa đó chính là một chức vụ cao, quan trọng liên quan đến các vấn đề quản lý khoa học. Một ứng viên đang phấn đấu PGS đã thốt lên rằng “hãy cho tôi làm hiệu trưởng trường đại học này, tôi sẽ trở thành giáo sư”. Trong thực tế chỉ cần một chức vụ như trưởng khoa, trưởng phòng khoa học... cũng là điểm tựa làm PGS một cách dễ dàng. Khi duyệt cấp kinh phí (tiền) cho các đề tài, một số quan chức “đam mê khoa học” sẵn sàng từ chối nhận tiền “lại quả“ từ đề tài, thay vào đó lại muốn cấp dưới để tên mình khi công bố các bài báo khoa học. Càng duyệt nhiều đề tài, thì quan chức đó càng có nhiều điểm bài báo khoa học. Có vị đứng đầu một trường đại học công nghệ, duyệt cho mỗi đề tài mũi nhọn rất nhiều tiền chỉ để cuối năm sản phẩm là các bài báo đăng trên tạp chí khoa học Quốc tế có tên mình. Điều này giải thích vì sao một số giảng viên khi giảng dạy ở trường đại học, hoặc nghiên cứu viên ở viện không có nổi bài báo khoa học, nhưng khi có chức quyền, mặc dù bận tối ngày với các công việc sự vụ của trường, nhưng chỉ vài năm đã thừa điểm công trình, vượt xa tiêu chuẩn giáo sư.

.

3. Công nghệ dùng tiền làm khoa học đạt GS/PGS

Tên tội phạm Năm Cam đã từng tuyên bố:”cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Câu nói này không phải chân lý nhưng nó đúng trong công nghệ làm GS/PGS hiện nay. Hãy nghe 2 câu chuyện sau đây

Câu chuyện thứ nhất: ở lại làm luận án Tiến sĩ với tôi

Một người bạn tôi kể: “tôi làm nghiên cứu sinh thời kỳ Liên Xô sụp đổ, đời sống của các giáo sư Nga rất khó khăn. Tôi không có học bổng, nên vừa nghiên cứu khoa học, vừa chạy chợ để có tiền nuôi sống bản thân và gửi biếu giúp giáo sư hướng dẫn. Sau một thời gian, mối quan hệ thầy trò đã trở nên thân thiết, tôi toàn tâm làm kinh tế kiếm tiền, thầy chuyên tâm làm khoa học, viết bài báo đứng tên tôi. Ngày tôi bảo vệ luận án Tiến sĩ chuẩn bị về nước, vị giáo sư Nga buồn bã nói với tôi: ”Em đừng về Việt Nam nữa, em về bây giờ thì gia đình tôi đói. Hãy ở lại nghiên cứu tiếp Tiến sĩ khoa học và đi làm thêm để có tiền giúp tôi vượt qua khó khăn trong thời kỳ hậu Xô Viết này... Danh sách các bài báo khoa học trong hồ sơ xét PGS của tôi là do giáo sư Nga viết hộ trước đây. Để hoàn tất hồ sơ, đầu năm vừa rồi (2009) tôi viết thư sang nhờ Thầy viết hộ thêm mấy bài để đủ điểm bài báo ở 3 năm cuối”.

Câu chuyện thứ hai: “Đi ô tô trồng sắn“

Thời kỳ bao cấp, cán bộ khoa học cũng phải lao động tự túc lương thực. Một số viện nghiên cứu có thế lực, liên hệ mượn được ô tô cơ quan chở cán bộ đi lên đồi trồng sắn. Đồng chí Tố Hữu khi đó là Phó thủ tưởng, trong một lần đi cơ sở, cầm củ sắn lên và nói: ”sắn hôi mùi xăng quá”. Mọi người quá đỗi ngạc nhiên, còn Đồng chí Tố Hữu giải thích: ”Tiền bán sắn trồng được không bằng tiền xăng đưa cán bộ đi trồng sắn”. Đến lúc này mọi người mới hiểu cách chơi chữ rất thâm thúy của Đồng chí Tố Hữu.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, các công trình khoa học tầm cỡ chỉ có thể thực hiện với các phương tiện nghiên cứu hiện đại và đồng bộ. Phòng thí nghiệm trọng điểm tương đương triệu USD, nhưng không phải viện nghiên cứu nào, trường đại học nào cũng được đầu tư phòng thí nghiệp trọng điểm. Khi có phòng thí nghiệm trọng điểm, muốn có bài báo Quốc tế phải đầu tư thêm hàng nghìn USD. Tổng kết cuối năm, các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế được mang ra trưng bày, một nhà khoa học lão thành (trước đây đã từng đi ô tô trồng sắn) cầm quyển tạp chí lên và nói: ”bài báo khoa học này hôi mùi USD quá”.

4. Tâm tình của các GS/PGS theo công nghệ mới và thân phận của các giảng viên thường trong cuộc sống mưu sinh

Trước đây rất ít người nghĩ ra những “chiêu công nghệ GS/PGS” kể trên. Còn bây giờ theo công nghệ GS/PGS, các đối tượng trở thành GS/PGS hết sức đa dạng và phong phú. Ngoài những người giỏi thực sự như Bùi Thế Duy, Võ Văn Hoàng... còn có cả các quan chức, người nắm giữ tiền quản lý khoa học, người có quan hệ tốt, người có may mắn làm ở các phòng thí nghiệm trọng điểm... Sau ngày tôn vinh các GS/PGS ở Văn Miếu – Quốc tử giám 20/11/2009 vừa qua, tôi có dịp được các GS/PGS mời đi ăn mừng ở nhà hàng sang trọng của Hà Nội. “Rượu vào lời ra”, một tân PGS trong trạng thái “phê phê” hát vang “Anh GS, tôi GS, tất cả chúng ta là GS. là lá la, là lá la...” làm náo loạn cả góc phố. Một PGS khác tâm sự :”Tôi sinh ra trong một gia đình mà ba đời là giảng viên đại học, Ông nội và bố tôi đều là Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về, nhưng chỉ đến đời tôi mới được phong PGS nhờ “công nghệ GS/PGS”. Ông tôi mừng quá, vuốt râu bảo tôi: ”con hơn cha là nhà có phúc”!

Tình trạng bùng nổ các trường đại học, số sinh viên tăng vọt, các giảng viên không có chức vụ, muốn có tiền mưu sinh trong thời buổi giá cả tăng vọt, phải dạy tối ngày, về đến nhà là kiệt sức lấy đâu sức khỏe và thời gian để nghiên cứu khoa học. Đối với đối tượng này, các bài báo khoa học là xa xỉ, và chức danh GS/PGS đối với họ hết sức xa vời và cuộc đời của họ không bao giờ được cái may mắn “con hơn cha là nhà có phúc”.

.

5. Công nghệ GS/PGS có tồn tại vĩnh cửu !

Theo văn bản pháp quy về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS xuất bản tháng 7/2009 của Hội đồng chức danh GSNN, Việt Nam đang tồn tại 02 loại: GS/PGS suốt đời và GS/PGS có thời hạn.

- Tại khỏan 3 điều 1 chương 1 trang 9, quyết đinh 174/2008/QĐ-TTg ghi “Các GS/PGS đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong, công nhận hoăc bổ nhiệm trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục giữ chức danh GS/PGS”. Nghĩa là GS/PGS xét trước 2007 không phải xin bổ nhiệm, cũng chẳng ai giao nhiệm vụ, nên dù họ không còn nghiên cứu khoa học nữa thì chức danh GS/PGS vẫn theo họ suốt đời.

- Tại điều 16 mục 2 chương 3 trang 19, quyết đinh 174/2008/QĐ-TTg ghi “đối tượng được bổ nhiệm chức danh GS/PGS : nhà giáo đã được được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS không quá 2 năm”. Tại điều 17 trang 20 ghi “định kỳ 3 năm 1 lần, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tiến hành rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các GS/PGS để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp theo.” Như vậy GS/PGS sau 2009 cũng giống như văn bằng tốt nghiệp. Người có văn bằng này vẫn phải đi xin việc (xin bổ nhiệm). Nếu sau 2 năm không có nơi bổ nhiệm thì văn bằng sẽ không có hiệu lực. Đây là một nét hết sức “độc đáo” của Việt Nam, không giống với bất cứ nước nào trên hành tinh này.

Do đó muốn chức danh GS/PGS có giá trị lâu dài, các GS/PGS sau năm 2009 phải “chạy bổ nhiệm” và tiếp tục “chạy” công trình bài báo. “Cuộc chiến” này sẽ không có hồi kết thúc và công nghệ GS/PGS vì thế vẫn còn đất sống cho cả những tân GS/PGS và các ứng viên muốn đạt PGS những năm tiếp sau.

.

6. Nhận biết công nghệ GS/PGS

Khi thi đại học, thí sinh phải có giấy báo thi dán ảnh mới được vào phòng thi, do đó rất khó đưa người thi hộ. Còn khi nộp bài báo khoa học, ban biên tập không bao giờ kiểm tra chính xác được tác giả bài viết là ai. Đây là cơ hội để người làm khoa học thực sự, trực tiếp viết bài báo nhưng người khác lại đứng tên mà không ai có thể phát hiện được.

Có thể áp dụng biện pháp phòng chống tham nhũng để nhận biết GS/PGS công nghệ. Ví dụ, quan chức thứ trưởng lương một tháng 8 triệu, tổng cộng một năm thu nhập trên trăm triệu, công tác 20 năm liên tục không tiêu pha gì sẽ tiết kiệm khoảng 2 tỷ. Nhưng nếu ai lên thứ trưởng vài năm mà có trong tay chục tỷ thì sẽ bị nghi ngờ là có tham nhũng. Tương tự, xem lịch tuần, lịch tháng của quan chức làm công tác quản lý, của các hiệu trưởng đại học... với mật độ các cuộc họp dày đặc, các hội nghị phủ kín... đến nỗi có vị hơn 10 năm không có ngày phép, thế nhưng hàng năm quan chức này vẫn đứng tên trên nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín thì chắc chắn là có vấn đề cần xem xét.

.

7. Bát nháo việc bổ nhiệm GS/PGS

Nếu Bộ giáo dục, Hội đồng chính sách khoa học công nghệ Quốc gia... làm một cuộc thanh tra toàn diện, chắc chắn sẽ phát hiện thêm nhiều loại "công nghệ GS/PGS" độc chiêu hơn những "công nghệ" mà bài viết đã nêu. Việc xét công nhận chức danh GS/PGS đã nhiều chuyện, nay việc bổ nhiệm còn phức tạp hơn. Bắt đầu từ năm 2009, tất cả những ai được công nhận đạt chuẩn GS/PGS nhưng vẫn phải chờ sự bổ nhiệm của một trường đại học nào đó có nhu cầu thì khi đó mới chính thức trở thành GS/PGS. Đây là lần đầu tiên xét bổ nhiệm GS/PGS nên chưa hình thành “công nghệ bổ nhiệm” nhưng nhiều rắc rối đã xảy ra.

- Cùng một đất nước Việt Nam đang tồn tại hai loại GS/PGS. Loại GS/PGS theo nghị định 20 không có nhiệm vụ mới là loại GS/PGS suốt đời. Còn GS/PGS theo quyết định 174 thì sau khi được bổ nhiệm, hiệu trưởng giao nhiệm vụ mới và “bị” kiểm tra đánh giá sau 3 năm một lần.

- Một số dự định sau khi được bổ nhiệm GS/PGS sẽ xin chuyển về các thành phố lớn. Từ đó hình thành một loại GS/PGS được bổ nhiệm một nơi nhưng lại giảng dạy một nơi. Để hợp thức hóa, các GS/PGS mỗi khi chuyển công tác lại xin bổ nhiệm lại. Nó giống như hình thức chuyển nhượng cầu thủ của các câu lạc bộ bóng đá hay các đảng viên chuyển công tác phải chuyển sinh hoạt đảng.

- Người trực tiếp giảng dạy lại không được đề nghị bổ nhiệm, những quan chức không tham gia giảng dạy lại được đề nghị bổ nhiệm! GS/PGS là chức danh khoa học cao quí dành cho những người trực tiếp giảng dạy đại học. Như vậy có nhất thiết phải bổ nhiệm GS/PGS cho các đối tượng là thứ trưởng, vụ trưởng, hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa không? Nếu bổ nhiệm thì ai giao nhiệm vụ cho họ, nếu chính họ tự giao nhiệm vụ sẽ hình thành loại GS/PGS “vừa đá bóng vừa thổi còi” v.v và v.v...

Vẫn biết rằng số GS/PGS theo “công nghệ” chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn tận gốc, để “công nghệ” này tồn tại mãi sẽ sinh ra nhiều sâu quá thì không ai dám ăn nồi canh GS/PGS đó nữa. Để vô hiệu hóa các “công nghệ GS/PGS”, rất cần có sự vào cuộc của chính phủ, các cơ quan chức năng và giới khoa học nước nhà.

.

.

.

No comments: