Suy
nghĩ về tên gọi các tỉnh mới: Làm sao để toàn dân có một niềm tin vui trọn vẹn
Nguyễn Đức Thành
13/04/2025
Như
vậy là Trung ương đã thống nhất sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 34
đơn vị, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải
Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, trong đó ngoài Hà Nội và Huế giữ nguyên,
bốn thành phố đều được sáp nhập thêm ít nhất một tỉnh cũ, như TP.HCM là hai).
Trong
số 28 tỉnh sau kế hoạch sáp nhập, có 9 tỉnh không thay đổi so với trước đây
(Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ
An, Hà Tĩnh – tất cả đều nằm ở phía Bắc Đèo Ngang). Còn lại 19 tỉnh + 4 thành
phố trực thuộc trung ương đều được hình thành mới nhờ sáp nhập ít nhất hai tỉnh
với nhau.
Bài
viết này chỉ bàn riêng về việc đặt tên mới cho 19+4=23 đơn vị hành chính cấp tỉnh
mới này.
Theo
quan sát, dường như cách đặt tên tỉnh mới được thực hiện tương đối đơn giản, đó
là giữ tên một tỉnh cũ để đặt tên cho tỉnh mới, còn một hoặc nhiều hơn các tỉnh
còn lại khi bị sáp nhập, sẽ bỏ luôn tên. Ví dụ: Hòa Bình – Phú Thọ – Vĩnh Phúc
sáp nhập thành một tỉnh gọi tên là Phú Thọ; Hưng Yên – Thái Bình sáp nhập thành
một tỉnh gọi tên là Hưng Yên; Bắc Ninh – Bắc Giang sáp nhập thành một tỉnh gọi
tên là Bắc Ninh v.v…
Lý
do được nhiều người cho rằng, cách làm này tiết kiệm được ít nhất một tỉnh người
dân ở đó không phải thay đổi nhiều về giấy tờ hành chính, chỉ những người dân ở
tỉnh bị mất tên mới phải thay đổi thôi. Như thế sẽ tiết kiệm được một lượng lớn
giấy tờ hành chính phải làm lại do đổi tên. Nói cách khác, chỉ có 63-34=29 tỉnh
(sẽ bị bỏ tên) thì người dân trong đó phải thay đổi giấy tờ hành chính mà thôi,
còn người dân ở 34 tỉnh thành cũ (giữ nguyên tên) thì không phải thay đổi giấy
tờ hành chính (giả định là có thể làm vậy).
Tôi
nói là giả định có thể làm vậy, vì tôi xem trên căn cước của tôi (mới làm cuối
năm 2024, tức là theo mẫu mới nhất), thì địa chỉ ở phía sau vẫn ghi tên phường
và quận cũ. Đây là hai thông số sẽ thay đổi trên toàn quốc (không còn quận, và
phường có lẽ cũng sẽ đổi tên). Thế cho nên, không biết là căn cước này có phải
làm lại không. Hay thông số sẽ được thay đổi trong dữ liệu quốc gia, còn những
gì đang in trên căn cước tạm cứ để đó, mà căn cước thì vẫn được chấp nhận. Nếu
như vậy thì mới thực sự tiết kiệm được việc làm lại căn cước. Còn lại người dân
trong 29 tỉnh bị xóa tên thì chắc chắn sẽ phải đi làm lại căn cước.
Một
lý do khác trong việc chọn đặt tên tỉnh mới sau sáp nhập theo phương thức hiện
nay, có lẽ là vì như thế đỡ phải nghĩ ra một cái tên mới.
Tóm
lại, cách đặt tên các tỉnh sau sáp nhập như hiện nay là vì nó THUẬN TIỆN, vừa về
chi phí hành chính, vừa về việc tư duy, không cần nghĩ thêm cái gì mới.
Ở đây đặt
ra hai vấn đề.
VẤN
ĐỀ THỨ NHẤT:
Giả
sử việc THUẬN TIỆN là lý do biện minh khả thi và đầy đủ cho cách đặt tên như hiện
nay, thì cần phải có NGUYÊN TẮC khi đặt tên. Tức là, khi các tỉnh sáp nhập lại
với nhau, tỉnh nào được giữ lại tên để đặt cho tỉnh mới, phải có MỘT NGUYÊN TẮC
trên toàn quốc. Nói cách khác, phải có một hoặc một bộ tiêu chí nhất quán áp dụng
trên toàn quốc.
Nguyên
tắc thì không có gì là khó cả. Ví dụ, trong 2 hoặc 3 tỉnh sáp nhập thành tỉnh mới,
tỉnh nào có số dân đông nhất, thì được giữ lại tên cho tỉnh mới sau sáp nhập.
Hoặc, tiêu chí có thể không phải là dân số, thì là diện tích. Hoặc có thể là một
tiêu chí khác. Thậm chí có thể là một hàm số nào đó, dựa trên các dữ kiện và số
liệu lịch sử. Có thể nghĩ ra bất cứ NGUYÊN TẮC nào. Nhưng khi nguyên tắc đó đã
tồn tại, thì nó cần được áp dụng một cách đồng loạt, thống nhất cho tất cả các
tỉnh – thành được sáp nhập.
Cá
nhân tôi gợi ý, một tiêu chí đơn giản và hiệu quả, đó là DÂN SỐ. Bởi vì điều
này vừa dễ xác định, đã có sẵn (đáp ứng tiêu chuẩn “tiện lợi”), đồng thời, làm
như vậy thì một số lượng dân chúng lớn hơn không phải làm lại giấy tờ hành
chính. Điều này thống nhất với quan điểm TIỆN LỢI được đưa ra để biện minh cho
phương pháp đặt tên này.
VẤN
ĐỀ THỨ HAI:
Có
thật là giả thuyết về sự THUẬN TIỆN như phân tích ở trên là tối ưu trong bối cảnh
cụ thể hiện nay hay không? Nói cách khác, những thay đổi sắp diễn ra trong việc
sáp nhập tỉnh, thành và hình thành một nước Việt Nam mới, là một sự kiện trọng
đại, rất lâu mới diễn ra một lần. Và nếu những thay đổi này là đúng đắn, là hợp
lý về sự phát triển của đất nước, là phù hợp với nhu cầu thời đại của dân tộc,
thì nó sẽ có tính bền vững cao, có thể qua nhiều thế hệ, thậm chí một thế kỷ hoặc
hơn.
Với
một thay đổi to lớn và có ý nghĩa lâu dài như thế, tiêu chí THUẬN LỢI (về tiết
kiệm chi phí thay đổi giấy tờ hành chính và công sức tư duy để đặt ra những cái
tên mới), có phải là một tiêu chí quan trọng đến vậy hay không? Hay là còn những
tiêu chí mang tính di sản văn hóa – lịch sử, tình cảm tập thể, ký ức tập thể, bản
sắc – tự hào cá nhân và truyền thống, định danh địa lý (cho những sản phẩm cổ
truyền, tập tục dân gian)… liên quan đến hàng chục triệu con người đang sống và
sẽ sống?
Bởi
vì, chúng ta có thể thấy khi một tỉnh có cái tên hoàn toàn bị biến mất sau khi
sáp nhập tỉnh, đồng thời được gọi tên theo một tỉnh khác, với cái tên vẫn tiếp
tục tồn tại, thì sẽ gây ra rất nhiều hiệu ứng tâm lý – xã hội (nói chung là vô
hình, mang tính tinh thần và văn hóa) đối với người dân của tỉnh bị mất tên,
cũng như cả những người dân khác.
Điều
này liên quan đến các vấn đề như ký ức tập thể, niềm tự hào mang tính biểu tượng
và cả bản sắc địa phương (cái tạo ra sức mạng mang tính biểu tượng, tinh thần
và tình cảm rất quan trọng cho các cá nhân, hàng chục triệu cá nhân). Nếu có thể
quy đổi những mất mát này ra chi phí – nếu có thể làm được điều đó (mà tôi e là
rất khó), thì tôi cho rằng đó sẽ là một chi phí khổng lồ, ảnh hưởng dài hạn, mà
khoản chi phí tiết kiệm được từ hai khoản nêu trong lý do TIỆN LỢI trên kia
không thể so sánh được.
Vì
thế, đối với tôi, Vấn Đề Thứ Hai này là một vấn đề rất quan trọng. Tức là, nên
chăng chúng ta cần tìm một giải pháp cho việc đặt tên tỉnh mới sáp nhập một
cách hợp tình hợp lý, có yếu tố tinh thần cao, yếu tố văn hóa – lịch sử sáng suốt,
tính nhân văn và dân chủ sâu sắc. Nếu làm theo hướng này, những nhà lãnh đạo chủ
trương cuộc cải cách hành chính vĩ đại này, sẽ tạo ra một cơ hội hiếm hoi và to
lớn, lôi cuốn người dân cả nước vào công cuộc cải cách của mình một cách sôi nổi,
có tình người, có nhân văn, được khâm phục và quý mến.
Đó
thực ra không phải một phát minh hay sáng kiến vĩ đại gì, mà chỉ là lặp lại
cách làm truyền thống của cha ông thời Lý – Trần hào hùng và rực rỡ, là tiếp nối
bản sắc Việt Nam dung nạp và nhân bản.
No comments:
Post a Comment