Sunday, April 6, 2025

BÀI TOÁN KHÓ ĐỂ "NGÀY GIẢI PHÓNG" CỦA TRUMP KHÔNG TRỞ THÀNH "NGÀY LỤN BẠI" (Thụy My / RFI)

 



Bài toán khó để « Ngày giải phóng » của Trump không trở thành « Ngày lụn bại »

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 06/04/2025 - 00:48  -  Sửa đổi ngày: 06/04/2025 - 00:49

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20250405-b%C3%A0i-to%C3%A1n-kh%C3%B3-%C4%91%E1%BB%83-ng%C3%A0y-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%B3ng-c%E1%BB%A7a-trump-kh%C3%B4ng-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-ng%C3%A0y-l%E1%BB%A5n-b%E1%BA%A1i

 

 Donald Trump áp đặt thuế quan lên nhiều nước trên thế giới, thủ lãnh đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen bị kết án biển thủ công quỹ và mất quyền tranh cử là hai sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần.

 

HÌNH :

Một nhà máy của Samsung Electronics ở Bắc Ninh, ngày 03/04/2025. Việt Nam bị tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế lên đến 46 %. REUTERS - Stringer

 

Le Nouvel Obs nói về « Sai lầm của Marine Le Pen » và việc mất quyền tham chính. Cũng đăng ảnh thủ lãnh cực hữu trên trang bìa, Le Point chạy tít ngắn gọn « Vụ Le Pen ». L’Express dự báo về « Cuộc khủng hoảng sắp tới », Courrier International dành hồ sơ cho vấn nạn « Lừa đảo trên mạng : Mafia toàn cầu ». The Economist gọi « Ngày Giải phóng » của Donald Trump là « Ngày phá sản : Làm thế nào hạn chế thiệt hại toàn cầu », với hình vẽ tổng thống Mỹ đang cầm chiếc cưa để cưa xẻ các biên giới Hoa Kỳ được vẽ trên mặt đất, nhằm cô lập với thế giới bên ngoài. 

 

 

Ngược về thế kỷ 19, Trump phá hoại sự thịnh vượng của nước Mỹ

 

The Economist mỉa mai, nếu bạn không cho rằng nước Mỹ bị các nước xa gần « cướp bóc, tước đoạt », bị chối từ tàn nhẫn « quyền được thịnh vượng » thì xin hoan nghênh : bạn hiểu rõ thực tế hơn là tổng thống Hoa Kỳ. Khó biết được việc gì đáng lo hơn : nhà lãnh đạo thế giới tự do có thể nói những lời vô nghĩa về nền kinh tế rực rỡ được ngưỡng mộ của mình, hay sự phá vỡ chính sách thương mại Mỹ từ hơn một thế kỷ qua ?

 

Donald Trump đã phạm sai lầm kinh tế sâu sắc, có hại và phi lý nhất trong thời hiện đại. Thuế « đối ứng » áp đặt cho hầu như toàn bộ các đối tác thương mại, như Liên Hiệp Châu Âu 20 %, Việt Nam 46 %, Trung Quốc tổng cộng 65 %...nói chung tăng vọt so với thời kỳ Đại suy thoái thế kỷ 19. Ông Trump coi ngày 02/04 là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Cũng khá đúng : « Ngày Giải phóng » của ông cho thấy Hoa Kỳ hoàn toàn từ bỏ trật tự thương mại thế giới, áp dụng chủ nghĩa bảo hộ. Vấn đề đối với các nước đang choáng váng vì hành động phá hoại vô nghĩa của Trump, là làm thế nào hạn chế thiệt hại.

 

Hầu như mọi điều Trump nói trong tuần này về lịch sử, kinh tế và phương diện kỹ thuật của thương mại, đều sai lạc ; ông có cách nhìn đảo ngược về lịch sử. Lâu nay Donald Trump vẫn ca ngợi thời kỳ thuế quan cao và thuế thu nhập thấp vào cuối thế kỷ 19, trong khi thuế hải quan đã cản trở kinh tế. Giờ đây ông nói thêm là việc dỡ bỏ thuế quan đã gây ra Đại suy thoái, tuy thực tế là thuế quan khiến Đại suy thoái càng tồi tệ hơn, cũng như đang làm hại các nền kinh tế thế giới hiện nay. Chính các vòng đàm phán gay gắt 80 năm sau đó giúp hạ thấp mức thuế, đóng góp vào sự thịnh vượng.

 

 

Đáp trả hay đàm phán ? Thế giới sẽ phải quyết định  

 

Về kinh tế, tổng thống Mỹ cho rằng thuế quan là cần thiết để thu hẹp thâm hụt thương mại. Nhưng nhà kinh tế nào cũng biết thâm hụt là do người Mỹ tiết kiệm ít hơn đầu tư, và điều này không ngăn cản kinh tế Mỹ vượt xa các nước G7 khác trong suốt hơn ba thập niên. Khăng khăng đòi cân bằng thương mại với từng đối tác riêng lẻ là vô nghĩa, giống như Texas đòi 49 bang khác phải mua bán thăng bằng với mình, hay một công ty yêu cầu nhà cung cấp phải đồng thời là khách hàng.

 

Và sự hiểu biết của Trump về các vấn đề kỹ thuật thật thảm hại. Dường như tỉ lệ áp thuế chỉ đơn giản là chia đôi số thâm hụt thương mại song phương của từng nước với Hoa Kỳ. Những điều xuẩn ngốc này sẽ gây tác hại cho nước Mỹ. Người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn và có ít lựa chọn hơn. Thị trường chứng khoán lao dốc, cổ phiếu của Nike - công ty có nhà máy tại Việt Nam bị áp thuế 46 % - đã giảm mất 7 %. Ông Trump có nghĩ rằng sẽ tốt đẹp hơn nếu người Mỹ tự may giày thể thao hay không ? Phần còn lại của thế giới cùng gánh chịu thảm họa, và phải quyết định sẽ làm gì.

 

The Economist khuyên các chính khách nên thận trọng, trả đũa qua lại có nguy cơ dẫn đến suy thoái như trong thập niên 30. Các chính phủ nên tập trung tăng cường thương mại với nhau, nhất là dịch vụ. Với thị phần nhập khẩu rốt cuộc chỉ còn 15 %, Hoa Kỳ sẽ không còn thống trị thương mại thế giới theo cách đang ngự trị trên tài chánh toàn cầu hoặc chi tiêu quân sự.

 

Theo tính toán của Global Trade Alert, ngay cả khi Mỹ ngừng toàn bộ nhập khẩu, 100 đối tác thương mại của Mỹ cũng sẽ khôi phục được lượng xuất khẩu bị mất trong vòng 5 năm. EU, 12 thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hàn Quốc và các nền kinh tế mở nhỏ hơn như Na Uy chiếm 34 % nhu cầu nhập khẩu toàn cầu. Đành rằng sẽ phải kiên nhẫn, vì hội nhập luôn là như vậy, việc dựng lên các rào cản thì nhanh chóng, dễ dàng hơn. Không thể tránh được sự thiệt hại do Trump gây ra, nhưng không có nghĩa là sự điên rồ của ông ta sẽ chiến thắng.

 

 

Việt Nam bị áp thuế nặng nề

 

Le Monde cuối tuần coi việc Mỹ áp thuế là một đòn sấm sét cho 10 quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam, Thái Lan, Cam Bốt...đều nằm trong tâm bão, đặc biệt là Việt Nam, nước có thặng dư thương mại thứ ba với Hoa Kỳ chỉ sau Trung Quốc và Mêhicô, phải chịu mức thuế đến 46 %. Chỉ có Philippines, vừa được bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến thăm, được một ít ân huệ với 17 %. Điều đáng xấu hổ là Cam Bốt (49 %) và Lào (48 %) nằm trong số những nước nghèo nhất, bị bom Mỹ tàn phá trong chiến tranh Việt Nam. Và Miến Điện, kinh tế đang khốn đốn vì nội chiến và động đất cũng bị đánh thuế 44 %.

 

Phản ứng đầu tiên của các nước Đông Nam Á là thương lượng. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cho rằng mức thuế của Mỹ không phù hợp nhưng yêu cầu ê-kíp đàm phán « nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả », đồng thời vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 8 % trong năm 2025. Thị trường chứng khoán địa phương xuống dốc, hối suất của tất cả các nước Đông Nam Á đều sụt giảm so với đồng đô la.

 

Việt Nam, nhà vô địch trong khu vực với 123 tỉ đô la xuất khẩu sang Hoa Kỳ, là nhà cung cấp chính về smartphone, và chiếm 1/3 số giày nhập vào Mỹ trong đó có nhãn hiệu Nike và Adidas. Một phái đoàn của Hà Nội đã đến Washington từ tháng Ba để ký kết bản ghi nhớ mua khí hóa lỏng, chất éthane, éthanol của Mỹ, giảm thuế cho xe hơi nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ hôm 02/04 tuyên bố : « Việt Nam là những nhà đàm phán giỏi, những con người tuyệt vời, họ thích tôi và tôi thích họ. Vấn đề là họ đánh thuế chúng tôi 90 % nên phải áp thuế lại 46 % ». 

 

 

Từ bỏ « friendshoring », Mỹ làm lợi cho địch thủ Trung Quốc

 

Le Monde ghi nhận, lô-gic của Trump đơn giản là do Việt Nam xuất siêu 90 %. Tờ báo dẫn lời ông Marco Förster, giám đốc Đông Nam Á của cơ quan tư vấn Dezan Shira & Associates, cho rằng cú sốc là thô bạo.Ông phê phán : « Quốc gia đã oanh tạc Việt Nam để chống cộng sản nay lại hạn chế thương mại trong lúc nước này chấp nhận chủ nghĩa tư bản ! », nhất là năm nay Mỹ-Việt chuẩn bị kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao. Theo ông Förster, Việt Nam không thể lệ thuộc mãi vào thị trường Mỹ, và đã có cố gắng đa dạng hóa.

 

Cũng khó nhượng bộ nhiều hơn nữa, vì Việt Nam không thể nhập khẩu khí đốt Mỹ số lượng lớn. Thị trường hàng không đang do Airbus thống trị, vì bị Mỹ cấm vận đến 1995. Làn sóng chuyển dịch sản xuất khỏi Hoa lục trong 5 năm qua được chính phủ Joe Biden khuyến khích với chiến lược « friendshoring » (chuyển sang các đối tác tin cậy). Chính quyền Trump nay lại muốn đưa sản xuất trở về nước Mỹ. Sự ngoảnh mặt này làm lợi cho đại địch thủ Trung Quốc : giữa tháng Tư Tập Cận Bình sẽ công du Việt Nam, Cam Bốt và Malaysia.

 

 

Cơn hỗn loạn Trumponomics

 

Le Nouvel Obs nhận định « Hoa Kỳ trong cơn hỗn loạn Trumponomics ». Từ tuần trước, cả thế giới chú tâm đến « Signalgate », vụ lộ thông tin mật quốc phòng qua việc đưa nhầm một nhà báo của The Atlantic vào nhóm chat liên quan đến việc tấn công phe Houthi. Nhưng trên lãnh vực kinh tế, tính « amateur » và vô trách nhiệm của chính quyền Trump mới gây tổn hại nặng nề cho nước Mỹ và thế giới.

 

Đã có một loạt dấu hiệu cảnh báo. Tỉ lệ tin cậy của người dân ở mức thấp nhất kể từ 12 năm qua, và 3/4 các giám đốc tài chánh dự báo suy thoái sẽ diễn ra vào giữa năm 2025 hay 2026. Có đến hai phần ba trong số 100 sếp lớn nhất tin rằng chính quyền Trump « không tốt cho nền kinh tế ». Thị trường chứng khoán từng vui mừng chào đón việc Donald Trump đắc cử nay liên tục sa sút, và cơ quan đánh giá tín nhiệm Moody’s lo lắng cho tình hình tài chánh công của Hoa Kỳ.

 

Tuy thừa hưởng tình trạng kinh tế tốt đẹp nhất của ê-kíp Biden kể từ thời George W. Bush đến nay, mỗi quyết định của Nhà Trắng đều làm bức tranh u ám thêm một chút. Tuần trước, Trump đánh thuế thêm 25 % lên tất cả các loại xe hơi và phụ tùng nhập khẩu, nhưng xe hơi nhập chiếm đến phân nửa số bán. Trump muốn đưa các nhà máy xe hơi ở Mêhicô hay Canada về Hoa Kỳ, nhưng chính các nhà kỹ nghệ Mỹ như hãng Ford và kể cả Tesla của Elon Musk lại lo sợ sẽ đội giá và xáo trộn.

 

Courrier International đưa thêm một ví dụ về tính nghiệp dư của chính quyền Trump, được The Guardian nêu ra : Việc quần đảo Coco chỉ toàn chim cánh cụt sinh sống cũng bị đánh thuế 10 %, là do Trump nhầm lẫn địa chỉ : trong tiếng Anh, Australia (Úc) và Autria (Áo) gần giống nhau.

 

 

« Thời kỳ vàng son » của nước Mỹ có vẻ còn xa

 

Nhìn chung, việc áp thuế sẽ ảnh hưởng lên nhiều sản phẩm, gây lạm phát và người tiêu thụ không muốn mua hàng, lao động nhập cư bị trục xuất hàng loạt khiến thiếu công nhân và lương tăng lên. Việc cắt giảm ngân sách xã hội làm sức mua của người thu nhập thấp giảm sút, giảm thuế cho người giàu chỉ khuyến khích tiết kiệm chứ không phải chi tiêu, trong khi 70 % GDP của Mỹ là nhờ tiêu thụ của các hộ gia đình.

 

Tại thị trường Mỹ, Courrier International trích dịch The New York Times cho biết do thiếu trứng gà, trong mùa Phục Sinh năm nay, những giỏ trứng truyền thống có thể được thay bằng trứng nhựa, khoai tây trang trí…Trong khi những giỏ trứng xinh đẹp mùa Phục Sinh cũng quan trọng như cây thông Noel. Ứng cử viên Trump từng chỉ trích Biden về giá trứng và hứa sẽ giảm giá, nay không những giá tăng vọt mà còn thiếu hàng.

 

Điều nghịch lý là chính sách kinh tế vừa thô bạo vừa bất định của Trump còn làm phương hại đến đầu tư vào kỹ nghệ thay vì thúc đẩy như dự tính. Làm thế nào có thể lập kế hoạch cho tương lai khi vẫn mù mờ về nhu cầu sắp tới, về cung ứng và tổng quỹ lương ?

 

Ứng cử viên Trump hứa hẹn chận đứng lạm phát « ngay từ ngày đầu tiên » và khởi đầu một « thời kỳ vàng son của nước Mỹ », nhưng những tháng đầu tiên của ông tại Nhà Trắng lại có kết quả hoàn toàn ngược lại. Liệu Donald Trump có ngoan cố tiếp tục con đường tự hủy hoại này, hay ông sẽ lùi bước trước kinh tế xuống dốc và sự bất bình của công chúng và giới doanh nhân Mỹ ? Chẳng ai có thể đoán được.

 

 

Buộc châu Âu quy phục ? Không đơn giản

 

Về phía châu Âu, L’Express cảnh báo « Hãy cảnh giác trước các loại ‘ký sinh trùng’, thưa ông Trump ! ». Theo tổng thống Hoa Kỳ, thì châu Âu chỉ là những kẻ « ký sinh » muốn « lợi dụng » nước Mỹ. Donald Trump không giấu diếm rằng ông ghét Liên Hiệp Châu Âu và chế độ tự do dân chủ của châu lục, thích các nhà độc tài như Vladimir Putin. Ông cho rằng các đồng minh cũ sẽ không dám kháng cự mà phải quy phục, sẽ trả mức thuế do ông áp đặt.

 

Hẳn nhiên là Hoa Kỳ thống trị về quân sự, kinh tế, công nghệ. Nhưng Liên Hiệp Châu Âu, nền kinh tế thứ ba thế giới, cũng là một người khổng lồ mà không tự nhận ra. Chính sách « Bazooka » của Bruxelles là công cụ đáng gờm : phản đòn thuế quan, hạn chế đầu tư của Mỹ, đưa vào các tiêu chí vệ sinh…EU cũng có thể cản trở việc Trump xích gần với Kremlin. Hôm 18/03, Trump nói với Putin về viễn cảnh « những hợp đồng kinh tế khổng lồ », được hiểu ngầm là dỡ bỏ trừng phạt. Có điều công cụ thanh toán quốc tế SWIFT được đặt tại Bỉ !

 

Tuần báo kết luận : « Vâng, thưa ông Trump, tất cả các nhà sinh học đều có thể nói với ông rằng các ký sinh trùng là hữu ích cho mọi hệ sinh thái ». Bên cạnh đó, L’Express cũng băn khoăn « Thuế quan : Nếu chó sói lại ở nơi khác thì sao ? ». Chủ nghĩa bảo hộ Mỹ che khuất một mối nguy hại đang rình rập châu Âu : Hàng Trung Quốc không vào được Hoa Kỳ có thể ồ ạt tràn vào châu lục.

 

 

Marine Le Pen lãnh án và « dân túy không biên giới »

 

Về chính trường Pháp, Le Nouvel Obs chỉ trích « Dân túy không biên giới », khi các nhà độc tài phản đối việc thủ lãnh cực hữu Marine Le Pen bị kết án 5 năm không được tranh cử, bốn năm tù và 100.000 euro.  Thông tin này chỉ trong vài phút được dịch ra tất cả các thứ tiếng, nhưng các đài truyền hình một số nước không đề cập đến nguyên nhân là việc biển thủ 4,1 triệu euro của Nghị Viện Châu Âu để dành riêng cho đảng của Le Pen, mà chỉ nhấn mạnh đến việc bà không được tham chính.

 

Từ Matxcơva, Kremlin tố cáo « vi phạm các tiêu chí dân chủ », Viktor Orban hô khẩu hiệu « Tôi là Marine ! ». Các nhân vật cực hữu ở Ý, Hà Lan…lên tiếng ủng hộ, trong chiến lược chung nhằm làm yếu đi tư pháp. Elon Musk, cánh tay mặt của Donald Trump cho rằng « cánh tả cực đoan dùng tư pháp để bỏ tù đối lập ». Tuần báo nhắc lại lời của triết gia Montesquieu : « Những ai thi hành pháp luật cần phải tuân thủ luật pháp ». Sai lầm của Marine Le Pen là làm ngơ trước nguyên tắc bất di bất dịch này.

 

Liệu bà có phản công bằng cách đưa kiến nghị bất tín nhiệm, dẫn đến một cuộc khủng hoảng khác là giải thể Quốc Hội ? Nhưng như vậy Marine Le Pen sẽ mất đi chiếc ghế dân biểu Pas-de-Calais mà không thể ra tranh cử tiếp, và biến mất trên chính trường. Le Point cho rằng nghịch lý của bản án này là việc Marine Le Pen mất quyền tranh cử được áp dụng ngay lập tức, đã làm quên đi sự bất lương của một ứng cử viên có khẩu hiệu « Bàn tay sạch, ngẩng cao đầu ». Thế giới đang tiến lên – chỉ cần nhìn cuộc tấn công của Trung Quốc trong lãnh vực xe điện – trong khi nước Pháp chỉ lo vùi đầu vào cát.

 

 

 




No comments: