Biển
Đông: 5 vấn đề cần theo dõi trong năm 2025
RFA
2025.01.10
https://www.rfa.org/vietnamese/news/bien-dong-2025-tin-tuc-su-kien-moi-01102025140610.html
Đài Bắc, Đài Loan/Manila – Biển Đông
đã trở thành một trong những điểm nóng địa chính trị nhiều rủi ro nhất trên thế
giới trong những năm gần đây khi Trung Quốc tăng cường củng cố những tuyên bố
chủ quyền rộng lớn của nước này đồng thời có sự gia tăng can dự của các quốc
gia bên ngoài khu vực.
Một tiền đồn của Việt Nam ở Trường Sa.
Ảnh chụp tháng 5/2024 (RFA)
Dưới đây là năm khu vực và vấn đề cần theo
dõi trong năm 2025:
Eo biển Đài Loan
Tình hình ở Eo biển Đài Loan đã trở nên căng
thẳng hơn một cách đáng kể với gần 3.000 cuộc xâm nhập [của Trung Quốc] vào khu
vực nhận diện phòng không (DIZ) của Đài Loan trong khoảng thời gian từ tháng
1/2024 đến tháng 11/2024. Trung Quốc cũng tổ chức hai cuộc tập trận quân sự lớn
– Liên hợp Lợi kiếm A và Liên hiệp Lợi kiếm B – diễn ra trùng hợp với các sự kiện
chính trị lớn trên hòn đảo tự trị.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại
trong Thông điệp Năm mới của mình rằng việc thống nhất Đài Loan là “không thể tránh khỏi”.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục các cuộc tập trận
trong năm 2025 nếu các quan chức cấp cao Đài Loan đi thăm Mỹ hoặc các quan chức
hàng đầu của Mỹ đến thăm Đài Loan” – ông Shen Ming-Shih (Thẩm Minh Thất),
nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng (INDSR) – một viện
nghiên cứu, tư vấn chính sách hàng đầu của Chính phủ Đài Loan – nhận định.
Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc, ví dụ như tấn
công hỏa lực phối hợp, phong tỏa phối hợp và phối hợp chống tiếp cận và chống
xâm nhập (joint anti-access and area denial – A2/AD) vẫn tiếp tục nhưng sẽ ít
hiệu quả hơn khi Đài Loan xây dựng được các biện pháp đối phó hiệu quả - ông
Shen nói.
Một nghiên cứu viên khác ở INDSR, ông Ou
Si-Fu, Trưởng phòng Chính trị, Quân sự và Chiến lược Tác chiến của Trung Quốc,
nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến
tranh toàn diện với Đài Loan.
“Ông Tập không tự tin về quân đội của mình”-
ông Ou nói, viện dẫn các cuộc sa thải gần đây ở các cấp lãnh đạo cao nhất
của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
“Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã
không tham gia một cuộc chiến thực sự nào trong một thời gian dài vì thế một cuộc
xâm lược đối với Đài Loan nhiều khả năng sẽ không sớm xảy ra” – nhà phân tích
này viết. “Họ có thể đang chuẩn bị lực lượng nhưng chúng tôi cũng đang chuẩn bị”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/taiwan.jpg/@@images/35670d64-2d78-4178-9e3d-67064f77e19b.jpeg
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức tham
dự lễ treo cờ ở Đài Bắc trong ngày 1/1/2025.Nguồn ảnh: Văn phòng Tổng thống Đài
Loan/AP
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức nói trong
thông điệp Năm mới của mình rằng chính phủ của ông sẽ tăng ngân sách quốc phòng
và tăng cường sức mạnh quân sự.
Bãi cạn Scarborough
Những diễn biến mới nhất tại chuỗi rạn san hô
nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng thực tế do Trung Quốc kiểm
soát là đáng lo ngại. Ngay trước thềm năm mới, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của
PLA đã tiến hành các cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu quy mô lớn tại bãi cạn
này với sự tham gia của cả lực lượng hải quân và không quân.
Lực lượng hải cảnh cũng như dân quân biển
Trung Quốc vẫn đang duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực này.
Một tháng trước đó, Bắc Kinh đã công bố một
loạt đường cơ sở xung quanh Bãi cạn Scarborough để xác định lãnh hải và không
phận của mình – một bước đi bị nhiều bên coi là bất hợp pháp nhưng được Trung
Quốc sử dụng để biện minh cho các hành động của họ chống lại Philippines và Mỹ
- đồng minh của Philippines.
Đầu tháng 12 vừa qua, lực lượng hải cảnh
Trung Quốc đã phun vòi rồng vào một tàu của Cục Thủy sản Philippines đang chở hàng
tiếp tế cho ngư dân ở khu vực bãi cạn và nói rằng tàu này đã "tiếp cận
nguy hiểm" lãnh hải của Bắc Kinh.
“Anh không thể vẽ đường cơ sở nếu không sở hữu
các thực thể này” - cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhận
định đồng thời gợi ý rằng Philippines nên kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc
tế về tuyên bố về các đường cơ sở này.
Bãi cạn Scarborough hiện không có người ở và
cũng không có công trình nào trên đó nhưng với sự hung hăng, quyết đoán của
Trung Quốc, điều này có thể thay đổi trong năm 2025. Các lực lượng của
Philippines đã gỡ bỏ các rào chắn nổi của Trung Quốc xung quanh Scarborough
nhưng tiếp cận của ngư dân Philippines đối với ngư trường truyền thống này vẫn
còn hạn chế.
Philippines được cho là đang cân nhắc khởi xướng
một vụ kiện mới đối với Trung Quốc do nước này vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về
Luật Biển. Tuy nhiên vốn đã từ chối tham gia và bác bỏ phán quyết của Tòa trọng
tài Liên Hợp Quốc năm 2016, rất ít khả năng Bắc Kinh sẽ tham gia vụ kiện mới
này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/omaweng.jpeg/@@images/47054b7e-e0b9-48e4-9c35-405ff4ccca89.jpeg
Đại úy Lee Omaweng, chỉ huy tàu tuần
duyên BRP Sindangan phục vụ tại cả Bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây của
Philippines, trong một cuộc trao đổi với các phóng viên có mặt trên tàu của ông
vào ngày 8/12/2024. Nguồn ảnh: RFA
Bãi Cỏ Mây
Trong suốt năm 2024, Trung Quốc và
Philippines đã có nhiều cuộc đối đầu tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) - một
thực thể cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Đây cũng
là nơi Manila cố tình làm mắc cạn một chiếc tàu chiến cũ của mình vào năm 1999 để làm tiền đồn.
Trong mấy năm gần đây, lực lượng hải
cảnh Trung Quốc đã chặn và cản trở các hoạt động tiếp tế của Philippines cho
con tàu này (tàu BRP Sierra Madre) và binh lính đóng tại đây.
Vào ngày 17/6/2024, trong một cuộc đối đầu
chưa từng có, nhân sự hải cảnh Trung Quốc trang bị giáo mác và mã tấu, đã đâm
thủng các thuyền của Philippines và tịch thu vũ khí khi các thuyền
này đang tiến hành một chuyến tiếp tế và luân chuyển quân nhân cho tàu BRP
Sierra Madre, khiến một thủy thủ Philippines bị thương.
Cả hai bên sau đó đều kêu gọi làm dịu tình
hình căng thẳng. Vào ngày 12/12/2024, Trung Quốc tuyên bố đã cho phép
Philippines cung cấp tiếp tế cho chiếc tàu chiến “mắc cạn bất hợp
pháp” tại Bãi Cỏ Mây vì lý do nhân đạo.
Tuy nhiên, vụ việc ngày 17/6 cho thấy tình
hình tại đây có thể dễ dàng leo thang thành xung đột, đặc biệt khi Bãi Cỏ Mây nằm
gần một căn cứ hải quân của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) -
một đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa hoàn toàn.
Theo Hiệp ước Phòng thủ Chung ký vào năm 1951
giữa Manila và Washington, hai nước có nghĩa vụ hỗ trợ nhau trong trường hợp bị
tấn công quân sự. Trong tháng 11/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tiết
lộ rằng quân đội Mỹ đã thành lập “Lực lượng Đặc nhiệm Ayungin” với Ayungin là
tên gọi của Bãi Cỏ Mây trong tiếng Philippines.
Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang
Philippines, Đại tướng Romeo Brawner Jr., nói với phóng viên của RFA tại Manila
rằng Philippines đang theo đuổi chiến lược ba mũi nhọn trong phòng thủ biển, đó
là: Thiết lập hiện diện hiệu quả; tạo sự răn đe hiệu quả kết hợp hiện đại hóa
trang thiết bị quân sự; và tận dụng các liên minh và quan hệ đối tác với các quốc gia có cùng chí hướng.
Tuy nhiên, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ không từ
bỏ yêu cầu Manila phải di dời tàu BRP Sierra Madre và rời khỏi bãi Bãi Cỏ Mây
đang tranh chấp.Về phía mình, Philippines quyết tâm bảo vệ bãi cạn này.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh
thổ của mình tại Ayungin” - Đại tá Xerxes Trinidad, phát ngôn viên của Lực lượng
vũ trang Philippines, khẳng định.
Hoạt động xây dựng đảo của Việt Nam
Theo một nghiên cứu của tổ chức Sáng kiến
Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington, hoạt động xây dựng đảo của Việt Nam ở Biển Đông đã gia tăng
tới mức kỷ lục với diện tích tạo mới trong sáu tháng đầu năm 2024 nhiều
bằng tổng diện tích của cả hai năm 2022 và 2023 cộng lại.
Từ tháng 11/2023 đến tháng 6/2024, Hà Nội đã
tạo mới 280 ha đất (692 mẫu Anh) trên tổng số 10 thực thể ở quần đảo
Trường Sa. Tổng diện tích nạo vét và bồi đắp của Việt Nam là khoảng 955 ha
(2.360 mẫu Anh), bằng khoảng một nửa so với con số 1.881,7 ha (4.650 mẫu Anh) của
Trung Quốc.
“Đã ba năm kể từ khi bắt đầu, Việt Nam vẫn đang
gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát về quy mô nạo vét và bồi đắp không ngừng
gia tăng ở quần đảo Trường Sa” - AMTI nhận định.
Trong năm qua, Việt Nam đã tiến hành các công
trình cải tạo đảo quy mô lớn tại một số thực thể trong tổng số 27 thực thể nước
này hiện chiếm giữ.
Ảnh chụp tại Bãi Thuyền Chài (Barque
Canada Reef) ngày 11/5/ 2024. Nguồn ảnh: AMTI/Maxar Technologies
Một đường băng mới dài 3km gần như đã hoàn
thành trên Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) - nơi tính đến
tháng 10/2024, tổng diện tích bồi đắp đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một năm, đạt
gần 2,5 km² (617,7 mẫu Anh).
Việt Nam hiện chỉ có một đường băng dài 1.300
mét trên đảo Trường Sa, nhưng theo AMTI, ngoài Bãi Thuyền Chài, “sẽ không ngạc
nhiên” nếu Hà Nội cũng tính đến việc xây dựng đường băng trên các đảo Phan Vinh
(Pearson) và Đá Lát (Ladd).
Các căn cứ và đường băng mới “sẽ mang lại cho
Việt Nam một vị thế [chiến lược] đối trọng với ‘Ba đảo lớn’ của Trung
Quốc” - ông Tom Shugart, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ Mới,
nhận định.
Ông đang đề cập đến các Đá Chữ Thập (Fiery
Cross), Subi và Vành Khăn do Trung Quốc xây dựng đồng thời là những đảo nhân tạo
lớn nhất trên Biển Đông. Bốn đảo nhân tạo lớn tiếp theo đều là các rạn san hô mới
được mở rộng của Việt Nam.
“Tiến độ trong 5 tháng qua cho thấy Hà
Nội quyết tâm tối đa hóa tiềm năng chiến lược của những thực thể mà họ
đang chiếm giữ” - AMTI nhận định, đồng thời cho biết: “Khó để nói rằng khi việc
mở rộng đảo sẽ kết thúc và Việt Nam sẽ có thêm những sức mạnh [quân sự] mới nào
khi việc này hoàn thành”.
Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông
Malaysia tiếp nhận vai trò chủ tịch Hiệp hội các Quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN) từ Lào trong tháng này, và mỗi lần ghế chủ tịch ASEAN
thay đổi chủ thì câu hỏi về việc có được một bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính
ràng buộc pháp lý cho tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông lại được đặt ra.
Trung Quốc và các nước ASEAN đã và đang đàm
phán về bộ quy tắc ứng xử này kể từ khi đạt được Tuyên bố về Ứng xử (DOC) của
các bên ở Biển Đông vào năm 2002.
Hơn hai thập kỷ sau, rất nhiều trở ngại dường
như vẫn còn đó mặc dù Bắc Kinh liên tục khẳng định rằng quá trình tham vấn đang
tiến triển tốt và việc đạt được một thỏa thuận đang cận kề.
Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc đã nói tại
một hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 10/2024 rằng Trung Quốc và khối này
đang “nỗ lực để sớm hoàn tất” bộ quy tắc ứng xử.
Trung Quốc và năm bên khác, trong đó có bốn
quốc gia ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam có các tuyên bố chủ
quyền mang tính mâu thuẫn đối với một số khu vực ở Biển Đông. Đáng chú ý,
Trung Quốc có yêu sách chủ quyền rộng lớn nhất, chiếm gần 90% diện tích của
vùng biển này.
Trung Quốc kiên quyết phản đối những gì họ
coi là “việc chính trị hóa” bộ quy tắc ứng xử (COC) cũng như bất kỳ “sự can thiệp
từ bên ngoài” nào vào vấn đề này. Tuy nhiên, sự hung hăng, quyết đoán của Trung
Quốc đã khiến một số quốc gia trong khu vực tìm kiếm những đối trọng từ bên
ngoài ASEAN.
“Các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử đang
tiếp tục với tốc độ sên bò” - cựu Ngoại trưởng Thái Lan Kantathi Suphamongkhon
nhận định khi trao đổi với hãng thông tấn Reuters trong tháng 10 vừa qua.
“Có vẻ như việc đạt được một thỏa thuận là
không thể” – ông Antonio Carpio, chuyên gia pháp lý, cựu thẩm phán Tòa án
Tối cao Philippines nhận định. “Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý một số điều
khoản, Việt Nam cũng không đồng ý một số điều khoản khác và cứ như vậy”.
Do đó, mục tiêu hoàn tất bộ quy tắc ứng xử
trước hoặc trong năm 2026 là “không thực tế” – chuyên gia này nhìn nhận.
Một trong những trở ngại cơ bản tiềm ẩn bên
trong là sự chia rẽ và yếu kém của chính khối ASEAN.
“ASEAN có thể tăng cường sức mạnh đàm
phán tập thể bằng cách sắp xếp, thống nhất lợi ích giữa các quốc gia thành viên
và có được một tiếng nói thống nhất trong các cuộc đàm phán với các cường quốc
bên ngoài như Trung Quốc” – Giáo sư chính sách công Isha Gharti tại Đại học
Chiang Mai, Thái Lan, nhận định.
Vẫn còn phải chờ xem Malaysia, nước chủ tịch
mới của ASEAN, sẽ tìm cách cải thiện tiếng nói tập thể của khối này như thế
nào.
Edited by RFA Staff
No comments:
Post a Comment