Saturday, July 31, 2010

VÀI NHẬN ĐỊNH TỔNG QUAN về THỰC TRẠNG NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

Một vài nhận định tổng quan về thực trạng nhân quyền ở Việt nam.( Bài 1)

Lê Trần Luật

Jul 25, '10 10:33 PM

http://lsletranluat.multiply.com/journal/item/14

Nhân quyền hay còn gọi là quyền con người, nói một cách vắn tắt là quyền được sống đúng như một con người. Đó là quyền căn bản của mọi con người trong mọi dân tộc, mọi quốc gia.

Để đạt được chân lý tưởng chừng đơn giản đó, lòai người đã phải trả giá bằng cả máu và sinh mạng của hàng triệu người. Biết bao triều đại, bao chế độ chính trị đã sụp đổ vì đi ngược lại mong muốn đó của lòai người.

Ngày 2- 9- 1945 Hồ Chí Minh, trong tuyên ngôn độc lập đã nhắc lại chân lý này: “ Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do….”. Tư tưởng đó đã phản ánh rằng quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc của con người là chân lý, là ước mơ của tòan bộ nhân lọai. Chân lý này hòan tòan không phụ thuộc vào quan điểm hay thể chế chính trị. Quyền con người là tự nhiên, là ắt có và hằng có, là bất khả xâm phạm, tồn tại độc lập và không phụ thuộc vào việc có hay không thể chế nhà nước.

Kể từ sau tuyên ngôn này của Hồ Chủ Tịch, những nhà lãnh đạo Việt nam đã “ thay đổi” quan điểm, phủ nhận tính tự nhiên và tồn tại độc lập của quyền con người với thể chế chính trị. Họ cho rằng quyền con người phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế và chính trị. Quyền con người không những mang tính phổ quát được nhân lọai thừa nhận mà có tính riêng biệt, phụ thuộc vào đặt tính văn hóa của từng dân tộc. Quan điểm này nhằm bảo vệ cho sự tồn tại của một chế độ chính trị độc tài. Họ đặt sự tồn tại của đảng cộng sản trên các giá trị nhân quyền đã được cả nhân lọai thừa nhận. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho hệ thống pháp luật lũng cũng và mập mờ, mang tính hình thức và thiếu khả năng thực thi trong thực tiễn. Hầu hết các các giá trị quyền con người nhà nước Việt nam đều thừa nhận bằng cách tham gia họăc ký kết các điều ước quốc tế . Nhà cầm quyền Việt nam cũng cố gắng thể hiện sự thừa nhận các quyền con người của mình trong các hiến pháp. Tuy nhiên, bản thân các hiến pháp, đặt biệt là Hiến pháp hiện tại chứa đựng quá nhiều xung đột giữa quyền con người và chế độ chính trị. Các văn bản luật dưới Hiến pháp luôn có khuynh hướng ưu tiên cho sự tồn tại của chế độ, làm mất khả năng thực thi các quyền con người trong thực tiển. Sự cản trở này là nguyên nhân chủ yếu gây ra các xung đột giữa chính quyền với người dân. Tạo ra các hiện tượng phản kháng xã hội.

Bảo đảm và phát triển các quyền con người là bảo đảm cho người dân của mình có quyền mưu cầu hạnh phúc và tự do.

Thực trạng về nhân quyền ở Việt nam có thể nhìn thấy qua các nhận định sau:

1- Đối với nhóm quyền về kinh tế xã hội, bao gồm các quyền: quyền lao động ; quyền tự do kinh doanh; quyền sở hữu hơp pháp về tài sản; quyền được bảo vệ sức khỏe; quyền bảo vệ về hôn nhân gia đình; quyền mang tính ưu tiên như quyền trẻ em; quyền phụ nữ.

Quyền lao động, đó là sự tự do lựa chọn nghề nghiệp phù hơp với mình. Không thể nói nhà nước đã bảo đảm quyền này khi mà gần 70% dân số việt nam sống bằng nông nghiệp, mà tư liệu sản xuất là đất đai bị nhà nước nắm giữ. Hệ thống các cơ sở công đòan mang nặng tính hình thức, không dám đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.

Quyền tự do kinh doanh là quyền tự do lựa chọn các nghành nghể kinh doanh không bị nhà nuớc cấm. Trước năm 1999, nhà đầu tư muốn kinh doanh phải xin phép nhà nuớc. Năm 2000, khi cho ra đời luật doanh nghiệp, nhà nước không buộc nhà đầu tư phải có đơn xin phép nữa mà chuyển sang đơn đăng ký kinh doanh. Mặc dù thay đổi ngôn từ từ “ xin phép” sang “ đăng ký” nhưng bản chất xin – cho vẫn tồn tại thông qua hồ sơ và trình tự đăng ký kinh doanh. Đó là bước đầu thành lập, khi vào kinh doanh nhà đầu tư phải vựơt qua

hàng lọat giấy phép con khác, do các bộ, các nghành quản lý tự đặt ra. Năm 2000, thống kê chính thức của nhà nuớc cho thấy Việt nam có trên 300 lọai giấy phép kinh doanh khác nhau. Khi đó chính Thủ tướng phải ra lệnh bãi bỏ trên 100 lọai giấy phép, nhưng đến nay thì lại hình thành gần 400 lọai giấy phép khác nữa. Với một “ rừng” giấy phép như “ thiên la điạ võng” như vậy làm sao nói Việt nam có quyền tự do kinh doanh. Mặc khác khi nói đến tự do kinh doanh không thể không nói đến sự cạnh tranh lành mạnh, điều này không thể có với nền kinh tế thị trường theo định hướnh XHCN.

Quyền sở hữu tài sản hợp pháp là quyền sơ đẳng nhất bảo đảm cho điều kiện sinh tồn của con người. Đất đai, nhà cửa là một trong những điều kiện đó, ngòai ra nó còn lài tài sản có giá trị lớn, là hành hóa luân chuyển, và đặt biệt là tư liệu sản xuất chủ yếu của đa số người dân Việt nam. Nhà nước cho đến nay vẫn chưa cho người dân có quyền sở hữu về đất đai. Giao quyền sử dụng đất đai như một sự ban phát, nhà nước có thể thu hồi bất cứ lúc nào. Đây là nguyên nhân chủ yếu của hàng lọat vụ xung đột giữa nhà nước và người dân. Ngòai ra còn rất nhiều lọai tài sản khác, nhà nước bắt người dân phải đăng ký để quản lý. Các định chế về quản lý hành chính vô hình chung tước đọat và hạn chế quyền tự định đọat tài sản hợp pháp của người dân.

Quyền đươc bảo vệ sức khỏe, ứng với quyền này là nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng của nhà nước. Trước tiên phải thấy rằng hệ thống bệnh viện từ trung ương đến địa phương đã xuống cấp trầm trọng. Các bệnh xá ở vùng cao, vùng xa hết sức sơ sài và lạc hậu, cá biệt có nhiều nơi không có bệnh xá. Hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, hay thay đổi gây nhiều bất lợi cho người dân, đặt biệt người dân nghèo gần như không thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế công.

Quyền bảo vệ hôn nhân và gia đình. Nói đến quyền này không thể không nói đến trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn. Đặt biệt là kết hôn với người nuớc ngòai. Với 19 lọai giấy tờ khác nhau, hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngòai trở thành ‘ác mộng” với những cặp trai gái yêu nhau và muốn thành vợ chồng. Cá biệt có cặp phải chia tay nhau vì không thể nào hòan thành đủ 19 lọai giấy tờ đó. Chưa hết, sau khi hòan tất hồ sơ, phải trãi qua một cuộc thẩm vấn. Nhiều câu hỏi thẩm vấn hết sức vô duyên của cán bộ cộng chức làm đôi trai gái ngượng đỏ cả mặt, không dám trả lời. Mà không trả lời xem như không thể thành vợ thành chồng.

.

.

Một vài nhận định tổng quan về thực trạng quyền con người ở Việt nam ( Bài 2)

Lê Trần Luật

Jul 30, '10 8:04 PM

http://lsletranluat.multiply.com/journal/item/16/16

Đối với nhóm quyền tự do cá nhân, bao gồm: qưyền tự do đi lại và cư trú; quyền ra nước ngoài; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về chổ ở; quyền được an toàn và bí mật về thư tín;quyền khiếu nại tố cáo.

Quyền tự do đi lại và cư trú. Chế độ “hộ khẩu” vẫn còn ám ảnh từng người dân cho tới bây giờ. Nó mặc nhiên tước bỏ quyền tự do đi lại và cư trú của 86 triệu dân Việt nam. Có thời kỳ chế độ “ hộ khẩu” là đề tài tranh luận sôi nổi của công luận. Rồi Quốc hội cũng tham gia để bàn xem có nên bỏ chế độ hộ khẩu hay không. Người dân thì muốn bỏ để bớt phiền toái và tự do hơn, Nhà nước thì sợ mất “ hộ khẩu” thì sẻ không “quản” người dân được. Cuối cùng, Luật cư trú cũng ra đời, và công cụ quản lý bằng hộ khẩu vẫn được giữ nguyên. Mỗi khu phố đều có “ nơi đăng ký tạm trú, tạm vắng”, “điểm đăng ký tạm trú tạm vắng”. Nói là “đăng ký” nhưng bản chất của sự xin cho vẫn còn đó. Hằng đêm, lực lương công an, dân phòng vẫn lùng sục từ khách sạn sang trọng cho đến hang cùng, ngõ cụt để kiểm tra sự cư trú của người dân.

Quyền ra nước ngoài. Nói là quyền nhưng nếu không được sự cho phép của Nhà nước thì sẽ bị khởi tố hình sự. Thời gian gần đây dư luận phát hiện ra rất nhiều trường hợp bị cấm ra nước ngoài. Có nhiều người khi đến sân bay mới biết mình nằm trong danh sách “cấm xuất cảnh” của Bộ Công an. Danh sách này được giữ bí mật. Lý do bị cấm rất đơn giản nhưng cũng rất trừu tượng : liên quan vấn đề an ninh quốc gia. Đó là người có hộ chiếu, còn người chưa có hay hết hạn thì sẽ không được cấp nếu bị liệt vào danh sách có liên quan đến an ninh quốc gia. Với lý do an ninh quốc gia, rõ ràng danh sách bí mật này của Bộ công an sẻ càng lúc càng dài hơn, có thể một lúc nào đó, toàn bộ dân Việt Nam đều bị cấm vì tất cả đều có thể liên quan đến an ninh quốc gia.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Bộ luật hình sự đã dành hẳn một chương để bảo đảm các quyền này. Tuy nhiên, vấn đề làm cho dư luận rất bức xúc hiện nay đó là sự xâm phạm đến từ những người làm nhiệm vụ bảo vệ các quyền này. Đặt biệt là lực lượng công an. Nhiều cái chết oan ức, từ người già đến trẻ em, đã ngã xuống dưới họng súng của những người này. Chưa kể nhiều thanh niên đang khỏe mạnh, bị áp giải đến đồn công an, chỉ sau vài tiếng, đã lăn đùng ra chết một cách hết sức bí mật. Tra tấn, bức cung, nhục hình cũng là một hiện tượng phổ biến. Rất nhiều phiên tòa, bị can, bị cáo phản cung công khai tố cáo sự tra tấn của công an, nhưng tòa vẫn không xem xét vì cho rằng thiếu chứng cứ.

Danh dự, nhân phẩm là cái gì đó rẻ rúm, nếu như người đó có “ liên quan đến an ninh quốc gia” hoặc “bất đồng” với Nhà nuớc. Từ trí thức giáo sư tiến sĩ cho đến các bậc tu hành khả kính, nếu liên quan an ninh quốc gia đều bị truyền thông Nhà nước “đập” cho tã tơi. Sự nhục mạ và bôi bác tràn lan trên các mặt báo, có khiếu nại hay tố cáo cũng vô ích vì không ai giải quyết.

Quyền được an toàn và bí mật về thư tín. Các Bưu điện, các công ty truyền số và dữ liệu vẫn do Nhà nước quản lý và kiểm soát. Hiện tượng bị nghi ngờ và bị nghe lén các thiết bị điện thoại không phải là cá biệt. Các công ty truyền số và dữ liệu sẵn sàng cung cấp bí mật của khách hàng cho cơ quan công an. Nhiều thông tin bí mật mà công ty cung cấp đã trở thành chứng cứ tại tòa để buộc tội “ khách hàng” của mình, nhất là các vụ án về an ninh quốc gia.

Quyền khiếu nại và tố cáo. Đây là quyền rất đặc biệt, nó cho phép người dân tự hành động để bảo vệ các quyền khác. Chưa có con đường tố tụng nào đau khổ bằng con đường khiếu nại của người dân Việt nam. Sự thờ ơ vô trách nhiệm của cán bộ công chức là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự đau khổ này. Lẽ ra, ứng với quyền khiếu nại của người dân là nghĩa vụ phải giải quyết của Nhà nước nhưng đa số cán bộ công chức đều tự cho mình cái quyền giải quyết khiếu nại hay không. Hiện tượng khiếu nại kéo dài từ năm này sang năm khác vẫn không đươc giải quyết là rất phổ biến ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Có nhiều gia đình khiếu nại từ đời cha cho đến đời con với hàng ngàn lá đơn gửi từ trung ương đến địa phương. Tất cả đều rơi vào im lặng! Không thể không nhắc đến hiện tượng khiếu nại đông người hiện nay, có nơi trở thành các cuộc biểu tình phản đối cách làm việc của cơ quan nhà nước. Nhiều người chẳng những không được giải quyết khiếu nại mà còn bị kết tội gây rối trật tự công cộng, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ.v.v.v.

.

.

.

No comments: