Friday, July 30, 2010

BÁO CHÍ VIỆT NAM và CÁI NHÌN LỆCH LẠC VỀ GIỚI TRẺ HIỆN NAY

Báo chí Việt Nam và cái nhìn lệch lạc về giới trẻ hiện nay!

Jim

Thứ Năm, 29/07/2010

http://danluan.org/node/5832

Cũng lâu rồi mới viết một cái note, và cũng bức xúc tột cùng nên phải viết ra những dòng này.

Khoảng một tháng nay chắc ai cũng nghe nhiều về tình trạng game online và những chính sách đã được các cấp lãnh đạo yêu quý của chúng ta đề ra. Đây có lẽ cũng là nhờ hiệu quả quá tốt của những bài báo đầy tính "chân thật" đã được đưa đến từng gia đình trong thời gian qua. Từ chân thật ở trên tôi để trong dấu nháy không phải với bất cứ một ý nghĩa mỉa mai nào cả, mà sự chân thật đó đã vượt quá mức cần thiết, vượt quá những yêu cầu của xã hội. Nhưng phải nói thêm là giới truyền thông của VN chúng ta đã đặt ra một cái nhìn quá lệch lạc về giới trẻ, họ đã tạo nên hình ảnh những người tiêu biểu của thanh niên hiện nay: lêu lổng, vượt khỏi sự kiểm soát của gia đình, lối sống khổng giống ai, nghiện game, sa đọa với những thú ăn chơi không giống ai, sẵn sàng làm liều để thỏa mãn nhu cầu bản thân,... và còn nhiều nhiều điều khác nữa...

Nhiều người đặt ra một câu hỏi đối với giới trẻ: "Chúng bay làm thế để làm gì? Phá làng phá xóm!", vậy tôi xin đáp lại bằng một câu hỏi khác: "Vậy hình ảnh mẫu mực của giới trẻ bây giờ là gì?". Không lẽ là hình ảnh những Đảng viên trẻ, những người công hiến hết mình vì Đảng, vì dân, sống như những thế hệ đi trước vài thập kỉ? Tôi không muốn đề cập đến vấn đề Đảng ở đây, vì bản thân tôi không quan trọng việc đó. Nhưng xin thưa, muốn đóng góp cho xã hội không phải chỉ có duy nhất một hình tượng mẫu mực đó. Những bạn trẻ tuy có cổ quái, có xa lạ với những thế hệ đi trước, nhưng họ đã và vẫn đang là những người có những đóng góp quan trọng đầu tiên trong đời họ, để trở thế hệ kế thừa Đất nước sau này. Về bản thân, tôi không nghĩ cách sống là quan trọng, bởi cho dù họ khác người, nhưng chỉ cần họ có ích cho xã hội và không gây ảnh hưởng tiêu cực hay suy đồi những chuẩn mực đạo đức căn bản thì có lẽ ta không nên có bất cứ điều gì phải phàn nàn về họ. Xã hội ngày càng phát triển, gánh nặng tương lai và đất nước đặt nặng trên vai thế hệ trẻ, vậy họ có xứng đáng được có những phút thể hiện mình hay không? Họ có đáng được có những lúc được thoát ra khỏi những nề hà và chuẩn mực đã quá xưa cũ, để họ được là chính họ, như con chim được thoát khỏi chiếc lồng cũ kĩ? Tuân theo những hình ảnh và chuẩn mực xưa cũ là tốt, nhưng cũng không thể cấm một thế hệ mới đang muốn thoát khỏi những điều cũ kĩ đó.

Đã đề cập đến mặt này thì cũng phải nói đến mặt kia của giới trẻ. Đúng là giới trẻ hiện nay đã có xuất hiện những hiện tưởng nhức nhối không tìm được hướng giải quyết. Nhưng đó không phải là phần lớn giới trẻ hiện nay mà chỉ là thiểu số. Những hiện tượng như giết người vì game, bạo lực học đường đã trở nên nhan nhản. Qua đó có lẽ chúng ta cũng nên nhìn lại mình một cách chân thật, chứ đừng nên nhìn theo kiểu chẳng đặng đừng lắm mà liếc qua loa, rồi lại tự nhủ "thôi xử lý thế tạm ổn rồi". Nhìn thẳng vào sự thật rằng bất cứ ai trong chúng ta có lẽ cũng mang một phần trách nhiệm khi những việc ấy xảy ra trong chúng ta. Trước tiên là gia đình, gia đình là tế bào của xã hội, những hiện tượng như thế xảy ra thì trách nhiệm trước tiên và nặng nề nhất là từ phia gia đình, bởi không dưng một ai đó được chăm sóc và quan tâm tốt lại có thể làm những điều khủng khiếp như thế. Tiếp theo là nhà trường và xã hội, đó là những cái nôi quan trọng đào tạo nên thế hệ trẻ, liệu có hợp lý không khi một điều gì đó xảy ra ngay trong trường mà hiệu trưởng hay giáo viên phụ trách lại có thể nói "chúng tôi không thể theo dõi nên không thể biết". Xin thưa đừng trốn tránh, vì việc để chuyện đó xảy ra cũng đã là trách nhiệm của họ rồi, càng trốn tránh càng thể hiện sự không thành thật và lẻo mép của họ.

Đó là hai mặt của giới trẻ hiện nay theo cách khái quát nhất mà tối nghĩ. Đúng là giới trẻ cũng có những mặt xấu, nhưng mặt xấu đó là do nhân cách của họ đã bị tiêm nhiễm bởi những thứ độc hại xung quanh họ. Tôi đã từng chứng kiến cách nhiều gia đình dạy con của họ mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra được, tuy đôi lúc họ cũng xót con xót cái, nhưng nhìn cái cách họ giáo dục đứa trẻ, tôi không nghĩ đó có thể chính là đứa con họ rứt ruột sinh ra. Chính từ những điều nhỏ nhất như vậy đã ảnh hưởng và định hình cho nhân cách một đứa trẻ, việc đứa trẻ đó trở thành người như thế nào khổng phải lỗi của nó, mà nên xem xét lại chính gia đình và môi trường trưởng thành của đứa trẻ đó.

Đó là giới trẻ, vậy còn cái nhìn hiện nay của xã hội đối với họ? Như đã nói ở trên, cái nhìn của xã hội hiện nay đã hoàn toàn lệch lạc, mà theo tôi, chủ yếu là do những phương tiện thông tin, đặc biệt là báo chí. Tôi có thể tự nhận mình là một đứa lang thang rất nhiều, và đã được chứng kiến rất nhiều điều, mà khi lên báo, đã bị bóp méo hoàn toàn. Tôi cũng như bất cứ ai khác sẽ không bao giờ phủ nhận sức mạnh của truyền thông và báo chí, cũng như những lợi ích, ảnh hương lớn lao tích cực của họ đối với xã hội, nhưng có lẽ ta nên nhìn nhận kĩ lại xem ngoài những gì họ đã làm họ đã có những sai lầm gì.

Sai lầm trầm trọng nhất của họ là đã xây dựng nên hình ảnh giới trẻ hiện nay quá lệch lạc, kệch cỡm. Nhìn vào mọi tờ báo tiên tiến nước ngoài, ta hoàn toàn có thể thấy nội dung chính của họ là sự phát triển của đất nước, là những gì đã và đang diễn ra chứ không phải chỉ tập trung vào những chuyện giật gân như thời gian gần đây các báo vẫn giật tít, đại loại như: "Game thủ giết người", "Cháu giết bà để lấy tiền chơi game"... những điều như vậy được xem là sự xấu hổ của những người có trách nhiệm đối với cộng đồng, họ không rêu rao lên như vậy rồi lên tiếng xin lỗi hay bào chữa, mà họ thầm lặng, thầm lặng nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả.

Tôi chỉ xin đơn cử nói về tình trạng game hiện nay để nêu rõ những sai lầm của báo chỉ truyền thông Việt Nam thời gian gần đây.

"Cộng đồng game thủ mở rộng, đấy là một điều đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo khi mà có rất nhiều thành phần tham gia chơi game. Có nhiều kẻ xấu lợi dụng môi trường ảo của game để vi phạm pháp luật. Nhưng cũng có không ít bạn trẻ quá mê đắm vào thế giới màu sắc mà quên đi mất mình có một cuộc sống thực, họ chìm trong đó và không thể kiểm soát nổi suy nghĩ của bản thân dẫn đến những hành động xấu và gây hại tới người xung quanh. Tất nhiên, đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, thế nhưng, dường như cộng đồng game Việt đã bị săm soi quá đáng khi xã hội chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực họ mang tới.

Khoảng 2 năm trở lại đây, hàng loạt những bài báo kiểu: Game thủ giết người, Game thủ đánh người gây hại, Game thủ cưỡng bức vì ảnh hưởng trò chơi, Game thủ bỏ học, Game thủ..... nói chung là toàn những việc xấu. Những title giật gân đánh mạnh vào trí tò mò người đọc kiểu: cướp giết hiếp liên tục được những trang báo mạng cập nhật hàng ngày. Người đọc thấy lạ cũng click vào, lượng views mỗi bài như thế tăng ầm ầm, bên đưa tin lại càng thích thú đẩy mạnh những tin tức kiểu này. Vậy là ngày nào bật máy lên, lướt web, cũng đầy rẫy những vụ giết người cướp của do game thủ gây ra.

Giới game thủ ngáp ngắn ngáp dài: "Nhảm". Người ngoài nhìn vào đánh giá: "Đúng là một lũ vô học chỉ suốt ngày cắm mặt vào game bạo lực, chả làm được trò trống gì". Lâu dần thành quen, bây giờ cứ có vụ việc nghiêm trọng nào có liên quan đến giới trẻ, là y như rằng người ta phải lôi ngay game vào như một cách để đổ lỗi và trong tiềm thức của xã hội: Game là một thứ xấu xa ngang hàng với những tệ nạn."

Với sự phát triển và lanh truyền nhanh đến chóng mặt hiện nay, chỉ cần một mẩu tin được phát ra, thì chỉ vài giờ sau có lẽ cả cộng đồng mạng đều biết đến. Sức mạnh lớn đến vậy nhưng kèm theo nó là sự lệch lạc mà chỉ cần một li là lạc đến cả dặm. Các báo các đài cứ vô tu giật những tít thật sốc, cốt cũng là muốn tăng doanh thu, tăng lượng người theo dõi, vì xét cho cùng họ cũng cần thu lợi cho chính họ. Chính sự câu khách này đã khiêu khích sự tò mò và lo lăng của đại đa số các bậc phụ huynh, mà phải nói, phụ huynh tôi cũng là một ví dụ. Những ngày qua không biết tôi đã phải nghe bao nhiêu câu chửi và nhắc khéo chỉ vì tôi đam mê một game e-sport. Dường như giới truyền thông, mà kéo theo cả xã hội, đã chỉ xoáy vào 1 bộ phận nhỏ của những người chơi game mà quên rằng đại đa số những người chơi game là những người rất biết suy nghĩ, mà 1 số còn suy nghĩ rất sâu sắc. Những người chơi game khổng phải chỉ có những niềm đam mê bên bàn phím và con chuột mà còn có những chương trình ngoài trời, hội thao, chương trình từ thiện, và trong thâm tâm, họ tự nhắc mình cũng như lẫn nhau, rằng thế giới ảo là không thực, rằng cuộc sống của họ bên ngoài thế giới ảo đó, và họ tuy có đam mê những vẫn luôn phấn đấu xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa nhiều hơn.

"Và có lẽ, hậu quả của những bài báo kiểu đó chúng ta đang dần nhìn thấy. Cấm chơi game sau 22h - game thủ sẽ làm gì sau mốc thời gian đó khi với nhiều người, 22h họ mới bắt đầu chơi game? Ngoài những game thủ là học sinh, còn những công chức, người đi làm chỉ có thời gian rỗi sau 22h? Họ cũng sẽ "bị quản lý"? Thang điểm đánh giá mức độ bạo lực của trò chơi? Và rồi CS sẽ bị liệt vào hàng game giết người hàng loạt với vũ khí nóng, StarCraft có sự xuất hiện của hạt nhân và bomp - hẳn sẽ châm ngòi cho trẻ nhỏ tư duy chiến tranh, DotA sẽ trở thành một game giết chóc. Nghe thật nực cười và không cần thiết. Và từ bây giờ, chúng ta có khả năng sẽ không được online vào sau 23h? Đây thật sự là một bi kịch mà các game thủ hoàn toàn không mong đợi."

Game tốt hay xấu còn do người chơi nó, bản thân tôi tự nhận mình ghiền, nhưng không phải ghiền theo dạng có thể làm bất cứ điều gì để được chơi. Do đam mê nên tôi chơi hết mình trong mọi giấy phút được thỏa chí, để khi ra đời thực, tôi biết được tôi vẫn còn là chính tôi, tôi vẫn biết được những mục tiêu trước mắt của đời mình là gì. Và xin nói thêm một điều, qua game tôi đã quen biết rất nhiều người, từ gosu cho đến mới tập chơi, mà phải công nhận rằng, suy nghĩ của họ sâu sắc hơn tôi gấp vạn lần. Chơi game cũng đã giúp tôi tự trui rèn mình hơn những tính cẩn thận, tỉ mỉ, óc tập trung, học cách tôn trọng người khác và đặc biệt hơn là sự đoàn kết và tinh thân đồng đội.

Cái gì cũng có hai mặt tốt xấu của nó, truyền thông Việt Nam đã quá lệch lạc vào mặt tiêu cực mà quên đi nhiều mặt tích cực của nó. Hệ lụy tất yếu là cả một bộ phận đại đa số những người chơi một cách nghiêm túc đã phải gánh chịu những điều tiếng mà họ thật sự không đáng phải nhận. Như đã nói ở trên, chơi game không xấu, tốt xấu là ở người chơi, chỉ mong truyền thông và xã hội có một cái nhìn tích cực hơn, và đừng quên những gì game thủ đã công hiến cho nước nhà. Chẳng phải rất nhiều người đã từng rất tự hào khi là cờ Việt Nam tung bay trên bục cao nhất của ACG 09, AIG 3 hay mới đây là ACG 10 hay sao? Xin đừng mất niềm tin vào những con người rất đáng được xã hội tin tưởng và coi trọng. Đừng bỏ quên công sức mà nhiều người đã, đang và sẽ công hiến cho cộng đồng.

Đó chỉ là đơn cử của một hiện tượng đang rất được tranh cãi hiện nay, tôi đã chứng kiến rất nhiều điều khác mà có lẽ nếu viết ra thì có đến sáng cũng chẳng hết... Đây chỉ là những suy nghĩ của tôi, và theo tôi là giống với rất nhiều người khác tôi đã gặp, truyền thông Việt Nam đã quá sai lầm khi xây dựng một hình ảnh giới trẻ như vậy, hy vọng sẽ có một ngày truyền thông nghĩ thoáng hơn và dừng những kiểu đưa tin như vậy, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp hẳn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, và cả bản thân tôi cũng thế. Giới trẻ còn rất nhiều những người tốt, cho dù họ khác người thế nào, họ có lệch lạc với những lối suy nghĩ cũ, nhưng họ không suy đồi, họ luôn tự khẳng định mình, và luôn đóng góp cho xã hội, bằng cách này hay cách khác...

Bài viết có sử dụng nguồn từ một số trang khác

.

.

.

Người dân nghĩ gì về việc kiểm soát “Game online”?

Khoa Diễm, phóng viên RFA

2010-07-29

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/What-do-Vietnamese-think-about-games-online-control-KDiem-07292010220513.html

Những thay đổi đến chóng mặt về công nghệ thông tin ngày một tân tiến, giới trẻ ngày nay không còn tha thiết với những trò chơi dân gian mà thay vào đó là các trò chơi điện tử trực tuyến (Game online).

Tuy nhiên, sự đam mê không còn mới mẻ này đang gây rất nhiều khó khăn cho Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác.

Khoa Diễm có bài tìm hiểu về những suy nghĩ của các game thủ và chủ tiệm internet khi nghe về kiến nghị mới nhất này của Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội.

.

Một kiến nghị cần thiết

Theo thống kê của Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội thì cứ 10 người vào đại lý internet thì có 7 người chơi trò chơi trực tuyến, hầu hết là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên.

Thực trang này đang trong thời kỳ cao điểm vì đây là thời gian nghỉ hè. Nhiều học sinh, sinh viên ngoài thời gian trong các lớp hè, đều dành thời gian còn lại trên các máy games. Tuy nhiên, không phải chỉ có giới học sinh, sinh viên mới mê mẫn những trò chơi này mà ngay cả người lớn tuổi, có gia đình vẫn rất thích thú.

Một game thủ xin dấu tên với 7 năm kinh nghiệm cho biết:

“Bắt đầu chơi là đã có vợ con rồi. Hồi xưa thì chơi nhiều, hồi xưa thì 5 - 7 tiếng nhưng càng ngày, thật ra thì cái khác nhau là tuổi lớn khi mình xâm nhập trò chơi thì chỉ một hời gian thì mình cân bằng lại được ngay cái thời gian chơi và công việc. Càng về sau thì thời gian chơi nó giảm bớt, lúc ấy mới thật sự là giải trí chứ không còn bị cuốn theo như các bạn trẻ khác. Mình chắc chắn là những sinh viên bị ngập vào cái trò ấy thì đừng nghĩ đến chuyện ra trường, học hành gì nữa, chơi suốt ngày đó mà.”

Game thủ này còn cho biết thêm là nếu như không có gia đình và những trách nhiệm ràng buộc thì có lẽ giờ này anh vẫn còn trong tình trạng từ mê đến nghiện games online. Khi một người được cho là nghiện games là khi người đó từ ăn cơm, lái xe, làm bất cứ công việc gì cũng chỉ nghĩ đến games và khi đi ngủ cũng mơ đến chúng.

Nếu như các cuộc chơi chỉ xảy ra trên mạng và các game thủ không gặp nhau ngoài đời thì tình trạng nghiện sẽ không nặng lắm, đôi khi còn dẫn đến nhàm chán sau một thời gian.

Đức, năm nay 21 tuổi, đã đi làm và chơi games online được 2 - 3 năm cho biết.

“Hồi trước thì có chứ giờ thì không có đâu. Giờ thì chơi tới giờ thì mình về à. Hồi trước minh chơi cái trò đó, mình thích thì mê theo nhưng bây giờ không thích cái trò đó nữa thì không chơi. Giờ bỏ trò đó rồi nên không thích nữa, ra chơi một chút là chán.”

Thế nhưng những tay game thủ thuộc loại có “số má”, có nghĩa là đang có một địa vị cao trong một ban hội nào đó trong cái games mà họ đang chơi, không những thích chơi games mà còn thích gặp nhau ngoài đời. Rất nhiều trường hợp ngoài đời họ là những cô cậu nhỏ tuổi, nhỏ con, kém cỏi, thua xa bạn bè nhưng khi có địa vị ảo trên mạng và đến lúc nhóm họp offline, họ cũng vẫn có tiếng nói và địa vị như trên mạng.

Các game thủ củng cố tinh thần và trợ giúp nhau khi một người bại trận trong cuộc chiến. Nhiều game thủ cho rằng trong games người ta đối xử với nhau công bằng hơn, có cơ hội làm anh hùng và giúp đỡ những kẻ yếu nhưng lại không quan tâm và chú ý đến cuộc sống gia đình.

Theo tin từ báo Tuổi trẻ online, Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội kiến nghị hằng ngày phải tắt máy chủ trò chơi điện tử từ 23 giờ và mở lại sau 6 giờ. Và Bộ Thông tin - truyền thông dự thảo quy chế các doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ từ 8 giờ đến 22 giờ đêm. Trong những dự thảo và kiến nghị này còn ghi rõ chi tiết là các doanh nghiệp không được cho học sinh mặc đồng phục sử dụng máy trong giờ đến trường, từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày, thời gian chơi tổng cộng của mỗi người chơi trong một ngày đối với mỗi trò chơi sẽ không được quá 180 phút và không được quá 300 phút tùy trò chơi.

.

Người kinh doanh không đồng tình

Tuy nhiên, internet là một dịch vụ đang nở rộ tại các tỉnh thành lớn, liệu các chủ doanh nghiệp internet có đồng tình với kiến nghị và dự thảo này không?

Hiện, chỉ với thành phố Hà Nội đã có hơn 4.000 đại lý internet. Với giá 3.500đ/tiếng, đây là một dịch vụ dễ kiếm ra tiền và không phải tốn nhiều công sức cho các ông bà chủ. Đôi khi các cửa tiệm này còn là thu nhập duy nhất của gia đình mà game thủ là khách hàng thường xuyên cũng như là những khách hàng dễ tính nhất. Game thủ chỉ quan tâm duy nhất về độ nhanh của mạng còn những vấn đề khác thì không phải là mối bận tâm của họ.

Nhiều chủ tiệm không đồng tình với kiến nghị này, họ cho rằng nếu không cho khách hàng học sinh sử dụng máy, phải kiểm tra cặn kẽ là khách đang ở trang mạng nào thì làm sao họ có thời gian và dần dần sẽ mất hết các khách hàng thường có. Một số khác cho là dự kiến này không có tính thực tiễn cao vì trong quá khứ Sở và Bộ Thông tin - truyền thông cũng đã không làm được gì khi các tiệm đóng cửa lúc 23 giờ đêm nhưng vẫn có khách bên trong vì không thể khám nhà nếu không có giấy phép.

Các cư dân mạng cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ khi người dân sử dụng mạng internet là vi phạm quyền riêng tư cá nhân nhưng ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, cho biết, qua trao đổi với VnExpress.net nếu nhà nước tiếp tục buông lỏng, dân tộc VN sẽ đón nhận một bộ phận thanh niên hư hỏng, vì nhiễm những luồng tư tưởng xấu.

Ông bản nói thêm, nhân cách của họ cũng sẽ có vấn đề khi còn trong độ tuổi vị thành niên mà lại dễ dàng tiếp xúc với phim ảnh sex, bạo lực trên Internet. Tình hình an ninh trật tự cũng xấu đi với việc mãi mê chơi game online quên ngày tháng, một số cá nhân đã đi cướp để lấy tiền nhằm tiếp tục tham gia thế giới ảo. Điều này gây bức xúc cho xã hội và nhiều lần Hội đồng nhân dân thành phố đã có ý kiến. Vì vậy, tiến hành kiểm soát hành vi của người dùng tại đại lý Internet là hợp lòng dân. Và khi tiến hành xây dựng hệ thống này, nhà nước cũng có tham khảo quy định quản lý Internet ở rất nhiều nước như Đức, Pháp, Nhật, Trung Quốc... Ở đó, họ cũng có những điều luật tương tự và kiểm soát rất chặt chẽ hành vi của người dùng tại đại lý Internet.

Sau khi trải qua thời gian chìm đắm trong thú vui games trên mạng, game thủ dấu tên cho biết.

“Thực ra theo mình thì nên làm như thế. Ở Việt Nam rất là ít người có thể cân bằng được thời gian với công việc. Rất ít người, kể cả lớn cũng thế, nhỏ thì càng bị xa đà, kinh khủng khiếp. Ở công ty mình, thanh niên cũng bị ngập vào luôn, nhỏ hơn mình cỡ 5 - 7 tuổi, ngập vào không thể dứt ra được. Theo mình là nếu chơi thì chỉ là giải trí thôi chứ bị cuốn như thế thì không thể nào chịu nổi đâu.”

Games online bắt đầu là những trò chơi giải trí với các câu chuyện lồng từ phim bộ Trung Quốc; tuy nhiên, thời gian gần đây đã không còn đơn giản như vậy nữa. Qua các thống kê của nhà nước và tin tức do báo chí trong nước loan thì vấn đề nghiện ngập games mạng đã trở thành một tệ nạn như những tệ nạn xã hội khác.

Đưa ra những kiến nghị hay dự thảo chỉ là những bước đầu quan trọng trong một cuộc cải cách những tệ nạn xã hội, nhưng việc thực hành và khả năng thành công cũng phải được tính đến thì mới mong các lý thuyết hay trở thành hiện thực có ích. Thiết nghĩ, nếu như các game thủ đã trải qua những ngày mê mẫn hãi hùng và đồng tình với kiến nghị này thì có lẽ nhà nước cũng nên nhận đây là một khởi đầu thành công và tiếp tục dự thảo này đến nơi đến chốn.

.

Theo dòng thời sự:

Trò chơi trực tuyến về chống tham nhũng của Trung Quốc, bài học cho Việt Nam

Tật nghiện game online

Không quản lý nổi hơn 21 triệu người xử dụng internet

Nghiện Net, trẻ càng học lùi

Bạn trẻ tranh luận về Game online

Tiếp tục tranh luận về Game online

Giải pháp cho Game Online?

Lợi hại trong việc sử dụng Internet

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: