Saturday, July 31, 2010

CON VUÔNG MẸ MÉO (Các bà mẹ VN biểu tình tại Pháp)

Con vuông mẹ méo

Huỳnh Tâm
Đăng ngày 31/07/2010 lúc 15:13:37 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4976

Ngày 10-6-2010 vừa qua, tại quảng trường Bastille, quận 4 thủ đô Paris, Pháp Quốc, người ta thấy có nhiều bà mẹ trẻ Việt Nam bồng bế con thơ xuống đường, yêu cầu nhà nước Pháp hợp thức hoá qui chế định cư. Những cuộc xuống đường này không phải tình cờ, họ biết chính phủ Pháp không thể trục xuất họ ra khỏi nước một khi chứng minh được đã sinh con tại Pháp. Họ còn biết sẽ có nhiều hội đoàn thiện nguyện Pháp bênh vực và che chở họ nếu bị đàn áp.

Có lẽ đây là lần đầu tiên di dân Việt bất hợp pháp xuất hiện công khai trong những cuộc xuống đường đòi hợp thức hoá sự hiện diện của họ trên đất Pháp. Trước đó, được các hội đoàn thiện nguyện và nhân đạo khuyến khích và hỗ trợ, cộng đồng người Châu Phi da đen, Ả Rập và Trung Quốc đã nhiều lần xuống đường đòi hợp thức hoá tình trạng nhập cư bất hợp pháp của họ và yêu cầu chính phủ Pháp cung cấp giấy tờ để tìm việc và hội nhập. Lần này, những bà mẹ trẻ Việt Nam đã bồng bế con thơ xuống đường, như những bà mẹ trẻ Trung Quốc và Châu Phi đã từng làm trước đó, vì biết rằng lực lượng an ninh sẽ không đàn áp và các cơ quan truyền thông và báo chí sẽ bênh vực họ. Cái không may của đoàn người này là đã xuống đường đòi quyền lợi vào một thời điểm không thuận lợi, do đó đã diễn ra trong sự dửng dưng, không được cơ quan truyền thông nào chú ý tới. Nước Pháp đang bị suy thoái kinh tế và ưu tư của các công đoàn và dư luận tập trung vào dự luật cải cách tuổi về hưu. Chỉ thấy xe cộ ồ ạt qua lại và khách bàng quan tò mò đứng nhìn.

Tuy vậy, cuộc xuống đường này đã được nhóm phóng viên tự do người Việt chúng tôi chú ý. Sự chú ý của chúng tôi không nhắm vào đoàn người xuống đường mà số trẻ thơ bị mang xuống đường làm dụng cụ thương thuyết. Trẻ em, tuổi từ một tháng đến một năm được bồng bế trên tay hay nằm trên những xe đẩy với hơn 45 phụ nữ, tuổi từ 20 đến 30, có lẽ là mẹ của những trẻ em này. Không hiểu số trẻ em này được sinh ra vào lúc nào và trong những điều kiện nào trên đất Pháp?

Dĩ nhiên không thấy xuất hiện bóng một nam nhân Việt Nam nào, mặc dù những trẻ em này đều da vàng, tóc đen, mũi tẹt. Những người cha đã ẩn mặt để cho vợ, người tình xuống đường đòi quyền lợi và sẽ xuất hiện khi thành công và lẩn trốn khi thất bại. Cách tính toán này quả là khôn ngoan cho kẻ ném đá giấu tay, nhưng không danh dự gì cho người trục lợi. Từ muôn đời bà mẹ Việt Nam nào cũng là những kẻ thiệt thòi, chỉ biết hy sinh và chịu đựng. Lần này sự chịu đựng diễn ra tại Châu Âu, trên quảng trường Bastille, thủ đô nước Pháp, khiến sĩ diện và danh dự cộng đồng người Việt tị nạn trên đất Pháp bị xúc phạm.

Từ năm 1975 đến nay, cộng đồng người Việt tị nạn đã xây dựng được cho mình một hình ảnh tốt đẹp trong dư luận người Pháp: những con người đàng hoàng, tôn trọng pháp luật, bầu cử danh dự, cần cù làm việc, biết khuyến khích con cái học hành, và nhất là không làm mất danh dự tập thể. Nhưng từ một vài năm trở lại đây, phong trào di dân bất hợp pháp của người Việt trên đất Pháp đã làm hoen ố hình ảnh này. Dư luận người Pháp không phân biệt cộng đồng người Việt di dân sau 1975 và hiện nay, họ gọi chung là người Việt bất hợp pháp (les clandestins vietnamiens). Nhất là sau vụ một phụ nữ Pháp bị bắt quả tang đưa người Việt sang Anh và những thiên phóng sự về những nhóm người Việt bất hợp pháp trong các khu rừng miền Bắc nước Pháp chờ dịp sang Anh trồng cần sa.


Thực ra những phụ nữ này chỉ là nạn nhân của một đường dây đưa người bất hợp pháp vào đất Pháp mà ai cũng biết có sự đồng loã, nếu không muốn nói là có sự tiếp tay của Tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp. Nếu không được cấp giấy thông hành, làm sao những người này qua được nước Pháp? Nếu không có nơi chứa, làm sao những người này có thể ăn ở và mang thai rồi sinh con đẻ cái? Qua điều tra, chúng tôi được biết họ là nạn nhân của một đường dây có tổ chức do nhà nước chỉ đạo: Xuất khẩu lao động. Những phụ nữ này, sau khi nộp đủ thứ tiền cho các cơ quan dịch vụ, được đưa sang Pháp. Sau khi đến Pháp, những phụ nữ này mới biết mình bị lừa thì đã quá muộn. Họ được đưa đi ẩn náu trong các thành phố ngoại ô phía Đông Paris để chờ được đưa sang Anh định cư. Khi đường dây sang Anh bị đổ bể, những phụ nữ này được khuyến khích sinh con đẻ cái tại Pháp để được hưởng quyền định cư hợp pháp. Nói họ nhẹ dạ thì có hơi quá đáng, nhưng rõ ràng họ là nạn nhân của một đường dây buôn người do nhà nước cộng sản Việt Nam tổ chức. Nếu không có tổ chức thì làm sao hơn 45 phụ nữ sàn sàn cùng lứa tuổi, không biết ở đâu và có con cùng độ tuổi đến gặp nhau tại quảng trường Bastille đúng ngày, đúng giờ để biểu tình đòi quyền lợi? Còn cha của những em bé này là ai nếu không phải là những thanh niên Việt Nam được đưa sang Pháp bằng đường du lịch hay du học sinh, và muốn được hợp thức hoá giấy tờ để ở lại?

Hay tin người Việt xuống đường tại Quảng trường Bastille, Paris, ngày 10/6/2010 đòi hợp thức hoá tình trạng cư trú, nhóm phóng viên chúng tôi liền đến tìm hiểu và thăm hỏi sự tình.
Qua trao đổi, người dân Paris cho biết, họ rất thắc mắc: Nước Việt Nam đang phát triển không thua gì Trung Quốc, tại sao lại có tình trạng người Việt di dân bất hợp pháp ra nước ngoài? Người Việt nổi tiếng thương con và tự trọng, tại sao lại đem chúng xuống đường yêu sách đòi hợp thức hoá một tình trạng bất hợp pháp?
Một người Việt sống lâu năm ở Paris thì phát biểu: Kẻ mù cũng thấy sau lưng những người này có bàn tay của đảng cộng sản Việt Nam xúi gịuc, họ là nạn nhân của bọn mafia nhà nước.

Xưa nay văn hoá Việt Nam có rất nhiều hình ảnh lưu truyền nói về tình mẫu tử, như câu ca dao: "Con dại cái mang". Con làm điều bậy thì cha mẹ gánh chịu. Thế mà từ ngày chế độ cộng sản được thiết đặt trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì câu ca dao này đã đổi thay ngược dòng đời: "Cái dại con mang". Cha mẹ làm điều bậy thì con gánh hết, âu cũng do xã hội Việt Nam ngày nay đổi thay không thể chấp nhận được.

Những bà mẹ Việt thời nay, bồng bế con thơ đi biểu tình tại Paris có những suy nghĩ không chính xác và thiếu thực tế về xã hội phương Tây, nhất là về hội nhập. Họ cứ tưởng rằng nếu sinh con đẻ cái trên đất Pháp thì sẽ được hợp thức hoá tình trạng cư trú tức khắc, do đó đã xuống đường yêu cầu nhà nước Pháp Quốc hiểu hoàn cảnh và lắng nghe tiếng nói của họ.

Trước đây, chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều đoàn biểu tình của người di dân bất hợp pháp gốc Châu Phi, xin hợp thức hoá định cư, nhưng chẳng mấy ai có được kết quả.
Phải biết rằng luật di trú Pháp đã rất rõ ràng: một người con có cha mẹ thuộc diện di dân bất hợp pháp muốn hợp thức hoá giấy tờ phải chờ đến năm 18 tuổi mới được làm đơn xin gia nhập quốc tịch. Những bậc cha mẹ phải làm gì trong suốt 18 năm chờ đợi đó? Và cũng nên biết rằng, trong suốt 18 năm đó, khi bị xét hỏi và khám phá cha mẹ, kể cả đứa con, không có giấy tờ hợp lệ thì cả gia đình có thể sẽ bị bắt giữ để trục xuất về nước liền tức thì. Trong trường hợp may mắn, sau khi đứa con đã đến tuổi trưởng thành (18 tuổi) và được chấp thuận làm công dân nước Pháp thì bà mẹ đã ngoài 40 tuổi, tuổi rất khó tìm việc tại Châu Âu vì xem như hết sức lao động. Không lẽ sau 18 năm chờ đợi, tương lai của mẹ lẫn con lại bấp bênh đến thế sao ?

Chân dung bà mẹ
Mẹ Việt Nam thông qua tập quán ở quê nhà, là mẫu mực của sáng tạo, người lập ra mái ấm gia đình và kỷ cương sống, người con chào đời thụ hưởng thương yêu, hiếu đức, lương thiện. Bà mẹ ấy là chân dung của đức cần cù nhẫn nại. Mẹ là sự sống của từng khắc giây hy vọng, cho con cái thành nhân chí mỹ, mẹ cho con tình yêu vào đời rất vĩ đại.
Cũng có trường hợp đớn đau như những bà mẹ trẻ Việt Nam xuống đường tại Paris đòi quyền lợi. Tương lai của họ sẽ như thế nào?
Qua tìm hiểu sơ lược chúng tôi được biết một số những bà mẹ trẻ này không quan tâm gì đến tương lai của con cái họ. Các bà chỉ mong sao có giấy tờ để thực hiện những dự án làm giàu khác, như kiếm chồng có địa vị, có tài sản để được sống trong sự sung túc và giàu sang. Không ai có dự án đầu tư nào cho con cái, các bà mẹ đều nói con cái họ sẽ được nhà nước Pháp nuôi nên không phải lo lắng gì cho lắm. Trước mắt chúng tôi chỉ thấy các em bé này chuẩn bị tiếp nhận sự bất hạnh mà các bà mẹ định dành cho. Ít ai tự hỏi tương lai của những em bé này ra sao và sẽ nghĩ gì về những toan tính của mẹ dành cho mình ?

Sau lưng bồng bế con thơ xuống đường
Trong buổi biểu tình, sự chú ý của chúng tôi hướng về hai phụ nữ, một người trạc tuổi 30, bồng một con nhỏ, và người đứng kế bên, ăn mặc thanh lịch, tay cầm cây dù màu thiên thanh che cho em bé.
Tôi đến gần và gợi chuyện với người phụ nữ ăn mặc thanh lịch. Quan sát kỹ, tôi thấy người này không phải là người nhập cư bất hợp pháp vì dáng người sang trọng, ăn mặc đúng kiểu phương Tây, trang điểm thanh lịch, nhưng khuôn mặt được che lấp bởi bảy lớp phấn dầy nên trông rất trẻ. Thêm vào đó, vành môi của bà ta đươc tô đen một cách gợi tình. Những nam thanh niên yếu bóng vía sẽ bị lửa tình thiêu đốt khi bị tia chớp từ đôi mắt huyền chiếu vào.
Càng gợi chuyện, tôi càng ngạc nhiên. Sự khám phá về người phụ nữ này rất là lý thú. Thoạt đầu tôi gọi bằng cô xưng tôi, sau khi biết tuổi của nhau cách xưng hô trở nên thân thiện hơn, chúng tôi gọi nhau bằng bác và cháu rất là thân mật.

Tôi hỏi:
— Cháu Hồng à, bằng cách nào cháu biết địa chỉ này mà đến tham dự biểu tình? Ai chỉ dẫn cháu yêu cầu nhà nước Pháp hợp thức hoá thủ tục định cư?
Suy nghĩ một hồi, với một giọng nói ngồ ngộ miền Nam, cô Hồng chậm rãi nói:
— Thưa bác, câu hỏi này rất khó trả lời, nhưng cháu tin bác là không có ác ý gì, bởi thế cháu không thể nào nói dối với bác. Thưa bác, cuộc biểu tình hôm nay là do cháu tự nguyện tổ chức. Còn những chị em từ xa đến đây tập hợp cũng do cháu đài thọ mọi chi phí như di chuyển và ăn trưa. Sau buổi biểu tình này cháu không hy vọng nhà nước Pháp đồng ý chấp nhận hợp thức hoá định cư. Tuy nhiên đây là tiếng chuông báo hiệu trước, lần sau cháu sẽ tổ chức rầm rộ hơn.

Tôi không hiểu nổi. Nguyên nhân nào xuất hiện một cô Hồng tại Paris và ai đứng sau lưng cuộc biểu tình này? Khi vừa đến đây, tôi đã nghi ngờ thực chất của cuộc biểu tình này vì chỉ thấy toàn người Việt và không có một hội đoàn thiện nguyện hay nhân đạo người Pháp nào. Sau khi dò hỏi, tôi biết chắc chắn có bàn tay hay âm mưu nào đó của chính quyền cộng sản Việt Nam ở đằng sau.

Muốn tìm hiểu một mẫu người xa lạ và huyền bí như cô Hồng, quả thật không dễ. Tôi chỉ biết để lộ sự chân tình và để cho cô Hồng tự nguyện kể lại từng hành động, từng sinh hoạt và cuộc đời riêng. Để bắt đầu tôi gợi ý bằng một câu hỏi, như một người thân đứng tuổi:
— Cô Hồng có lẽ đã sinh sống ở Pháp từ lâu lắm rồi phải không? Công ăn việc làm có khó nhọc không? Sinh hoạt gia đình có bị chật vật gì không? Còn an sinh xã hội đối với chồng con thế nào, nếu trung bình thì bác đây vui mừng cho cháu, cũng như quý chị em đang biểu tình?

Cô Hồng nhìn về phía xa xăm thổ lộ:

— Thưa bác, thực ra cháu chỉ vừa đến Paris hơn được một năm. Khi còn ở quê nhà cháu đã có mang thai rồi, đến Pháp mới sinh được một con trai, hôm nay con của cháu đã được 8 tháng. Quê cháu ở Sài Gòn, trước nhà thờ Huyện Sĩ, đường Ngô Tùng Châu.
Tôi liền ngắt lời của cô Hồng:
— Nhà của bác ở đầu hẻm Ngô Tùng Châu đó cháu ạ.
Đôi mắt cô Hồng như bừng sáng, khuôn mặt thể hiện sự thiện cảm và gương mặt của cô Hồng để lộ sự chân thật. Quả nhiên bản tính con người đều mang tính thiện, nhất là khi gặp được người đồng hương hay láng giềng ở xứ lạ, cô Hồng để lộ một niềm vui khôn tả, nói tiếp:
— Thưa bác, cháu nhớ ra rồi, căn nhà ấy lúc nào cũng tấp nập bạn bè ra vào.
Rồi chuyển qua những câu hỏi của tôi, cô Hồng nói tiếp:
— Thưa bác, cháu không ngại nói ra đây để bác tường. Cháu nguyên là vợ bé thứ mấy, trẻ tuổi nhất của một nhân vật hàng đầu ban lãnh đạo trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Cháu ăn ở với người này cũng vì tiền mà thôi, chứ tình yêu gì với một lão già! Đối với cháu, một lão già nua thì khó ăn cỏ xanh một cách tự nhiên. Lúc ấy bất ngờ cháu mang thai với một người tình cũ, thế là cháu báo tin cho lão tình già biết, đã cấn thai một tháng. Lập tức lão tình già tin tưởng có thêm vốn lời, liền cho cháu đi du lịch sang Pháp rồi ở luôn từ đó đến nay. Cháu sống trong một biệt thự lộng lẫy tại Chatou, ngoại ô phía tây cách Paris 30 km, có ba người hầu và một người làm vườn. Đặc biệt có một chị người gốc Hoa, làm tài xế và thông dịch, nói thông thạo bốn thứ tiếng, Quan Thoại, Việt, Anh và Pháp.

Lòng tôi bồi hồi thật lâu, không biết có nên tin những lời nói này, thật là bán tín bán nghi. Lời nói có vẻ chân thực, nhưng không biết lấy gì đo lường sự thành thật của người phụ nữ trước mặt! Tôi chỉ nghe trong lòng vang lên sự bực tức: Con mẹ đảng cộng sản chúng nó, đục khoét đất nước Việt Nam, bán đất, bán dân, bán rừng, bán biển và tham nhũng để lấy tiền nuôi một con bồ nhí. Thảo nào đất nước Việt Nam ngày nay không giống ai cả!

Tôi chợt định thần trấn tĩnh lại trước một cô Hồng, đương là phu nhân nhỏ của một nhân vật lãnh đạo trung ương của đảng cộng sản Việt Nam, cũng là kẻ nắm quyền sinh tử trên tay 86 triệu dân Việt Nam. Như vậy cô Hồng không phải là một người phụ nữ chân chất, bởi cô đã biến lão tình già của đảng cộng sản thành nạn nhân của kế mỹ nhân, do đó lời nói của cô Hồng này rất là khó tin. Đang lúc thâm tâm còn phân vân, tôi liền quyết định tránh xa kẻ xấu để cho tâm hồn được bình an và không muốn nghe tiếp một lời nào từ một người xuất thân từ chế độ xã hội chủ nghĩa này ra.
Sau một hồi nhìn trời mây nước, giả vờ quan sát những người biểu tình, mãi một lúc lâu sau tôi mới lấy quyết định, thà chịu bẩn lỗ tai để khám phá thâm cung bí sử của đảng cộng sản Việt Nam hơn là nhắm mắt bịt tai trước sự thật. Hơn nữa đây cũng là một dịp hiếm hoi để tìm hiểu đảng cộng sản nên không thể làm ngơ.

Sau buổi biểu tình, tôi mời cô Hồng và người đi theo dùng cơm chiều. Tôi nghĩ, muốn tìm hiểu mẫu người phụ nữ có lớp áo bí ẩn này thì nên tiếp xúc tại nhà hàng ở trước quảng trường Bastille. Cô Hồng đồng ý chấp thuận lời mời của tôi. Vào nhà hàng, tôi nhờ người chạy bàn cho ba phần ăn bình thường trên thực đơn, kèm theo rượu vang. Cô Hồng liền phất tay và xin phép người chạy bàn đổi thực đơn theo ý của cô. Người đi theo liền gọi khai vị, tiếp theo thực đơn chính là hải sản và tráng miệng.

Tôi liền hỏi:
— Cô Hồng có để ý thực đơn của em bé không ?
Cô ta đáp:
— Thưa bác, yên chí cháu đã có thực đơn chính hiệu cho bé rồi.
Tôi cười mỉm:
— Thì ra cháu bé đã có thực đơn thiên nhiên rất tốt đấy, chính ở điểm này thôi đã nói lên tình thâm mẫu tử rồi. Đúng là cha mẹ thương con như biển trời lai láng, dù sau này cha mẹ có lỗi lầm gì người con cũng tha thứ tất cả.

Trong buổi cơm, sự thân mật đến một cách tự nhiên, lời ăn tiếng nói không còn đắn đo suy nghĩ như trước. Tôi trình bày về khía cạnh nhân đạo của nước Pháp để cô Hồng có khái niệm và tránh những điều không hay, và cũng nhân thể báo tin cho cô Hồng đừng nghe những gì từ kẻ xúi giục, để rồi mất thời gian mà không đem lại kết quả.
— Cô Hồng ạ, nói về đất nước Pháp thì họ có tinh thần nhân đạo nhất thế giới, nhưng năm tháng ngày dài cả thế kỷ nhân đạo cũng đã đến thời kỳ cùng cạn, dù đất nước Pháp lúc nào cũng cổ vũ nhân dạo, cho nên tất cả những ai muốn lên làm lãnh đạo quốc gia cũng thực hiện theo ý nguyện của dân. Nhà nước Pháp đã từng thành công chương trình di dân, vì trước đây tất cả người di dân quyết tâm hội nhập, cùng với người dân bản xứ, họ thi nhau đóng góp nền kinh tế phồn thịnh, trong số đó có cộng đồng Việt Nam. Tính từ con số 5 cuối, như 1945 lính thợ, 1955 hồi tịch, 1975 di dân. Ở thời điểm 1975 tại Pháp mới thực sự có mặt cộng đồng người Việt Nam, đến nay trên dưới 450.000 người Việt định cư tại Pháp (Theo tư liệu của bộ Nội Vụ Pháp Quốc), kể cả số người nhập cư lậu. Tôi được biết Chương trình di dân cũng đã thay đổi theo thời gian, nay không còn rộng lượng và bao dung như ngày xưa nữa, trong thập niên 1990.

Theo Bộ Di Trú Pháp cho biết, truyền thống nhân đạo của chính phủ Pháp đang bị xét lại, do phía người ngoại quốc có những trá hình nhập cư bất hợp pháp, vượt quá đường ranh nhân đạo mà luật pháp đã quy định.
Để dẫn chứng, tôi nói đến nhiều trường hợp nhập cư bất hợp pháp khác nhau như:
1. Chương trình hôn nhân và bảo lãnh thân nhân.
2. Chương trình bảo lãnh bệnh nhân nan trị.
3. Du lịch và thăm viếng thân nhân.
Trong ba chương trình trên, yếu tố nhân đạo bao trùm lên tất cả và người nhập cư bất hợp pháp đã lợi dụng yếu tố này để nhập cư bất hợp pháp. Như một người vào nước Pháp xin uống một hớp nước, thấy nguồn nước trong lành người đó ở lại luôn. Không những thế họ còn bắt buộc chủ nhà nuôi ăn và nuôi ở, và còn phải trả tiền bồi dưỡng ở nhà nuôi con. Thử hỏi có gia đình nào, chứ đừng nói quốc gia nào còn hứng thú để tiếp nhận những loại di dân như thế không? Ngày nay chính quyền Pháp đã đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn nhập cư.

Từ thập niên 1990 trở lại đây, nước Pháp đã phải đối đầu với làn sóng di cư kinh tế, qua nhiều dạng bất hợp pháp khác nhau. Điển hình là chương trình hôn nhân, mỗi năm Pháp cho nhập cư ít nhất 2.530 người, trong số đó có người Việt Nam. Rồi kéo theo một đoàn công-voa bảo lãnh thân nhân, làm số người nhập cư lên tăng bội.
Chương trình bảo lãnh bệnh nhân nan trị khoảng 1.360 người, đa số đã chọn ở lại và bảo lãnh thân nhân sang chăm sóc, ăn theo v.v.
Đặc biệt là chương trình du lịch và thăm viếng thân nhân tại Pháp. Tạm tính mỗi năm có trên 45.500 người Việt sang thăm nước Pháp, trong số đó số người Việt Nam ở lại Pháp không phải là nhỏ, chuyến du lịch nào cũng báo cáo danh sách mất tích. Phần lớn những người đi du lịch và quyết định ở lại này cấu kết với thành phần nhập cư bất hợp pháp mà sau lưng là những tổ chức hoạt động xã hội trá hình như hội đoàn thiện nguyện, tín ngưỡng v.v., có tổ chức là cánh tay nối dài của tổ chức mafia Việt Nam. Một số người Việt Nam du lịch đến Pháp tìm mọi cách để chứng minh là có thân nhân tại Pháp rồi ở lại, trừ khi không có ai bảo đảm mới trở về cố quốc. Sự xuất hiện của họ từ phía các quốc gia nghèo, vì họ khao khát đổi đời, nhưng đại thể vô tình lại nuôi béo mập mafia.
Du lịch để tạm cư ở Pháp cũng không phải là cách hay, họ lấy quyết định ở lại Pháp do suy nghĩ đơn thuần, lúc nào họ cũng tìm cơ hội để lập gia đình với người đồng hương hay bất cứ với màu da khác, nếu là người Pháp thì bảo đảm hơn, bởi vậy họ trả giá cho cuộc đời riêng tư rất lớn để rồi tâm hồn không bao giờ yên lặng.

Khi được Bộ Di Trú chấp thuận cho định cư chinh thức, họ lập tức chuẩn bị ly hôn. Cũng có những hôn nhân sống bằng hồ sơ, nhà ai nấy ở, chờ đúng năm tháng theo luật pháp quy định, lúc ấy họ mới chuẩn bị hồ sơ ly hôn. Có những phiêu lưu khác, phụ nữ tìm nam giới để cấy giống, bởi họ không còn con đường nào khác để được ở Pháp. Cũng như vừa qua rất đông người Việt du lịch lấy Pháp làm quá cảnh, rồi đến cảng Calais vượt biên vào Anh Quốc để trồng cần sa. Ôi sao mà làm đời nghèo lắm xót xa !

Nói chung, người Việt không am tường luật di trú của Pháp Quốc, cho nên suy nghĩ đơn giản, như khi được ở Pháp rồi thì tìm được công ăn việc làm và có điều kiện sẽ bảo lãnh thân nhân tại quê nhà. Thực tế tất cả những tính toán trên của người muốn ở lại Pháp hoàn toàn sai, vì Pháp không thể tạo công ăn việc làm cho thành phần nhập cư bất hợp pháp. Nhất là kinh tế toàn cầu đang suy thoái, Pháp vẫn chưa ra khỏi sự trì trệ kinh tế như hiện nay. Nước Pháp lo cho dân họ đã là một gánh nặng và người dân Pháp đang gánh nền kinh tế quốc gia với những phiền muộn nên sẽ không tha thứ cho bất cứ chính quyền hay cấp lãnh đạo nào nuôi ăn, nuôi ở một kẻ lạ không thân thuộc và không đóng góp nào vào kinh tế Pháp.

Tôi nói tiếp:
— Cô Hồng à, tôi trình bày đơn sơ, như một báo cáo của kẻ ít biết về nước Pháp, tôi hơi lắm chuyện xin cô cảm thông.
Miệng tôi nói, mắt quan sát để tìm phản ứng của cô Hồng, tuyệt nhiên thấy cô bình thản, hình như vô tư. Tôi thấy cũng lạ, hỏi:
— Cô Hồng, có cảm tưởng nào, qua câu chuyện tôi vừa trình bày không ?
Cô Hồng nhìn bâng quơ ra quảng trường Bastille, đáp:
— Thưa bác, cuộc phiêu lưu của cháu hoàn toàn khác với đồng hương vì cháu không hề chuẩn bị. Hôm nay cháu chỉ biết bảo vệ quyền sở hữu vì tương lai con của cháu, còn việc xin định cư thì cháu có cách khác. Cũng có thể cháu thong thả chịu được 20 năm hay hơn nữa với một gia tài đã ổn định.
Tôi nghe cô Hồng nói đến gia tài ổn định, liền không thể bỏ cơ hội, hỏi:
— Cô Hồng à, dù có gia tài thế nào ngồi ăn không cũng phải lở.
Cô Hồng không do dự, đáp:
— Thưa bác, bác không hiểu đâu, tài sản của cháu là đồ thừa thãi của lão tình già, cháu lấy tiền của lão cũng vì đánh mất hạnh phúc cá nhân nay mới có được, những thứ tiền tham nhũng đó không phải là mồ hôi nước mắt của lão tình già. Cháu không lấy tiền của lão tình già thì người khác cũng lấy vậy thôi. Tuy cháu có độc ác với lão ấy thực, nhưng bù lại cháu âm thầm thực hiện chương trình khuyến học từ tiểu học đến trung học tại quê nhà, mỗi năm cháu phải chi trên 50.000 euros. Thà cháu bất nhân với một kẻ, nhưng cháu lương thiện với muôn người.
Bác xem, sở dĩ cháu có được như vậy là vì phải trả giá bằng trinh tiết đời con gái và lão tình già cũng không mất mát gì bởi tiền đó do tham nhũng. Cháu rất vui là lão tình già vẫn đinh ninh là bản sao y chính hiệu một mặt con. Bây giờ mỗi tuần lễ, lão tình già cứ phải rót tiền vào ngân hàng tài khoản công ty xuất nhập khẩu và tài khoản riêng của cháu. Hiện cháu sử dụng đồng tiền đó bằng cách mua bất động sản ở hải ngoại.

Tôi rất kinh ngạc khi cô Hồng thổ lộ về mãnh lực đồng tiền, liền trách:
— Cô Hồng không suy tính kỹ, tại sao lại nói toạc móng heo như vậy, không sợ đảng cộng sản hay sao? Phải chăng nay cô vô tình hay cô ý làm trung gian rửa tiền cho đảng cộng sản Việt Nam?
— Thưa bác, sợ cái gì! Bọn cộng sản đều cá mè một lứa cả lũ! Thời phong kiến một ông vua muôn trăm ngàn bà vợ, dân đã khổ lắm rồi. Còn thời nay dân khổ cao ngất trời xanh cũng do đảng cộng sản cha và con thi nhau làm vui, ngự trị trên đầu dân tộc Việt Nam, mỗi ông đảng tự xem là vua chúa quyền hành bá đạo, tranh nhau cướp tài sản của dân giữa ban ngày, tạo ra các công trình để tham nhũng, buôn bán trẻ em gái tơ, xuất khẩu lao động. Đảng cộng sản Việt Nam khuyến khích đảng viên vay tiền nhà nước để kinh doanh, rồi quỵt luôn vốn. Đây là hình thức cướp tài sản của quốc gia. Nếu cháu được làm trung gian rửa tiền cho đảng cộng sản Việt Nam thì là trúng số rồi. Rất tiếc là họ tín nhiệm thân nhân và tư vấn rửa tiền, cùng những tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam trên thế giới, ngoài ra còn có một số tổ chức tôn giáo nhận rửa tiền cho họ.

Không ngờ trong người cô Hồng chất chứa một vốn phẫn nộ. Tôi liền hỏi qua hướng khác:
— Cô Hồng đã có dự định ngày nào để tổ chức biểu tình xin hợp thức hoá thủ tục định cư ?
Cô Hồng thở một hơi dài rồi bảo người phụ nữ đi theo:
— Nhờ chị Lình bồng bế cháu đi lấy xe, để chuẩn bị về.
Lúc này tôi mới biết tên của người phụ nữ gốc Hoa là Lình và hiểu được ý của cô Hồng muốn nói những lời trong tâm khảm, nhưng không cho cô Lình biết. Khi cô Lình ra khỏi cửa thì cô Hồng mới nói nhỏ với tôi:
— Thưa bác, một lần là đã ngã ngựa rồi bác ạ, cháu bị chị Lình này xui khiến đến nỗi cháu phải tự ái dân tộc, đành đứng ra tổ chức. Không ngờ tinh thần của cháu bị người lợi dụng, bây giờ cháu mới biết thì đã muộn, tên Lình này cháu phải cho nghỉ việc trong tuần này.
Cháu cũng lo ngại không biết từ đâu tên Lình này có một danh sách của chị em sinh con nhỏ tại Pháp trên trăm người Việt lẫn Hoa. Cháu có hỏi tên Lình: Từ đâu có danh sách này, thì Lình bảo là những người Việt Nam đồng ký tên trong danh sách nhờ chúng ta vận động định cư.
Từ đó cháu nghi ngờ chính là sứ quán Trung Hoa và Việt Nam có mưu đồ nào đó. Có thể cuộc biểu tình hôm nay do cộng sản Việt Nam đã thành công trên mặt quảng cáo, ít nhất họ tạo ra một viễn tượng có hy vọng và đầy hứa hẹn cho những người Việt thiếu thông tin về di trú tại Pháp Quốc, cũng là cơ hội để mafia Việt Nam thử nghiệm thị trường Mẹ Bồng Con.

Sau buổi cơm thân mật cô Hồng đưa thẻ ngân hàng Thuỵ Sĩ cho người hầu bàn tính tiền. Tôi ngạc nhiên liền nói một cách rất kín đáo:
— Tôi mời, nhưng cháu lanh tay trả tiền trước, cảm ơn hẹn dịp khác.
Miệng tôi nói chuyện, nhưng mắt thoáng qua thấy thẻ ngân hàng không phải tên Hồng. Rồi liền nói qua chuyện khác:
— Năm nay cô Hồng có dự định đi nghỉ hè ở đâu không?
— Thưa bác, cháu không có dự định nghỉ hè. Tuy nhiêu mỗi tháng cháu ở mỗi nơi, tháng này ở Pháp, tháng sau ở thủ đô Berne Thuỵ Sĩ. Mỗi lần như vậy thì cả 3 chị làm việc cùng đi theo.

Cô Hồng còn cho biết nguyên là phó giám đốc của công ty xuất nhập khẩu Vinacon với cổ phần trong tay 49%. Cô Hồng đã giãi bày hết những việc có thể thật, nhất là sự tham nhũng của tầng lớp lãnh đạo đảng viên cộng sản Việt Nam.
Trước mắt chúng tôi có thể dự ước được về cô Hồng có sở hữu tài sản như một lâu đài tại Chatou Pháp Quốc, một lâu đài tại Berne Thuỵ Sĩ và một công ty xuất nhập khẩu. Còn riêng tiền ký gửi ngân hàng Thuỵ Sĩ thì đố ai biết được!

Khi chuẩn bị chia tay, cô Hồng hỏi:
— Bác đi về đâu, và bằng phương tiện gì ?
Tôi không ngại nói đùa:
— Tôi có cổ phần xe Métro, cho nên đi không cần tài xế và bãi đậu.
Cô Hồng cười rất vui vì biết tôi nói đùa. Cô Hồng hỏi địa chỉ và tên họ tôi để liên lạc, tôi cho địa chỉ E-mail: tam.tamtam@online.fr và địa chỉ tòa thị chính Gennevilliers.
— Mời bác Ba–Tam đi cùng với cháu .
— Vâng cảm ơn cô Hồng.
Tôi bước theo sau và ngồi vào xe Lexus SC430 Convertible 2010.
Khi đến Gennevillers tôi xuống xe, trong lòng bân khuâng về những gì biết được từ một cuộc chuyện trò thật hãn hữu.

.

Paris 23-7-2010
Huỳnh Tâm

© Thông Luận 2010

.

.

DỊCH VỤ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THEO KIỂU MAFIA CỘNG SẢN VIỆT NAM (Huỳnh Tâm)

NGƯỜI VIỆT PHIÊU LINH XỨ LẠ (Huỳnh Tâm)

http://lamvienbaoloc.multiply.com/journal/item/2202/2202

LẬT NGỬA CON BÀI MAFIA VIỆT NAM (Huỳnh Tâm)

http://lamvienbaoloc.multiply.com/journal/item/2201/2201

NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP TẠI CẢNG CALAIS (Huỳnh Tâm)

http://lamvienbaoloc.multiply.com/journal/item/2200/2200

DỊCH VỤ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THEO KIỂU VIỆT NAM TA ! (Huỳnh Tâm)

http://lamvienbaoloc.multiply.com/journal/item/2199/2199

ĐI ĐƯỜNG CỎ, BỎ MẠNG ĐƯỜNG XA! (Huỳnh Tâm)

http://lamvienbaoloc.multiply.com/journal/item/2198/2198

NHỮNG BƯỚC ĐỔI ĐỜI GIAN NAN (Huỳnh Tâm)

http://lamvienbaoloc.multiply.com/journal/item/2197/2197

BUÔN NGƯỜI : KHI NGƯỜI RƠM LÀ PHỤ NỮ

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/07/buon-nguoi-khi-nguoi-rom-la-phu-nu.html

SỰ THẬT VỀ "XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG" DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN VIỆT NAM (Phần 1) (Viễn Đông)

http://lamvienbaoloc.multiply.com/journal/item/2195/2195

SỰ THẬT VỀ "XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG" DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN VIỆT NAM (Phần 2) (Viễn Đông)

http://lamvienbaoloc.multiply.com/journal/item/2194/2194

.

.

.

No comments: