Friday, July 30, 2010

ĐỐI PHÓ VỚI SỨC MẠNH TÀI CHÍNH CỦA TRUNG QUỐC

Đối phó với sức mạnh tài chính của Trung Quốc

Đăng bởi bvnpost on 30/07/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/07/30/d%e1%bb%91i-ph-v%e1%bb%9bi-s%e1%bb%a9c-m%e1%ba%a1nh-ti-chnh-c%e1%bb%a7a-trung-qu%e1%bb%91c/

(Chính sách tài chính đối ngoại của Bắc Kinh)

Ken Miller/Foreign Affairs, tháng Bảy/tháng Tám 2010

Ken Miller là Tổng giám đốc và Chủ tịch công ty ngân hàng thương mại Ken Miller Capital LLC, Giám đốc Gian hàng USA tại Hội chợ Quốc tế ở Thượng Hải năm 2010, và cũng là một thành viên trong Ban Cố vấn của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Chính sách kinh tế thế giới.

Đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc (TQ) đã biến nước này thành một người khổng lồ thiếu cân đối, một mãnh lực xuất khẩu với cánh tay tài chính rất lớn. Sau khi Đặng Tiểu Bình phát động đổi mới kinh tế năm 1979, các doanh nghiệp TQ bắt đầu sử dụng nhân công rẻ và nguồn vốn dễ vay để cạnh tranh trên thị trường thế giới, với hiệu năng ngày một gia tăng. Ngày nay, Bắc Kinh vẫn tiếp tục trợ cấp mạnh mẽ các hoạt động xuất khẩu. Nhà nước trực tiếp cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi và dành hối suất ưu đãi cho những thương gia nước ngoài mua hàng hóa TQ. Nhà nước cũng gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp bằng một đường lối mà các kinh tế gia gọi là “thủ đoạn đàn áp tài chính” (financial repression), theo đó Chính phủ áp đặt một số biện pháp kiểm soát nhằm o ép người dân TQ chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp TQ mà thôi. Kết quả là Ngân hàng nhân dân TQ đã thu gom phần lớn số lợi nhuận mậu dịch kếch xù và các dòng tiền mặt chảy vào (cash inflows). Cuối năm 2009, ngân hàng này có một trữ lượng ngoại hối tương đương với 2.400 tỷ đôla. Đây là lượng ngoại hối to hơn bất cứ ngân hàng trung ương nào khác trên thế giới có được. Đấy là chưa tính đến những trữ lượng ngoại hối mà các ngân hàng thương mại lớn của TQ hiện đang nắm giữ. Hơn thế nữa, trữ lượng ngoại hối này còn có khả năng tăng thêm 300 tỷ đôla trong năm 2010.

Chưa bao giờ TQ có một sức mạnh tài chính hùng hậu như vậy, và Bắc Kinh đang thử nghiệm một phương thức tối ưu để sử dụng sức mạnh này trong quan hệ với các quốc gia khác. Tái sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ của mình là mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại tổng quát của TQ, nhưng mục đích chủ yếu của chính sách tài chính đối ngoại của TQ là kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước và tạo công ăn việc làm cho người dân. Trong việc theo đuổi mục tiêu này, Chính phủ TQ hưởng được tính chính đáng đáng kể (considerable legitimacy): Nó được hậu thuẫn bởi niềm tự hào của một quốc gia cuối cùng đã giành được vị trí trung tâm của trật tự thế giới. Nạn tham nhũng, mức chênh lệch giàu-nghèo ngày một gia tăng, các quyền tự do bị hạn chế, và nạn tàn phá môi trường đang đặt ra nhiều thách thức cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng bao giờ ĐCSTQ vẫn còn tiếp tục phát triển kinh tế và tạo được công ăn việc làm cho dân chúng, thì Đảng vẫn còn có khả năng nắm giữ quyền lực.

TQ mới bước vào giai đoạn gia tăng ảnh hưởng trong lãnh vực tài chính quốc tế. Mặc dù đôi khi có để lộ tham vọng của mình, nhưng nói chung Bắc Kinh vẫn ứng xử khá thận trọng. Vào tháng Ba 2009, Giám đốc Ngân hàng nhân dân TQ lên tiếng đòi chấm dứt việc sử dụng đồng đôla Mỹ như một trữ kim của thế giới và ủng hộ một loại tiền tệ mới do Quĩ Tiền tệ Quốc tế tạo ra. Tuy vậy, vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ Chính phủ TQ có ý định đẩy mạnh chính sách này trong một tương lai gần. Cũng vậy, việc TQ muốn quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (the renminbi) cũng chỉ diễn ra từ từ. Bắc Kinh đã ký thỏa ước hối đoái với Argentina, Belarus, Hongkong, Indonesia, Malaysia, và Nam Hàn; TQ đã bắt đầu cho phép một số quốc gia nhất định sử dụng đồng Nhân dân tệ để thanh toán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; và nay cho phép các xí nghiệp tại Thượng Hải và 4 thành phố tại tỉnh Quảng Đông ở phía Nam được dùng đồng Nhân dân tệ để trang trải hàng nhập khẩu đi vào Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh chưa dám cho các tài khoản đầu tư được tự do đổi ra ngoại tệ – nghĩa là, để cho đồng Nhân dân tệ được tự do đổi ra ngoại tệ (và ngược lại). Lãnh đạo TQ có lẽ đang bố trí người Trung Quốc vào các chức vụ cao tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, đang toan tính tham gia các cơ cấu tài chính mới ở nhiều vùng trên thế giới, và đang gia tăng khả năng hối đoái của đồng Nhân dân tệ trong hoạt động mậu dịch khu vực, nhưng hiện thời, lãnh đạo TQ vẫn còn kẹt cứng trong thế giới của đồng đôla.

Và vì thế, trong lúc này, chính sách tài chính của TQ được đặt trên hai sách lược đơn giản: tích lũy ngoại tệ và gửi tiền ra nước ngoài – dưới các dạng thức như trực tiếp đầu tư, viện trợ, giúp đỡ, và cho vay – để nắm giữ các tài nguyên thiên nhiên nước ngoài, thu thập các công nghiệp mới, các kiến thức quản lý, và tạo những mạng lưới phân phối hàng hóa, nhằm nâng cao mức tăng trưởng kinh tế trong nước và duy trì tính chính đáng của ĐCSTQ.

Chính sách này của TQ khiến cho những ai vốn đã thấp thỏm vì nạn mất quân bình trong cán cân mậu dịch toàn cầu lại càng lo lắng hơn nữa về phương cách mà Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh tài chính đang lên của mình để gây thanh thế trong tương lai. Nhiều viên chức Chính phủ và chuyên gia về TQ của Hoa Kỳ tin rằng rất khó có việc Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh tài chính của mình để làm rối loạn thị trường vốn quốc tế. Nhưng sức mạnh là luôn luôn quan trọng kể cả khi nó không được dùng tới. Và sức mạnh tài chính chưa từng thấy của Trung Quốc hiện đang giúp Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng trong mọi lãnh vực của kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc rải của trên nhiều quốc gia

Lượng dự trữ ngoại tệ lớn quá cỡ của Trung Quốc là do tỉ lệ tiết kiệm rất cao và cơ hội dùng tiền này để đầu tư lại rất giới hạn. Người dân TQ vẫn không được phép gửi nhiều tiền ra nước ngoài: ví dụ, một người không được đầu tư ở nước ngoài quá 350.000 yuan (khoảng 50 ngàn đôla) mỗi năm. Thị trường chứng khoán TQ lên xuống bất thường vì giá cả chủ yếu dựa vào các tin đồn thổi và các chuyển biến trong chính sách nhà nước. Thị trường địa ốc có lúc lên cao, có lúc sụt sâu. Tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng là an toàn nhất thì chỉ có lãi âm (negative interest) nếu kể luôn yếu tố lạm phát.

Với kinh tế TQ bắt đầu có năng suất cao và niềm tin tưởng của ĐCSTQ vào kế hoạch kinh tế trong nước gia tăng trong thập niên vừa qua, chính phủ TQ bắt đầu đặt nền móng bành trướng sự hiện diện tài chính của mình ở nước ngoài. Mục tiêu trước sau như một của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc vẫn là dành ưu tiên cao nhất cho việc duy trì vốn (capital preservation), rồi đến vốn lưu động dễ dàng (liquidity) và lợi nhuận (profitability). Trong thời kỳ đầu của mô hình tiết kiệm-và-xuất khẩu, Chính phủ TQ đã mua công trái của các chính phủ nước ngoài và một số lượng vàng. Rồi đến thập niên vừa qua, với lượng tiền kếch xù tích lũy được, TQ bắt đầu thử nghiệm những đường lối mới mẻ trong việc đầu tư ở nước ngoài, chẳng hạn mua các chứng khoán phi-chính phủ (nongovernment securities). Với tầm cỡ những trữ lượng ngoại tệ ngày nay và cảm thức rằng những trữ lượng này liên tục gia tăng, TQ đã tạo được một ảnh hưởng quá to lớn tại các thị trường tài chính quốc tế so với mức thu nhập đầu người khá thấp của dân TQ. Những khối lượng ngoại tệ khổng lồ như vậy cho TQ khả năng làm rối loạn thị trường trái phiếu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ và của đồng euro. Mặc dù một sự can thiệp phá hoại như vậy là tự hủy và mặc dù TQ đã và đang tham dự vào các thị trường tài chính thế giới một cách tinh tế và có trách nhiệm, nhưng các nhà phê bình vẫn nhấn mạnh tiềm năng xáo trộn kinh tế toàn cầu do bàn tay TQ. Họ lo rằng Hoa Kỳ sẽ bị thương tổn nếu TQ chấm dứt việc mua công trái của Bộ Tài chính Hoa Kỳ hoặc, tệ hại hơn nữa, bắt đầu bán tháo công khố phiếu của Mỹ. Chí ít theo các con số thống kê công khai của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, TQ đã bắt đầu cho Hoa Kỳ vay nợ càng ngày càng ngắn hạn hơn (Vì công khố phiếu Hoa Kỳ được mua bán qua trung gian, bằng một tiến trình không được rõ ràng, nên không ai nắm bắt được các con số). Trong số 281 tỉ đôla trái phiếu Mỹ mà TQ vừa mua thêm sổ nợ của mình trong năm 2009, có đến 130 tỉ là nợ ngắn hạn. Số 151 tỉ đôla là mức nợ dài hạn nhỏ nhất tính từ năm 2004 mà TQ đã gia tăng. Trữ lượng đôla và các ngoại tệ khác của TQ có thể giảm dần qua thời gian, nhưng lâm thời, sự thặng dư tài sản này (cùng với thặng dư mậu dịch của TQ) vẫn là một nỗi nhức nhối cho nhiều khối cử tri quan trọng tại Hoa Kỳ và Châu Âu.

Nhưng sự thật thì Hoa Kỳ và TQ đang bắt giữ nhau làm con tin. Hoa Kỳ cần TQ mua trái phiếu của mình, và trong một tương lai có thể thấy trước được, TQ ít có nơi nào khác hơn đồng đôla để cất giữ giá trị ngoại tệ mà TQ đã tích lũy được. Theo Cục Thống kê Quốc gia TQ, số thặng dư mậu dịch (trade surplus) của TQ trong năm 2009 là 196 tỉ đôla, xuống từ 298 tỉ đôla trong năm 2008, nhưng thậm chí trong năm 2009 cũng không có đủ trái phiếu bằng đồng euro, bằng đồng franc Thụy Sĩ, bằng đồng yen Nhật Bản, và không có đủ vàng để thu hút lượng ngoại tệ [do thặng dư mậu dịch] của TQ. Biết đâu, một ngày kia TQ có thể quyết định bán hết công phiếu của Hoa Kỳ, nhất là khi lãi suất xuống quá thấp. Nhưng cứ lẽ thường, động thái này sẽ đưa đến một mất mát to lớn trong giá trị tài sản bằng đôla của Trung Quốc và do đó đưa đến một hỗn loạn tài chính, khiến Chính phủ TQ không bao giờ dám khởi động một nước cờ như vậy. Về phần mình, Hoa Kỳ có thể trả đũa bằng các rào cản mậu dịch, gây phương hại trầm trọng hơn nữa cho kinh tế TQ, vì Chính phủ Trung Quốc phải dựa vào thị trường tiêu thụ Mỹ để tạo ra công ăn việc làm cho công nhân TQ.

Tất nhiên, những người làm chính sách tại thủ đô Washington cũng phải xét đến khả năng Bắc Kinh có thể hành động một cách tự hủy. Nhưng về phần mình, Chính phủ TQ cũng chịu một sự kềm chế quốc nội, đảm bảo hành vi tài chính đúng đắn của mình. Lượng tiền dự trữ 2.400 tỉ đôla do Ngân hàng nhân dân TQ quản lý được mọi người, trong giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cũng như trong quần chúng TQ, hiểu là tiền của nhân dân, thành quả do mồ hôi nước mắt của họ. Giới lãnh đạo thường phải hứng chịu búa rìu dư luận mỗi khi lượng tiền tiết kiệm này bị đem đi đầu tư không đúng chỗ. Chỉ nhiệt tình yêu nước của người dân là có thể che lấp các sai phạm đầu tư – đấy là lý do tại sao chính phủ TQ tìm mọi cách chứng tỏ là không khoan nhượng trước áp lực ngoại bang (Các chính phủ phương Tây đã không mấy thành công trong việc o ép Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ, cũng như Google không đảm bảo được quyền tiếp cận Internet không bị kiểm duyệt cho khách hàng tại TQ). Tất cả điều này có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc không thể gây đổ vỡ trong hệ thống tài chính quốc tế mà vẫn có thể nắm quyền cai trị, trừ phi lòng ái quốc làm cho người dân không còn quan tâm đến mọi giá trị khác trong cuộc sống. Đây là một kịch bản không thể nào xảy ra.

TQ sử dụng các trữ lượng ngoại tệ của mình trên các thị trường tiền tệ quốc tế là để đảm bảo giá trị của đồng Nhân dân tệ – một việc bình thường trong chính sách tiền tệ của bất cứ quốc gia nào. Cũng như Quĩ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (the US Federal Reserve), chức năng của Ngân hàng nhân dân TQ là tạo một môi trường tài chính có khả năng tạo đủ công ăn việc làm cho dân chúng và ổn định được giá cả trong nước. Ngoài ra, nhờ quá trình quản lý có trách nhiệm các quĩ dự trữ TQ, chính quyền Bắc Kinh đã tạo được những quan hệ quí báu với giới quản lý tài chính hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu. Qua sinh hoạt bình thường trên thị trường công khai, Bắc Kinh đã tiếp cận được những đối tác quan trọng trong thị trường hối đoái có khả năng trao đổi nhiều nghìn tỉ đôla. Và những dòng luân lưu tài chính hằng ngày này đã làm lãi suất hạ thấp đồng thời gia tăng khả năng chi trả và sự ổn định của các thị trường tài chính quốc tế.

Đầu tư nước ngoài

Sau khi tạo điều kiện cho việc tăng trưởng kinh tế với chính sách tài chính, chính quyền Bắc Kinh cố gắng tạo công ăn việc làm và nắm vững các đầu vào (inputs) mà họ tin tưởng là sẽ kích thích sự phát triển kinh tế quốc nội trong các giao dịch trực tiếp với những chính phủ khác. Và trong chính sách đối ngoại song phương với từng quốc gia, Bắc Kinh dùng những khí cụ có vẻ trắng trợn như trực tiếp đầu tư, trợ cấp trực tiếp, và cái gọi là các khoản tiền cho vay nhân nhượng (concessional loans), nghĩa là cho vay với các điều kiện hào phóng hơn các khoản tiền cho vay trên thị trường tài chính thông thường.

Hoạt động “trực tiếp đầu tư nước ngoài”, thường được gọi FDI, cho phép một quốc gia giành quyền kiểm soát tài nguyên, tiếp cận công nghệ của một quốc gia khác và theo dõi thông tin về những gì xảy ra bên ngoài biên giới. Từ năm 1999 chính phủ TQ đã bắt đầu khuyến khích các doanh nghiệp TQ trực tiếp đầu tư nước ngoài, nhưng chính sách “đi ra” này khởi động quá chậm chạp. Lúc đó, TQ quá bận tâm với việc chấn chỉnh khu vực kinh tế quốc doanh rời rạc của mình, trong khi khu vực tư doanh thì còn yếu ớt, không đủ sức “đi ra” trên qui mô lớn. Chính sách FDI bắt đầu tăng tốc từ năm 2005, không bao lâu sau khi các lượng ngoại tệ dự trữ trong Ngân hàng nhân dân TQ bắt đầu gia tăng và các xí nhiệp quốc doanh bắt đầu thấy có đủ điều kiện thuận lợi để đi tiên phong trong nỗ lực đầu tư ở nước ngoài. Sau đó, vì nhu cầu năng lượng và nguyên vật liệu để phục vụ nền kinh tế đang phất lên của TQ ngày một gia tăng, chính quyền Bắc Kinh phát động chiến dịch lùng sục tài nguyên khắp thế giới. Trong mười năm đầu của chính sách “đi ra”, Châu Á luôn luôn là khu vực hấp dẫn đối với các doanh nghiệp TQ; Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh cũng đang ngày càng hấp dẫn. Chính phủ TQ cổ vũ mạnh mẽ việc đầu tư vào dầu khí, khoáng sản và kim loại, và các dịch vụ tài chính, rồi hầu hết mọi khu vực kinh tế khác. Qua thời gian, chính phủ TQ ngày càng chú tâm vào việc thủ đắc các kiến thức công nghiệp: một trong những mục tiêu của Tập đoàn quốc gia Khai thác dầu ngoài khơi của TQ (CNOOC) trong nỗ lực tiếp thu công ty năng lượng khổng lồ Unocal của Hoa Kỳ năm 2005 là để thủ đắc công nghệ thăm dò và sản xuất năng lượng.

Hầu hết vốn FDI Trung Quốc phát xuất từ các doanh nhiệp nhà nước. Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân ngày càng nắm thế chủ động, nhưng tất cả mọi đầu tư quan trọng vẫn còn do các cơ quan nhà nước điều phối. Trong giai đoạn đầu của chính sách “đi ra”, các doanh nghiệp phải sử dụng tiền mặt dự trữ của mình, nhưng ngày nay, những ngân hàng lớn cũng cho vay vốn, chẳng hạn Ngân hàng TQ và Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu TQ. Trong khi các công ty Hoa Kỳ đi ra thế giới để mưu tìm lợi nhuận với sự can thiệp và hỗ trợ tối thiểu của Chính phủ, hầu hết mọi đầu tư ở nước ngoài của các công ty TQ cần có một sự chấp thuận nào đó của Nhà nước TQ.

Dù vậy, trong thời gian qua, Bắc Kinh luôn sẵn sàng hỗ trợ các dự án đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố trong bản báo cáo công tác Chính phủ (tương đương với diễn văn về Tình trạng Liên bang của Tổng thống Hoa Kỳ), công bố vào tháng Ba, rằng Bắc Kinh sẽ hậu thuẫn các công ty hội đủ điều kiện trong nỗ lực sáp nhập và mua lại các công ty nước ngoài, đồng thời cho phép các công ty ấy hưởng thêm quyền tự trị trong việc đầu tư ở nước ngoài. Để vẫn quản lý tuyệt đối giá trị đồng Nhân dân tệ, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ các thị trường vốn của TQ, hầu hết dựa trên việc cung cấp vốn cho các ngân hàng và bán chứng khoán gây vốn cho các công ty. Tuy vậy, các công ty TQ càng ngày càng dễ dàng được cấp giấy phép đầu tư nước ngoài. Ngoại trừ các hợp đồng to lớn hay nhạy cảm chính trị, cần được Bắc Kinh đặc biệt duyệt xét trước khi thực hiện, hầu hết các dự án đầu tư đều được các văn phòng địa phương của Bộ Thương mại và Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia chấp thuận trong vòng 1 tháng rưỡi, và lượng ngoại tệ cần thiết để tiến hành công việc thường được cung ứng liền sau đó. Chính phủ tỏ ra quyết tâm hơn trong việc khuyến khích các hoạt động đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư vào càng nhiều lãnh vực càng tốt. Trong kế hoạch công tác mới nhất, bộ Thương Mại lần đầu tiên đã trình bày chi tiết ý muốn sản xuất ở nước ngoài, tiếp thu công nghiệp kỹ thuật cao, năng lượng sạch, và các nhãn hiệu nổi tiếng, đồng thời đề nghị chế biến các nguyên liệu ở nước ngoài thay vì chở thẳng vào lãnh thổ TQ, như từng làm trước đây.

Cho dù có ý muốn này, chương trình FDI của TQ vẫn còn yếu kém hơn người ta dự kiến. Trong năm 2009, các công ty TQ chỉ đầu tư 48 tỉ đôla ở nước ngoài, nghĩa là khoảng 1% tổng sản lượng quốc nội (GDP) của TQ. Trong khi đó, các công ty Hoa Kỳ đầu tư đến 340 tỉ đôla, khoảng 2,4% GDP của Hoa Kỳ. Tính đến cuối năm 2009, tổng số tích lũy FDI của TQ là 211 tỉ đôla, khoảng 4,3% GDP của TQ, trong khi đó tổng số tích lũy FDI của Hoa Kỳ được ước tính là 3.245 tỉ đôla, hay 23% GDP của Hoa Kỳ. Với đà này, mãi đến năm 2047 vốn FDI của Trung Quốc mới bắt kịp vốn FDI của Hoa Kỳ. Cho dù các số liệu thống kê về vốn FDI của TQ, do bộ Thương mại và Cơ quan Hối đoái Nhà nước cung cấp, thường nói bớt (understate) số vốn được công dân Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài (vì lợi nhuận tái đầu tư được giấu kín), chúng vẫn nói lên được một khoảng cách rất đáng kể giữa lượng vốn FDI của Trung Quốc và lượng vốn FDI của Hoa Kỳ.

Sự chênh lệch giữa FDI của hai nước một phần là do nhiều chướng ngại khác nhau làm cản trở việc đầu tư của TQ ở nước ngoài. Một trong những chướng ngại ấy là sự bất mãn của dân chúng địa phương đối với các công ty quốc doanh TQ vì họ có cảm thức là, những công ty này làm mất công ăn việc làm, thậm chí nhà cửa của người dân, tại quốc gia mà TQ đến đầu tư. Nhiều công ty TQ đã gặp phải sự chống đối mãnh liệt khi muốn mua đứt một số hãng xưởng nước ngoài, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Việc Lenovo, một công ty điện toán đa quốc tại Trung Quốc, mua doanh nghiệp sản xuất máy điện toán cá nhân của hãng IBM một cách êm xuôi năm 2005 với giá 1,7 tỉ đôla gần như là một ngoại lệ. Nhưng cùng năm đó, Chevron (một tập đoàn năng lượng đa quốc tại Hoa Kỳ) mở một chiến dịch to lớn vận động dư luận nhằm kích động óc bài ngoại của người Mỹ chống lại CNOOC, một tập đoàn dầu khí TQ đang cố mua đứt hãng dầu Unocal có trụ sở ở California. Chevron đã nhanh chóng làm cho CNOOC tin rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ phản đối thương vụ này và thuyết phục Tập đoàn dầu khí TQ rút lui cuộc đấu giá 19 tỉ đôla. Vào tháng Hai năm 2008, trong khi Hãng BHP Billiton, một công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên của Úc, muốn mua hãng Rio Tinto (cũng của Úc), Chính phủ TQ liền ứng ra cho Tập đoàn sản xuất Nhôm TQ (Chinalco) 40 tỉ đôla để mua với giá cao hơn. TQ cố ngăn chặn sự kết hợp của hai công ty Úc chỉ vì TQ cho rằng sự kết hợp này sẽ đẩy giá quặng sắt (iron ore) tăng vọt. BHP Billiton và Rio Tinto là hai công ty lớn cung cấp quặng sắt, một khoáng sản quan trọng trong việc sản xuất thép, một sản phẩm rất cần thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của TQ. Sau hai năm tranh đấu, Chinalco chỉ chiếm được một vị trí thiểu số khá khiêm nhường trong việc sở hữu cổ phần công của Rio Tinto. Hiện nay BHP Billiton đang tiếp tục kết hợp các hoạt động sản xuất của mình và của Rio Tinto thành một liên doanh. Trong cuộc tranh giành diễn ra nhiều năm, chính niềm tự hào quốc gia của người Úc là động lực quan trọng đã ngăn chặn không cho các đại công ty của họ rơi vào vùng ảnh hưởng của TQ. Tại Úc và nhiều nơi khác, các công ty TQ đạt được một số thành công trong các hợp đồng nhỏ bé nhằm khai thác tài nguyên, nhưng họ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ trong các nỗ lực tầm cỡ nhằm mua lại một số đại công ty ở các nền kinh tế phát triển.

Công cuộc đầu tư ở nước ngoài của TQ cũng bị hạn chế vì thái độ hoài nghi của nhiều doanh nghiệp TQ về cơ hội đầu ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đâm ra e dè sau sự thất bại đầy kịch tính của nhiều hợp đồng có vẻ hứa hẹn vào buổi đầu. Vào tháng Mười 2004, Tập đoàn Kỹ nghệ xe hơi Thượng Hải chịu trả 500 triệu đôla để mua 51% cổ phần của công ty SsangYong Motor, một hãng chế tạo xe hơi Nam Hàn, với những kế hoạch hoành tráng nhằm chế tạo cho kỳ được một chiếc xe hơi TQ sử dụng công nghệ Nam Hàn và biến Tập đoàn Kỹ nghệ xe hơi Thượng Hải thành một công ty trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu của Fortune. Nhưng công cuộc đầu tư này gặp vấn đề với các công đoàn từ bước đầu, và năm ngoái, sau một loạt tranh chấp sôi động với công nhân, SsangYong tuyên bố phá sản. Hãng bảo hiểm Ping An có trụ sở ở Shenzhen từng nuôi hy vọng thu thập kỹ năng chuyên môn trong ngành quản lý tài sản bằng cách đầu tư vào Công ty Fortis Group của Hoà Lan cuối năm 2007, nhưng chẳng bao lâu sau đó nỗ lực này đã mất trắng 3,3 tỉ đôla. Cùng năm ấy, TCL, một công ty sản xuất TV chính của Trung Quốc, gặp phải những rủi ro tương tự trong một hợp doanh với Công ty Thomson Electronics ở Pháp. Hợp doanh này sau đó đã chịu nhiều thua lỗ nặng nề tại Châu Âu, cuối cùng buộc phải cắt giảm, đóng cửa, hoặc đem bán hầu hết các cơ sở sản xuất tại Châu Âu. Hoạt động đầu tư nước ngoài của TQ còn bị hạn chế vì sức quyến rũ của những cơ hội đầu tư tốt đẹp hơn ngay tại thị trường trong nước. Kinh tế TQ tăng trưởng nhanh chóng so với các nền kinh tế khác đến nỗi phải có một động lực phi thường mới thúc đẩy được các công ty TQ bỏ vốn đầu tư ở những nơi khác. Hơn nữa, vì tiếng Anh vẫn còn là ngôn ngữ quốc tế trong doanh nghiệp và tài chính, nên người TQ cảm thấy làm ăn trong nước là thoải mái hơn nhiều. Họ cũng tin rằng đồng Nhân dân tệ nhất định sẽ tăng giá so với các các loại ngoại tệ quan trọng khác, sự kiện này sẽ cắt giảm các lợi nhuận do việc đầu tư ở nước ngoài.

Viện trợ có ràng buộc

Một phần vì những động lực thúc đẩy khác nhau như vừa nói, Chính phủ TQ quyết định từ lúc đầu rằng, họ không thể hoàn toàn trông cậy các xí nghiệp nhà nước hay các tư doanh đi ra đầu tư ở nước ngoài. Vào năm 2007, họ thiết lập một quĩ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund) mang tên Tập đoàn đầu tư TQ (China Investment Corporation hay CIC) với số vốn ban đầu là 200 tỉ đôla. Sau một vài vấp váp lúc đầu khi đầu tư với Blackstone Group và Morgan Standley và, trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, những thua lỗ vì đầu tư vào quĩ Reserve Primary Fund (mà nhiều người tưởng là an toàn), CIC dường như đã lấy lại thế đứng của mình. Tập đoàn này đã hưởng được lợi nhuận 17% trong công cuộc đầu tư năm 2009, và hiện nay nó đang quản lý trên 300 tỉ đôla, với nhiều ngân quĩ có thể được cấp phát trong tương lai. CIC đang giao vốn cho các nhà quản lý tài chính đầy kinh nghiệm nhưng không phải là công dân TQ và các công ty tư nhân hoạt động trong các khu vực kinh tế như tài nguyên thiên nhiên và công nghệ. Bắc Kinh cũng thiết lập nhiều quĩ nhỏ hơn gồm hằng tỉ đôla để trực tiếp đầu tư tại Châu Á và Châu Phi. Cả Cơ quan Hối đoái Nhà nước, một cơ quan quản lý các trữ lượng ngoại tệ của TQ, lẫn quĩ hưu trí TQ đã bắt đầu tuyển chọn những nhà quản lý nước ngoài để trông coi tài sản bằng cổ phần trong các công ty tư nhân (private equity) và trong các quĩ đối xung (hedge fund).

Trong một cách tương tự, chiều hướng chủ yếu trong chính sách “đi ra” của TQ là cấp tài trợ (grants), viện trợ, và cho vay nhân nhượng (concessional loans) để các chính phủ nước ngoài thực hiện những dự án đặc biệt. Để đổi lấy ân huệ này, các quốc gia nhận sự giúp đỡ của TQ phải cam kết chỉ thuê mướn các công ty TQ được chỉ định để thi hành công tác. Các số liệu mà Bộ Tài chính TQ công bố cho biết rằng tổng số tài trợ trực tiếp và ngoại viện của Bắc Kinh (không kể viện trợ quân sự) vào năm ngoái chưa lên tới 2 tỉ đôla (so với 28 tỉ đôla viện trợ phi quân sự của Hoa Kỳ). Viện trợ thuần túy (pure aid) của TQ nằm dưới dạng viện trợ y tế và kỹ thuật, học bổng, các đầu tư trong các chương trình dạy tiếng Quan thoại, hay các quĩ dùng để xây dựng các nhà máy rồi trao không cho chính phủ nước ngoài (turnkey plants). Khác với Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ TQ cấp viện trợ không có những điều kiện ràng buộc với vấn đề nhân quyền và dân chủ. Nói đúng ra, viện trợ TQ thường ràng buộc với một số dự án đặc biệt như: xây dựng một hải cảng, một đường sắt, một ống dẫn dầu, một sân vận động.

TQ coi các thông tin liên quan đến số tiền và các đối tác thụ hưởng tài trợ và vốn vay từ TQ như bí mật nhà nước. Nhưng theo những số liệu về năm 2007 (được công bố gần đây nhất) của Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu TQ, một cơ quan “cho vay nhân nhượng” lớn nhất, năm ngoái chính quyền Bắc Kinh cho vay khoảng 10 tỉ đôla loại nợ này. Một dự án đầu tư tiêu biểu ở nước ngoài có thể bao gồm cả đầu tư trực tiếp do một công ty nhà nước (TQ) thực hiện và một khoản “nợ nhân nhượng” (concessional loan) dành cho một công ty hay chính phủ nước ngoài, ở một lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, với những giai đoạn hoãn nợ và được trả nợ qua một thời gian lâu dài. (Gọi những khoản tiền cho vay này là “nhân nhượng” cũng có phần lệch lạc. Vì không những chỉ đưa ra những điều kiện dễ dãi, các khoản cho vay nhân nhượng này còn cấp vốn cho những dự án mà không một quốc gia nào khác chịu tài trợ). Cũng giống như các tài trợ và viện trợ từ Bắc Kinh, những khoản cho vay nhân nhượng này thường đòi hỏi đối tác thụ hưởng phải thuê mướn các công ty TQ thực hiện dự án liên hệ. [DG in đậm]. Chẳng hạn, Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu TQ cung cấp 85% trong kinh phí 1 tỉ đôla nhằm xây dựng một cảng mới ở Hambantota, tại Sri Lanka, một hải cảng mà xí nghiệp quốc doanh mang tên Công ty Xây dựng hải cảng TQ (China Harbor Engineering) đang xây cất. Tương tự như thế, Chính phủ TQ đang tài trợ việc xây dựng các thiết bị hải cảng tại Bangladesh, Miến Điện, và Pakistan; các tuyến xe lửa tại Nepal; đường sá và sân vận động khắp Châu Phi; và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng to lớn khác khắp Châu Mỹ La-tinh. Hiện nay có đến 750.000 người từ lục địa TQ đang làm việc ngoài lãnh thổ Trung Quốc trên những công trình do Chính phủ TQ tài trợ.

Trong một vài cách thế, Bắc Kinh đang ứng xử rất giống Washington trong việc nâng đỡ doanh nghiệp trong nước bằng các đầu tư ở nước ngoài. Tập đoàn Đầu tư tư nhân ở nước ngoài của Hoa Kỳ (the U.S. Overseas Private Investment Corporation) cũng có nhiều chương trình bảo hiểm và tài trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ (HK) đang hoạt động trong hơn 150 quốc gia. Nhưng những công ty HK theo đuổi lợi nhuận một cách độc lập hơn các công ty TQ. Mặc dù các công ty HK thường lợi dụng chính sách ngoại giao của Washington, nhưng khác hẳn với các công ty TQ, chúng không phải là mũi xung kích của Chính phủ HK. Chính phủ TQ thì trái lại, triệt để trộn lẫn viện trợ chính phủ-cho-chính phủ (government-to-government aid) với các phần thưởng khuyến khích đủ loại cho các công ty TQ muốn mua tài sản nước ngoài – đến nỗi chính sách tài chính ngoại giao của TQ có vẻ là thủ đoạn thương mại trắng trợn (nakedly mercantilist). Nhiều nguồn tin cho rằng có đến một nửa số chuyên gia của Bộ Ngoại giao TQ hiện đang công tác trong các lãnh vực kinh tế.

Sự kiện các thỏa hiệp chính phủ-với-chính phủ không được tiết lộ cho dân chúng biết và các hợp đồng cho các dự án kinh tế được ban phát không qua đấu thầu công khai đã gây nhiều lo ngại về nạn tham nhũng. Có dư luận cho rằng đường lối viện trợ của TQ đang gặp phải sự chống đối tại các nước nhận viện trợ, vì có tác dụng xấu trên môi trường và không đóng góp bao nhiêu cho kinh tế về lâu về dài. Việc đòi hỏi quốc gia sở tại phải sử dụng lao động nhập khẩu từ Trung Quốc có nghĩa là kinh tế địa phương sẽ không hưởng được lợi lộc bao nhiêu, nhất là vì lương của công nhân TQ được gửi thẳng vào các trương mục ngân hàng tại Trung Quốc. [DG in đậm]. Trước những lo lắng và chống đối như vậy, có lẽ một ngày nào đó Bắc Kinh phải quyết định thay đổi đường lối.

Cho vay lấy lãi

Vì TQ càng ngày càng đầu tư lượng tiền tiết kiệm của mình ở nước ngoài, chính quyền Bắc Kinh có khả năng triển khai sức mạnh tài chính bằng một đường lối khác. Nếu Trung Quốc chịu đầu tư nhiều hơn nữa tại các nước phát triển, việc đó sẽ là một giải pháp quan trọng, nếu không muốn nói là một sự trợ giúp rất to lớn trong việc điều chỉnh những bất quân bình mậu dịch toàn cầu. Vì các doanh nghiệp TQ đầu tư ở nước ngoài sẽ còn bị coi là cánh tay nối dài của nhà nước TQ, cho đến khi nào TQ chịu chấp nhận một mô hình kinh tế quốc nội cởi mở hơn, các nhà tài chính TQ tạm thời chỉ có thể đem tiền cho vay lấy lãi hơn là mua cổ phần trong các công ty khi họ đến đầu tư tại các nền kinh tế phát triển. Và nếu muốn mua cổ phần, họ phải mua cổ phần của những công ty không được mua bán công khai trên sàn giao dịch. Để tránh né sự la ó của dư luận tại các nước phát triển, chỉ có một cách dễ dàng hơn cả cho TQ là tìm mua các công ty được đem đấu giá kín. Bài học này có vẻ như dần dần được TQ thấm nhuần: kể từ khi Công ty dầu khí Trung Quốc CNOOC không mua được Hãng dầu Unocal ở Mỹ, một số nhà đấu thầu TQ đã bắt đầu xuất hiện tại các cuộc đấu thầu kín để mua các tài sản trong ngành nhiên liệu Hoa Kỳ.

Nếu Bắc Kinh chịu đóng vai chủ nợ mạnh dạn hơn nữa, việc này sẽ có lợi hơn cho TQ. Vì các lãnh đạo ngân hàng thương mại TQ có vẻ thiếu tự tin về khả năng phân tích tín dụng đối với các công ty nước ngoài, họ cảm thấy dễ chịu hơn nếu chỉ phục vụ cộng đồng Trung Quốc. Nhưng chỉ bằng cách cho các công ty phi-Trung Quốc vay vốn trực tiếp, các ngân hàng thương mại TQ mới thu thập được nhiều kỹ năng và tạo thêm nhiều ảnh hưởng, hơn là nếu chỉ ở vào vị trí sở hữu chủ cổ phần thiểu số (minority shareholeders) trong các công ty ấy. Vì tiền cho vay không bị coi là để giành giựt quyền lực tại các quốc gia khác, nên việc giao dịch sẽ ít gặp sự chống đối chính trị. Số vốn này sẽ đi trực tiếp vào doanh nghiệp của bên vay tiền, chứ không đi vào túi của người làm chủ cổ phần, vì thế nó sẽ tạo thêm công ăn việc làm cũng như kích thích nền kinh tế địa phương. Là chủ nợ của các công ty nước ngoài, chính phủ TQ sẽ ở vào vị thế thuận lợi hơn và an toàn hơn, so với vị thế của một sở hữu chủ cổ phần (shareholder).

Khi nền kinh tế Trung Quốc trở nên trưởng thành và hướng tới tiêu thụ và dịch vụ, người ta dự kiến sẽ có nhiều biến chuyển. Việc Tập đoàn Đầu tư TQ (CIC) quyết định tiếp thu một giấy nợ trị giá 1,9 tỉ đôla từ Công ty Bumi Resources, công ty than đá lớn nhất của Indonesia, vào tháng Chín 2009, là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh bắt đầu điều chỉnh chiến lược đầu tư nước ngoài. Hiện nay, vì ngay tại Trung Quốc còn có quá nhiều người nghèo khổ, giới lãnh đạo không thể hậu thuẫn công khai việc sử dụng nguồn lực quốc gia để đạt được những mục tiêu phi-thương mại ở nước ngoài. Nhưng trong tương lai, có lẽ chính quyền Bắc Kinh sẽ ít sử dụng viện trợ, tài trợ, và các khoản cho vay nhân nhượng (concessional loans) với mục đích trực tiếp phục vụ nền kinh tế trong nước của TQ. Trường hợp này có thể xảy ra, một khi chế độ cảm thấy an toàn hơn trong việc bành trướng ảnh hưởng bằng các đường lối khác, như bằng quân sự chẳng hạn.

Nhưng điều này không có gì chắc chắn. Chẳng hạn, không ai biết được là liệu TQ có cho phép tư bản (vốn) tự do luân chuyển vào và ra khỏi quốc gia này, mà không có sự can thiệp của chính phủ, hay không. Một sự cởi mở thông thoáng như thế, cho phép doanh nhân và các công ty được nhiều tự do trong các quyết định đầu tư, sẽ là một thay đổi quyết liệt trong chính sách tài chính đối ngoại của TQ. Điều này rất khó xảy ra. Nhưng nếu nó xảy ra, các quyết định kinh tế sẽ vì lý do chính trị thì ít, nhưng vì sự tính toán lời lỗ thuần túy kinh tế thì nhiều hơn. Các công ty TQ sẽ lớn mạnh nhờ kết hợp với hay mua lại các công ty nước ngoài. Các công ty và thương hiệu tiêu biểu cho quốc gia sẽ xuất hiện, với những phương án bành trướng vững vàng trên thị trường quốc tế. Vào lúc đó, TQ sẽ bắt đầu phóng sức mạnh thị trường nội địa lên diễn đài toàn cầu, rất giống như Hoa Kỳ và Châu Âu đang làm hiện nay: xuyên qua các tập đoàn đa quốc. Thành tựu này lại cải thiện hình ảnh của TQ tại các nước đang phát triển mà TQ đến đầu tư, bằng cách giới hạn sự chỉ trích của dân chúng địa phương, những người trước đây đã ngờ vực các hợp đồng của TQ được thúc đẩy bởi các mục tiêu chính trị của Chính phủ TQ.

Một câu hỏi mở khác là, phải chờ đến bao lâu nữa Bắc Kinh mới cho phép đồng Nhân dân tệ trở thành một đơn vị tiền tệ quốc tế, một phương tiện trung gian cho việc trao đổi, và một trữ kim như đồng đôla và đồng euro? Việc tự do hoán đổi đồng Nhân dân tệ ra ngoại tệ sẽ nâng cao ảnh hưởng của TQ trên thị trường tài chính quốc tế. Thượng Hải có thể trở thành một trung tâm tài chính quan trọng, như New York và London, và các cơ sở tài chính TQ có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngày nay, Thượng Hải rất hãnh diện vì có được một cơ sở hạ tầng viễn liên rất tốt, có thể nâng cấp để đạt tiêu chuẩn tầm cỡ thế giới – đây là một nhu cầu không thể thiếu nếu Thượng Hải muốn trở thành một trung tâm tài chính quan trọng. Ngoài ra, còn có một nguồn nhân lực người Hoa rất đông đảo ở nước ngoài, được đào tạo trong các thị trường tài chính toàn cầu, sẵn sàng để được quyến rũ trở về phục vụ Tổ quốc.

Nhưng chỉ khi nào đồng Nhân dân tệ được hoán chuyển tự do trong việc giao dịch trên thị trường thế giới, khi đó Thượng Hải mới có lợi thế cạnh tranh nghiêm chỉnh và có cơ may trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu – Và đây là dự kiến khá phức tạp. Một trong những chức năng của Cơ quan Hối đoái Nhà nước là “điều nghiên và thi hành các biện pháp chính sách để từng bước gia tăng khả năng chuyển đổi đồng Nhân dân tệ ra ngoại tệ”. Nhưng tiến trình này đã diễn ra khá chậm chạp. Nếu không có những biện pháp hạn chế hối đoái như hiện nay, tư bản TQ sẽ lưu động không những trong nước mà cả ngoài nước và đương nhiên sẽ đổ vào những đầu tư có khả năng sinh lợi nhiều nhất, do đó vốn rẻ, một trong những đầu máy tạo nên phép lạ TQ, sẽ biến mất. Nếu những chi phí để vay vốn tăng cao hơn và cạnh tranh trở nên khắc nghiệt hơn, những doanh nghiệp tại Trung Quốc lâu nay lệ thuộc vào xuất khẩu sẽ chịu nhiều thua lỗ, việc này có thể dẫn đến những xáo trộn xã hội đáng kể. Tất nhiên, các dòng vốn tự do sẽ tạo ra các lực lượng nắm quyền lực kinh tế to lớn hơn và do đó có khả năng trở thành đối trọng với ĐCSTQ. Những rủi ro đáng kể này báo hiệu rằng thậm chí một thay đổi cơ bản như việc chuyển đổi tự do đồng Nhân dân tệ chắc vẫn còn rất lâu mới trở thành hiện thực.

Quyền lực mới trên thị trường tài chính thế giới

Nhiều vấn đề kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có liên quan đến chính sách tiền tệ, công ăn việc làm, và các bất quân bình tài chính đi kèm. Chính quyền Obama đã tuyên bố có kế hoạch tăng gấp đôi lượng hàng xuất khẩu Hoa Kỳ trong vòng 5 năm tới, một nỗ lực có khả năng đưa đến cạnh tranh gay gắt hơn tại các thị trường thứ ba và nhiều xung đột hơn giữa Washington và Bắc Kinh. Trong khả năng xấu nhất, một diễn tiến như vậy có thể chặn đứng tiến trình tự do hóa mà TQ đương nhiên phải đi qua nếu nước này có thể liên tục phát triển kinh tế. May thay, Washington dường như hiểu được rằng, khuyến khích Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định tài chính quốc tế là rất phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ. Chẳng hạn, Washington đã bày tỏ sẵn sàng chào đón Bắc Kinh tại bàn hội nghị tài chính quốc tế – một cử chỉ Washington rất nên làm.

Cho đến nay, chính sách tài chính đối ngoại của TQ có vẻ ích lợi cho các quốc gia khác hơn là ích lợi cho bản thân TQ như người ta đã tưởng từ đầu. TQ đang mua trái phiếu của Hoa Kỳ, đang tạo ra nhiều thị trường khá ổn định, vốn FDI đang giúp chính quyền Bắc Kinh học hỏi thêm về thế giới bên ngoài. Còn về tài trợ và viện trợ cho các nước đang phát triển, dù các khoản tiền chi ra vẫn chưa có gì là lớn, nhưng chính quyền TQ đã gây ra ít nhiều bất bình trong dân chúng địa phương. Đường lối dùng thủ đoạn thương mại sẽ không giúp Chính phủ TQ nắm giữ an toàn các nguồn nhiên liệu hơn là nếu Trung Quốc mua những nhiên liệu này bằng giá cả trên các thị trường tự do quốc tế. Do đó, khi thời gian đủ chín muồi, Chính phủ Trung Quốc sẽ nhận ra điều này và có thể sẽ thay đổi thái độ mà không cần sức ép từ bên ngoài. Như vậy, ngoại trừ việc Trung Quốc ủng hộ các chế độ mà Chính phủ Hoa Kỳ không ưa thích ra, Washington không nên quá lo lắng về chính sách tài chính đối ngoại của Bắc Kinh.

Một khi TQ kích thích được nhu cầu tiêu thụ trong nước và trở nên một đối tác quan trọng hơn trên thị trường tài chính thế giới, sự tham gia tích cực của Bắc Kinh nhất định sẽ đóng góp cho quan hệ lành mạnh giữa các quốc gia. Các nền kinh tế phát triển đang cần vốn trong khi TQ đang dư vốn. Sự kiện này sẽ tự nhiên mở ra cho TQ một con đường thênh thang để đầu tư vào các quốc gia phát triển (thậm chí bất chấp cả khả năng chuyển đổi tự do đồng Nhân dân tệ ra ngoại tệ). Việc TQ nắm giữ các địa vị sở hữu tài chính to lớn hơn trong các công ty nước ngoài, nói chung, sẽ là một điều tốt đẹp cho các công ty TQ và cả thế giới, tương tự như việc Hoa Kỳ có cổ phần trong các đầu tư nước ngoài là điều tốt đẹp từ trước tới nay. Do đó, nếu chủ nghĩa tư bản phương Tây giữ được tính sinh động, TQ có khả năng ngày càng trở nên một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó hơn. Dẫu sao, lòng ham muốn chạy theo lợi nhuận của người TQ vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn, bất chấp cả hơn 60 năm nằm dưới quyền thống trị của chế độ cộng sản.

Hoa Kỳ cần phải có một chút kiên nhẫn đối với Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ phải nhớ rằng TQ mới bắt đầu xuất hiện như một cường quốc tài chính trong vòng mười năm nay. Với sự hiểu biết sâu sắc hơn về những đòi hỏi trong nước của TQ, Washington có thể khuyến khích Bắc Kinh bành trướng sức mạnh tài chính ra nước ngoài trong những cách thế có thể đóng góp cho sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Trần Ngọc Cư phỏng dịch

Phùng Liên Đoàn hiệu đính

Nguồn: Foreign Affairs, July/August 2010.

.

.

.

No comments: