Saturday, July 31, 2010

THÁI THỦY: TÁC GIẢ BÀI THƠ "LÁ THƯ GỬI MẸ"

Nhà thơ Thái Thủy, người đứng sau nhiều cột mốc văn học, nghệ thuật miền Nam

Du Tử Lê

Friday, July 23, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116308&z=16

Trong chiều dài sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, nhiều nhân vật từng có mặt, tham dự vào những cột mốc đáng kể của dòng sông nước xiết này. Nhưng vì bản tính hay do những hoàn cảnh đặc biệt nào đó, họ không hề xuất hiện nơi “tiền trường.” Tôi muốn gọi những người này, là những nhân vật “behind the scene.”

.

Từ trái qua: Võ Hùng Anh, Nguyễn Ðức Quang, Bùi Vĩnh Hưng, nhà thơ Thái Thủy, Bùi Bỉnh Bân, Du Tử Lê, Anh Thành, năm 2007. (Hình: N.V.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116308&z=16

.
Một trong những nhân vật “behind the scene” đó, là nhà thơ Thái Thủy.

Thái Thủy và gia đình hiện cư ngụ tại miền Nam California, từ năm 1997, sau nhiều năm tháng tù đầy bởi biến cố 30 tháng 4, 1975.

Cùng với ông Vũ Quang Ninh, tổng giám đốc hệ thống Little Saigon Radio, ở Hoa Kỳ hiện nay, nhà thơ Thái Thủy bước vào ngành phát thanh rất sớm, khi ông mới 17 tuổi.

Ðó là năm 1955, tại thành phố Hải Phòng, khi cố Luật Sư Lê Quang Luật, với tư cách Ðại biểu Chính phủ Bắc phần, trong 300 ngày cuối cùng, trước khi chương trình di cư đồng bào miền Bắc vào Nam, kết thúc theo Hiệp Ðịnh Genève 1954, dùng phương tiện truyền thanh để kêu gọi, thông báo những chi tiết cần thiết cho số người muốn đi cư vào Nam; trước khi thời hạn di cư chấm dứt, theo quy định của hiệp định.

Những người có chiều dài thân thiết với nhà thơ Thái Thủy trên nửa thế kỷ cho biết, dường như họ Phạm sinh ra để làm công tác truyền thanh, như định mệnh thứ nhất của đời ông.

Bởi vì, khi di cư vào Saigon, ngay khi chưa có một chọn lựa nào, ông đã được nhà văn Chu Tử giới thiệu với Hồ Hán Sơn; để cùng ông Sơn thực hiện chương trình phát thanh cho Trung Tướng Nguyễn Thành Phương, Cao Ðài, mục đích ủng hộ chính quyền do Thủ Tướng (trước khi trở thành Tổng thống) Ngô Ðình Diệm đứng đầu.

Ðó là đài “Tiếng nói của Hội Ðồng Nhân Dân Cách Mạng,” trụ sở đặt tại đường Phùng Khắc Khoan, Saigon.

Khi ông Trần Chánh Thành được Tổng Thống Diệm bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng bộ Thông Tin, thì cũng là thời gian đài Pháp Á bị đóng cửa. Văn nghệ sĩ từng cộng tác với Pháp Á được mời về cộng tác với đài Tiếng Nói Quốc Gia (còn được gọi ngắn, gọn là đài Saigon.)

Cùng thời gian, nhà thơ Thái Thủy là phụ tá của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, trưởng phòng Văn Nghệ của đài.

Cũng ở thời điểm này, hai người bạn của Thái Thủy là Vũ Quang Ninh, Thanh Nam (nhà văn) và luôn cả Thái Thủy còn là ba chàng độc thân, đã chung tiền mua một căn nhà ở đường Phan Văn Trị, khu Nancy, gần nhà cố họa sĩ Tạ Tỵ.

Chính tại căn nhà ở khu Nancy ấy, Thái thủy đã gặp gỡ và, mau chóng có một tình thân đặc biệt với cố thi sĩ Ðinh Hùng - Trước khi ông cùng Thanh Nam nhận lời Ðinh Hùng bắt tay vào việc thực hiện chương trình thi văn Tao Ðàn, với lời mở đầu quen thuộc qua giọng đọc của thi sĩ Ðinh Hùng:

“Ðây Tao Ðàn, tiếng nói của thơ văn miền tự do.”

Cũng tại ngôi nhà của ba chàng trẻ tuổi... Bắc kỳ di cư kia, Thái Thủy đã gặp nhà thơ Nguyên Sa, trước khi ông trở thành người giữ một vai trò quan trọng của Tạp chí Hiện Ðại, phát hành số đầu tiên, tháng 4 năm 1960.

Là người được định mệnh chọn, để gắn bó một đời với nghiệp phát thanh, nhà thơ Thái Thủy trải qua gần như tất cả các đời giám đốc rồi tổng giám đốc (sau khi được nâng cấp) của hệ thống vô tuyến truyền thanh Việt Nam kể từ 1955 tới tháng 4 năm 1975.

Một trong vài người có cơ hội làm việc với ông Ðoàn Văn Cầu, giám đốc đầu tiên của đài Vô Tuyến Truyền Thanh Việt Nam, cho biết, họ Ðoàn là một người không chỉ có công đặt nền tảng cho nền phát thanh Việt Nam thời còn non trẻ mà, ông còn là người rất trọng đãi những văn nghệ sĩ cộng tác với đài, không phân biệt Nam, Bắc; cũng không phân biệt cổ hay tân nhạc.

Nhân vật này kể, mỗi chương trình và mỗi nghệ sĩ tham dự vào chương trình trong vai trò biên tập hay, trình diễn, đều được trả đồng đều 200$/1 người, cho mỗi chương trình.

Với giá sinh hoạt năm 1955 thì, cát sê 200$ cho một nghệ sĩ trong mỗi chương trình là con số rất lớn.

Cũng chính nhờ họ Ðoàn, khi thấy đài Saigon đã có chương trình Cổ Nhạc Nam Phần và Cổ Nhạc Bắc Phần mà chưa có chương trình Thi Văn, nên ông đã liên lạc với thi sĩ Ðinh Hùng, đề nghị với tác giả “Mê Hồn Ca” thực hiện một chương trình thơ văn của đài.

Sinh thời, khi được hỏi về chương trình Tao Ðàn, cố thi sĩ Ðinh Hùng nói, ông nhận lời đề nghị của ông Ðoàn Văn Cầu. Ngặt nỗi ông chỉ có khả năng viết bài, đọc qua làn sóng điện... Nhưng ông lại không có chút kinh nghiệm nào về phương diện kỹ thuật!

Ðể giải quyết cái “khâu” sinh tử này, Ðinh Hùng tìm tới căn nhà ở đường Phan Văn Trị của ba chàng độc thân, như đã nói ở trên. (1)

Kết quả, Thanh Nam, Thái Thủy (về sau, còn có thêm Tô Kiều Ngân) nhận lời hợp tác với thi sĩ Ðinh Hùng, dựng bảng chương trình Thi Văn Tao Ðàn, “Tiếng nói của thơ văn miền tự do.”

Người gánh vác phần kỹ thuật chính, là nhà thơ Thái Thủy.

Ðể chương trình được phong phú, đa dạng, bốn nhân vật khai sinh chương trình thi văn Tao Ðàn chia nhau đi mời một số nam, nữ nghệ sĩ đảm trách phần diễn ngâm. Giai đoạn khởi sự, người ta nhớ có các nghệ sĩ như Giáng Hương (1,) Hồ Ðiệp, Quách Ðàm, Hoàng Thư v.v...

Về nội dung chương trình Tao Ðàn được phân chia như sau:

Phần cổ thi, Ðinh Hùng phụ trách. Phần thơ văn hiện đại thì Thanh Nam, Thái Thủy và Tô Kiều Ngân đảm nhận.

Khởi đầu, chương trình thi văn Tao Ðàn phát thanh 6 buổi một tuần. Thời lượng: 40 phút. Từ 9 giờ 20 tới 10 giờ tối.

Một thành viên có mặt từ đầu trong chương trình Tao Ðàn cho biết, ở giai đoạn đó, sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam chưa phát triển mạnh mẽ. Thị trường sách, báo còn khan hiếm. Nhất là lãnh vực thơ mới. Ðể có đủ bài vở cho 6 chương trình mỗi tuần, ban biên tập của chương trình Tao Ðàn phải tìm kiếm thơ cũ trong các sách, báo cũ, cũng như tìm đọc thơ văn trong các báo đương thời, hầu có thể tìm kiếm những bài thơ hay, đáp ứng được nhu cầu của chương trình...

Chương trình Thi Văn Tao Ðàn ăn khách tới mức độ, chỉ một thời gian sau, một số soạn giả tuồng cải lương, như Hoàng Khâm hay, Kiên Giang - Hà Huy Hà... đã đem thể điệu ngâm thơ của miền Bắc vào trong các vở tuồng của họ. Họ gọi cách diễn đạt đó là “ngâm thơ kiểu Tao Ðàn.”

Ngoài ra, một sự kiện theo chúng tôi, cũng nên được ghi lại. Ðó là khoảng đầu thập niên 1960, hai ông Thanh Nam và Thái Thủy lập thêm một gọi là chương trình “Thi - Nhạc Giao Duyên.”

Như tên gọi, đây là chương trình ngâm thơ xen kẽ với tân nhạc.

Ðể thực hiện được sự hòa điệu này, Thanh Nam và Thái Thủy đã phải thay phiên nhau làm những bài thơ có nội dung gần với nội dung của các bản nhạc được chọn, trước khi cho hai loại hình thái nghệ thuật này... giao duyên nhau.

Cho đến nay, không ai trả lời được câu hỏi, phải chăng, khởi từ sáng kiến “thi-nhạc giao duyên” mà sau này, miền Nam có thêm một hình thái nghệ thuật khác nữa; được biết dưới tên “Tân-Cổ giao duyên”?

Mặc dù chương trình được quần chúng ủng hộ mạnh mẽ, nhưng với số lượng văn nghệ sĩ cộng tác từ biên tập tới diễn ngâm khá đông đảo, cộng thêm giờ phát thanh khá nhiều, đài Saigon mỗi tháng đã phải chi trả một số tiền không nhỏ cho chương trình Tao Ðàn này.

Vì sự tốn kém quá lớn vừa kể nên vào cuối năm 1957, số lượng buổi phát thanh của chương trình Thi Văn Tao Ðàn đã bị rút xuống còn 3 buổi, thay vì 6 buổi mỗi tuần, như những tháng năm đầu.

Cũng thời gian này, ông Giám Ðốc Ðoàn Văn Cầu bị một số người ganh ghét tố cáo với Tổng Thống Diệm tội “nhũng lạm công quỹ”!

Ông Ðoàn Văn Cầu bị Tổng Thống Diệm kêu trình diện.

Họ Ðoàn thẳng thắn khai rằng, ông có chi ra một số tiền lớn cho nhân viên cũng như cộng tác viên của đài Saigon. Nhưng ông xác định, ông không hề tư túi, dù chỉ một đồng của công quỹ.

Họ Ðoàn quả quyết:

“Xin tổng thống cho người điều tra... Nếu tôi có lấy một đồng công quỹ để tiêu dụng cho cá nhân hay gia đình tôi, thì tổng thống cứ việc bỏ tù tôi...”

Kết quả, Thống Thống Diệm thấy lời khai của ông Ðoàn Văn Cầu là đúng. Nên ông chỉ cách chức họ Ðoàn mà thôi.

Trở lại với chương trình Thi Văn Tao Ðàn, năm 1967, khi thi sĩ Ðinh Hùng từ trần, bà Ðinh Hùng tới đài Saigon, gặp nhà thơ Thái Thủy, trưởng ban chương trình, xin cho bà thay chồng, tiếp tục điều hành hành chương trình Tao Ðàn.

Dù rất cố gắng, bà Ðinh Hùng cũng không duy trì được bao lâu, chương trình Thi Văn Tao Ðàn do chồng bà sáng lập.

Vì lý do ngân sách, cát sê trả cho các chương trình của đài Saigon ngày một thêm eo hẹp!

Du Tử Lê

(Thứ Năm 22 tháng 7, 2010: Tác giả “Lá thư gửi mẹ” và, Tạp chí Hiện Ðại.)

.

Chú thích:

(1) Nghệ sĩ Giáng Hương hiện cư ngụ tại miền Nam Cali. Bà là người bạn đời đầu tiên của nam danh ca Anh Ngọc.

(2) Không lâu sau, Vũ Quang Ninh lập gia đình, cần tiền cưới vợ, căn nhà phải bán đi. Thanh Nam và Thái Thủy lại chung tiền mua một căn nhà khác ở xóm Sáu Lèo, sau lưng rạp Thanh Bình. Tình cờ họ mua trúng căn nhà do thi sĩ Nguyên Sa làm chủ.

.

.

Tác giả ‘Lá Thư Gửi Mẹ’ và, Tạp chí Hiện Ðại

Du Tử Lê

Wednesday, July 28, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116623&z=16

(Tiếp theo và hết)

.

Nhà thơ Thái Thủy

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/116623-big_Thai%20Thuy%20-%202004%20-%20Photo%20by%20BVH1aa.jpg

.

Nhiều năm trước đây, Trung Tâm Thúy Nga Paris thực hiện video nhạc chủ đề “Mẹ”, đã chọn ca khúc “Lá Thư Gửi Mẹ” (thơ Thái Thủy, nhạc Nguyễn Hiền) là một trong mấy chục ca khúc nói về người mẹ Việt Nam.

Nhân dịp này, trả lời câu hỏi về nguyên ủy của bài thơ và ca khúc đó, nhà thơ Thái Thủy cho biết, bài thơ “Lá Thư Gửi Mẹ” của ông được thi sĩ Ðinh Hùng chọn đăng trong giai phẩm Xuân Tự Do, xuất bản tại Saigon, năm 1955. (4)

Khi nhạc sĩ Nguyễn Hiền tình cờ đọc được bài thơ ấy, họ Nguyễn đã chắp thêm cho nó, đôi cánh âm nhạc.

.

Trọn vẹn ca khúc đó, như sau:

Mẹ ơi! thôi đừng khóc nữa

Cho lòng già nặng sầu thương

Con đi say tình viễn xứ

Ðâu có quên tình cố hương

Thương ngóng về quê cũ

Gót thù xéo thảm thê

Bầy trai thầm rơi lệ

Súng gươm hẹn mai về

Con về tằm đẹp lứa

Mẹ cười vun khóm dâu

Mái tranh nghèo vươn khói

Vườn thơm ngát hương cau

Mẹ ơi!

thôi đừng khóc nữa

Cho lòng già nặng sầu thương

Con đi say tình viễn xứ

Ðâu có quên tình cố hương (5)

.

Tới hôm nay, dù đã hơn nửa thế kỷ, nhưng mỗi khi ca khúc này được cất lên, nó vẫn còn gây xúc động người nghe không ít.

Một người bạn từ thời Hà Nội của nhà thơ Phạm Thái Thủy tiết lộ rằng, tác giả “Lá Thư Gửi Mẹ” làm thơ rất sớm. Từ những ngày niên thiếu tại Hà Nội, ông đã có thơ được đăng tải trên một số báo xuất bản thời đó. Ðiển hình như tờ Giang Sơn, một tờ báo mà những ai từng sống ở Hà Nội đầu thập niên 1950, không thể không biết.

Vẫn theo lời kể thì, tính đến 30 tháng 4 năm 1975, Phạm Thái Thủy đã sáng tác khoảng vài trăm bài thơ.

Giai đoạn họ Phạm làm được nhiều thơ nhất là thời gian đầu khi mới di cư vào Miền Nam và, thời gian ông đảm nhiệm vai trò Thư ký tòa soạn cho Tạp chí Hiện Ðại của thi sĩ Nguyên Sa.

Nhưng bản chất Thái Thủy là người khiêm tốn, không thích khoa trương tên tuổi cho nên, ngay từ Việt Nam, khi một vài bằng hữu đề nghị Thái Thủy gom thơ của mình lại, để có thể in thành một tập... Ông đã từ chối...

Người bạn này nói thêm:

“Thậm chí khi được định cư tại Hoa Kỳ, cố thi sĩ Nguyên Sa cũng bảo Thái Thủy đưa thơ của mình, để nhà xuất bản Ðời ấn hành... Ông cũng đành tạ tình thương mến của bạn...”

Thái Thủy không chỉ không nhớ thơ của mình mà ngay cả số thơ ông lưu giữ được, cũng chỉ độ mươi, mười lăm bài mà thôi.

.

Về vai trò Thư ký tòa soạn Tạp chí Hiện Ðại của Thái Thủy, sinh thời, thi sĩ Nguyên Sa cho biết, đầu thập niên 1960, ông được Bác Sĩ Trần Kim Tuyến đề nghị thực hiện một tạp chí thuần túy văn học cho Miền Nam, song song với những tạp chí đang có mặt như Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn Nghệ,...

Sự kiện chính phủ muốn có thêm một tạp chí nữa ra đời, cũng không ngoài mục đích khuyến khích, xiển dương nền văn học nhân bản và, khai phóng của Miền Nam Việt Nam.

Tác giả “Áo lụa Hà Ðông” kể vì ông quá bận bịu với công việc dạy học, nên ông đã mời nhà thơ Thái Thủy phụ trách phần tòa soạn, bài vở. Nhà báo Trịnh Viết Thành phụ trách phần ấn loát và phát hành.

Khi đó, nhà báo Trịnh Viết Thành cũng là chủ nhà in Nam Sơn ở gần ngã tư đường Trương Công Ðịnh và Nguyễn An Ninh, Saigon.

Tạp chí Hiện Ðại không chỉ in tại nhà in Nam Sơn mà tòa soạn cũng được đặt trên lầu của nhà in này, để tiện việc điều hành và in ấn.

Vẫn theo cố thi sĩ Nguyên Sa, tuy được tài trợ bởi chính phủ, nhưng cá nhân ông không biết một chút gì về số tiền chi tiêu hàng tháng của Hiện Ðại.

Hàng tháng một nhân viên của Phòng Nghiên Cứu Chính Trị của Bác Sĩ Trần Kim Tuyến đến tòa soạn Hiện Ðại, giao thẳng tiền cho nhà báo Trịnh Viết Thành. Nhà thơ Thái Thủy cũng không biết số tiền trợ cấp hàng tháng là bao nhiêu.

Ông chỉ nhận đủ số tiền chi dùng cho việc trả tiền nhuận bút cho các cộng tác viên.

Tạp chí Hiện Ðại chủ trương trả nhuận bút đồng đều cho thơ cũng như văn là 1,000$ một bài.

.

Trong một cuộc nói chuyện về “thời” của tạp chí Hiện Ðại, nhà thơ Thái Thủy kể, Hiện Ðại số 1, ra đời vào tháng 4 năm 1960, ngoài ba nhân vật chịu trách trực tiếp là Nguyên Sa, Trịnh Viết Thành và Thái Thủy, Hiện Ðại còn nhận được sự cộng tác tích cực ngay tự những ngày khởi đầu của các tác giả như Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Văn Trung, Ðinh Hùng, Thanh Nam,...

Khi tờ báo ra được 7, 8 số thì cuộc đảo chánh của Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi ngày 11 tháng 11 năm 1960, xảy ra...

Hậu quả của cuộc đảo chánh này, tuy bất thành, nhưng cũng để lại khá nhiều xáo trộn trong sinh hoạt chính trị, xã hội, cũng như văn hóa của Miền Nam thời ấy.

Chính vì thế, sau khi ra số 10 vào khoảng tháng 2 năm 1961, tờ Hiện Ðại đình bản.

Trước thời gian tạp chí Hiện Ðại ra đời, là thời gian thi phẩm “Thơ Nguyên Sa” tập một của thi sĩ Nguyên Sa được xuất bản. Ngay lập tức, thi phẩm đã được chào đón nồng nhiệt, như một hiện tượng hiếm thấy, nhất là trong giới thanh niên, sinh viên, học sinh ở Miền Nam. (6)

Trong thi phẩm này, có nhiều bài thơ giá trị, viết cho tình bạn. Một trong những bài đó là bài “Bây Giờ.” Nguyên Sa đề “Tặng Thái Thủy.”

.

Nguyên văn bài thơ như sau:

Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt

Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư

Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát

Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa.

Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực

Phải vác theo trăm tuổi đường dài

Nên có gửi cho ai vài giọng nói

Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi.

Hai mắt rỗng phải che bằng khói thuốc

Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao

Mỗi buổi sáng mặt trời làm sấm sét

Nên nhìn đêm mở cửa chẳng đi vào.

Năm ngón tay có bốn mùa trái đất

Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân

Có cất tiếng đòi to. Tiếng đòi rơi rụng

Những âm thanh làm thành sẹo trong hồn.

Chúng tôi chót ngẩng đầu nhìn trước mặt

Trán mênh mông va chạm cửa chân trời

Ngoảnh mặt lại đột nhiên thơ mầu nhiệm

Tiếng hát buồn đè xuống nặng đôi vai. (7)

.

Qua những gặp gỡ đây đó, hơn một lần tôi định hỏi Thái Thủy: Giữa thi ca, phát thanh, làm báo... đâu là con người gần nhất với bản chất của ông? (Hay)

- Ðâu là con người thật của một Phạm Thái Thủy, sau nhiều thăng, trầm eo xèo nhân thế?

Cuối cùng, tôi thấy không cần thiết.

Bởi vì, cách gì thì, định mệnh cũng đã chọn ông, một đời, làm người đứng sau mọi cột mốc, sinh hoạt văn học, nghệ thuật Miền Nam, 20 năm, đã qua.

Du Tử Lê

(Tháng 7, 2010)

.

Chú thích:

(4): Là một thành viên nòng cốt của nhật báo Tự Do, thời gian đó, thi sĩ Ðinh Hùng không chỉ tuyển chọn thơ cho tờ báo mà, ông còn viết tiểu thuyết dã sử với bút hiệu Hoài Ðiệp Thứ Lang và, phụ trách mục “Ðàn Ngang Cung” với bút hiệu Thần Ðăng nữa.

(5): Theo dactrung.com

(6): Ấn bản đầu tiên, Saigon, năm 1958.

(7): “Thơ Nguyên Sa Toàn Tập”, trang 53 & 54. Ðời xuất bản. California, 2000.

.

.

.

No comments: