Friday, July 30, 2010

THI ĐUA TÀN PHÁ RỪNG THÔNG ĐÀ LẠT (4)

Biệt thự bức tử rừng thông

Hà Phan

06:36 26/07/2010

http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/507817/Biet-thu-buc-tu-rung-thong.html

TP - Mặc cho hàng trăm dự án du lịch tại Đà Lạt đang triển khai ì ạch hoặc bất động, hàng ngàn cây thông- đặc trưng của Đà Lạt đã bị chặt hạ không thương tiếc!

.

Nhiều cây thông bị triệt hạ (ảnh nhỏ) để nhường đất cho biệt thự (ảnh lớn) trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm . Ảnh: H.P

http://www.tienphong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=17410&Width=400

.

Đâu cũng chặt cây, phá rừng

Chúng tôi có mặt tại các khu rừng thông nguyên sinh tại khu vực hồ Tuyền Lâm ( Đà Lạt) mà mai đây sẽ là nơi hàng chục dự án mọc lên. Dọc hai bên đường đi và phía trong phần đất của dự án, thông bị đốn hạ nằm la liệt.

Những ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2010, tại khu vực dự án Cty Gia Tuệ, thông đã được chặt xong trơ gốc nằm dài hai bên đường vào rừng. Không chỉ những cây lớn dài hàng chục mét, vòng tay ngưòi ôm không xuể mà cả những cây nhỏ cũng bị đốn gục.

Trớ trêu thay, phần lớn thông bị chặt đều có giấy phép. Tại trụ sở UBND phường 4, thông báo ghi rõ từ ngày 25-5 đến 30-6-2010, Ban quản lý khu du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm sẽ tổ chức khai thác tận thu, tận dụng lâm sản theo Giấy phép khai thác do Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cấp với tổng số 629 cây, gồm: 275 cây có đường kính trên 25cm và 354 cây có đường kính dưới 25cm…

Cùng thời gian này, cơ quan trên cũng được phép khai thác tổng diện tích tận dụng gỗ hơn 1ha, đa phần là rừng tự nhiên. Tổng trữ lượng gỗ tận dụng là 387,9m3, gồm: 455 cây có đường kính trên 25cm và 141 cây có đường kính dưới 25cm…

Được biết để thực hiện dự án Kỳ quan thế giới và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp do Cty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công trình Haco thực hiện tại KDL hồ Tuyền Lâm, chủ đầu tư đã lên phương án chặt hơn 4.500 cây thông!?

Ngoài ra, còn khá nhiều dự án đã và sắp chặt cây, trong đó chủ yếu là thông, để làm đường hoặc xây dựng công trình như: dự án Cty Cổ phần Thiên Nhân, dự án Cty TNHH may thêu thương mại Lan Anh, dự án Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức, dự án Cty Cổ phần Du lịch Sinh thái Lạc Nam, dự án Cty Cổ phần Du lịch Sinh thái Phương Nam, dự án Cty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Đào Nguyên…

Tuy cây rừng và thông bị chặt hạ nhiều như thế, nhưng Giám đốc Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm Nguyễn Xuân Thành, ước tính sơ bộ từ năm 2005 đến nay tổng số gỗ tận thu là hơn 2.666 m3 với số tiền thu được là trên 3,4 tỉ đồng, trong đó nộp cho ngân sách được hơn 1 tỉ đồng!?

Phía sau “du lịch” là… biệt thự

Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng Nguyễn Trọng Hoàng đã cảnh báo nguy cơ “bội thực” dự án đầu tư resort, biệt thự du lịch ở Đà Lạt, khi biết số lượng biệt thự du lịch xây cất tại thành phố thơ mộng này sẽ lên đến 45.000 căn!

Ông Hoàng cũng cho rằng số dự án du lịch - địa ốc - biệt thự đồ sộ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, núi đồi, rừng thông... và băm nát cảnh quan tuyệt đẹp của Đà Lạt.

Ngay cả dự án sân golf khá hoành tráng với mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng của Sacom tại KDL Tuyền Lâm trước đây, nay cũng dành phần lớn để xây dựng 400 căn biệt thự cùng những bất động sản khác.

Qua tiếp xúc với các chủ đầu tư và những người đã từng làm dự án du lịch, địa ốc tại Đà Lạt, ai cũng khẳng định chỉ có xây biệt thự bán mới mau thu hồi vốn. Đây cũng là lý do chính để hàng chục ngàn biệt thự đang mọc lên khắp TP Đà Lạt dưới “bóng” của cái gọi là KDL.

Thử đi mua dự án

Sau gần một tháng tìm đầu mối và qua nhiều trung gian, giữa tháng 7-2010, PV Tiền Phong trong vai đại diện cho nhóm nhà đầu tư từ CHLB Đức về được dẫn đến nhà riêng ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm.

Tại đây, sau một hồi thăm dò năng lực và quyết tâm đầu tư, ông Thành đã giới thiệu cho chúng tôi dự án của Cty TNHH D.N.A (đăng ký kinh doanh tại Bình Dương) có quy mô 26,6 ha, với tên gọi “Làng du lịch sinh thái rừng - phim trường ngoại cảnh D.N.A” nằm trong KDL hồ Tuyền Lâm đang có nhu cầu sang nhượng.

Dù biết rõ dự án bị cấm sang nhượng nhưng ông Thành và cấp dưới vẫn cho rằng có cách lách, và sẽ tạo điều kiện để chúng tôi mua lại được dự án này.

.

Sau 4 năm triển khai, dự án “Làng du lịch sinh thái rừng - phim trường ngoại cảnh D.N.A” vẫn chỉ là đất rừng (ảnh lớn); Dự án của D.N. A đòi sang nhượng với giá 15 tỷ (ảnh nhỏ) . Ảnh: P.V

http://www.tienphong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=17411&Width=400

.

Ngay tại buổi gặp, ông Thành còn chỉ đạo cho cấp dưới đề xuất với UBND tỉnh cho sang nhượng dự án. Tuy nhiên, ông Thành nói nếu chờ UBND tỉnh đồng ý chủ trương trên sẽ rất lâu, muốn nhanh phải tìm cách khác. Hai bên sẽ lách bằng cách mua hay góp vốn để nắm quyền chi phối trong Cty đang có dự án để trở thành chủ đầu tư mới của dự án mà không sai quy định!

Theo ông Thành thì D. N. A sẽ bán lại dự án trên vì năng lực tài chính yếu, nhưng giá phải 14-15 tỷ đồng, cộng 10 tỷ đồng tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án nộp cho UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông Thành còn khuyên chúng tôi ra thực địa xem lại dự án, nếu ưng ý báo lại ông sẽ nói chuyện với D.N.A để hai bên gặp nhau xúc tiến việc mua bán dự án trên.

Cụ thể hơn, ông Thành giao cho ông Trần Quang Thắng, chuyên viên của Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm giúp đỡ chúng tôi. Theo ông Thành, việc sang nhượng phải hết sức kín kẽ chứ không “mấy ông lại nói mình làm Giám đốc Ban quản lý mà môi giới sang nhượng”.

Theo chỉ dẫn của ông Thắng, chúng tôi đã đến tận nơi xem vị trí, tiến độ của dự án trên.

Lô đất để làm dự án khá đẹp với hơn 1km mặt tiền đường nhựa, ẩn mình trong rừng thông và nhìn thẳng xuống mặt nước trong xanh của hồ Tuyền Lâm. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy dự án này được triển khai, dù UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư từ năm 2006 và khởi công từ đầu 2008.

Chỉ vài ngày sau, qua sắp xếp của ông Thắng, chúng tôi đã gặp ông Đào Quang Nam, Giám đốc Cty D.N.A để thương lượng sang nhượng dự án trên. Từ đây, đã hé lộ ra nhiều chi tiết khá bất ngờ và câu trả lời vì sao Giám đốc Ban quản lý dự án KDL hồ Tuyền Lâm lại nhiệt tình môi giới đến vậy...

“Đắp chiếu” vẫn phải “bôi trơn”

Ông Nam cho biết không phải Cty ông thiếu vốn, nhưng muốn tập trung làm dự án khác, nên muốn bán “15 tỷ đồng, trong đó có 1 tỷ để đi ngoại giao, bôi trơn cho công việc chạy nhanh, suôn sẻ”.

Ông Nam khẳng định quan hệ của ông với “các anh tỉnh nhà” rất mật thiết nên chỉ trong vòng 3 tháng là việc mua bán sẽ xong xuôi. Thời gian đầu, để tiện trong các thủ tục giấy tờ, ông Nam đồng ý vẫn đứng tên giám đốc Cty, giúp quan hệ với các sở, ban, ngành, vì “đã biết đường đi nước bước”.

Theo ông Nam, nếu đồng ý mua, nên ký hợp đồng dưới hình thức là hợp đồng liên doanh và chuyển trước cho ông 10 tỷ đồng để ký quỹ cho UBND tỉnh Lâm Đồng sớm vì nhiều đối tác khác cũng đang đánh tiếng mua lại. Ông Nam đã giao hẳn một bộ hồ sơ về dự án cho chúng tôi để xem xét nhằm có quyết định sớm.

Theo chúng tôi tìm hiểu, dự án của ông Nam đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi số 8603/UBND ngày 25-11-2008 và đến ngày 22-12-2008, UBND tỉnh này ra quyết định thu hồi đất số 3435/QĐ – UBND.

Thanh tra Chính phủ cũng đã từng lập biên bản và đánh giá D.N.A lập dự án đầu tư chậm 5 tháng nhưng không có tờ trình xin gia hạn; khởi công dự án khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa có quyết định phê duyệt thiết kế... Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đến 15-6-2010, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có ý kiến bằng văn bản giao Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm làm việc lại với D.N.A rồi báo cáo với UBND tỉnh để xem xét cho tiếp tục đầu tư, sau khi D.N.A xin và cam kết ký quỹ 10 tỷ đồng!?

Và chỉ 5 ngày sau, 22-6-2010, D. N. A đã được Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm bàn bạc để cùng lập biên bản cam kết tiến độ thi công gửi UBND tỉnh Lâm Đồng xin chủ trương cho đầu tư tiếp. Đây là cơ sở để D.N. A khẳng định trước đối tác là dự án vẫn tiến hành sang nhượng được.

Gặp nhau lần thứ hai tại TPHCM, ông Nam trấn an chúng tôi việc dự án từng bị thu hồi rồi cho làm lại chỉ là tình cảnh chung. Khi chúng tôi hỏi, theo như hồ sơ ông Nam cung cấp thì chi phí cho dự án mà Cty D. N.A bỏ ra chỉ dưới 5 tỷ đồng nhưng tại sao giá sang nhượng lại lên đến 14 tỷ đồng? Ông Nam cho hay, để có được dự án này, số tiền thực mà doanh nghiệp của ông bỏ ra nhằm ngoại giao, bôi trơn cao hơn nhiều số tiền trên giấy tờ.

Khi chúng tôi xin giảm giá bán dự án, mượn cớ bên chúng tôi phải chi phí cho bên môi giới, ông Nam nói chỉ nên chi cho bên ông Thành, ông Thắng 100 triệu đồng, vì ông Nam cũng phải chi.

Còn theo ông Thắng, ngoài 1 tỷ đồng người mua đưa cho ông Nam làm chi phí để lo việc sang nhượng, thì ông Nam vẫn phải trích từ tiền bán dự án để đưa cho ông Thành lo liệu mọi chuyện. Theo ông Thành, sở dĩ ông Thành không ra mặt ngả giá vì tránh tiếng, chứ đều có chỉ đạo chủ trương hết. Ngày 24-7, ông Thắng cũng đã cho chúng tôi số tài khoản để có thể chuyển số tiền trên.

---------------------

Sáu năm qua, Lâm Đồng có đến 240 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, chủ yếu trên địa bàn TP.Đà Lạt, trong đó, 33 dự án đang triển khai tại khu vực hồ Tuyền Lâm, với diện tích 1.652 ha chủ yếu là đất rừng. Người dân Đà Lạt không chỉ bức xúc Tuyền Lâm như “cô gái đẹp bị tạt a xít” do quá nhiều dự án đang phá nát bộ mặt của khu vực này, mà còn lo ngại hàng ngàn cây thông quý sẽ tiếp tục bị chặt hạ trong nay mai.

Hà Phan

.

.

.

Biệt thự bức tử rừng thông:

Quyết định ‘đá nhau’, doanh nghiệp lãnh đủ

Hà Phan

07:32 27/07/2010

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/507945/Quyet-dinh-da-nhau-doanh-nghiep-lanh-du.html

.

TP - Sau khi Tiền Phong đăng bài Biệt thự bức tử rừng thông tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), một doanh nghiệp đầu tư tại TP này phản ánh không phải dự án biệt thự du lịch nào cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng ưu ái như dự án của Cty D.N.A mà có dự án bị gây khó dễ bởi những quyết định bất nhất.

.

Những biệt thự cũ nát đã được HA- GL nâng cấp . Ảnh: Hà Phan

http://www.tienphong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=17608&Width=400

.

Đem con bỏ chợ

Cty Cổ phần Hoàng Anh- Gia Lai (HA - GL) được UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan chức năng của tỉnh này chấp thuận cho thuê 20 biệt thự với tổng diện tích 45.882 m2 tại P. 9 ( TP Đà Lạt) để cải tạo thành khu biệt thự nghỉ dưỡng.

HA- GL đã nâng cấp và đưa vào hoạt động 8/15 căn biệt thự được giao, 7 căn đang sửa chữa. 5 căn biệt thự còn lại, dù HA- GL đã ứng trước gần 1 tỷ đồng đền bù nhưng vẫn chưa được UBND TP Đà Lạt bàn giao như thỏa thuận.

Ngày 7-9-2009, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trương Văn Thu chủ trì cuộc họp bàn cách giải quyết vấn đề trên và yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng bàn giao 5 căn biệt thự còn lại cho HA-GL trước ngày 7-10-2009.

Kết luận cuộc họp, ông Thu gia hạn cho HA- GL đến ngày 10-10-2009, phải thực hiện đầu tư nâng cấp 6/7 căn đã được giao; nếu không sẽ thu hồi, tổ chức đấu thầu cho thuê.

Trong lúc HA- GL đang sửa chữa, chuẩn bị nhận bàn giao các căn biệt thự còn lại thì Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Hòa ký quyết định thu hồi 11 căn biệt thự HA- GL chưa được bàn giao hoặc đã bàn giao nhưng đang nâng cấp.

Quyết định này được ông Hòa ký ngày 22-9-2009, trước thời hạn cuối cùng gần 20 ngày mà chính UBND tỉnh này đã thông báo. Khi các thủ tục thu hồi chưa xong, những nghĩa vụ và quyền lợi của nhà đầu tư cũ chưa được giải quyết thì chính ông Thu đã ký văn bản chấp thuận ngày 9-10-2009 cho Cty cổ phần tập đoàn Trung Thủy (TPHCM) được đầu tư vào 11 biệt thự HA- GL đang đầu tư.

Khá ngẫu nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra quyết định trên xét theo công văn đề nghị của Trung Thủy vào ngày 22-9, ngày mà ông Hòa ký quyết định thu hồi các biệt thự đã giao cho HA-GL!?

Bên trọng, bên khinh?

Khó hiểu hơn, khi chính UBND tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định thu hồi 11 căn biệt thự xong sẽ tổ chức đấu thầu cho thuê nhưng lại giao cho Trung Thủy mà không hề qua đấu thầu.

Ông Trần Văn Hàn, Phó Tổng GĐ HA- GL bức xúc: “Chúng tôi chấp nhận bị thu hồi nếu vi phạm chủ trương, thời gian quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhưng thời gian cuối cùng chưa hết, dự án đang đầu tư thì UBND tỉnh lại ra quyết định thu hồi giao cho một Cty khác”.

Ngoài số tiền hàng chục tỷ đồng bỏ ra nâng cấp, cải tạo các biệt thự, HA- GL đã nộp gần 15 tỷ đồng tiền thuê đất, biệt thự, thuế VAT và ứng trước 100.000 USD đặt cọc cho dự án từ 2004. Nếu so với việc Cty D.N.A đã có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất nhưng trên thực tế D.N.A chưa bị thu hồi và nay lại xem xét cho đầu tư lại thì trường hợp của HA- GL quả là có nhiều điều bất nhất.

Những quyết định đá nhau như trên của UBND tỉnh Lâm Đồng đang khiến nhiều nhà đầu tư có năng lực thực sự đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ người muốn bán dự án như D.N.A lại được ưu ái hơn những Cty đang đầu tư thực sự tại Đà Lạt?”.

Hà Phan

.

.

.

Biệt thự bức tử rừng thông:

Núp bóng

08:53 28/07/2010

http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/Chuyen-Hom-Nay/508075/Nup-bong.html

TP - Bức tử rừng thông, phá rừng làm thủy điện, đốn hạ hoa màu và lúa làm sân golf... ở nhiều địa phương đang núp bóng dưới nhãn thúc đẩy đầu tư hay phát triển kinh tế địa phương. Kết quả chưa rõ nhưng hậu quả đang tàn phá khá nhiều thứ...

Chủ trương xây khu du lịch, làm thuỷ điện vừa và nhỏ hay có những nơi vui chơi giải trí cao cấp như sân golf không phải chỗ nào cũng đi chệch đường. Tuy nhiên quá nhiều nơi đã lạm dụng và đem lại tác dụng ngược. Thay vì có những khu du lịch nghỉ dưỡng sang trọng và hấp dẫn, đất rừng đã biến thành đất biệt thự và thông xanh cũng biến mất như chuyện đang xảy ra tại TP Đà Lạt.

Kinh tế địa phương có lẽ còn phải chờ rất lâu để hàng chục ngàn căn biệt thự, hàng trăm dự án thủy điện lớn nhỏ hay hàng trăm ha sân golf đem lại quả ngọt. Còn bây giờ môi trường sống và những nét đặc trưng của nhiều địa phương đang bị hủy hoại cả tinh vi lẫn trắng trợn.

Không chỉ tại Lâm Đồng mà khá nhiều địa phương khác, cuộc đua theo tốc độ tăng trưởng GDP, tổng vốn đầu tư hay bội thực dự án đang dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Giữ nguyên mọi thứ chưa hẳn là điều tốt nhưng đánh đổi quá nhiều để lấy những công trình vắt dài hàng chục năm, bán dự án núp bóng đầu tư thì xem ra thiệt nhiều hơn lợi.

Dư luận đã nhiều lần dấy lên nghi vấn vì sao các cơ quan chức năng lại không thấy, không biết và không nhận ra tầm nguy hại của những dự án tàn phá môi trường, huỷ hoại nét đẹp riêng của nhiều địa phương?

Muốn chứng minh là mọi việc chỉ đi chệch hướng hay chỉ là “ con sâu làm rầu nồi canh” thì lãnh đạo nhiều tỉnh thành phải làm cho rõ có hay không những tiêu cực phía sau việc phát triển dự án ồ ạt.

Giờ đây lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã có một cơ hội phân minh trắng đen mà Tiền Phong đã nêu rõ qua bài “Biệt thự bức tử rừng thông”. Để lâu ngày nào, nghi ngại của dư luận dâng cao ngày đó. Địa phương nào cũng cần có dự án để phát triển, nhưng để cho những kẻ “đục nước béo cò” trục lợi bất chấp những hậu quả vẫn có bóng để núp lại là một bước lùi nữa.

Bên cạnh đó những quyết định bất nhất, trọng nhà đầu tư này khinh nhà đầu tư kia cũng cần những lý giải rõ ràng hơn để môi trường đầu tư trong lành dần. Đa số những tỉnh thành đang bội thực dự án đều có những ưu thế riêng, tuy nhiên để biến ưu thế ấy thành những cơ hội và nguồn thu thực sự có lẽ lãnh đạo nhiều tỉnh cần nhiều hơn việc chỉ đặt bút ký chứng nhận đầu tư.

Qua những gì báo chí đã nêu về thực trạng nhiều dự án tại Đà Lạt, có lẽ đây là cơ hội tốt để tỉnh này nhìn lại cơn sốt dự án 5 năm qua.

Hà Phan

.

.

.

Sau loạt bài chống tiêu cực: PV báo Tiền Phong bị đe dọa

Lê Anh

06:58 29/07/2010

http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/508160/Sau-loat-bai-chong-tieu-cuc--PV-bao-Tien-Phong-bi-de-doa.html

.

>> Vụ phóng viên báo Tiền Phong bị hành hung: 'Xử lý nghiêm!'

.

TP - Các ngày 26, 27, 28-7, Tiền Phong liên tiếp đăng loạt bài điều tra, bình luận, với tiêu đề chung Biệt thự bức tử rừng thông của tác giả Hà Phan, nói về những tiêu cực, những bất cập trong việc phát triển ồ ạt các dự án du lịch, thủy điện nhỏ, sân golf ở Đà Lạt, dẫn đến phá hủy môi trường, cảnh quan, gây nên những hiệu ứng cung cầu không cân đối ở TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Tác giả còn nêu đích danh một số quan chức, doanh nhân đã có những hành vi “bôi trơn”, mua bán dự án, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Loạt bài này đã bước đầu nhận được sự quan tâm, đồng tình của đông đảo bạn đọc ở Lâm Đồng và bạn đọc cả nước. Bạn đọc đánh giá đây là bài điều tra nghiêm túc, kỹ lưỡng, dũng cảm; phóng viên vào vai tiếp cận trực tiếp với các nhân vật trong bài viết, vấn đề đặt ra sinh động và có sức thuyết phục.

Tuy nhiên, vào lúc 13 giờ 16 phút chiều qua (28-7), phóng viên Hà Phan đã liên tiếp nhận được hai tin nhắn vào máy điện thoại cầm tay của phóng viên. Tin thứ nhất có nội dung Mày còn viết gì về Lâm Đồng nữa tụi tao sẽ xử cả nhà mày nhé Hà Phan; tin thứ hai Đừng nghĩ tao không dám xử mày và vợ con mày. Những tin nhắn này rõ ràng liên quan đến bài viết trên mặt báo của tác giả Hà Phan.

Phóng viên Hà Phan đã kịp thời trình báo sự việc với các cơ quan công an nơi phóng viên cư trú và nơi đặt trụ sở cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM. Ban biên tập báo Tiền Phong cũng kịp thời có công văn gửi tới lãnh đạo Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo Công an TPHCM.

Công văn của báo Tiền Phong nêu rõ: Theo quy định của Luật Báo chí, báo Tiền Phong đề nghị lãnh đạo các cơ quan nói trên cho xác minh, xử lý những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số doanh nhân và quan chức ở Lâm Đồng, được nêu trong loạt bài Biệt thự bức tử rừng thông.

Bên cạnh đó, báo Tiền Phong cũng đề nghị lãnh đạo các cơ quan nói trên có biện pháp thích hợp và kịp thời để bảo vệ phóng viên Hà Phan và gia đình.

Lê Anh

.

.

.

No comments: