Saturday, July 31, 2010

TÌM THẤY HÀI CỐT 8 PHI CÔNG của PHI ĐOÀN TỈNH LONG 821 Ở SÀI GÒN

Tìm thấy hài cốt 8 phi công Phi Đoàn Tinh Long 821 ở Sài Gòn

Hà Giang/Người Việt

Thursday, July 29, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116695&z=3

Phi vụ cuối cùng, 29 tháng 4, 1975

Tin tám bộ hài cốt, được cho là của tám vị anh hùng tử sĩ thuộc Phi Ðoàn Tinh Long 821, bị thiệt mạng trong Phi Vụ Tinh Long 07, vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, được tìm thấy và chôn cất tử tế tại nghĩa trang An Khánh, Thủ Thiêm, ngày 24 tháng 7 vừa qua, đã làm nhiều cựu nhân viên của Phi Ðoàn Tinh Long 821 xúc động.

Ðó là hài cốt của những chiến sĩ đã tử nạn khi chiếc phi cơ AC-119K, danh hiệu Tinh Long 07, đã nổ tung và rơi xuống trong vòng đai hướng Bắc của phi trường, vì trúng hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 của quân đội Bắc Việt, do Liên Xô viện trợ, lúc đang bay để bảo vệ thủ đô Sài Gòn và phi trường Tân Sơn Nhất vào khoảng 7 giờ sáng ngày 29 tháng 4, năm 1975, trước sự chứng kiến đau lòng của đồng đội.

“Tình chiến hữu và lòng tri ân với các vị anh hùng tử sĩ này đã khiến chúng tôi, một nhóm cựu Không Quân trong và ngoài nước tìm hết cách để truy tìm hài cốt cũng như danh tánh của phi hành đoàn.”

.

Quang cảnh buổi an táng hài cốt 8 vị anh hùng tử sĩ Phi Hành Ðoàn Tinh Long 07, tử nạn khi chiếc máy bay AC-119K, bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 của quân đội Bắc Việt, do Liên Xô viện trợ, bắn nổ tung và rơi xuống trong vòng đai hướng Bắc của phi trường Tân Sơn Nhất trong phi vụ cuối cùng của quân lực VNCH sáng ngày 29 tháng Tư, 1975. (Hình: Trung Úy Trương Nguyên Thuận cung cấp)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/116695-TinhLong07A-400.jpg

.

Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại và email, Trung Úy Trương Nguyên Thuận, một nhân viên của Phi Ðoàn Tinh Long 821 thời đó, một thành viên của nhóm người “không bao giờ quên phi vụ cuối cùng của quân lực VNCH” chia sẻ.

Trung Úy Trương Nguyên Thuận cho biết sau 3 năm trời kiếm tìm ròng rã, và biết bao nhiêu nỗ lực, ông và đồng đội mới tìm được địa điểm, rồi phải nhờ đến sự giúp đỡ của những nhà ngoại cảm, mới bốc được 8 hài cốt mà họ quyết đoán chính là tám người trong phi vụ Tinh Long 07 đã tử nạn cách đây 35 năm.

Tìm ra những hài cốt đã vùi sâu trong lòng đất cách đây hơn 35 năm đã khó, mà tìm ra danh tánh của toàn thể phi hành đoàn này còn khó hơn. Cho đến nay, hài cốt của 3 trong 8 vị anh hùng tử sĩ này vẫn chưa được xác nhận.

Ðó là lý do tại sao Trung Úy Trương Nguyên Thuận, một nhân viên của Phi Ðoàn Tinh Long 821 thời đó, cùng một số bạn bè, đang nhờ sự hỗ trợ của giới truyền thông để truy tìm cho ra tên tuổi và gia đình của những nhân viên phi hành trong phi vụ lịch sử này.

Sự kiện phi cơ AC-119K bị bắn nổ tung trên không trung và rơi xuống đất, làm thiệt mạng nguyên cả phi hành đoàn (trừ một người nhẩy dù ra được), đã được rất nhiều người chứng kiến.

Cựu Trung Tá Không Quân Nguyễn Văn Ức kể:

“Lúc chiếc phi cơ AC-119K nổ tung trên không gian thì chúng tôi đang ở bên ngoài Bộ Tư Lệnh Không Quân đều nhìn thấy.”

“Chúng tôi đứng đó đau đớn khóc cho số phận nghiệt ngã của đồng đội.”

.
Quang cảnh buổi an táng hài cốt 8 vị anh hùng tử sĩ Phi Hành Ðoàn Tinh Long 07 tại nghĩa trang An Khánh, Thủ Thiêm, ngày 24 tháng 7 vừa qua. 8 hài cốt nhưng chỉ có 6 hũ cốt vì một số xương trộn lẫn với nhau không phân ra được. (Hình: Trung Úy Trương Nguyên Thuận cung cấp)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/116695-TinhLong07B-400.jpg

.

Ký giả Lê Thụy của nhật báo Người Việt nhớ lại là lúc đó ông đang thơ thẩn ngoài cửa Việt Tấn Xã ở đường Hồng Thập Tự, vì “không còn tâm trí nào để làm việc.”

“Tôi nhìn thấy một chiếc phi cơ hai đuôi bay thấp trước mặt, rồi một xẹt lửa màu đỏ từ hướng Tây Ninh bắn lên, rồi thì chiếc phi cơ nổ tung lên.

Rồi thấp thóang thấy có một chiếc dù.”

“Tôi nhớ rõ dân chúng la lên, ‘thôi chết chúng đã vô tới đây rồi!’”

.

Nhưng tại sao là một phi vụ hẳn hòi mà danh tánh của phi hành đoàn lại không có?

Câu trả lời, theo Trung Úy Trương Nguyên Thuận, nằm trong bối cảnh lịch sử của đất nước lúc đó.

Qua những lần tiếp xúc, câu chuyện được ông tóm lược như sau:

Càng gần những ngày cuối tháng 4 năm 1975, phi trường Tân Sơn Nhất càng hoảng hốt, nhốn nháo với những chuyến bay do chính phủ Hoa Kỳ hối hả tìm cách di tản một số người dân Việt Nam và những nhân viên của họ.

Sáng 28 tháng 4, khi SÐ3KQ Biên Hòa được lệnh di tản về Tân Sơn Nhất, thì tình hình càng trở nên hỗn loạn. Thế nhưng đa số các nhân viên trong phi Ðoàn Tinh Long 821, thuộc SÐ3KQ vẫn cố gắng duy trì hoạt động bình thường cho đến giây phút cuối của cuộc chiến.

AC-119K được Trung Úy Trương Nguyên Thuận mô tả là “một loại phi cơ vận tải chiến đấu tối tân nhất thời bấy giờ”, với “một hỏa lực hùng hậu gồm: 4 cây miniguns MXU-470/A 7.62 ly với 21,500 dây đạn; 2 cây súng M61-A1 20 ly với 3,000 dây đạn.” Ngoài ra còn có “24 trái sáng loại MK 24 và ống phóng LAU-74/A. Tất cả hệ thống được điện toán hóa và do phi công chính điều động.”

.

AC-119K được Trung Úy Trương Nguyên Thuận mô tả là “một loại phi cơ vận tải chiến đấu tối tân nhất thời bấy giờ”

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/116695-AC-119G.jpg

.

Cũng theo cựu Trung Úy Trương Nguyên Thuận thì Phi Ðoàn Tinh Long 821, gồm 300 nhân viên gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ; từ nhân viên phi hành đến nhân viên hành chánh, là một Phi Ðoàn “Gunship” hoạt động khắp 4 vùng Chiến Thuật, từ Cà Mau đến Vĩ Tuyến 17. Phi đoàn chỉ đánh trận vào ban đêm, từ trời sập tối đến lúc mặt trời ló dạng. Mỗi đêm, tại đại bản doanh phi đoàn, có 6 phi vụ chính và 2 hoặc 3 phi vụ túc trực hành quân, tùy theo tình hình và nhu cầu chiến trường. Các phi hành đoàn túc trực có thể bị điều động bất cứ lúc nào.

.

Lệ thường tất cả nhân viên có tên trong phi vụ lệnh hàng đêm phải có mặt tại phi đoàn trễ nhất là 5 giờ chiều trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo và phải ngủ tại phòng hành quân suốt đêm. Tinh Long có 6 phi hành đoàn chính được đánh số từ Tinh Long 01 đến Tinh Long 06, và 3 phi hành đoàn túc trực là Tinh Long 07 đến Tinh Long 09.

.

Vào đêm 28 rạng ngày 29 tháng 4 năm 1975; Phi Hành Ðoàn Tinh Long 07, được điều động vào sáng sớm, khi mặt trời đã ló dạng, vào lúc đó Cộng quân đã tràn ngập chung quanh vòng đai phi trường.

Mặc dù đã bay phi vụ đầu tiên trong đêm nhưng Trung Úy Trang Văn Thành cùng Trung Úy Tào Thuận gom một số đoàn viên còn ngủ tại phòng túc trực hành quân cất cánh để bảo vệ phi trường và thủ đô Saigon ở giờ phút hấp hối.

Vì tình trạng hỗn tạp trong buổi sáng hôm đó nên không ai biết chắc ai đã có mặt trên phi vụ định mệnh này ngoài hai pilot và người cơ khí phi hành Phan Quốc Tuấn. Người sĩ quan IR có tên trong phi vụ lệnh hiện ở Orange County vì đã ra về lúc trời hừng sáng, trước khi bị điều động.

.

Khi cánh trái phi cơ bị bắn gẫy, khoảng hơn 7 giờ sáng, phi cơ bị rơi xoắn trôn ốc, ở cao độ 2000 bộ, dù có muốn nhảy dù cũng không có cơ hội; vì thế, toàn thể phi hành đoàn đã tử nạn trừ một nhân viên trái sáng - Trung Sĩ Nguyễn Văn Chín - đã kịp nhảy dù sống sót nhưng đã bị trọng thương vì dù không bung kịp. Nguyễn Văn Chín đã đến báo hung tin cho gia đình Trang Văn Thành tuần lễ sau đó rồi biệt tích cho đến ngày nay vẫn không ai biết tin tức, mặc dù chúng tôi đã truy tìm mấy chục năm qua bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng không có kết quả.

.

Như vậy cho đến giờ phút này thì danh tánh đã được xác định của phi hành đoàn Tinh Long 07 gồm có:

1. Trưởng phi công: Trung Úy Trang Văn Thành.

2- Phó phi công: Trung Úy Tào Thuận.

3. Cơ khí phi hành: Phan Quốc Tuấn.

4. Ðiều hành viên: Thiếu Úy Phạm Tấn Ðức.

5. Quan sát ban đêm: Thiếu Úy Trương Ngọc Anh.

Theo Trung Úy Trương Nguyên Thuận thì danh tánh của những người còn lại, được người ngoại cảm liệt kê dưới đây, cần được thân nhân của đại gia đình Phi Ðoàn Tinh Long 821 xác định.

KQ Nguyễn Văn Chánh

KQ Nguyễn Tiến Cường

KQ Phan Văn Quốc

KQ Phan Văn Duy

KQ Trần Tiến Mạnh

.

Em của Trung Úy Phạm Tấn Ðức là bà Nguyệt Ðiểu là người duy nhất có mặt trong buổi bốc hài cốt. Gia đình của Trung Úy Trang Văn Thành và Trung Úy Tào Thuận, cũng như Thiếu Úy Trương Ngọc Anh đã được báo tin.

Buổi bốc hài cốt đầy thương cảm. Tám hài cốt được chứa trong 6 chiếc lọ và chôn cùng một nấm mồ. Lý do là vì “có hai chiếc lọ mỗi chiếc chứa hài cốt của hai người, vì xương cốt của họ lẫn lộn không thể phân biệt được.”

Theo kết luận của Trung Úy Trương Nguyên Thuận thì “còn danh tánh của 3 vị anh hùng tử sĩ khác vẫn chưa được xác định.”

Ông tâm sự là ở đâu đó, thân nhân của 3 vị anh hùng tử sĩ này, mà chúng tôi biết chắc chắn là đồng đội của mình trong Phi Hành Ðoàn Tinh Long 821, cũng đang mong tìm được hài cốt của họ.

“Chúng tôi muốn phổ biến tin này rộng rãi với niềm hy vọng là thân nhân của 3 vị anh hùng tử sĩ còn lại ở đâu đó được an lòng khi biết thân nhân của mình đã được yên mồ đẹp mả.”

.

Ðộc giả cần biết thêm chi tiết có thể liên lạc với Trung Úy Trương Nguyên Thuận ở thanphongkingwood@yahoo.com hay số điện thoại 281-443-1015; hoặc liên lạc với email nguyentoaichi@gmail.com.

.

.

.

Nhờ ngoại cảm, tìm ra hài cốt phi công sau 35 năm

Việt Long, phóng viên RFA

2010-08-01

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Remains-of-vnaf-soldiers-found-after-35-years-with-the-help-of-telepaths-vlong-08012010144012.html

Thưa quý thính giả, cùng lúc với tin 2 cựu binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa hướng dẫn bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đak Nông khai quật và cải táng hài cốt 40 bộ đội miền Bắc tử trận năm 1995, báo chí Việt ngữ tại California loan tin các cựu quân nhân không quân Việt Nam Cộng Hòa ở trong và ngoài nước bốc mộ được cho 8 quân nhân không quân bị bắn rơi trên bầu trời Sài Gòn vào đêm 28 rạng 29 tháng tư năm 1975.

.

Anh Hai & em gái của cố Th. Úy Phạm Tấn Đức thành tâm khấn nguyện rất lâu. Ảnh của cựu Đại Úy Trần Văn Phúc

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Remains-of-vnaf-soldiers-found-after-35-years-with-the-help-of-telepaths-vlong-08012010144012.html/rescue-tinh-long-07-305.jpg

.

Việt-Long tường trình thêm chi tiết.

Chúng tôi liên lạc được với hai cựu quân nhân không quân Việt Nam Cộng Hòa trong số 3 người đóng vai trò chính trong cuộc tìm kiếm đồng đội, mà câu chuyện sẽ được họ trình bày hiến quý vị sau đây.

.

Không bỏ đồng đội

Cựu đại úy Trần văn Phúc cho biết bối cảnh cuộc chiến đấu của các phi công Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn trong đêm 28 tháng tư, khi ông cùng nhiều đồng đội không quân bay tác chiến trên bầu trời Sài Gòn, với nhiệm vụ oanh kích các dàn hỏa tiễn 122 ly đang pháo kích vào thành phố, trước cuộc tổng tấn công cuối cùng của quân đội miền Bắc.

“Tôi đi bay chung với thiếu tá Trương Phùng. Lúc máy bay đó bị bắn rớt thì tôi mới đáp chừng 5, 7 phút. Tôi chứng kiến nên bao nhiêu năm trời trong lòng tôi như có gút. Bay cùng mà cuối cùng anh không đáp anh bay lên trở lại mà tôi hoàn toàn không biết gì hết.

Cựu phi công Trần Văn Phúc cho biết một người khác cũng góp công trong việc tìm kiếm đồng đội, đó là cựu phi công Trương Nguyên Thuần, và ông kể lại cơ duyên đã tìm biết cựu không quân Nguyễn Chí đang ở Việt Nam, để cùng nhau cộng tác cho việc tìm kiếm các đồng đội đã hy sinh:

“Cách đây hơn ba năm tình cờ tôi vào website Cánh Thép thì biết Chí, nói chuyện rồi từ từ quen nhau. Anh em tâm sự thì Chí hứa sẽ tìm thiếu tá Trương Phùng. Từ anh Phùng mới dẫn dắt qua tìm chiếc Tinh Long 07 và một chiếc ACK 519 nữa rớt ở Tân Tạo.”

Ông Nguyễn Chí, hiện cư ngụ tại Sài Gòn, là người đã bỏ nhiều công sức trong nhiều năm vào công cuộc tìm kiếm hài cốt những đồng đội của ông trên ba chiếc máy bay lâm nạn vào những giờ phút cuối của cuộc chiến.

Ông Chí kể tiếp câu chuyện vừa được cựu phi công Trần Văn Phúc thuật lại sơ lược:

.

Đại Niên Trưởng Ngân C119 và KQ Thanh1953. Ảnh của cựu Đại Úy Trần Văn Phúc.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Remains-of-vnaf-soldiers-found-after-35-years-with-the-help-of-telepaths-vlong-08012010144012.html/rescuetinhlong07250.jpg

.

“Chính anh đại úy Trần Văn Phúc bay cùng với thiếu tá Phùng. Phi vụ Phi Long 51 của thiếu tá Phùng và đại úy Phúc bay lên để bảo vệ bầu trời Sài Gòn và Tân Sơn Nhứt. Lúc 3 đến 4 giờ sáng (ngày 28) thì hai chiếc khu trục đó bay lên hoạt động với Tinh Long 06. Khi chiếc này hết nhiên liệu đáp về căn cứ thì Tinh Long 07 mới lên.”

Nhưng công việc tìm đồng đội của họ đã được bắt đầu với việc tìm hài cốt một phi công khác cũng bị bắn rơi cùng ngày hôm đó trước lúc chiếc AC-119 trúng hỏa tiễn tầm nhiệt mà ông Phúc từng nói qua:

“Hai anh em quen thì tới gần ngày 30 tháng tư 2007 ảnh mới nói chuyến bay cuối cùng trong đời phi công khu trục của ảnh, là chuyến bay với thiếu tá Phùng. Từ đó hai anh em mới quyết tìm anh Phùng, vì em cảm thấy thương cho mấy anh hy sinh cho đất nước mà chẳng may trúng giờ thứ 25 của cuộc chiến, chẳng ai biết đến…

Không biết nhân duyên nào xui khiến mà em cảm thấy như có bổn phận tìm lại những người đó đem họ về với gia đình, với đồng đội để đền đáp phần nào sự hy sinh của họ đối với đất nước, trong đó có bản thân em… Em hứa với anh Phùng bằng mọi cách mọi thời gian em sẽ tìm được…

.

Quá trình gay go

Ông Chí kể câu chuyện đã phải vất vả gay go ra sao khi cố tìm nơi chiếc phi cơ của thiếu tá Phùng bị rớt xuống và đã lấy được hài cốt viên sĩ quan này. Còn việc tìm chiếc AC-119 mang danh hiệu Tinh Long 07 đã được tiến hành bằng cách nào, vào thời gian 32 năm sau ngày gãy cánh?

“Thứ nhất là qua các trang tài liệu, hồi ký… của cả hai bên quốc cộng trên internet, nhờ đó mới tìm được những manh mối đầu tiên, từ đó mới đi qua khu vực nghe nói máy bay rơi, em hỏi thăm. Nó rơi vào ngay kho bom Tân Sơn Nhứt hồi xưa. Chuyện tìm ra nó đã khó rồi, làm sao xin được giấy phép vào khu vực trọng yếu đó để bốc những vị trong phi hành đoàn Tinh Long 07?

Nhưng chẳng lẽ sau bao nhiêu năm chiếc máy bay và hài cốt người ta vẫn nằm y như vậy để có thể tìm ra và khai quật? Hay chuyện gì đã xảy tới sau khi máy bay rơi vào khu vực kho bom của phi trường Tân Sơn Nhứt?

“Đó là khu kho bom, là căn cứ quân sự từ thời Tây tới giờ…Khi nó rơi như vậy thì cháy mấy tiếng đồng hồ, rồi sau đó là 30 tháng tư 1975 vô, chắc là những cựu quân nhân không quân chế độ cũ được nhà nước mới trưng dụng vô dọn dẹp sân bay sau những ngày hoang tàn, thì anh em mới chôn những người trong phi hành đoàn Tinh Long 07 ngay chỗ máy bay rơi luôn. Sau đó thì chiếc máy bay này có lẽ là bị bán ve chai từ đời kiếp nào rồi. Bây giờ chỗ đó chỉ là cánh đồng hoang dã, người ta đang cải tạo lại để xây sân golf…

Nhưng làm cách nào ông Chí có thể vào được nơi căn cứ quân sự trọng yếu đó?

“Việc xin giấy phép vô đó thì từ hồi nó còn là kho hỏa tiễn phòng không SAM 2, kho đạn đại bác phòng không, súng đạn đủ loại … Lúc đó mới khó chứ bây giờ cũng tương đối dễ hơn thôi.

.

Lạ lùng nhưng hiệu nghiệm

.

Tr/Úy Tào Thuận. Ảnh của cựu Đại Úy Trần Văn Phúc.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Remains-of-vnaf-soldiers-found-after-35-years-with-the-help-of-telepaths-vlong-08012010144012.html/taothuan200.jpg

.

Xong rồi nhóm bạn cũ không quân mới cùng các nhà ngoại cảm vô để tìm mộ hay sao?

“Thưa không. Làm gì có mộ! Chôn vùi chôn dập rất cạn. Nhưng con mắt những nhà ngoại cảm có cái sixième sense, giác quan thứ sáu. Họ đều sống rất đạm bạc, ăn chay trường. Nhờ điển linh hay sao đó, họ có thể nhìn thấy hài cốt dưới đất. Họ còn có thể tiếp xúc với những vong linh đó nữa.

Việc đó nó ngoài sự hiểu biết của mình. Phải nói thật với anh, em là người khoa học thực dụng, không mê tín dị đoan, nhưng đây là lần thứ hai em quan sát những nhà hoạt động tâm linh, những nhà ngoại cảm, lần thứ nhất là đối với thiếu tá Phùng, lần thứ hai là chiếc Tinh Long 07 này.

Đến bây giờ thì phải công nhận về ngoại cảm. Giữa một cánh đồng không mông quạnh như vậy mà biết chỗ nào? Nhưng đào xuống là có hài cốt liền. Đào 6 chỗ đều có hài cốt hết. Mà đó đâu phải là nghĩa địa, nếu nghĩa địa thì đào đâu cũng thấy có xương hết…

Và ông Chí mô tả về những bộ hài cốt:

“Dùng những cái bay thợ hồ cào nhẹ ra thì thấy xương. Bốc lên tay nhẹ nhẹ thì còn nguyên dạng là những đốt xương, nhất là những xương khớp, xương sọ… Trung úy Trang Văn Thành là thấy rõ nhất, nguyên cái xương sọ, mặt của ảnh còn úp trong cát. Người ta gạt nhẹ cho đất rớt xuống, người ta tính bợ ra thì đụng vô nó sụp, tan chảy ra như kem vậy. Phơi nắng phơi mưa, nhất là mưa acid nữa thì nó không thể nào còn hình dáng nguyên vẹn được.”

Ông kể lại công việc rất lạ lùng nhưng đầy hiệu nghiệm của những nhà ngoại cảm. Đó là những người được nhờ làm một việc nhân đạo mà họ không bao giờ được phép lấy tiền công hay quà biếu, kể cả thực phẩm, vật phẩm... có chăng chỉ nhận tiền xe cộ mà thôi.

Khi vào tới nơi thì tất cả đều không nhận ra khung cảnh cũ như lúc ông Chí dẫn đồng đội cũ vào xem mà chưa tìm được nơi chôn hài cốt. Lúc này công ty khai thác đã đào xới theo quy hoạch cả khu vực này, dường như để xây khách sạn và sân golf. Địa thế hoàn toàn đảo lộn. Ba nhà ngoại cảm đã mang theo sẵn tấm bản đồ vẽ bằng tay theo sự chỉ dẫn của các vong linh, dựa vào điểm rơi của máy bay, nhưng nay không còn biết đâu là chỗ xác máy bay.

.

Th/Úy Phạm Tấn Đức - Navit. PĐ 821. Ảnh của cựu Đại Úy Trần Văn Phúc.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Remains-of-vnaf-soldiers-found-after-35-years-with-the-help-of-telepaths-vlong-08012010144012.html/phamtanduc200.jpg

.

Ông Chí phải chỉ vào một chỗ ông đoán là đã có xác máy bay, mà ông cho là nhờ phù hộ, đã chỉ đúng. Nhờ thế bàn thờ được đặt đúng vào nơi phải đặt.

“Họ có bản đồ, mà căn cứ vào đúng bản đồ họ đem vô, chấm tâm điểm ngay chỗ bàn thờ, từ đó chiếu ra bao nhiêu mét, lấy thước đo rất cẩn thận, cắm cây nhang đánh dấu. (Theo cây nhang) đào một cái là trúng. Do đó họ xác định đây là mộ trung úy Trần Ngọc Thành, đây là mộ thiếu úy Thuận v.v… Nhờ vậy đào xuống là có cốt liền, còn tên là do họ nói cho biết.”

Năm tên trong số đó là do những người ngoại cảm được vong linh mách bảo, người tìm hài cốt không biết trước. Người cựu chiến binh không quân có công đầu trong việc tìm kiếm, khai quật và cải táng hài cốt đồng đội, ông Nguyễn Chí, cho biết nhiều thân nhân của những người tử trận đó đã liên lạc với ông hoặc chiến hữu của ông ở Mỹ, đến thăm hài cốt.

“Thân nhân của những người sau đây đã có liên lạc ngay từ đầu, là trung úy Trang Văn Thành, anh Thành mọi, hay Thành Cambodia là ảnh đó; thứ hai là co-pilot Tào Thuận, thì có liên lạc được, cho tới khi gần tiến hành thì có gia đình anh Phạm Tấn Đức mới liên lạc được. Lúc đó mới biết có navigator Phạm Tấn Đức trong phi vụ Tinh Long 07.

Còn ngoài ra năm vị còn lại đều không có gia đình liên lạc, cho tới giờ này cũng chưa có. Nên anh em mới nhờ các báo đài phổ biến lên, để nếu thân nhân đọc được thì người ta mới xác định được những người mà do các nhà ngoại cảm cung cấp đúng là có mặt trên phi vụ Tinh Long 07.

Các anh em đồng đội cùng thân nhân của những người đã hy sinh đều đồng ý cải táng tất cả 8 người chung một chỗ.

“Dù là tám người nhưng có hai huyệt chôn chung hai người một huyệt, cho nên mới có sáu hũ trong hình như anh thấy. Tất cả những gia đình có mặt đều đồng ý để anh em nằm chung một mộ. Bởi vì họ nói 35 năm qua rồi các anh em đã chiến đấu, đã chết cùng nhau, đã nằm ngoài trời như vậy cũng 35 năm rồi… Gia đình không nỡ lòng nào chia cách họ ra…”

Nơi cải táng là nghĩa trang An Khánh, Thủ Thiêm, chôn ngày 24 /7/2010. Thân nhân cần tìm xin gọi số điện thoại 0909 253 966, hỏi ông Sáu để được ông Sáu chỉ dẫn đến ngôi mộ gọi là của "tám ông phi công".

Danh sách đầy đủ của các chiến sĩ vừa được đồng đội và người thân tìm lại là: Trang Văn Thành, Tào Thuận, Phạm Tấn Đức, Nguyễn Văn Chánh, Nguyễn Tiến Cường, Phan Văn Quốc, Phan Văn Duy và Trần Tiến Mạnh.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments: