Tuesday, November 22, 2016

NƯỚC MỸ SẼ ĐI VỀ ĐÂU? (Nguyễn Trần Sâm)




20-11-2016
.
Tổng thống đắc cử Donald Trump
.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về tỉ phú Donald Trump, dư luận về nhân vật này càng thêm sôi động. Cả số người chửi bới và số người ca ngợi ông ta đều tăng lên. Trong số đó, có không ít người “bỗng nhiên nhận ra” “tài năng trác việt” của ông ta.

Tôi sẽ không bình luận nhiều về năng lực lãnh đạo một cường quốc hàng đầu của con người nỏ mồm phét lác này. Chỉ xin nêu vài suy nghĩ tản mạn về thời thế và về nước Mỹ.

Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, với bản dịch của Phan Kế Bính, mở đầu bằng câu: “Thế lớn trong thiên hạ cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan.” Vẫn theo tinh thần đó, có thể nói: Không thể có một quốc gia mãi mãi là số một trên thế giới này.

Cách đây tới 5000 năm, văn minh Ai Cập đã từng đạt đến đỉnh cao chót vót. Những kim tự tháp còn sót lại đến ngày nay phần nào nói lên điều này. Những hầm mộ bên trong đạt đến thiết kế gần như hoàn hảo để có thể tự bảo vệ khỏi những kẻ đột nhập tham lam hoặc có ý đồ đen tối. Người ta phát hiện ra rằng trục đối xứng theo hướng bắc-nam của những kim tự tháp này gần như hoàn toàn trùng với đường sức của từ trường Trái Đất, chứng tỏ khả năng quan trắc và tính toán “như thần” của những người thiết kế và chỉ đạo thi công. Và còn nhiều, rất nhiều những phát hiện khác về văn minh Ai Cập khiến con người hiện đại không khỏi kinh ngạc và không có cách nào giải thích được… Nhưng rồi nền văn minh đó đã tàn lụi, cũng theo cách đầy bí ẩn như vậy. Và ngày nay, toàn bộ những gì của nước Ai Cập hiện tại làm thế giới phải chú ý có lẽ là những thứ còn sót lại từ 4-5 ngàn năm trước. Ai Cập ngày nay không còn là một xứ sở đáng nể nữa.

Một nhà nước cổ đại khác ở vùng ven Địa Trung Hải là Hy Lạp. Cách đây khoảng 3000 năm, đây cũng là xứ sở của những phát minh vĩ đại mà ngày nay cả nhân loại vẫn còn phải học. Những cái tên như Plato(n), Aristoteles, Thales, Pithagoras, Archimedes,… vĩnh viễn đi vào lịch sử nhân loại. Hy Lạp cổ đại được coi là nơi mà con người thi thố với thần linh. Nhưng hãy nhìn vào Hy Lạp ngày nay: một quốc gia hạng dưới của châu Âu với những khối nợ chồng chất. Không có lĩnh vực nào mà người Hy Lạp còn nổi trội so với thế giới. Thậm chí trong nhiều lĩnh vực, nước này còn thua nhiều quốc gia châu Á.

Có thể dẫn ra hàng chục ví dụ về những nền văn minh từng rực rỡ một thời rồi tàn lụi.  Trung Hoa cổ đại từng có những phát minh đi trước phương Tây gần một thiên niên kỷ để rồi sau đó kéo dài sự tồn tại trong ngắc ngoải suốt hơn 2 ngàn năm.. Văn minh Lưỡng Hà cũng một thời rực rỡ rồi xuống dốc. Rồi các đế chế La Mã, Nguyên-Mông, Ottoman,… cũng chịu chung những số phận như vậy. Tất cả cho thấy dường như có một lực lượng vô hình đang thực hiện những trò chơi với loài người, theo định hướng làm cho “thế lớn trong thiên hạ cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan”. Mà theo cách đó thì ước mơ của con người về một thế giới ở đâu cũng đẹp là hoàn toàn vô vọng.

Trở lại với nước Mỹ. Hình như có gì đó hao hao giống nhau giữa Donald Trump và Adolph Hitler? Cũng cái khẩu khí một tấc đến trời. Cũng chiêu bài kích động lòng tự tôn vô giới hạn, với Hitler là tự tôn tính thượng đẳng của dòng máu Đức, còn với Trump là sự vượt trội và quyền làm chủ của những sắc tộc đã sống lâu ở lãnh thổ nước Mỹ ngày nay, mà chủ yếu là người da trắng. Luận điệu của Hitler được đa số dân Đức khi đó say mê, còn chiêu trò của Trump làm cho gần một nửa số cử tri Mỹ phát cuồng.

Việc một nửa số cử tri Mỹ đặt niềm tin và sự si cuồng vào một kẻ xảo ngôn, huênh hoang và tiền hậu bất nhất cho thấy thành phần dân chúng nơi đây đã thoái hóa đến độ đáng lo ngại.
Tuy nhiên, Trump sẽ không làm được điều mà Hitler đã làm với nước Đức. Vẫn còn rất nhiều thành phần trong xã hội Mỹ không bao giờ chấp nhận quan điểm của ông ta. Chắc chắn những lực lượng này sẽ chống đối Trump một cách quyết liệt. Ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ tới đây cũng sẽ có rất nhiều quan chức thể hiện sự bất tuân trước những quyết định của Trump.  Điều này sẽ làm suy yếu nước Mỹ. Các thế lực chống Mỹ, đặc biệt là các chính thể độc tài, sẽ chi phối thế giới này mạnh hơn. (Tất nhiên, nếu đa số dân Mỹ nghe theo Trump thì hậu quả đối với thế giới này cũng không kém tồi tệ.)

Sự việc hôm nay làm tôi nhớ lại câu nói vào năm 1990 của Osho (Bhagwan Rajneesh), một bậc thầy tâm linh Ấn Độ: “Nước Mỹ đã đạt đến cực điểm của sự phát triển. Từ nay trở đi sẽ chỉ có đi xuống.” Đúng là từ cuối thế kỷ XX, ảnh hưởng của Mỹ không còn mạnh mẽ như gần 100 năm trước đó. Barack Obama đã muốn củng cố sức mạnh của Mỹ bằng cách làm giảm bớt tinh thần bài Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đáng tiếc là sự thiếu quyết đoán trong chính sách của vị tổng thống nhân văn nhất này lại tạo điều kiện cho các đối thủ lấn lướt Hoa Kỳ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của một Trung Hoa hung hăng và xảo trá, và một số mâu thuẫn trong quan hệ giữa châu Âu và Hoa Kỳ càng làm ảnh hưởng của Mỹ bị suy giảm. Trump đã lợi dụng điều này để tấn công ứng viên đảng Dân Chủ.

Tôi vốn là kẻ thích nước Mỹ và muốn cho đất nước này mạnh lên. Tôi bắt đầu biết thích Mỹ khi thấy những trí tuệ vĩ đại nhất từ 5 châu đổ về Mỹ. Họ không ngu, và nếu họ thích miền đất đó thì nó phải có những gì xứng đáng để họ thích. Sau này, khi tiếp xúc với người Mỹ, tôi thấy đó là những con người có lẽ là vô tư nhất, chân thật nhất trên thế giới này. Làm việc với họ thực sự dễ chịu. Tất nhiên, ở đâu cũng có người xấu, thậm chí ở Mỹ có những kẻ xấu xa tồi tệ hiếm có trên thế giới, nhưng đa số những người tôi gặp đều để lại ấn tượng rất tốt trong tôi. Và cuộc sống bên đó thật đẹp. Đại đa số những người đã từng sống và làm việc tại Mỹ đều yêu đất nước này. Không phải vô cớ mà người ta nói đến “giấc mơ Mỹ”. Phạm Xuân Ẩn, người tình báo lỗi lạc, mặc dù trung thành tuyệt đối với nhiệm vụ (chống Mỹ) được giao, nhưng luôn yêu người Mỹ. Khi hai nước bình thường hóa quan hệ, ông Ẩn mới cảm thấy yên tâm phần nào.

Von Neumann, một trí tuệ vĩ đại, cho rằng sức mạnh của Hoa Kỳ là nhân tố quan trọng nhất để giúp cho thế giới này tốt hơn lên. Tôi là kẻ theo quan điểm này. Chính vì vậy, sự suy yếu của cường quốc số một này làm những kẻ như tôi thấy có phần bất an.

Nhưng quy luật là quy luật. Ở đây là quy luật về “thế lớn trong thiên hạ”. Lịch sử không thể tránh được những khúc quanh u ám. Từ trước đến giờ và mãi sau này vẫn vậy.

Nước Mỹ sẽ đi về đâu? Không ai có thể trả lời được rõ ràng. Nhưng có một điều chắc chắn là ít nhất trong 5 năm tới nó sẽ không còn giữ được vai trò như trong một thế kỷ qua.

NGUYỄN TRẦN SÂM 




No comments: