Posted
on November 21, 2016
Từ
khi có kết quả bầu cử 8/11, nhiều thành phố ở California và miền tây Hoa Kỳ đã
nổi giận, và nổi loạn, vì thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton.
Sáng
ngày 8/11, khi phòng phiếu mở cửa thì Hillary Clinton được giới truyền thông và
các tổ chức thăm dò dư luận tin rằng cơ hội thắng của bà cao đến 85%. Hàng chục
triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm trong những ngày trước đó và số phiếu này, theo
truyền thông đưa tin Clinton dẫn trước Trump khá xa.
Bảy
giờ tối thứ Ba ở California. Sân trường Đại học Berkeley tràn ngập sinh viên đổ
về Sproul Plaza để chứng kiến một trang sử mới cho nước Mỹ sắp được viết lên, với
một phụ nữ lần đầu tiên sẽ được chọn làm lãnh đạo Hoa Kỳ.
Đây
là lần thứ hai sinh viên tụ họp để chứng kiến lịch sử bầu chọn tổng thống qua
màn hình lớn dựng giữa sân trường. Lần trước là ngày 20/1/2009 với lễ tuyên thệ
nhận chức của Barack Obama, tổng thống Mỹ da đen đầu tiên.
Tối
8/11 nơi đây chật kín sinh viên. Không bạo động như những ngày có biểu tình chống
chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960, hay sôi động với phong trào Occupy
Wall Street được phát động vài năm trước để phản đối giới tài phiệt Mỹ.
Khi
phòng phiếu ở California vừa đóng cửa là lúc kết quả từ nhiều tiểu bang đã được
công bố. Theo truyền thống hơn hai thập niên qua, nghĩa là đã qua 5 kỳ bầu chọn
tổng thống, California và New York vẫn xanh, Texas vẫn đỏ.
Đất
California từ năm 1992 đã chuyển sang xanh. Trước đó vùng đất vàng này có truyền
thống đỏ, từ năm 1968 đến 1988. Miền tây Hoa Kỳ từ Washington, Oregon xuống đến
California nay là một mầu xanh đậm.
Sinh viên học sinh xuống
đường trong khuôn viên Đại học Berkeley sáng ngày 9/11/2016
Đêm
kiểm phiếu 8/11 thật hồi hộp. Miền tây Hoa Kỳ và một số tiểu bang ven biển vùng
đông bắc, trong đó có New York, bị quân xanh chiếm đóng. Miền trung, miền nam rồi
miền bắc bị quân đỏ thống lĩnh. Thật khó biết thắng thua.
Khi
còn khoảng chục tiểu bang nghiêng ngả, các nhà bình luận, nhà phân tích đã bày
binh giàn trận cho Clinton để thấy vẫn còn cơ hội thắng, nhưng hy vọng thấp hơn
85% như đã dự đoán vào ban sáng.
Lúc
quân đỏ chiếm được Ohio, Florida thì Clinton ở vào thế bị đảo ngược, chỉ còn
15% cơ hội chiến thắng. Cuối cùng Pennsylvania, rồi Wisconsin cũng được nhuộm đỏ.
Clinton bị chiếu bí. Đành chịu thua khi đã quá nửa đêm.
Trong
ván cờ vua năm nay, Trump có những bước đi không giống bất cứ một ứng viên tổng
thống nào từ trước đến giờ, là dùng ngôn từ sỉ nhục đối với tất cả mọi người.
Làm thế để dân chúng và cả giới truyền thông không quan tâm đến những chính
sách, mà Donald Trump không cụ thể đưa ra, trong khi cử tri hiểu rằng Hillary
Clinton sẽ tiếp tục theo đường lối Tổng thống Barack Obama đã thực hiện trong 8
năm qua.
Đây
là một lỗi lầm nghiêm trọng của truyền thông. Thay vì chú trọng vào các đề xuất
chính sách tương lai của hai ứng viên, hầu hết truyền hình và báo chí Mỹ đã chỉ
nhắm vào những câu nói gây sốc của Donald Trump.
Cũng
vì không quan tâm đến chính sách, giới truyền thông và các tổ chức thăm dò dư
luận không còn được cử tri tin tưởng, nên khi được hỏi ý kiến bầu chọn ai, nhiều
người đã không nói thực điều họ suy nghĩ. Cho đến khi cầm lá phiếu trong tay để
thực hiện nghĩa vụ công dân.
Trong
khi Donald Trump không có chút gì kinh nghiệm về lãnh đạo công quyền, chiến thuật
dùng ngôn ngữ miệt thị để đánh lạc hướng dư luận của Trump đã thành công trước
một con cáo già chính trị như Hillary Clinton, là một luật sư, cựu Đệ Nhất Phu
nhân, cựu Thượng Nghị sĩ và cựu Ngoại trưởng.
Nối vòng tay lớn quanh
Lake Merritt chiều ngày 13/11/2016
Nhiều
cử tri ủng hộ Clinton giờ đang hối tiếc là đã không đi bầu, vì họ tin những điều
truyền thông tiên đoán sẽ đúng. Hillary Clinton sẽ làm tổng thống. Ở một số tiểu
bang nghiêng ngả, như Florida, Pennsylvania và Wisconsin số phiếu cách biệt giữa
Trump và Clinton chỉ hơn 1% chút ít.
California
và toàn bờ tây Hoa Kỳ đều ủng hộ Clinton. Sao lại thua khi Clinton hơn Trump số
phiếu phổ thông, nhưng với phiếu đại biểu cử tri đoàn (Electoral College) Trump
được coi như thắng khi đạt 279 phiếu và Clinton 228 trong đêm bầu cử.
Nhiều
người, nhất là giới trẻ, dường như quên rằng cách đây 16 năm, vào năm 2000
George W. Bush (con) cũng đã thắng Al Gore trong tình huống như thế.
Sinh
viên Berkeley đã phải buồn bã chứng kiến một sự kiện, cũng là lịch sử, nhưng nước
Mỹ vẫn chưa có một phụ nữ làm tổng thống mà là một tỉ phú không chút kinh nghiệm
chính trường.
Ngày
hôm sau nhiều nơi trong vùng Vịnh San Francisco có xuống đường biểu tình phản đối
kết quả bầu chọn Donald Trump làm tổng thống.
Nhiều
tổ chức đã ra kiến nghị yêu cầu đại biểu cử tri đoàn chọn Hillary Clinton làm
lãnh đạo Hoa Kỳ, theo ý nguyện của đa số cử tri, khi 538 đại biểu cử tri đoàn
chính thức bầu tổng thống vào ngày 19/12 tới đây.
Đã
có vài triệu người ký tên vào các kiến nghị, nhưng sẽ không thể thay đổi kết quả.
Để chuyển sang cách bầu chọn phổ thông, tức xóa bỏ cơ chế đại cử tri đoàn thì cần
một tu chính án Hiến pháp. Để tu chính án được chấp thuận phải có 2/3 Hạ viện
và 2/3 Thượng viện đồng ý, sau đó phải được ba phần tư lập pháp các tiểu bang
phê chuẩn.
Khi
chọn cách bầu tổng thống như hiện nay, các tiểu bang ít dân trước khi gia nhập
liên bang không muốn bị lấn át bởi các tiểu bang đông dân nên Hoa Kỳ đã chọn
hình thức bầu theo đại cử tri đoàn.
Với
kết quả bầu chọn vừa qua ở California, 62% ủng hộ Clinton, cũng như kết quả của
năm 2000, cử tri ở đây thấy lá phiếu của họ không ảnh hưởng đến kết quả nên đã
có kiến nghị CalExit đòi tách California ra khỏi liên bang Hoa Kỳ.
Từ
San Francisco, Oakland, Berkeley đến San Jose, Los Angeles đã có biểu tình phản
đối: “Not my President” – Không phải là tổng thống của tôi.
Những
người nhập cư bất hợp pháp, đa số sống ở California, lo sợ chính quyền của Tổng
thống Donald Trump sẽ tống xuất họ về lại nguyên quán. Người thiểu số lo ngại sẽ
gặp phải những hành vi kỳ thị vì những lời nói đầy khích động của Trump trong
khi vận động tranh cử. Thung lũng Điện tử San Jose quan ngại chính sách kinh tế
của Trump sẽ không thuận tiện cho việc phát triển công nghệ thông tin.
Bức tường bên hông
quán cà phê Peet’s nơi cư dân viết lên những cảm xúc về bầu cử vừa qua
Tình yêu vượt thắng hận
thù. Hàng chữ còn lại bên bờ hồ ở Oakland
Một
số người Việt, dù sống ở đây lâu, đã thành công dân Mỹ cũng tỏ ra lo sợ sẽ bị đối
xử bất công hay bị kỳ thị.
Thực
tế chẳng phải lo sợ nếu có hiểu biết về luật pháp. Cảm thấy bị đối sử bất công,
bị kì thị thì lên tiếng. Nếu thực sự gặp phải hành vi kì thị và an ninh bản
thân bị đe dọa thì báo cho cảnh sát, cho các cơ quan bảo vệ dân quyền vì đây là
quốc gia của nền pháp trị. Nếu không tin vào pháp luật, chính chúng ta sẽ bị
người khác coi rẻ, khinh khi.
Ngày
thứ Tư sau bầu cử, sân trường Đại học Berkeley có hàng nghìn sinh viên học sinh
xuống đường. Nhiều nghìn người ở Oakland, San Francisco cũng đã tuần hành trên đường
phố.
Có
bạo động, đập phá cơ sở thương mại quanh tòa thị chính Oakland và cảnh sát đã bắt
giữ hàng chục người. Văn phòng biện lý quận hạt cho biết sẽ truy tố những kẻ
phá hoại theo pháp luật.
Khu
vực trước tòa thị chính Oakland và các khu phố chung quanh trong mấy đêm sau bầu
cử đã như bãi chiến trường giữa cảnh sát và người biểu tình. Đây là nơi thường
có bạo loạn trong các cuộc biểu tình từ nhiều năm qua. Theo sở cảnh sát, những
người gây bạo động từ những nơi khác kéo vào, không phải cư dân Oakland.
Sproul Plaza Đại học
Berkeley sáng ngày 9/11/2016
Các
cuộc biểu tình kéo dài cho đến Chủ Nhật vừa qua, khi cư dân Oakland quyết định
cho thế giới biết là nơi đây mọi người có thể sống hòa đồng.
Chiều
ngày 13/11 nhiều nghìn người đổ về Lake Merritt để cùng nắm tay nối kết tạo
thành một vòng tay lớn dài 5 km bao quanh bờ hồ.
Người
dân bày tỏ thái độ ôn hòa, không bằng gạch đá hay đốt phá. Quán cà-phê Peets gần
bên có bức tường để người dân viết vào mảnh giấy nhỏ những cảm xúc hiện tại, về
những chuyển biến, thay đổi đang xảy ra rồi dán lên tường cho mọi người cùng đọc.
Kỳ
bầu cử năm 1980 với Ronald Reagan thắng cử cũng gây sôi nổi và hoang mang cho
cư dân California, đặc biệt là sinh viên Đại học Berkeley.
Trong
ngày bầu cử, khi truyền hình đưa tin lúc 5 giờ chiều với chiến thắng của Ronald
Reagan, một bạn ở cùng ký túc xá chạy xuống phòng ăn la lớn: “It’s not my
fault” – Không phải lỗi của tôi. Ngay sau đó hàng trăm sinh viên đã xuống đường
tuần hành phản đối với một biểu ngữ lớn: “Reagan kills children” – Reagan giết
trẻ thơ.
Năm
nay không khí nghi ngại cũng đã lan tỏa khắp cả tiểu bang California ngay khi
có kết quả bầu cử.
Nhưng
sau một tuần với nhiều bức xúc và nổi giận, đời sống đã trở lại bình thường. Vì
người dân đã từng chọn lãnh đạo Dân chủ, từng chọn lãnh đạo Cộng hòa như một phần
của nếp sống Mỹ từ bao năm qua.
Và nói như Tổng thống
Barack Obama và ứng cử viên thất cử Hillary Clinton trong những ngày qua là hãy
để cho Donald Trump có cơ hội điều hành đất nước.
Đã có thay đổi lãnh đạo
từ đảng cầm quyền sang đảng đối lập là vì người dân mong có những điều tốt đẹp
hơn. Nếu không như ý muốn, bốn năm sau cử tri lại có quyền đưa người khác lên
thay.
(ảnh
trong bài của tác giả)
©
2016 Buivanphu
[Bài
đã đăng trên bbcvietnamese.com 19.11.2016]
No comments:
Post a Comment