Thursday, November 24, 2016

BÃI BỎ TPP CỦA TỔNG THỐNG ĐẮC CỬ DONALD TRUMP LÀ QUYẾT ĐỊNH CHÍNH XÁC (Trần Nhật Phong - Danlambao)





Một số người Việt ở Hoa Kỳ và ngay tại Việt Nam tỏ ra thất vọng khi vị tổng thống vừa đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ dứt khoát loại bỏ TPP (Trans Pacific Partnership), một thỏa ước tự do mậu dịch vốn đang được tổng thống đương nhiệm Obama ủng hộ, được cho rằng sẽ là một phương cách tốt bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ, đồng thời giảm được sự bùng phát kinh tế của Trung Quốc, đang đe dọa vị trí số một của Hoa Kỳ trên thế giới.

Nhìn từ bên ngoài, rõ ràng TPP có những khung qui tắt tốt hơn so với WTO, tổ chức mậu dịch thế giới, nơi mà hàng năm Hoa Kỳ đã tổn phí rất nhiều sức lực, tiền bạc để giải quyết các vấn đề như bảo hộ mậu dịch, môi trường hay quyền lợi phát minh. 

Trong WTO, những quốc gia được xem là những quốc gia đang phát triển (Development countries), đã được hưỡng lợi rất nhiều, từ những châm chước về vi phạm môi sinh, cho đến được phép mua các bản quyền phát minh y khoa để sản xuất thuốc men với giá thành rẻ mạt,

WTO cũng không phân loại nguồn nguyên liệu gốc, tạo cơ hôi cho những nước đang phát triển trở thành công cụ cho những công ty xuyên quốc gia hưỡng lợi, đồng thời WTO cũng không trói buột các qui tắt tôn trọng quyền con người đối với các thành viên.

Bên cạnh đó, trong WTO, Hoa Kỳ cũng rất khó khăn khi thương thuyết cho mỗi vấn đề của cộng đồng quốc tế về mậu dịch, ví dụ tổ chức EU (European Union) còn được gọi là Liên Hiệp Âu Châu gồm 28 thành viên, trong WTO họ có đến 28 phiếu, nhưng chỉ đi theo một quyết định chung của Liên Hiệp Âu châu. 

Chính vì những khó khăn này, lâu nay Hoa Kỳ luôn tìm phương cách để giải quyết những bế tắc, các hiệp ước mậu dịch tự do song phương hay đa phương, sẽ là cái đích nhắm tới, nhằm đòi hỏi sự công bằng hơn từ các phía. 

Khi mua lại khung qui tắt thỏa ước tự do mậu dịch từ nhóm P-4 gồm Singapore - Brunei - Chile và New Zealand, vốn hình thành từ năm 2005, Hoa Kỳ đã dựa theo khung qui tắc này, bổ túc, đặt thêm các qui tắc khác để trở thành một khung qui tắc mà Hoa Kỳ cho rằng sẽ công bằng hơn cho các thành viên. Dựa trên bản qui tắc mà Hoa Kỳ thiết kế, trong đó bao gồm các điểm chính:

1 - Tôn trọng tuyệt đối bản quyền phát minh, đòi hỏi sự công bằng cho những quốc gia có công sáng chế.

2 - Minh bạch trong nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, không chấp nhận nguyên liệu gốc từ quốc gia A, made in quốc gia B rồi nhập cảng vào quốc gia C. 

3 - Đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm đồng đều về môi sinh, không thể mượn danh “quốc gia đang phát triển” để tránh né trách nhiệm.

4 - Đòi hỏi bãi bỏ hoàn toàn các chế độ bảo hộ mậu dịch hay sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa tư doanh và quốc doanh. 

5 - Đòi hỏi sự công bằng tối thiểu cho quyền lợi công nhân ở các quốc gia thành viên trong đó bao gồm mức lương tối thiểu tùy theo nền kinh tế của quốc gia thành viên, bảo hiểm y tế, ngày phép, thời gian làm việc (40 giờ mỗi tuần), buộc các quốc gia thành viên phải chấp nhận những công đoàn độc lập (không cho phép chính phủ thao túng), để bảo vệ quyền lợi của công nhân. 

6 - Đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có khung luật pháp rõ ràng về quyền con người, trong đó bao gồm quyền tự do đi lại, cư trú, quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.

7 - Đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có một nền tư pháp độc lập hoàn toàn để bảo đảm sự công bằng khi có tranh tụng về pháp lý. 

Đây là một số điểm chính trong khung qui tắc mà Hoa kỳ đặt ra trong TPP, ngược lại các quốc gia thành viên sẽ chia sẻ quyền lợi giảm thuế nhập khẩu xuống thấp trong thời gian đầu và miễn thuế hoàn toàn trong thời gian sau. 

Về chiến lược đường xa, rõ ràng Tổng thống Obama đã nhìn thấy tình trạng mất việc làm ở Hoa kỳ khó có thể kéo về, khi các công ty xuyên quốc gia luôn có xu hướng đi tìm nguồn nhân công rẽ ở các quốc gia nghèo đói hay đang phát triển, trong khi Hoa kỳ và Nhật Bản là 2 quốc gia nắm giữ gần như 80% bản quyền phát minh của thế giới, nên thúc đẩy TPP là quyền lợi về lâu dài của Hoa kỳ, dù việc làm có chạy đến bất cứ quốc gia nào, thì chi phí về bản quyền phát minh vẫn phải trả về cho Hoa kỳ hay Nhật Bản cho dù đó là y khoa, hay kỹ thuật công nghệ. 

Bên cạnh đó là sự giảm thiểu các chi phí không cần thiết mà hàng năm Hoa Kỳ vẫn phải chi ra hàng tỉ Mỹ kim cho các vấn đề như môi sinh, vì có sự chia sẻ đồng đều giữa các quốc gia thành viên.

Với thị trường ban đầu ước tính là hơn 800 triệu dân của 12 quốc gia đang thương thuyết, đây sẽ là một thị trường mở rộng lớn cho các thành viên mới nào muốn tham gia, tương lai có thể lên nhiều hơn, TPP có khả năng trở thành một lực đối trọng với WTO, nơi đang có nhiều qui tắc bất công đối với các quốc gia như Hoa kỳ hay Nhật Bản.

Cuối cùng với nền tự do mậu dịch giữa các quốc gia thành viên, đây sẽ là một thị trường đối trọng với nền kinh tế đang bùng phát của Trung Quốc với hơn 1.3 tỉ người, vì các thành viên có thể thống nhất các ngạch thuế đánh mạnh vào những quốc gia nào không phải là thành viên của TPP về nhập khẩu mà không đi theo các khung qui tắc của TPP. 

Chính vì yếu tố trên mà tổng thống Obama, một người luôn ủng hộ cho quyền lợi của giới công nhân lại thúc đẩy mãnh liệt hiệp ước TPP, vì ông và những nhà phân tích, cố vấn đã nhìn thấy sự biến chuyển của thị trường việc làm trong xu thế mới, nên dù biết TPP có thể gây tổn thương cho thị trường việc làm của Hoa kỳ thời gian đầu, nhưng về lâu dài, thị trường sáng tạo mới là gốc của vấn đề, do đó ông mạnh mẽ thúc đẩy.
Tuy nhiên ngược lại với ông Obama, tổng thống mới đắc cử Donald Trump thì tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi TPP, dự án mà chính Hoa kỳ là quốc gia khởi xướng. 

Nhìn từ bề ngoài rõ ràng ông Trump đang nhắm vào quyền lợi của giới lao động Hoa kỳ nhiều hơn, đây cũng là một nghịch lý, trong khi ông Trump thuộc giới chủ nhân, về nguyên tắc ông phải luôn bảo vệ quyền lợi của giới chủ nhân, thay vì quyền lợi của người lao động. 

Tuy nhiên nếu nhìn từ trong ra, ông Trump hoàn toàn hữu lý khi quyết định rút khỏi TPP, khi nhìn từ những cuộc thương thuyết, rõ ràng Hoa kỳ gặp quá nhiều trở ngại, thách thức, từ các chế độ bảo hộ mậu dịch giữa những quốc gia thành viên, đòi châm chước về thời hạn mua bản quyền phát minh, cho đến những quốc gia “láu cá vặc” như Việt Nam, không muốn đem công đoàn độc lập, quyền con người vào hiệp ước, thậm chí còn yêu cầu được châm chước trong vấn đề minh bạch nguồn gốc nguyên liệu sản xuất (tức là tạo cơ hội cho hàng Trung Quốc được nhập khẩu vào Hoa kỳ hợp pháp thông qua xuất khẩu từ Việt Nam).

Nếu tiếp tục thương thảo theo chiều hướng mà Tổng Thống Obama đang tiến hành, cho thấy Hoa Kỳ đã nhượng bộ khá nhiều, nhưng vẫn không thể thỏa mãn hết các yêu cầu của những quốc gia thành viên, và thời hạn thương thuyết càng lúc càng kéo dài chưa có điểm dứt.

Do đó việc tuyên bố rút khỏi TPP của ông Trump cũng hợp lý, vì chưa chắc trong nhiệm kỳ 4 năm của ông, TPP sẽ được thỏa thuận hoàn toàn, nhất là với cá tánh của ông, sẽ không dễ gì nhượng bộ như Tổng Thống Obama. 

Bãi bỏ TPP, nhưng ông Trump vẫn có thể dựa theo khung qui tắc của TPP để thiết lập một thị trường tự do mậu dịch khác, Hoa kỳ sẽ lựa chọn quốc gia thành viên thích hợp hơn, dễ thương thảo và đồng ý hoàn toàn các điểm cơ bản trong khung qui tắc từ TPP, (Có thể “tếu lâm” gọi là Trump’s Free Trade hay Trum’s Commonwealth Partnership).

Những quốc gia sẽ bị loại bỏ bao gồm những quốc gia có quá nhiều liên hệ với Trung Quốc, vì sẽ không bảo đảm được tính minh bạch, và những quốc gia mà ông Trump mời vào hiệp ước mậu dịch mới thay thế cho TPP sẽ bao gồm lực lượng các quốc gia nắm chủ yếu về thị trường phát minh, sáng tạo như Nhật - Đức - Anh - Đài Loan - Singapre - Nam Hàn - Australia - New Zealand - Malaysia - Brunei thậm chí xa hơn sẽ là Miến Điện và Ấn Độ. 

Do đó TPP không nhất thiết là giải pháp duy nhất bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ, giảm sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà ông Trump chắc chắn sẽ có những bước đi khác với ông Obama, mục tiêu sau cùng của các vị Tổng Thống này vẫn là bảo vệ quyền lợi của đất nước Hoa kỳ, thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia khác, để tạo sự công bằng cho giới lao động Hoa kỳ, buộc các quốc gia đó phải có những khung luật pháp bảo vệ quyền lợi giới công nhân, tương tự như giới công nhân Hoa kỳ, nhằm giảm bớt việc trục lợi của các công ty xuyên quốc gia, luôn tìm kiếm những nguồn nhân công rẽ, bị bóc lột sức lao động, bóc lột quyền lợi.

Với chủ trương của Tổng Thống mới Donald Trump, chắc chắn rằng ông sẽ có thái độ cứng rắn hơn về đối ngoại, sẽ không nhượng bộ cho bất kỳ một quốc gia nào gây hại đến quyền lợi, chiến lược lâu dài của Hoa kỳ trên thế giới.





No comments: