Minh Anh – RFI
Đăng
ngày 24-11-2016
.
Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình (trái) hội đàm với tổng thống Mỹ Obama bên lề Hội nghị APEC tại Lima
Peru ngày 19/11/2016.REUTERS/Kevin Lamarque
.
Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần như bị khai tử. Các nước trong khối APEC và những
nước tham gia đàm phán TPP cảm thấy hụt hẫng. Với thắng lợi của ông Donald
Trump, Trung Quốc như từ trong bóng tối bước ra trước “ánh đèn sân khấu”. Trên
đây là nhận định của tờ Nikkei Asian Review trong một bài phân tích đăng ngày
24/11/2016.
Khi
tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ngay
ngày đầu tiên làm tổng thống, ông Donald Trump đã làm cho chính sách “xoay trục”
sang châu Á của tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama “tan thành mây
khói”.
Các
nước trong khu vực Đông Nam Á nhắc đến chiến lược châu Á của Mỹ với một cảm
xúc thất vọng pha lẫn sự châm biếm. Đối với nhiều quốc gia, chính sách này giờ
chẳng khác nào như là một “chiếc thùng rỗng”. Một không khí hoài nghi
bao trùm trên toàn bộ khu vực.
Các
nhà hoạch định chính sách quốc phòng bắt đầu ngờ vực khả năng Hoa Kỳ tiếp tục
duy trì các chiến dịch tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ cái nguyên tắc gọi là
tự do lưu thông hàng hải, đồng thời ngăn chặn đà tiến của Trung Quốc trong khu
vực.
Cảm
giác hẫng hụt như tăng lên gấp bội khi nói đến TPP, vũ khí kinh tế trong chính
sách xoay trục sang châu Á của. Phải mất đến 5 năm thương thuyết dài dăng dẳng
và gay gắt theo một loạt các yêu cầu của Mỹ để các bên đi đến ký kết một thỏa
hiệp, với mong muốn duy nhất có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Mỹ.
Để
rồi sau đó, Hoa Kỳ thông báo tạm ngưng quy trình phê chuẩn TPP tại Quốc Hội.
Các nước tham gia như có cảm giác ai đó bất ngờ rút thảm dưới chân. Họ cảm thấy
“mệt mỏi vì Hoa Kỳ”, như lời than thở của Bộ trưởng Thương mại Malaysia,
tại thượng đỉnh ASEAN.
Thế
giới của Trung Quốc
TPP
bị Úc và Việt Nam xếp xó, trong khi các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan hay
Indonesia hầu như “im hơi lặng tiếng”, ngay sau khi người dân Mỹ mở cánh
cổng Nhà Trắng cho một người mang tư tưởng bảo hộ mậu dịch. Động lực cho tự do
thương mại sụt giảm thê thảm.
Ảnh
hưởng suy yếu của Hoa Kỳ trái ngược với một Trung Quốc tràn đầy sinh lực. Hoa Kỳ
thời Donald Trump muốn xem xét lại các thỏa thuận tự do mậu dịch. Trung Quốc của
Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự cần thiết của một Khu vực Tự do Mậu dịch châu Á –
Thái Bình Dương.
Bắc
Kinh giờ không còn giấu giếm ý định, cho rằng chỉ có thị trường Trung Quốc rộng
lớn, đầy tiềm năng mới là đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ. Ngay cả tổng thống
Pedro Pablo Kuczynski của Peru, nước chủ nhà thượng đỉnh APEC, còn nhắm đến một
TPP mới với Nga và Trung Quốc là đầu tàu, thay thế TPP của Hoa Kỳ đang chết yểu.
Gió
đổi chiều
Có
thể nói gió đang xoay chiều. Trong thượng đỉnh APEC 2015, diễn ra trên một hòn
đảo nhỏ của Philippines, Trung Quốc bị cô lập vì những căng thẳng với tổng thống
Philippines tiền nhiệm, Benigno Aquino xung quanh các tranh chấp trên Biển
Đông. Khi đó, Mỹ và Nhật Bản là trung tâm của cuộc họp.
Thắng
lợi của Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đã nâng cao vai trò của Trung Quốc, vậy Bắc
Kinh sẽ kiến tạo thương mại thế giới ra sao? Trung Quốc có thể sớm đàm phán, ký
kết thoả thuận đầu tư song phương vào năm tới, và đây là niềm mơ ước của giới
công nghiệp Mỹ từ lâu nay. Cho dù cả hai bên đều chính thức nói rằng các đề nghị
đàm phán đang trong giai đoạn bế tắc, nhưng Bắc Kinh đang chuẩn bị kế hoạch
thương lượng với tân chính quyền Hoa Kỳ. Và điều này sẽ cho phép Trump thuyết
phục rằng các nhượng bộ của Trung Quốc là một thắng lợi của Mỹ.
Thủ
tướng Nhật Bản có lẽ đã cố thuyết phục ông Trump thay đổi ý định và phục hồi
TPP đang trong cơn hấp hối trong cuộc gặp đôi bên tại New York, trước khi đến dự
thượng đỉnh APEC, nhưng dường như nỗ lực của lãnh đạo Nhật đã bất thành. Giờ chỉ
còn biết “Chờ và đợi xem”, theo như lời nhận định của bộ trưởng Thương mại Úc
Steven Ciobo với báo Nhật Nikkei Asian Review.
No comments:
Post a Comment