Friday, November 25, 2016

DONALD TRUMP & TRẬT TỰ KHAI PHÓNG THẾ GIỚI (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
November 23, 2016

Ðiều độc nhất làm cho một cơn ác mộng có thể chịu đựng được là ta không bao giờ phải chịu những hậu quả của nó. Ta có thể nằm mơ thấy rớt từ trên một độ cao khổng lồ xuống đất, nhưng rồi bao giờ ta cũng bổng đột ngột tỉnh dậy, hoặc là thay đổi ngoại cảnh trước khi đụng xuống đất.

Ðối với hầu hết thế giới, việc dân Mỹ bầu ông Donald Trump giống như một cơn ác mộng nhưng thiếu cái điều làm cho cơn ác mộng có thể chịu đựng được. Nhưng dù sao chăng nữa, ông Trump nay sẽ là tổng thống tương lai của Hoa Kỳ và bây giờ là lúc ta nên bắt đầu nghĩ đến cái gì sẽ xảy ra cho thế giới khi hiện thực chính trị mới bắt đầu.

Tuy rằng ông Trump là một con người ăn nói mạnh bạo, nhưng ông lại không có quan điểm nhất quán. Trong vòng 12 tháng qua, ông đã đổi đi đổi lại lập trường trên hầu hết mọi vấn đề, từ nhà nước phúc lợi cho đền quyền công dân, từ bom nguyên tử cho đến việc sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ.

Hậu quả là ta khó có thể đoán nguy cơ mà ông Trump tạo ra cho thế giới. Khó có thể biết rằng những lới lẽ cực đoan của ông liệu có được đem ra thực hiện, dẫn đến một sự thay đổi tận gốc chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ từ 70 năm nay hay không hay là đó chỉ là những lời nói huếch hoác trong lúc vận động tranh cử và sẽ được thay thế bởi một con người ôn hòa hơn khi ông lên nhậm chức. Và ngay cả cái bản chất cực đoan mà ông thể hiện trong khi tranh cử là hiện thực, ta còn chưa biết nó thuộc loại cực đoan nào nữa.

Thế nhưng tuy rằng ta không thể đoán chắc được ông Trump sẽ mang lại những gì cho thế giới, ta có thể đưa ra một số khả năng mà một vị tổng thống Trump sẽ tạo ra.

Ông Trump và nền dân chủ Hoa Kỳ 

Trước hết và quan trọng nhất ta không thể bỏ qua nguy cơ mà ông Trump có thể tạo ra cho nền dân chủ tại Hoa Kỳ. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông ta đã vi phạm hầu hết mọi tiêu chuẩn của chính trị dân chủ. Ông đã đe dọa bỏ tù đối thủ và không công nhận kết quả bầu cử nếu ông thua. Ông đã tấn công vào nền độc lập của tòa án và hứa hẹn sẽ buộc miệng báo chí và các phương tiện truyền thông. Ðó có thể chỉ là những lời nói bốc đồng của một người quen nói ra những lời cực đoan để gây hấp dẫn mà không suy tính tới các hậu quả của chúng. Nhưng chúng cũng có thể là thể hiện của bản chất chuyên chế của con người ông. Và điều quan trọng nhất là một con số đông đảo những người Mỹ đã không bị dội lại vì những lời tuyên bố phản dân chủ đó. Và họ có thể đi theo ông vào con đường chuyên chế đó nếu ông tính đi theo. Câu hỏi mà chúng ta cần phải đặt ra vào lúc này là “Liệu ông Trump là một Berlusconi Mỹ hay là một Mussolini Mỹ?” Chúng ta phải hy vọng rằng ông sẽ chỉ là một Berlusconi, nhưng cũng phải chuẩn bị cho việc ông có thể trở thành một Mussolini.

Ðiều mà người ta ít để ý đến là tại Châu Âu, nền dân chủ hầu như chỉ trở thành hiện thực sau nhiều thập niên chiến tranh và thanh lọc sắc tộc (ethnic cleansing) khiến cho xã hội trở thành thuần chủng. Ðó là một khác biệt quan trọng so với nền dân chủ tại Mỹ. Bất chấp một quá khứ lịch sử phân biệt chủng tộc sâu đậm, nước Mỹ ngay từ đầu đã có một lý tưởng là một xã hội dân chủ đa chủng tộc và đến nay đã đi được một phần nào trong việc biến xã hội Mỹ thành một xã hội dân chủ đa chủng tộc độc nhất trên thế giới. Nhưng việc ông Trump được bầu lên đã làm cho cái lý tưởng đó mờ nhạt đi. Không những những lời tuyên bố mạ lỵ hầu hết các sắc tộc khác tại Mỹ là một phần căn bản của cái hấp dẫn của ông Trump mà nó còn đào sâu thêm hố chia rẽ sắc tộc tưởng là đã bị lấp rồi tại Mỹ. Khi một ứng cử viên được đảng KKK ủng hộ trở thành tổng thống tại Mỹ, người ta cần phải suy nghĩ gì về tương lai việc hài hòa chủng tộc trong xã hội Hoa Kỳ.

Sau cuộc bầu cử này, nền dân chủ tại Mỹ trông có vẻ ít ổn định hơn nhiều so với trước. Và đó cũng là một đòn đánh mạnh vào những người ước vọng về dân chủ tại các nơi khác trên thế giới như Việt Nam.

Một trật tự thế giới không còn khai phóng nữa 

Việc bầu ông Trump lên đã mang khích lệ cho tất cả những kẻ cực đoan tại các nước khác biệt như Thụy Ðiển, Pháp, Bulgaria hoặc Nga. Nigel Farage, vị lãnh tụ đảng UKIP, một trong những nhân vật đóng góp vào việc đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu là một trong những ủng hộ viên nồng nhiệt nhất của ông Trump tại Anh. Geert Wilders, lãnh tụ nhóm cực hữu tại Hòa Lan đã tuyên bố một cách hăng say khi nghe tin ông Trump thắng cử: “Chính trị sẽ không còn như trước nữa. Ðiều mà nước Mỹ làm được chúng ta cũng sẽ làm được.”

Có một lý do để giải thích sự vui mừng của họ. Cùng với Trump họ coi nhau cùng đi chung một con đường, tách tự do ra khỏi dân chủ. Trong một chế độ dân chủ khai phóng, quyền của những người thiểu số được bảo đảm và một nền tư pháp độc lập có quyền hạn kiềm chế những quá độ của chính quyền. Nhưng trong quan niệm “dân chủ” của họ – như đã được thực hiện tại những nơi như Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ thì ngược lại những người thiểu số bị áp bức và trở thành những con vật hy sinh cho lợi ích chính trị và tất cả những trung tâm quyền lực khác, dù là tòa án hay một nền báo chí tự do đều bị áp chế một cách có hệ thống.

Với ông Trump không coi những giá trị của một nền dân chủ tự do là quan trọng, các nhà độc tài chuyên chế trên thế giới sẽ được khích lệ. Bây giờ họ biết rằng họ sẽ không bị chỉ trích nếu họ công khai vi phạm nhân quyền hoặc là áp bức hoặc xâm lược các nước láng giềng với điều kiện là họ quay đi để Mỹ tự do hoạt động trong vùng của mình.

Thành ra nếu việc ông Trump lên làm tổng thống dẫn đến một sự thay đổi cực đoan chính sách đối ngoại của Mỹ, có hai hậu quả có thể xảy ra. Thứ nhất các thế lực chuyên chế như Nga hoặc Trung Quốc có triển vọng mở rộng ảnh hưởng của họ trên thề giới và thứ hai các đồng minh của Mỹ sẽ phải tìm cách để càng ít phụ thuộc vào Hoa Kỳ càng tốt. Với những nước giàu có như Ðức hoặc Nhật việc canh tân các lực luợng quân sự còn có thể làm được tuy rằng tốn kém. Nhưng đối với những nước nghèo hơn họ sẽ phải chạy để tìm một nơi bảo vệ. Và nếu chuyện đó xảy ra, trật tự quốc tế mà nhiều thế hệ các tổng thống Hoa Kỳ thuộc lưỡng đảng đã dày công xây dựng từ sau Thế Chiến Thứ Hai vốn đã kéo dài được 70 năm nay có thể tan rã mau hơn là chúng nghĩ chỉ mới cách đây hơn một năm.





No comments: