Anh Vũ – RFI
Đăng
ngày 30-11-2016
Các báo Pháp tiếp tục
có nhiều bài đàm luận xung quanh những tuyên bố của Donald Trump về chính sách
đối ngoại vẫn thực hư chưa rõ ràng của nước Mỹ tới đây. Nhật báo Le Monde đề cập
đến mối quan hệ của nước Mỹ với châu Á qua bài xã luận mang tiêu đề : Trump hãm
« trục châu Á ».
Le
Monde trở lại sự việc hôm 21/ 11 vừa rồi, tổng thống tân cử D. trump đã khẳng định
sẽ từ bỏ hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký xong giữa
Hoa Kỳ và 11 nước khu vực Thái Bình Dương, trong đó không có Trung Quốc.
Xã
luận tờ báo khẳng định, với tuyên bố đó, ông Donald Trump vừa chặn đứng tham vọng
về một « trục châu Á », chính sách tâm đắc nhất chính quyền Obama. Theo Le
Monde, «đây là một thất bại kép cho tổng thống mãn nhiệm. Nhưng đó cũng là thắng
lợi cho những người vẫn cho rằng tự do mậu dịch là một trong những nguyên nhân
chính gây ra tình trạng bất ổn kinh tế xã hội ở nhiều nước trong thời gian
qua."
Chính
quyền Obama coi TPP là một trong những trụ cột, thâm chí là trụ cột chính,
trong chính sách hướng về vùng Thái Bình Dương đầy tiềm năng kinh tế. Sự lựa chọn
này cũng mang tính chiến lược, bởi nó giúp cho Hoa Kỳ thắt chặt quan hệ với các
nước ký hiệp định, chứng tỏ Mỹ vẫn là cường quốc Thái Bình Dương có thể ngăn chặn
đà bành trướng của Trung Quốc trong vùng. Nay TPP thất bại, tất nhiên Trung Quốc
sẽ hân hoan. Theo Le Monde, « Trung Quốc với sức mạnh thương mại của mình như
hiện nay, sẽ áp đặt các chuẩn mực trao đổi thế giới. Đó là những chuẩn mực thấp
hơn nhiều so với mong muốn của châu Âu hay Hoa Kỳ ».
Le
Monde phân tích, để mất TPP tức là lòng tin của Washington trong vùng Thái Bình
Dương bị giảm đi. Rất nhiều chính phủ trước khi đặt bút ký vào hiệp định đã phải
vượt qua những thách thức không nhỏ của sự chống đối ở trong nước. Bản thân
chính quyền Obama cũng phải hứng chịu tấn công dữ dội của những người có tư tưởng
bảo hộ. Bản thân Ông Trump thì không ngớt lời chỉ trích TPP như là một guồng
máy chống lại nước Mỹ.
Xã
luận Le Monde khẳng định : « Bỏ rơi TPP và TTIP ( Hiệp định đối tác thương mại
đầu tư xuyên Đại Tây Dương, ký với các nước châu Âu), là dấu hiệu báo trước chắc
chắn thương mại thế giới, vốn dĩ từ 2 năm qua đang đi xuống, sẽ còn sụt giảm. Cuộc
tranh luận về những mặt lợi và bất lợi của tự do thương mại mới chỉ bắt đầu.
*
Châu
Âu có bị Mỹ bỏ rơi về quân sự ?
Không
chỉ Le Monde, nhật báo kinh tế Les Echos cũng rất qua tâm đến chính sánh đối
ngoại của chính quyền Trump liên quan đến các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử
của nhà tỷ phú Mỹ. Tờ báo có bài phân tích : « Châu Âu và chiếc ô quân sự không
thể thiếu của Mỹ »
Donald
Trump đã tuyên bố sẽ xem xét lại các cam kết quân sự với các nước thành viên
NATO với lý do Hoa Kỳ không muốn tiếp tục gánh vác tài chính cho các nước đồng
minh. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu tổng thống sắp tới của nước Mỹ có thực
hiện lời hứa đó không ? Nếu có thì nền quốc phòng của châu Âu sẽ bị đe dọa
nghiêm trọng, theo Les Echos.
Les
Echos cho rằng, « quả là rất khó lường trước được chính sách đối ngoại của
chính quyền Donald Trump tới đây, nhưng chắc chắn sẽ có những thay đổi trong
khái niệm về tình đoàn kết của Mỹ với các đồng minh châu Âu », đã gắn bó với
nhau từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến nay.
Chuyên
gia Corentin Heisbourg, phụ trách trung tâm an ninh thuộc Viện Quan hệ Quốc tế
Pháp IFRI, nhận định : « Mục tiêu của nhà tỷ phú Mỹ là đạt được thỏa thuận có lợi
nhất với các đồng minh châu Âu ». Les Echos nhấn mạnh, thực tế, rất ít dân biểu
hay thượng nghị sĩ Mỹ ủng hộ làm lại cam kết quân sự. Bởi việc rút lui ra khỏi
mặt trận châu Âu sẽ là một đòn đánh mạnh vào vai trò thủ lĩnh thế giới của Mỹ.
Tờ
báo liệt kê các chi phí của Mỹ hiện tại vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO)
: Riêng Mỹ đóng góp 70% chi tiêu quân sự của khối. Chỉ có 5 thành viên trên 28
nước liên minh gồm Mỹ, Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh là có mức chi tiêu quốc
phòng từ 2% GDP trở lên (ngưỡng do NATO ấn định). Các nước lớn như Pháp, Đức đều
đang có xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng. Đặc biệt là Đức, con số này chỉ
còn chưa đầy 1,2%.
Les
Echos nhận định : Đúng là bức tường ngăn cách hai khối đối địch ở châu Âu đã bị
phá vỡ, Liên Xô cũng không còn nữa. NATO không chỉ vẫn tồn tại mà còn mở rộng
ra nhiều nước trong khu vực đông Âu thuộc không gian Xô Viết cũ. Gần đây, trước
những động thái hung hăng của nước Nga, NATO cũng không chịu kém cạnh, đã liên
tiếp có các hành động mạnh mẽ, như triển khai quân tại các nước vùng Baltic,
xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan, ở Rumani…
Cuộc
chạy đua vũ trang nhỏ này đòi hỏi các thành viên NATO phải đầu tư nhiều hơn nữa
và đến giờ đa số chi phí của khối liên mình này do Mỹ đảm nhiệm. Bởi thế mà một
châu Âu hùng mạnh về quân sự có khả năng tự lo cho mình chính là điều Trump muốn.
*
Syria
: Phương Tây bất lực nhìn Nga làm chủ cuộc chơi
Một
thời sự quốc tế được các báo chú ý nhiều, đó là diễn biến của cuộc chiến Syria,
cụ thể tại thành phố Aleppo trong những ngày này.
Nhật
báo le Monde cho biết « Quân nổi dậy sụp đổ tại Aleppo ». Theo tờ báo, quân đội
chính phủ Syria và các lực lượng dân quân ủng hộ chế độ Damas giờ đây đã chiếm
được 1/3 phần đất của quân nổi dậy tại thủ phủ kinh tế của Syria. Chiếm lại được
Aleppo sẽ tạo bước ngoặt trong cuộc xung đột Syria. Để có được thắng lợi trên
chiến trường, quân chính phủ Syria không thể thiếu được những cuộc oanh kích ồ ạt
của không quân Nga.
Le
Monde có bài phân tích : « Phương Tây bất lực, Nga làm chủ cuộc chơi ». Nhìn
vào cuộc chiến Syria lúc này, tờ báo nhận định :« Chưa bao giờ kể từ sau chiến
tranh lạnh, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, ba quốc gia lãnh đạo phe mà người ta vẫn thường
gọi là phương Tây, tỏ ra bất lực đến như vậy trước một nước Nga đang trở thành
người chủ cuộc chơi thực sự tại Syria. Cho dù họ ( các nước phương Tây) có tỏ «
quan ngại sâu sắc » về thảm cảnh đang diễn ra tại Aleppo, thì dường như họ lại
càng không thể làm được gì đáng kể, trong khi đó, không quân Nga tiếp tục kiểm
soát bầu trời Syria, khiến không thể rải hàng cứu trợ nhân đạo".
Le
Monde nhận định tiếp : « Vốn dĩ đã ngập ngừng trong cuộc chiến này, tháng Giêng
tới đây khi ông Donald Trump chính thức vào Nhà trắng, Hoa Kỳ có nguy cơ sẽ ít
quan tâm nhiều hơn nữa tới hồ sơ Syria, nhất là khi tổng thống tương lai của Mỹ
đã úp mở sẽ bắt tay với Matxcơva.
Lúc
này liên minh ủng hộ lực lượng nổi dậy ôn hòa Syria đang gần như tê liệt cả
trên mặt trận ngoại giao cũng như trên chiến trường.
Bài
viết trích dẫn một nhà ngoại giao phương Tây nhận xét : « Người Nga đang lợi dụng
cơ hội này để tạo được nhiều nhất sự việc đã rồi trước khi chính quyền Donald
Trump đi vào hoạt động và trước khi chơi lá bài đàm phán ».
Những
ngón đòn ngoại giao của Pháp gây áp lực với chế độ Syria và Nga, đồng minh của
Damas, có vẻ như vô hại. Đe dọa đưa các tướng lĩnh Syria ra Tòa án Hình sự Quốc
tế (CPI)? Đó chỉ là võ mồm, vì Syria đâu có tham gia CPI. Còn đưa ra Hội đồng bảo
an Liên Hiệp Quốc để lên án hay trừng phạt chế độ Damas thì chắc chắn sẽ chỉ nhận
được lá phiếu phủ quyết của Nga.
Chiến
trường Aleppo cũng là hồ sơ chính của nhật báo Công giáo La Croix với tựa lớn
trang nhất : « Tại Aleppo, quân nổi dậy bị bao vây ». Cùng chung nhận định mặt
trận khốc liệt tại Aleppo đang là bước ngoặt của cuộc chiến Syria, La Croix mô
tả « những cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra gần như trực tiếp trước một dư luận
phương Tây bất lực ». Pháp và nhiều nước khác và cả Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng
chiến. Nhưng điều này ít có rất ít cơ hội. « Bachar al-Assad đang nắm thời cơ để
làm suy yếu các đối thủ cả về quân sự cũng như chính trị. Ông ta sẽ ở thế mạnh
nếu các cuộc đàm phán mở ra trong những tháng tới ».
Xã
luận của la Croix đặt dấu hỏi : « Liệu Donald Trump, nhậm chức bước vào Nhà trắng
ngày 20 tháng Giêng tới, có mở ra được không gian đàm phán nào với nước Nga của
Vladimir Putin ? Đó vẫn chỉ là hy vọng.
*
Pháp
: Phát giác vụ buôn lậu cấp Nhà nước ?
Chuyển
qua với nhật báo Libération. Phủ kín trang nhất tờ báo là hàng tựa « Phát hiện
mới về một vụ buôn lậu cấp Nhà nước ».
Tờ
báo đã theo dõi và hoàn thành cuộc điều tra riêng từng công bố hồi tháng 5 vừa
qua về vụ buôn bán ma túy ở quy mô lớn do …cảnh sát điều hành.
Tờ
báo cho biết « nhiều tài liệu mới mà Libération được tiếp cận cho thấy 40 tấn cần
sa đã được nhập vào Pháp với sự thông đồng của cảnh sát dưới cái vỏ phá án đã
diễn ra như thế nào. Chiến dịch của cảnh sát đã diễn ra sau lưng tư pháp, trong
khi đó các cơ quan của tư pháp và cảnh sát thì đang lục đục ».
Libération
bình luận : « Tư pháp giờ sẽ thẩm vấn những đối tượng của hệ thống giữa lòng cảnh
sát này. Các quan chức Nhà nước sẽ phải được lôi ra khỏi im lặng…. Họ có phải
là đồng phạm hay chỉ là những người mù quáng ? Rồi người ta sẽ biết được điều
đó ».
---------------------
29/11/2016
29/11/2016
30/11/2016
No comments:
Post a Comment