Saturday, November 26, 2016

DÂN ĐEN ỦNG HỘ TRUMP CÓ THỂ SẼ PHẢI TRẢ GIÁ CHO ĐỢT SÓNG CỒN KINH TẾ CỦA ÔNG (David Francis - Foreign Policy)




David Francis  -  Foreign Policy
Trà Mi chuyển ngữ
Posted on November 23, 2016 by editor — 0 Comments

Khuynh hướng đi lên của thị trường ra dấu tổng thống mới đắc cử có thể lợi cho kinh tế – nhưng phần lớn cho dân đã giàu.

Tổng thống đắc cử Donald J. TRump.

Trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, giới kinh tế đã cảnh cáo Toà Bạch Ốc với Donald Trump có thể, như những doanh nghiệp ông, là đoàn xe lửa tài chính trật đường rầy. Hãng nghiên cứu Oxford Economics cho biết chính quyền Trump có thể làm nền kinh tế Hoa Kỳ mất hơn 1 ngàn tỷ USD trong vòng năm năm tới. Tuy nhiên, hôm thứ Hai, chỉ số kỹ nghệ Dow Jones, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đạt điểm cao kỷ lục, như thể Wall Street đang chào đón nhiệm kỳ tổng thống Trump sắp tới.

Lèo lái giữa những lo ngại ngày tận thế và tiếp đón choáng váng ban đầu sẽ là một trong những trách nhiệm lớn nhất của Bộ trưởng Tài chính của Trump, có thể được công bố vào đầu tuần này. Ngay bây giờ, ứng cử viên chính cho cho ghế Bộ trưởng Tài chính là Steven Mnuchin, từng là giám đốc tài chính trong cuộc vận động tổng thống năm 2016.

Quen thuộc với phố Wall, dù cuối cùng Trump chọn bất cứ ai, ít nhất sẽ dễ dàng hơn cho Trump. Kể từ ngày Trump thắng Clinton bất ngờ, thị trường đã vô tình bỏ qua những rủi ro mà chính phủ Trump có thể gây ra, chẳng hạn như bất ổn kinh tế, hỗn loạn trong tiến trình chuyển đổi quyền lực, và những lời thề sẽ đạp đổ những hàng rào bảo vệ thương mại.

Và đó sẽ là nguyên nhân cho mối quan tâm tương lai cho nhiều cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động đã bầu cho Trump. Nếu được ban hành, chính sách kinh tế của Trump có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại đá-qua-chì-lại, tăng giá cho người tiêu thụ, thu nhỏ các thị trường xuất cảng của Hoa Kỳ, và làm lời Trump hứa phục hồi công việc làm trong khu vực sản xuất của Mỹ trở thành điều ảo tưởng. Marcus Noland thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson dự đoán Trumponomics có thể làm nền kinh tế Mỹ mất 4,8 triệu việc làm, phần lớn là việc của người lương thấp trong hai năm 2017-2019.

Những nghiệp đoàn lao động như AFL-CIO từ lâu đã cảnh cáo về sự nguy hiểm của một nhiệm kỳ tổng thống Trump với thành viên của tầng lớp công nhân của họ; AFL-CIO ủng hộ Clinton. Và những Liên đoàn công chức Tiểu bang, Quận hạt, và Thành phố Mỹ, Liên minh Quốc tế của Nhân viên Dịch vụ, và Hiệp hội Giáo dục Quốc gia. cũng đều ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, nhiều cử tri giới công nhân đã bỏ ngoài tai những cảnh cáo của văn phòng quốc gia của công đoàn của họ, đặc biệt ở Vành đai Rỉ (Từ vùng Đông Bắc, qua Biển Hồ đến các tiểu bang vùng Trung Tây nước Mỹ). Dữ liệu bầu cử cho thấy Trump giành được sự ủng hộ lớn nhất của giới công nhân công đoàn cho đảng Cộng hoà kể từ thời Ronald Reagan, 1984, đến nay

Dù có sự đe doạ vì viễn cảnh của chính phủ Trump đối với giới công nhân Mỹ, Wall Street vẫn lóa mắt vì sự quyến rũ của những chính sách dành cho doanh nhân như cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định, từ lâu đã ưu tiên của đảng Cộng hòa – và đến nay có vẻ sắp thành hiện thực so với nhiều năm vừa qua.

Nó như thế một phần vì hầu hết giới tư bản quan tâm nhiều hơn về việc thu lợi từ vốn đầu tư hơn là được gắn phù hiệu, nhận bằng khen danh dự. Những công ty dầu lớn vẫn đầu tư ở Nga và Nigeria, mặc kệ nạn tham nhũng tràn lan và rủi ro chính trị ở cả hai nước. Apple vẫn cho sản xuất sản phẩm ở Trung Quốc, mặc kệ những vi phạm nhân quyền tràn lan ở đó. Một tí ti chính trị gây tranh cãi tại Mỹ, hay một thoáng gia đình trị của Trump, đều không thể gây quan ngại cho giới doanh nhân bay nhẩy toàn cầu.

Peter Kenny, một chiến lược gia cao cấp về thị trường của Tập đoàn Tư vấn Thị trường Toàn cầu (Global Markets Advisory Group), nói với Foreign Policy, “Các công ty nước ngoài rất có thể coi trọng lợi tức từ vốn đầu tư trên giá trị chính trị chung.”

Nhiệt tình của phố Wall không hoàn toàn bi dời chỗ. Mỹ đã và vẫn là điểm đến hàng đầu của thế giới đối với giới đầu tư nước ngoài. Và với nền kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, kéo theo nhiều thị trường mới nổi cùng xuống dốc, và với châu Âu đang bị xé nát vì Brexit và chủ nghĩa dân túy, thế giới đang mất đi những thị trường khác cho các công ty đầu tư.
Và đối với nhiều công ty – đặc biệt là trong ngành tài chính, năng lượng, và chăm sóc sức khỏe – việc đảng Cộng hòa kiểm soát từ Toà Bach Ốc đến lưỡng viện Quốc hội hẳn sẽ dẫn đến việc cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định như đã hứa hẹn từ lâu. Trump đã cam kết sẽ gác lại luật Dodd-Frank – đạo luật cải tổ sinh hoạt phố Wall và Bảo vê người tiêu thụ – có nghĩa là dẹp bỏ một số lạm dụng của ngành tài chính trong đống đống đổ nát của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trump muốn dẹp luôn luật bảo vệ người tiêu thụ, cắt giảm các loại thuế đánh vào người giàu, và đi lùi lại trong lãnh vực bảo vệ môi trường và những đổi mới trong khu vực bảo hiểm y tế.

Mujtaba Rahman, người đứng đầu Eurasia Group cho biết, so với châu Âu, “Thực ra, Hoa Kỳ có thể là một nơi đầu tư hấp dẫn hơn, ít nhất là trong điều kiện tương đối.”

Nó như thế một phần vì những điều nêu trên không phải chỉ là chính sách do Trump đề xướng. Trong nhiều trường hợp, chúng cũng là chính sách Hạ viện Cộng hoà cổ xuý, và đặc biệt là Chủ tịch khối đa số Paul Ryan (R-Wis.), người đã từ lâu mơ ước cắt giảm thuế, tư nhân hoá Medicaid, loại bỏ Obamacare, đẩy mạnh những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, và tăng chi tiêu quốc phòng.

Những công ty quốc tế có có sở hoạt động ở Hoa Kỳ đặc biệt sôi nổi. Nancy McLernon, chủ tịch của Tổ chức Đầu tư Quốc tế, đại diện cho các chi nhánh ở Hoa Kỳ của các công ty toàn cầu như Alibaba Group và Volkswagen nói, chủ trương bãi bỏ quy định và cải cách thuế của Đảng Cộng hòa sẽ có hể khởi động khối đầu tư nước ngoài lớn hơn nữa. JPMorgan Chase, ngân hàng đầu tư, lạnh lùng nói với khách hàng hai ngày sau cuộc bầu cử và chiến thắng của Trump cũng như đảng Cộng hòa lại chiếm đa số ở Quốc hội là “khuynh hướng phát triển cho thị trường chứng khoán.”

Nhưng không có gì chắc chắn cuộc toàn thắng của đảng Cộng hoà là khuynh hướng phát triển cho những người thuộc tầng lớp lao động đã ủng hộ, và đưa Trump vào Toà Bạch Ốc. Kế hoạch tăng thuế nhập cảng và huỷ những hiệp định thương mại, từ NAFTA, đã hai mươi tuổi, đến Đối tác Xuyên Thái Bình Dương(TPP) hiện đang hấp hối, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Tuần trước, giới truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã cảnh cáo rằng Trump đe dọa đánh 45% thuế nhập cảng trên hàng hóa Trung Quốc sẽ tức thời gây ra những “biện pháp đối phó” và một loại ứng xử đá-qua-chì lại.” Như thế nó sẽ có hiệu quả như một cuộc giảm lương toàn diện cho mọi công nhân Mỹ.

Nghi trình xoá bỏ những hiệp định thương mại tự do đã đưa đến sự toàn cầu hóa có thể gây ra nhiều khó khăn hơn cho việc bảo vệ việc làm của người Mỹ như Trump tuyên bố sẽ bảo vệ. Kurt Bauer, người đứng đầu của các nhà sản xuất Wisconsin và Thương mại nhận xét, ví dụ như NAFTA, hiện đang cung cấp cho giới xuất cảng của Hoa Kỳ đặc quyền vào những thị trường lớn ở Nam Mỹ, không chỉ là Mexico. Rút lui khỏi TPP sẽ làm cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn hơn để bán hàng trong những khu vực kinh tế đang phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Và khôi phục lại những công việc lao động khác mà Trump hứa sẽ tạo ra sẽ không dễ dàng hơn. Trump thắng lớn ở “xứ than đá” – West Virginia, Pennsylvania, tây nam Virginia – với lời cam kết xoá bỏ cái gọi là “cuộc chiến chống than” của Tổng thống Barack Obama. Nhưng sức mạnh thị trường, giá rẻ đặc biệt của khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo, đang giết chết kỹ nghệ khai thác than đá, chứ không phải những quy định, luật lệ của Washington. Và Trump đã tuyên bố sẽ hỗ trợ cho khu vực khai thác dầu và khí đốt ở Hoa Kỳ, cũng sẽ chỉ gây khó khăn hơn cho các công ty than đá bị đang bị bao vây. Suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc cũng giảm sút nhu cầu xuất khẩu than cao cấp của Hoa Kỳ, tiếp tục đóng sầm vùng Appalachia ở miền Đông nước Mỹ.

Tương tự như vậy, việc làm trong kỹ nghệ thép ở miền tây Pennsylvania – tiểu bang đã cho Trump làm ngựa về ngược nhờ sự hỗ trợ đáng kể của tầng lớp lao động – không có nhiều cơ hội trở lại bất kể ai trong ở trong Toà Bạch Ốc. Sản xuất thép ở nước ngoài rẻ hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi hiện có khoảng 300 triệu tấn sắt dư dùng.

Tuy nhiên, thông điệp chống toàn cầu hoá của Trump gây được tiếng vang trong giai cấp công nhân, ngay cả khi những chính sách kinh tế của ông sau đó có thể gây tổn thương cho họ.

Tim Francisco, một giáo sư và giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Giới Công nhân tại Đại học Youngstown ở Ohio nói, “Khi nhìn vào số phiếu của tầng lớp lao động da trắng, có rất nhiều người đang bỏ phiếu trong nghĩa của vốn xã hội, chứ không bỏ phiếu theo nghĩa của vốn thực tế. Người ta có cảm giác giai cấp công nhân da trắng đã bị tước quyền bầu cử.”

Bill Gross, một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành tài chính và quản lý danh mục đầu tư tại Janus Capital Group, đã viết trong báo cáo hàng tháng cho các khách hàng trong tuần trước, cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ là “một nhiệm kỳ tai hại cho cử tri thất nghiệp và có mức lương thấp của Mỹ.”

“Tôi viết trong nỗi ngạc nhiên, hoang mang lẫn buồn cười với những gì cử tri Mỹ đã tự gây ra cho chính họ.”

© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Trump’s Grassroots Supporters Will Likely Pay the Price of His Economic Surge. David Francis | Foreign Policy, 21 tháng 11 năm 2016. Hình ảnh: DREW ANGERER / Getty Images




No comments: