Thứ
Tư, ngày 30 tháng 11 năm 2016
Singapore
mới bị mất chín thiết vận xa hiệu Terrex. Những chiếc xe chuyên chở quân lính,
trên đường từ Cao Hùng (Kaohsiung), một hải cảng của Đài Loan, đi tới đảo quốc
Singapore, ghé Hồng Kông thì bị hải quan sai áp. Chính quyền Hồng Kông đã khám
phá ra “mớ hàng lậu” này vì được tình báo Trung Cộng cho tin, Hồng Kông là một
khu tự trị thuộc Trung Quốc từ năm 1997.
Sau
khi báo đài thế giới loan tin ồn ào về vụ tịch thâu này, ngày 24 tháng 11, thì
bốn ngày sau, bộ ngoại giao Bắc Kinh mới lên tiếng. Phát ngôn viên Cảnh Sảng (耿爽, Geng Shuang) nói rằng
Trung Cộng cương quyết chống các quốc gia giao thiệp với Trung Quốc không được
có quan hệ chính thức với Đài Loan trong việc trao đổi và hợp tác quân sự.
Trung Cộng đã báo cho Singapore biết rằng họ phải tôn trọng nguyên tắc “Chỉ có
một nước Trung Hoa.”
Nhưng
cả thế giới đều biết Singapore đã từng quan hệ mật thiết với Đài Loan từ hơn 40
năm qua. Năm 1974, hai “đảo quốc” Trung Hoa Dân Quốc và Singapore đã hợp tác với
nhau trong Chương trình “Tinh Quang” (Project Starlight), theo đó quân đội
Singapore được phép dự việc huấn luyện và thao diễn tại Đài Loan. Nhiều chục
ngàn quân sĩ Singapore đã cùng tập trận hoặc được Đài Loan huấn luyện. Việc hợp
tác này trở thành công khai, khi có nhiều quân nhân Singapore tử nạn ở Đài Loan
và báo chí loan tải đầy đủ, ít nhất có tới 10 vụ. Đặc biệt hơn nữa, trong thập
niên 1970, quân đội Singapore đã sử dụng các sĩ quan Đài Loan, như Đại tá Liu
Ching Chuan làm tư lệnh Không quân, và Khoo Eng An làm tư lệnh hải quân tên tuổi
được công bố.
Trong
suốt thời gian đó, Bắc Kinh biết nhưng hoàn toàn im lặng. Tại sao bây giờ bỗng
dưng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu chính quyền Hồng Kông sai áp các thiết vận xa
của Singapore?
Không
thể nói Trung Cộng chỉ muốn nhắc nhở Singapore phải nhớ nguyên tắc “Một nước
Trung Hoa.” Vì họ có nhiều con đường ngoại giao kín đáo để bầy tỏ ý kiến đó, mà
không cần làm mạnh, như khi tịch thu các thiết vận xa Terrex. Khi báo chí các
nơi loan tin các quân nhân Singapore huấn luyện ở Đài Loan bỏ mạng; hoặc khi cả
thế giới biết hai sĩ quan Đài Loan chỉ huy hải quân, không quân Singapore, Bắc
Kinh không hề lên tiếng! Trong hơn 40 năm, ba chính phủ Trung Cộng, Đài Loan và
Singapore đã “ngầm thỏa thuận,” chấp nhận các sự kiện trên diễn ra trong âm thầm,
không gây ồn ào, phiền phức, có thể làm cả ba cùng mất mặt.
Cho
nên, hành động của Bắc Kinh tuần qua chỉ có thể hiểu vì những tình huống mới.
Thứ nhất, bà Thái Anh Văn, thuộc đảng Dân Chủ Tiến Bộ đắc cử, vào tháng Năm vừa
qua. Đảng Dân Tiến lâu nay vẫn có khuynh hướng muốn Đài Loan tuyên bố độc lập,
không còn giữ cái vỏ ngoài “Trung Hoa Dân Quốc” do Quốc Dân Đảng để lại cùng
theo nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã cắt đứt các
vụ liên lạc giữa hai chính quyền. Thứ hai, Singapore đã hoan nghênh bản phán
quyết của Tòa Trọng Tài Quốc tế bác bỏ Đường Lưỡi Bò, vào tháng Bảy năm nay.
Không những thế, Singapore còn cổ súy các nước khác hãy tôn trọng và thi hành
phán quyết đó. Đứng trước những tình huống mới này, hành động của Trung Cộng nhắm
vào hai mục đích: Như một biện pháp nhằm “đe dọa” đối với Đài Loan; đồng thời
đưa một tín hiệu cho Singapore biết không nên đi ngược đường lối trong vùng biển
Đông Nam Á của “bá chủ” là Trung Quốc.
Giới
lãnh đạo Bắc Kinh không lo lắng về những quan hệ giữa Singapore và Đài Loan; mà
mối lo chính là Singapore có thể thành một đồng minh thân thiết của Mỹ. Vụ tịch
thu 9 chiếc xe bọc sắt là một cách đe dọa Singapore không nên tiến tới!
Nhưng
Singapore không dễ bị dọa nạt, vì họ tự biết vị trí của mình. Mặc dù chỉ có 6
triệu dân, nhưng hòn đảo này vẫn tự coi mình là “quốc gia” với đầy đủ chủ quyền,
được thế giới kính trọng và phải bảo vệ lòng kính trọng đó. Đối đầu với hơn một
tỷ dân Trung Quốc đúng là châu chấu đá voi! Năm 1978 Đặng Tiểu Bình qua thăm đã
ngạc nhiên về tình trạng kinh tế thịnh vượng của những người di dân Trung Hoa sống
trên hòn đảo nhỏ bé. Đặng Tiểu Bình đã vấn kế Lý Quang Diệu và ông thủ tướng đảo
quốc chỉ khuyên: Muốn thịnh vượng, hãy mở cửa nước Tàu giao thương với thế giới
tư bản!
Sau
đó Trung Cộng đã gửi rất nhiều cán bộ qua Singapore “tập huấn” để trở về thi
hành, trong đó có Uông Dương (Wang Yang), khi làm bí thư tỉnh Quảng Đông
đã dẫn một phái đoàn qua Singapore nghiên cứu, sau lên làm phó thủ tướng. Tập Cận
Bình đã gặp cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu ở Singapore, và cũng chiêu dụ nước
này đóng một vai trong chiến lược “Đường Tơ Lụa Trên Biển.”
Trung
Cộng bắt đầu bầy tỏ thái độ bất mãn khi Singapore tỏ ra thân với Mỹ trong lúc
chính phủ Mỹ công bố chính sách chuyển trục sang vùng Châu Á. Trước đó, năm
2009 ông Lý Quang Diệu đã từng kêu gọi Mỹ hãy trở về Đông Nam Á để tạo một “thế
cân bằng.” Trong một cuộc đi Mỹ vào tháng Tám năm nay, thủ tướng Lý Hiển Long
tuyên bố rằng ông hoan nghênh hành động tham dự tích cực của Mỹ tại vùng Biển
Đông nước ta. Và ông coi bản phán quyết của Tòa Trọng Tài ở Den Hagg (The Hague)
là một căn bản giải quyết các tranh chấp trong vùng. Đáp lại, Tổng thống Mỹ
Barack Obama ca ngợi Singapore như một “cái neo” của sự hiện diện của Mỹ trong
vùng Đông Nam Á! Câu nói này càng khiến Trung Cộng nổi giận vì “cái neo” là một
từ rất nặng, trước đó chính phủ Mỹ chỉ coi hai quốc gia đóng vai trò đó, là Nhật
Bản và Australia. Singapore đã ký hiệp ước mậu dịch tự do với Mỹ, và cho phép hải
quân Mỹ sử dụng quân cảng Chương Nghi (樟宜,Changi Naval Base)
cho tầu chiến cập bến lo việc tiếp liệu.
Thái
độ cương quyết thân Mỹ của Singapore khiến Bắc Kinh nổi giận nhưng không thể
làm gì được. Ngược lại, nếu Trung Cộng gây gổ quá đà, Singapore có thể gia tăng
những liên kết quân sự với những quốc gia khác, như Nhật Bản và Australia. Hiện
tượng Singapore gửi quân đội qua Đài Loan thao diễn chung và được huấn luyện,
trước mắt Trung Cộng hơn 40 năm qua, chứng tỏ họ không sợ. Trung Cộng không dám
phản đối các vụ hợp tác đó chứng tỏ Bắc Kinh cũng biết phận không nên “già néo
đứt dây.” Ngay trong vụ Hồng Kông tịch thu chín thiết vận xa, cả chính quyền
Singapore và Trung Cộng khi loan tin tức này cho dân trong nước đọc cũng cố ý
không nói đến nguồn gốc các chiến xa đó là từ Đài Loan!
Trong
mấy tháng vừa qua, nhiều sự kiện khác cho thấy thái độ của chính quyền
Singapore đối với Trung Cộng tuy mềm mỏng nhưng rất cương quyết. Tại hội nghị Đối
Thoại Shangri-La, Lý Hiển Long đã dành một tiếng đồng hồ nói đến các tranh chấp
ở Biển Đông, và phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc tế. Bắc Kinh nổi giận vì mục
đích của hội nghị Shangri-La là các vấn đề hợp tác an ninh trong vùng, không phải
để nêu các vấn đề tranh chấp! Báo chí Trung Cộng ồn ào đả kích Lý Hiển Long và
đặt câu hỏi tại sao ông không mời tàu chiến Trung Cộng đặt căn cứ tiếp liệu ở
quân cảng Chương Nghi? Điều khiến Bắc Kinh nổi giận nhất là Trung Cộng đã ủy
thác cho Singapore đóng vai trung gian chính trong việc hợp tác giữa Trung Quốc
và 10 nước ASEAN.
Tiếp
theo đó, ngày 27 tháng Chín, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) viết một
bài chỉ trích chính phủ Singapore đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông trong Hội
nghị Khối các nước Không Liên Kết (Non-Aligned Movement, NAM) họp tại
Venezuela để kêu gọi các nước hãy tôn trọng quy ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc
năm 1982! Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh đã viết ngay thư phản đối, gây ra một
cuộc bút chiến giữa ông đại sứ và chủ bút tờ báo, kéo dài cả tháng trời. Nhân dịp
đó, Đại sứ La Gia Lương (Stanley Loh) đã tiết lộ chính phái đoàn nước Lào mới
đưa các vấn đề trên ra trước hội nghị NAM, và họ làm việc đó theo sự ủy nhiệm của
các nước ASEAN họp tại Vientiane, vào tháng Bẩy. Công bố tin tức này chỉ khiến
dư luận thế giới nhìn thấy Trung Cộng bị cô lập!
Mặc
dù có những bất đồng lớn như trên, tại Hội nghị G-20 năm nay ở Hàng Châu, Tập Cận
Bình vẫn thân thiện nói với Lý Hiển Long rằng quan hệ giữa Singapore và Trung
Quốc luôn luôn bền chặt và bao giờ cũng được đặt hàng ưu tiên trước các nước
Đông Nam Á khác!
Đứng
trước vụ sai áp 9 thiết vận xa của Singapore ở Hồng Kông, chính phủ nước này vẫn
giữ thái độ cương quyết. Ngày Thứ Ba, 29 tháng 11, Ngoại trưởng Vivian
Balakrishnan đã trả lời Bắc Kinh rằng nước ông luôn luôn tôn trọng nguyên tắc
“Một nước Trung Hoa;” nhưng việc tịch thu 9 chiếc xe trên là vô lý, Singapore
nhất định đòi lại. Ông nói với báo The Straits Times rằng
“Chúng ta biết, Trung Quốc cũng biết, rằng Singapore vẫn quan hệ với Đài Loan từ
bao lâu nay; những việc chúng ta làm không có gì bí mật cả!” Cùng tới Hồng Kông
với ông ngoại trưởng Balakrishnan để gặp các quan chức sở tại và công ty chuyên
chở APL, Tướng Melvyn Ong, tham mưu trưởng quân đội Singapore nói rằng Hồng
Kông là một hải cảng quốc tế cho tầu bè các nước cập bến, dân sự cũng như quân
sự … Trong quá khứ vẫn không sao cả, đây là lần đầu tiên có chuyện!
Singapore
vừa mềm mỏng, vừa cương quyết, đã giữ được độc lập trong đường lối đối ngoại và
không bao giờ chịu cúi đầu trước những đe dọa của Trung Cộng. Đây là một bài học
mà Việt Nam nên tìm hiểu. Thứ nhất, ngay từ khi lập quốc, giới lãnh đạo và người
dân quốc gia nhỏ bé này biết tự trọng, không chấp nhận vai trò nô lệ ngoại
bang. Thứ hai, dù theo một chính sách hạn chế nhiều quyền tự do của người dân,
chính quyền Singapore vẫn tôn trọng các quy tắc tự do dân chủ. Nhờ thế, mặc dù
một đảng đã nắm quyền từ nửa thế kỷ nay, họ cầm quyền chỉ vì được đa số cử tri
tín nhiệm. Trong một thể chế dân chủ, người cầm quyền có thể tin rằng dân chúng
luôn luôn đứng sau lưng mình trong các vấn đề đối ngoại. Bài học quan trọng
khác là dân Singapore được tự do kinh doanh, xã hội có luật pháp mà từ trên xuống
dưới ai cũng tuân thủ, cho nên kinh tế Singapore phát triển phồn thịnh khiến
“con voi” Trung Cộng cũng phải kính phục. Bao giờ nước Việt Nam mới được như vậy?
No comments:
Post a Comment