Saturday, December 10, 2011

XIN ĐỪNG CHÔN GIẤU LÒNG YÊU NƯỚC (Lê Nguyên Hồng)



Lê Nguyên Hồng
Saturday, December 10, 2011

Lòng yêu nước, yêu tổ quốc, lòng tự tôn dân tộc, là những khái niệm thiêng liêng của văn hóa Phương Đông. Lòng yêu nước không phải là thứ tình cảm dễ thể hiện ra ngoài. Và vì vậy mỗi khi có dịp bật ra, nó thường có cường độ mạnh để giải thoát những tình cảm, vốn vẫn được chôn giấu trong lòng. Ví dụ như đứng trước thiên tai, địch họa đe dọa sự sống còn của tổ quốc và dân tộc.

Lòng yêu nước còn là thứ tài sản tinh thần tự nhiên mà có, dành cho mỗi người dân trong một nước. Chẳng ai có quyền tước đoạt hay phân phối thứ tình cảm đặc biệt ấy. Không ai có quyền cho phép người này yêu nước, còn người kia thì không. Nhất là ai đó lại đem chuyện đạo đức này kia ra để áp đặt rằng: Anh này, chị kia không đủ tư cách để mà… yêu nước!

“Nhân vô thập toàn” – đó là điều hiển nhiên. Ngay đến thánh thần còn có lúc phạm tội, huống chi con người xác thịt. Những ví dụ đó có rất nhiều trong Thần thoại Hy Lạp, và ngay trong Thánh Kinh Thiên Chúa, nhiều vị hiển thánh như sứ đồ Phao –lô cũng từng là kẻ nhiều lần bắt bớ Chúa, sứ đồ Philip cũng từng 3 lần chối Chúa, điển hình là Judas – một môn đồ được Chúa tin yêu, nhưng cuối cùng vẫn quay lại phản Chúa. “7O tuổi chưa đui chưa què, chưa khoe làm tài” – người xưa đúc kết quả không sai! Trước đây, hôm nay, ngày mai, một người có thể chưa phạm sai lầm. Nhưng sau đó chưa chắc họ đã hoàn toàn trong sạch.

“Qủa thật, ta nói cùng các ngươi, những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm sẽ được vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi” – đó là lời Chúa phán trong sách Matthew, đoạn 21 câu 31- Thánh Kinh Tân Ước. Những người được cho là làm những công việc xấu như thâu thuế (bóc lột), mại dâm, đều được lên Thiên Đàng, nếu họ thực sự ăn năn. Đây cũng là bài học dạy cho những kẻ ngu dốt ở đời tự cho mình là trong sạch để từ đó phán xét người khác. Vậy vấn đề cần quan tâm đến phạm trù đạo đức là ở chỗ, một người đang sống như thế nào, họ đang và sẽ làm gì mà thôi.

Đối với lòng yêu nước, chẳng ai bắt ai phải thể hiện, họ có quyền chôn giấu tình cảm của mình, hay bộc lộ nó ra ở nhiều cấp độ khác nhau, thời điểm khác nhau. Nhưng nếu có dịp mà một ai đó không thể hiện lòng yêu nước bằng hành động, thì nhất định phải có lý do: Họ ngần ngại một điều gì đó, họ không đủ can đảm, hoặc họ sợ phải hy sinh.

Mấy ngày nay nghe tin chị Bùi Thị Minh Hằng - một người biểu tình yêu nước tại Hà Nội - bị bắt đi cải tạo “phục hồi nhân phẩm”, nhiều người Việt khắp nơi đã lên tiếng bênh vực chị. Nhưng cũng có một vài kẻ xấu nhân cơ hội này làm cái việc gọi là “bạch hóa” hồ sơ của chị Hằng. Một vài trang Web khiêu khích cũng cho đăng tải lại bài viết của những kẻ xấu, để nhằm tát nước theo mưa, hạ uy tín của người phụ nữ dũng cảm này…

Gỉa sử như chị Hằng trước đây từng là người xấu, nhưng chị đã dám xả thân bảo vệ tổ quốc bằng hành động ôn hòa, nhưng cương quyết trong nhiều cuộc biểu tình. Việc làm đó đã cho thấy, chị đúng là người yêu nước, và biết yêu nước đúng cách. Một giả sử khác nữa cho sát hơn: Nếu lúc nổ ra những cuộc biểu tình, chị Hằng đang ngồi tù vì án hình sự chẳng hạn, chị vẫn có quyền yêu nước, vẫn có quyền thể hiện lòng yêu nước bằng việc biểu tình trong tù.

Nếu yêu nước là độc quyền của những người tốt (theo tiêu chuẩn của ai đó tự ý đặt ra), thì đoàn biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hẳn chỉ toàn là các nhà sư, các nhà tu hành của các tôn giáo mà thôi. Và một điều nữa, tuyệt nhiên không thấy những “người yêu nước” núp trong bóng tối đã viết bài kể xấu chi Hằng đâu cả. Chỉ thấy nhờ những người như chị Bùi Thị Minh Hằng và hàng trăm, hàng ngàn người biểu tình khác, chế độ Độc tài Cộng Sản Việt Nam đã buộc phải miễn cưỡng chấp nhận lập đề án cho ban hành Luật biểu tình. Và cũng nhờ áp lực từ những cuộc biểu tình tác động đến công luận và Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới buộc phải công nhận sự thật đau đớn về Hoàng Sa và Trường Sa trước quốc dân...

Biểu tình tự phát là quyền, pháp luật không cấm, quyền này đã có trong hiến định. Những “người yêu nước” đã lớn tiếng phê phán chị Hằng là nên biết thế nào là luân thường đạo lý, những người viết bài phê phán chị Hằng là kẻ này kẻ nọ, họ có phải là người Việt Nam hay không? Sao không thấy họ đem cái “luân thường đạo lý” của họ ra mà thể hiện trong các cuộc biểu tình? Hoặc giả, họ lấy lý do là không thích đi cùng đoàn biểu tình tại Hà Nội, thì họ hoàn toàn có thể tổ chức những cuộc biểu tình khác của riêng họ, hoặc họ có thể dùng nhiều biện pháp khác để thể hiện lòng yêu nước. Tại sao họ không làm?

Nói vậy để thấy rõ ràng là chị Bùi Thị Minh Hằng đang bị kẻ xấu tấn công. Điều này đã từng xảy ra với rất nhiều cá nhân có bất đồng chính kiến với chế độ trong nước, và những thành viên của Phong trào Đấu tranh Dân chủ ôn hòa. Bươi móc đời tư là trò lố bịch, thiếu văn hóa, và vô cùng lạc hậu. Nhưng những kẻ xấu chẳng thể làm nổi điều gì hơn, họ chẳng dựa vào điểm nào khác để tấn công người yêu nước được. Xin nhắn đến những “người yêu nước” đã phê phán chị Hằng: Khi kịp lúc và có cơ hội, hãy đừng chôn giấu lòng yêu nước của mình. Hãy làm việc gì đó để thể hiện lòng yêu nước. Nếu không, họ mới chính là những người không yêu nước!

Lê Nguyên Hồng

.
.
.

No comments: