Thursday, December 29, 2011

TỪ MÀN SẮT TỚI TƯỜNG LỬA (Đào Trường Phúc, RFA)



Đào Trường Phúc gửi RFA
2011-12-29

Khi gõ hàng chữ "Kim Chính Nhật Chết, Kim Chính Ân Nối Ngôi" để đặt tựa cho bản tin trên báo Phố Nhỏ ngày 23/12/2011, tôi chợt nhớ đến một bài viết cũ, và từ bài viết ấy, không khỏi liên tưởng đến những biến chuyển dồn dập hơn hai thập niên vừa qua.

Những Điểm Nóng Trên Thế Giới
Năm 1994, lúc viết chương sách về Bắc Hàn trong cuốn "Những Điểm Nóng Trên Thế Giới Sau Chiến Tranh Lạnh" (đăng từng kỳ trên tạp chí Làng Văn trước khi xuất bản), tôi đã mất khá nhiều thời giờ vì những nhân danh và địa danh tiếng Đại Hàn. Các độc giả của báo chí Việt ngữ ngày hôm nay, mà đa số có thể là đọc "báo mạng" nhiều hơn "báo giấy", chắc khó hình dung được sự vất vả của một người viết báo tiếng Việt khi phải lược thuật cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 để phân tích về tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn mà lại nhất quyết muốn phiên âm Hán-Việt tất cả những gì có thể phiên âm, thay vì sao y bản chánh lối phiên âm Anh ngữ. Xin nhắc lại, hồi đó Internet chỉ mới bắt đầu tỏa rộng qua vùng Á Châu và Google còn chưa ra đời.

Nếu không nhờ sự giúp đỡ của một anh bạn ký giả người Nam Hàn làm cho tờ Korean Times (Hàn Quốc Thời Báo) ở Washington D.C., chắc chắn cuốn sách của tôi không thể có những ghi chú về địa danh như Pusan (Phủ Sơn), Taegu (Đại Khâu), Yalu (sông Áp Lục), Imjin (sông Lâm Tân), Panmunjom (Bàn Môn Điếm)... Ngay cả những nhân danh cũng chẳng dễ dàng gì hơn, ngoại trừ vài tên tuổi quen thuộc như Chou En-lai (Chu Ân Lai), Park Chung-hee (Phác Chánh Hy), Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), Rhee Seung-man (Lý Thừa Vãn)...

Mặc dù ngày 8 tháng 7 năm ấy (1994) Kim Nhật Thành mới chết vì cơn đau tim, nhưng giới theo dõi thời cuộc đều để ý đến việc nhà lãnh tụ cộng sản khát máu đã chuẩn bị "nhường ngôi" cho cậu thứ nam Kim Jong-il từ hơn hai năm trước đó. Báo chí thế giới loáng thoáng nhắc đến tin đồn nói rằng cậu con thứ này có dính líu đến vụ chết đuối của cậu con cả Kim Pyong-il, để rồi trở thành kẻ độc nhất kế vị ngai vàng Bắc Triều Tiên. Hư thực ra sao chưa rõ, chỉ biết là việc nhường ngôi đã diễn ra êm đẹp và kẻ nối ngôi tiếp tục con đường của ông bố, dìm đất nước đến mức tận cùng đói khổ trong khi không ngừng đe dọa an ninh và hòa bình thế giới.

Tôi xin phép mở dấu ngoặc ở đây để ghi lại lời cám ơn anh bạn ký giả Nam Hàn đã giúp tôi phiên âm Kim Jong-il thành Kim Chính Nhật, một cái tên mà tôi sẽ còn gặp khá nhiều lần suốt mười mấy năm trời mỗi khi làm tin về Bắc Hàn. Ngày 17 tháng 12 năm nay, một lần nữa tôi nhớ đến anh, khi đi tìm chữ Hán-Việt để phiên âm tên cậu con trai thứ ba của dòng họ cầm quyền: Kim Jong-un - Kim Chính Ân - kẻ gần như chắc chắn sẽ lại tiếp tục nối ngôi làm lãnh tụ theo truyền thống của một đất nước thiếu may mắn. [Ghi chú: Google Translate dịch lầm là "Kim Chính Vân" nhưng sau đó đã đính chính theo ký tự Đại Hàn trên các trang mạng].

Một đất nước thiếu may mắn. Vâng, thật khó có thể nghĩ khác hơn, nhất là sau khi chúng ta vừa coi hình ảnh những người dân Bắc Hàn vật vã khóc thương "lãnh tụ kính yêu" qua đời vì lên cơn đau tim trên đường công tác (?), thì chỉ vài hôm sau - ngay trước lễ Giáng Sinh - lại thấy hình ảnh những người dân ấy "vui mừng đến phát khóc" trước... một chậu cá. Bản tin Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) viết: "Tại thủ đô Bình Nhưỡng, chính quyền hôm nay 24/12/2011 đã quyết định phân phối cá cho dân chúng. Đây là một món ăn từ bao lâu nay có thể nói là xa xỉ đối với cuộc sống thiếu thốn của người dân Bắc Triều Tiên. Tờ Rodong Sinmun [tức Lao Động Tân Văn, tờ báo của nhà nước cộng sản Bắc Hàn] đã cho đăng tấm ảnh chụp một gia đình vui mừng đến phát khóc trước chậu cá chuẩn bị phân phát và cho biết việc làm này là thể theo yêu cầu của chủ tịch Kim Jong-il trước khi chết".

Hai triệu người chết đói
Phải là những người dân của một đất nước mà mới hơn 10 năm trước đây đã từng có ít nhất hai triệu người chết đói thì mới có thể vui mừng đến phát khóc chỉ vì sắp được ăn cá. Vì thế, song song với bản tin trên, ký giả Thụy My Đài RFI đã viết hẳn một bài trên trang blog của cô để nói rõ hơn về thành tích nuôi dân của lãnh tụ họ Kim đời thứ nhì, kẻ mà báo chí Tây phương cho biết "rất mê rượu vang, lúc nào trong hầm rượu cũng chứa cỡ 10,000 chai", đồng thời "có nguyên một bộ sưu tập cá nhân xe hơi Mercedes trị giá khoảng 20 triệu Mỹ kim", và "đã từng hào phóng bỏ ra ít nhất 160 chiếc Mercedes làm quà tặng cho các cán bộ cao cấp".

Xin trích vài đoạn từ bài viết "Kim Jong-il: Hai triệu người chết đói và một phút mặc niệm tại Liên Hiệp Quốc" trên blog Thụy My:
"...Có bao nhiêu người dân Bắc Triều Tiên đã chết đói trong thời kỳ từ 1994 đến 1998? Con số chính thức chỉ là 220,000, nhưng theo nhiều tổ chức phi chính phủ thì lên đến trên ba triệu người. Nhiều người chọn con số khiêm tốn hơn là hai triệu. Nạn đói không chỉ do một loạt thiên tai như lụt lội, hạn hán, nhưng chủ yếu là do bị đứt nguồn viện trợ khi Liên Xô bị sụp đổ, và Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ với Seoul [Nam Hàn]. Đất đai bị thâm canh quá lố cần nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, trong khi nguồn hàng này cũng như nguồn dầu lửa được hai nước anh em bán với giá hữu nghị không còn nữa.
Vào năm 2005, Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) ước lượng phân nửa dân số Bắc Triều Tiên đói ăn, và hơn một phần ba dân số bị suy dinh dưỡng, gần 40% số trẻ em chậm lớn. Từ năm 1993 đến 2008, tỉ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong tăng vọt lên 30%.
Liên Hiệp Quốc đã cố gắng kêu gọi viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng, nhưng chỉ tìm kiếm được có 20% trong số 218 triệu đô la cần huy động mà thôi. Các nước lo ngại thực phẩm viện trợ rơi vào tay các viên chức tham nhũng, dành để nuôi quân đội, hoặc tích trữ cho dịp mừng 100 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Il-sung (cha của Kim Jong-il) vào năm 2012 sắp tới".

Chắc chắn những dữ liệu trên đây đã đưa tới phản ứng của hầu hết các quốc gia trên thế giới trước cái chết của Kim Chính Nhật. Dù cho hình ảnh những người dân Bắc Hàn vật vã khóc thương "lãnh tụ kính yêu" có được rầm rộ tung lên mạng đến mấy đi nữa cũng chỉ nói lên một hiện tượng tuyên truyền nhồi sọ, chẳng thể nào đánh lừa được dư luận. Bài viết trên blog Thụy My cho biết tiếp:
"...Cũng xin nói thêm, trước đó vào ngày 19/12, như thường lệ hàng năm, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, chỉ vài giờ sau khi tin tức về cái chết của ông Kim Jong-il được công bố. Có đến 123/193 phiếu thuận, 51 vắng mặt, và chỉ có 16 phiếu chống - trong đó có lá phiếu của Trung Quốc.
Tối 22/12 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dành một phút mặc niệm cho cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên, qua đời hôm thứ Bảy 17/12 ở tuổi 69. Ông Nassir Abdulaziz Al Nasser, Chủ tịch Đại hội đồng cho biết đó là do yêu cầu của phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc và ông đã chấp nhận, nói rằng đây chỉ là vấn đề nghi thức. Vào lúc 15 giờ (giờ địa phương New York, tức 20 giờ GMT ngày 22/12 hay 3 giờ sáng ngày 23/12 nếu tính theo giờ Việt Nam) ông Nasser tuyên bố: "Nhiệm vụ đáng buồn của tôi là tưởng niệm ông Kim Jong-il", sau đó kể ra những chức vụ của cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên, rồi yêu cầu các đại biểu đứng dậy mặc niệm.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, nói chung là tất cả các nước Liên hiệp châu Âu đã tẩy chay phút mặc niệm. Các nhà ngoại giao của những nước này nói rõ, Hội đồng Bảo an đã từ chối phút thủ tục trên, và họ cho rằng đây là một hành động không phù hợp, đối với một nhân vật đã gây ra cái chết cho hàng triệu đồng bào mình. Theo ghi nhận của AFP, có chưa đến một phần ba trong số 193 quốc gia thành viên tham dự. Một nhà ngoại giao châu Á thổ lộ, phút mặc niệm này là giây phút khó chịu nhất mà họ phải chịu đựng. Mỗi người đến ký vào sổ phân ưu của phái bộ Bắc Triều Tiên đều bị quay phim, do đó một số nhà ngoại giao và nhà báo đã từ chối ký để tránh việc hình ảnh của họ sau đó bị lợi dụng để tuyên truyền."

Trong khi những tin tức và hình ảnh được truyền thông quốc tế ghi lại và phổ biến rõ ràng như thế, hãy thử tưởng tượng người dân Việt Nam nghĩ gì khi đọc trên báo "lề phải" những lời phát biểu của đại tướng bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Kim Jong-il, Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng CHDCND Triều Tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Triều Tiên, vị Lãnh tụ kiệt xuất của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Triều Tiên; người bạn, người đồng chí thân thiết của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Kim Jong-il không còn nữa, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí sống mãi trong trái tim của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, nhân dân và Quân đội nhân dân Triều Tiên anh em sẽ vượt qua đau thương và tổn thất to lớn này, đoàn kết một lòng, tiếp tục nỗ lực xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng".

Một trong những phản ứng của người dân Việt, ngay tức khắc, đã xuất hiện trên trang blog "lề trái" Dân Làm Báo, qua bài viết của Vũ Đông Hà:
"Vậy sao!? Trái tim của nhân dân Việt Nam, của 90 triệu người đang ngụp lặn, đang xì hơi đến vã người vì giá xăng, giá dầu, giá thịt, giá cá đụng trần nhà, còn có chỗ để một lão già phải gió nào chui vào trong đó sống mãi sao!? Bộ ông tưởng cái đất nước khốn khổ này, khốn khổ đến mức con người gần như vô cảm, còn chỗ để cho một tên cộng sản đời ông, đời cha, đời con chà đầu đạp cổ người dân Bắc Hàn, một tên bợm rượu, chỉ biết khoái xe Mercedes S600 Pullman Guard 1,4 triệu đô la một chiếc, sống xa hoa trong khi 2 triệu người dân bị chết đói... vào sống mãi trong tim chăng!? Và nó đã làm gì cho dân tộc Việt Nam?
Ông đại tướng quăng súng cầm khăn thương vay khóc mướn thì đó cũng là "nhân quyền" của ông đại tướng. Nhưng phải nói thật, dù lỗ mãng khi nói điều này với một người mang lon đại tướng, đứng đầu cái gọi là quân đội nhân dân: Việc mạo nhận tình cảm của 90 triệu người dân Việt Nam về một tên độc tài, khát máu, đồ tể ở mức độ "sống mãi trong trái tim" là một việc làm lếu láo, trịch thượng, khốn nạn và mất dạy"

Những giọt nước mắt khốn khổ
Từ những giọt nước mắt của người dân Bắc Hàn khốn khổ, rồi những giòng chữ phẫn nộ của người dân Việt Nam, có thể thấy được điều gì? Xin trở lại với chủ đề bài viết "Từ Màn Sắt Đến Tường Lửa".

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng biểu tượng "bức màn sắt" chắc chắn vẫn hiện hữu một cách sống động trong ký ức người dân Âu Châu và Bắc Mỹ. Còn đối với người dân Việt Nam, nhất là thế hệ ra đời sau Đệ nhị Thế chiến, "bức màn sắt" chỉ là một ý niệm qua báo chí và sách giáo khoa, vì tuổi thiếu niên cũng như tuổi trưởng thành của thế hệ Việt Nam 1945-1954 đã gắn liền với chiến tranh, với khói lửa, bom đạn, chết chóc, chia lìa..., tóm lại là chiến tranh hiểu theo nghĩa cụ thể và tàn bạo nhất, chứ không trừu tượng như ý niệm "chiến tranh lạnh". Sách báo ghi rằng Thủ tướng Anh Winston Churchill là người sử dụng từ ngữ "iron curtain" lần đầu tiên năm 1946 để nói về phần lục địa Âu Châu đã rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên bang Xô viết. Phần lục địa ấy bao gồm 8 thủ đô vùng Đông Âu (Warsaw, Berlin, Prague, Budapest, Vienna, Belgrade, Bucharest, Sofia), điều ấy có nghĩa là người dân Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Áo, Nam Tư, Romania, Bulgaria phải cam chịu sống dưới chế độ độc tài đảng trị và bị tước đoạt mọi quyền tự do cá nhân, v.v...

Tôi đã cố gắng ghi nhớ bài học giáo khoa trên đây, và suốt bao nhiêu năm trời "bức màn sắt" đối với tôi vẫn là một ý niệm trừu tượng, mơ hồ. Mãi cho đến 1987 - hai năm trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ và chiến tranh lạnh kết thúc - tôi mới có cơ hội đến tận nơi, nhìn tận mắt, để cảm nhận được phần nào cảnh đời của những con người sống phía sau "bức màn sắt".

Tôi sẽ không viết dông dài về kinh nghiệm ấy, mặc dù đã hơn hai chục năm qua vẫn chưa quên được cảm giác khó tả của mình, khi đứng nhìn "bức tường ô nhục" ngăn đôi thành phố Bá Linh, khi đi tới gần trạm biên giới nổi tiếng "Checkpoint Charlie", và nhất là khi đối mặt với những tên công an ở một đồn canh giữa vùng kiểm soát của cộng sản Đông Đức. Đó là một buổi tối cuối "tháng Tư đen", trong chuyến đi Âu Châu của 8 anh em Phong Trào Hưng Ca Việt Nam từ Bắc Mỹ qua sinh hoạt với đồng bào cư ngụ ở Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Tây Đức, Na Uy vào dịp Quốc hận 1987. Kinh nghiệm về đoạn đường băng ngang vùng cộng sản đã được một trong 8 anh em Hưng Ca ghi lại qua bài viết "24 giờ nghẹt thở Tây Bá Linh". Xin trích vài đoạn từ cuốn "Ký" của nhạc sĩ / nhà báo Nguyễn Hữu Nghĩa:

"Sáu giờ tối 28/4/1987, toán công tác của Hưng Ca rời hải cảng Hamburg, hướng về phía Bá Linh lên đường.
Bá Linh nằm sâu trong nội địa cộng sản Đông Đức như một cái túi, cách Tây Đức khoảng 300 cây số. Thành phố chia ra hai phần, phần rộng hơn do phe Đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp và Tây Đức) bảo vệ, phần hẹp do Hồng quân Nga kiềm soát. Có ba ngả từ Tây Đức vào Tây Bá Linh. Đồng minh phải trả một giá rất đắt mỗi năm để Nga và Đông Đức cho sử dụng ba thông lộ ấy. Tiền "mãi lộ" chỉ mua được phần đường có tráng nhựa mà thôi. Xe cộ phe ta lưu thông không được phép dừng lại trên đường. Muốn nghỉ, phải vào chỗ nghỉ trong vòng rào "bảo vệ" của lính Đông Đức, có trạm xăng vừa xấu vừa đắt; có cầu tiêu công cộng phải trả tiền, đại tiện cao giá hơn tiểu tiện; có trạm quốc doanh bán hàng kỷ niệm, tiếp khách hàng với vẻ nghi kỵ, thờ ơ...
...Chiếc Renault sáu máy ba băng ghế chín chỗ ngồi, è ạch đưa đoàn công tác tiến vào trạm kiểm soát vòng đai. Từ xa, trông bộ dạng đằng đằng sát khí y hệt như những đồn bót biên phòng thời chiến, du khách yếu bóng vía không khỏi chột dạ, chỉ muốn tháo lui, tìm lối khác vui hơn. Tám anh em Hưng Ca không phải là du khách, tới Tây Bá Linh có mục tiêu công tác hẳn hoi, với gần ba ngàn đồng bào khát khao chờ đợi, dú ngang qua địa ngục cũng phải đi, huống hồ mấy chú cộng sản hầm hè dọa nạt này. Nghĩ thì nghĩ vậy, mà lo thì cứ lo. Bạo lực chỗ nào cũng có... Trên mặt trận văn hóa và chính trị này, đối phương chắc chắn không nhá nổi cái màn anh em ta vác đàn đi khắp các cộng đồng trên thế giới, hát gây quỹ vớt thuyền nhân, hát chống kinh tài, hát tẩy chay du lịch... Có khó gì đâu, Việt Cộng tại Âu Châu chỉ cần nhấc điện thoại lên yêu cầu các "đồng chí" giữ cửa ải Đông Đức chận đoàn công tác lại. Không cần phải ám hại lôi thôi, chỉ cần giam lại đồn trong 24 giờ, hoặc làm khó không cho qua, là đêm sinh hoạt hôm sau sẽ phải hủy bỏ...
...Trạm thứ nhất đã qua (...) Trạm thứ hai (...) Tới trạm thứ ba. Gã công an biên phòng Đông Đức điểm qua một vòng, xem xét mớ giấy thông hành, hỏi cả giấy thuê xe, thẻ chủ quyền xe, rồi vẫy Đ.T.P. và N.T. vào trạm. Cả bọn nhìn nhau dọ ý. Không có cách nào khác hơn, hai người bạn gầy gò nhất bọn uể oải xuống xe, theo vào trong đồn. Một gã công an khác lùa cả bọn đậu xe vào một góc khuất, chung quanh có các ụ chướng ngại vật chận bốn góc. Họng súng đại liên nấp sau các lỗ châu mai trong lô-cốt bê-tông cốt sắt vẫn chong thẳng vào chiếc Renault chở sáu người còn lại. Các xe cùng xếp hàng phía sau lom lom nhìn đoàn công tác với vẻ băn khoăn lo sợ. Các xe được phép cho đi cũng còn ném lại một tia mắt dò hỏi, phỏng đoán..."

Câu chuyện khá dài, chỉ xin nói tóm tắt là nhóm anh em Hưng Ca khởi hành từ 6 giờ chiều, lần lượt đi qua 4 trạm kiểm soát của Đông Bá Linh, đoạn đường chỉ có 300 cây số (186 miles) vậy mà mãi 1 giờ khuya mới đến được vùng đất Tây Bá Linh. Một trong những nguyên nhân chậm trễ là vì hai thành viên trong nhóm chưa nhập quốc tịch Mỹ, chỉ mang theo travel documents mà không có passports, bị công an Đông Đức giữ lại, đưa vào trạm, bắt chụp ảnh, khai lý lịch, tra vấn suốt hơn hai tiếng đồng hồ rồi mới chịu cấp một tờ "visa entry" đánh máy ký tên nguệch ngoạc...

Ai cũng hiểu, lý do duy nhất khiến cộng sản Đông Đức phải lập tới 4 trạm kiểm soát cho một đoạn đường ngắn, và phải khám xét, nhận diện, hạch hỏi một cách khắt khe đến như vậy, chỉ là để ngăn chận những người dân từ "thiên đường" Đông Bá Linh trốn sang Tây Bá Linh. Dù vậy, các tài liệu khả tín cho biết, tính từ ngày bức tường Bá Linh được dựng lên (13 tháng 8 năm 1961) cho đến ngày bức tường sụp đổ (9 tháng 11 năm 1989) đã có không dưới 5000 người tìm đủ mọi cách để trốn qua vùng đất tự do, và ít nhất 200 người kẻ cả phụ nữ trẻ em đã bị lính biên phòng Đông Đức bắn chết trong lúc đào thoát bằng ngả "Berlin Wall". Những con số ấy nói lên rất nhiều. Có lẽ chỉ thua những con số liên quan tới làn sóng thuyền nhân Việt Nam: theo ước tính của Rudolph Rummel (giáo sư chính trị học tại Đại học Hawaii), gần nửa triệu trong số 2 triệu thuyền nhân đã bỏ xác ngoài biển khơi trên đường đi tìm tự do.

Với sự tan rã của Liên bang Xô viết và sự sụp đổ của một loạt các chế độ cộng sản Đông Âu, kể từ đầu thập niên 90 "bức màn sắt" đã lui vào quá khứ; đài tưởng niệm các nạn nhân bức tường Bá Linh hay các "đài tưởng niệm bức màn sắt" ở Cộng hòa Tiệp và ở Hung Gia Lợi nay trở thành những chứng tích lịch sử cho một giai đoạn đen tối của Âu Châu và cả thế giới. Quả thật cuộc chiến tranh lạnh là một giai đoạn đen tối đã qua đi. Tiếc thay, bình minh vẫn chưa thực sự trở về với nhân loại.

Ngày 9 tháng 11 năm 2009, một buổi lễ trọng thể được tổ chức tại Brandenburg Gate để kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Bá Linh sụp đổ. Cùng ngày đó, một trang mạng được thiết lập với danh xưng "Berlin Twitter Wall" để cho bất cứ ai sử dụng Twitter trên toàn thế giới cũng có thể gửi lời nhắn lên đó. Ngay tức khắc, cả ngàn người dân Hoa Lục gửi lên trang mạng những giòng chữ mượn cớ chúc mừng thành phố Bá Linh để phản đối cái mà họ gọi là "the Great Firewall of China". Ngày hôm sau, nhà cầm quyền Trung Cộng ra lệnh chận đứng trang mạng "Berlin Twitter Wall" không cho dân chúng truy cập nữa.

The Great Firewall
"The Great Firewall of China" ("Phòng hỏa trường thành" theo âm Hán-Việt) là một hình thức chơi chữ của công dân mạng ở Hoa Lục, ghép hai chữ "trường thành" từ "Vạn lý trường thành" với công cụ "tường lửa" do nhà nước dựng lên để ngăn chận truy cập Internet -- bất chấp mục tiêu nguyên thủy và chính đáng của "tường lửa" (firewall) chỉ nhằm ngăn chận sự phá hoại của bọn hackers hoặc những kẻ tội phạm khai thác tình dục trẻ em trên Internet. Cũng nên nói thêm: Dựng "tường lửa" là một chính sách công khai, được nhà cầm quyền Trung Cộng giao cho Bộ Công an thực hiện qua dự án mang tên "Golden Shield Project" ("Kim thuẫn công trình") từ năm 1998, tức 4 năm sau khi mạng lưới thông tin toàn cầu lan tới lục địa Trung Hoa và bắt đầu đe dọa chủ trương độc quyền thông tin của đảng Cộng sản. Theo sự tìm hiểu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, từ 30,000 đến 50,000 công an được giao nhiệm vụ kiểm duyệt Internet theo dự án này.

Lẽ tất nhiên chuyện kiểm duyệt Internet ở Hoa Lục, Cuba, Lào, Bắc Hàn, Việt Nam, hay ở Iran, Syria, Saudi Arabia, Miến Điện... không phải chỉ gói trọn trong việc sử dụng nhu liệu "tường lửa" để hạn chế thông tin. Ngoài "tường lửa", lực lượng công an mạng của các chế độ độc tài, tùy nơi tùy lúc, còn áp dụng một số biện pháp quái gở hơn, thí dụ như kiểm soát trực tiếp các máy điện toán cá nhân có nối mạng, hoặc kiểm soát lý lịch và động tác của từng khách hàng ở những địa điểm cung ứng Internet, hoặc ký mật ước với các công ty dịch vụ Internet để yểm trợ việc theo dõi những "đối tượng đáng nghi ngờ", hoặc giản dị, trắng trợn hơn nữa là xông thẳng vào nhà của "đối tượng" và tịch thu nguyên giàn máy computer mang về trụ sở để vừa điều tra vừa vu oan giá họa...

Trong bầu không khí đầy bất trắc đối với tập thể công dân mạng thiếu may mắn phải sống dưới những chế độ như thế, "tường lửa" chẳng khác nào một "bức màn sắt mới", được dựng lên trong không gian ảo để ngăn họ với thế giới bên ngoài. Nhưng cũng giống như "bức tường ô nhục" cắt đôi thành phố Bá Linh hay các trạm gác biên giới dọc theo "bức màn sắt" thời chiến tranh lạnh, những bức "tường lửa" ngày hôm nay chỉ nói lên sự thất bại của thể chế độc tài. Là vì những con người khao khát tự do bao giờ cũng sẵn sàng trả giá để đổi lấy tự do. Họ dư hiểu mối đe dọa đối với bản thân nếu họ tìm cách "vượt tường lửa", họ cũng đoán trước các thủ đoạn tàn bạo và thô bỉ có thể được dùng để đối phó với họ, nhưng họ vẫn chấp nhận tất cả, chỉ để gửi những thông điệp bằng tim óc họ cho đồng bào ruột thịt của họ và cho thế giới tự do.

Ngày 8 tháng 12, 2011, trong bài diễn văn đọc tại hội nghị quốc tế về Internet tại thành phố The Hague của Hòa Lan, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton một lần nữa lên án chính sách kiểm duyệt Internet, kêu gọi xây dựng một "liên minh toàn cầu thực thụ" nhằm duy trì mạng lưới thông tin mở rộng, đồng thời vận động mọi quốc gia góp sức hỗ trợ những phóng viên báo mạng và bloggers đang bị các chính phủ độc tài của họ đàn áp tàn tệ. Bà Clinton dẫn chứng vài trường hợp: "Tại Syria, một blogger tên là Anas Maarawi bị bắt hôm 1 tháng 7 sau khi đòi Tổng thống Asad phải từ chức. Anh ta chẳng bị cáo buộc tội danh nào cả, nhưng vẫn tiếp tục bị giam giữ. Tại Iran và Syria, rất nhiều nhà hoạt động trên internet - quá nhiều đến nỗi không thể nêu hết tên - đã bị quản thúc, bỏ tù, đánh đập, thậm chí bị giết chỉ vì bày tỏ chính kiến của họ và tập hợp đồng bào trong nước. Alexei Navalny, có lẽ là blogger nổi tiếng nhất của nước Nga, mới vửa bị kết án 15 ngày tù sau khi tham gia các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử...".

Mặc dù hội nghị The Hague hay bất cứ hội nghị nào khác cũng không thể đúc kết bản danh sách đầy đủ các nạn nhân bị đày đọa vì dám thách thức bức "tường lửa" để gửi tiếng nói của họ đi khắp nơi, nhưng rõ ràng là những tiếng nói ấy không bị lãng quên, và quan trọng hơn nữa, vẫn tiếp tục cất lên không ngừng nghỉ, dưới nhiều hình thức khác nhau và với sự góp sức của vô số chiến hữu cũ và mới. Lưu Hiểu Ba tuy còn trong ngục tù nhưng các bài viết cho tờ báo mạng "Minzhu Zhongguo" (Dân Chủ Trung Quốc) mà ông từng làm chủ bút vẫn đều đều xuất hiện trên các blog và Facebook ở Hoa Lục. Alexei Navalny vừa ra khỏi tù hôm 21/12 đã lập tức trở lại với trang blog "Live Journal" và đón nhận hàng ngàn lời chào mừng của độc giả khắp nước Nga. Yoani Sánchez Cordero sau mấy lần bị công an Cuba bắt cóc, bắt giam, đánh đập tàn tệ, vẫn bền bỉ lên tiếng hô hào tự do dân chủ, và nhờ sự tiếp tay của các thân hữu ở nước ngoài, trang blog "Generación Y" của bà càng bị ngăn chận lại càng nổi tiếng, thu hút khoảng 14 triệu độc giả hàng tháng trên khắp thế giới.

Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày vừa mãn án 3 năm tù về tội "trốn thuế" hôm 19/10/2010 thì lại bị công an bắt mang đi biệt tích, cho tới nay đã 14 tháng trời chưa biết số phận ra sao, nhưng "Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do" do anh sáng lập vẫn tiếp tục hoạt động qua trang blog cùng tên cũng như qua blog "Dân Làm Báo" và Facebook của các bạn bè anh khắp ba miền đất nước... Khi người dân có thể tìm hiểu để biết được mọi tin tức trước đây bị bưng bít, khi hình ảnh tên công an này bịt miệng một tu sĩ giữa tòa án hay tên công an kia đạp mặt người biểu tình yêu nước tuy bị báo "lề phải" giấu diếm nhưng lại xuất hiện kịp thời trên báo "lề trái" và lan rộng toàn thế giới, điều ấy có nghĩa là những người tiên phong như blogger Điếu Cày đã thành công trong sứ mạng mà họ tự lựa chọn.

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ tại hội nghị The Hague đưa ra một nhận định chính xác: "Dựng lên những bức tường chia rẽ mạng internet dễ hơn là duy trì chúng (...) bởi vì những chính phủ nào đã dựng lên các rào cản thì cuối cùng sẽ tự thấy mình bị cô lập, và họ sẽ phải đối diện với thế tiến thoái lưỡng nan của kẻ độc tài. Họ sẽ phải lựa chọn giữa việc phá bỏ các bức tường đó hoặc trả một giá đắt để duy trì chúng bằng cách đàn áp thêm nữa mà lại phải chịu thiệt thòi nhiều hơn vì tự bỏ lỡ những tư tưởng đã bị ngăn chận và những người dân đã biến mất".
Một ngày cuối năm 2011, ngồi viết bản tin về cái chết của một kẻ độc tài, tôi vẽ ra trong đầu vài thời điểm đáng nhớ của hơn hai thập niên qua để hồi tưởng một số sự kiện, từ hình ảnh "bức tường ô nhục" và những trạm kiểm soát của cộng sản Đông Đức mà mình từng đi qua, cho đến hình ảnh trên báo chí, truyền hình, ghi lại giờ phút bức tường sụp đổ rồi cả một "bức màn sắt" sụp đổ theo. Tôi lục kiếm lại mấy cuốn sách đã mua ở Tây Bá Linh để lưu niệm chuyến đi ngày ấy, và nhận thấy rằng hầu hết những tấm ảnh chụp "bức tường ô nhục" ở trong sách bây giờ có thể tìm được trên mạng lưới toàn cầu. Cũng như lúc làm tin về tập đoàn lãnh đạo Bắc Hàn, những tên phiên âm Hán-Việt của Kim Jong-un (Kim Chính Ân, kẻ sắp nối ngôi), cô ruột của y Kim Kyong-hui (Kim Kính Cơ) và chồng mụ ta Jang Song-taek (Trương Thành Trạch), bây giờ tôi có thể tìm được dễ dàng mau chóng từ các trang mạng, chứ không phải vất vả tra cứu như hồi 17 năm trước.

Rõ ràng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã không ngừng đưa nhân loại đến gần với nhau hơn. Cũng chính vì thế, sự trao đổi kiến thức và luân chuyển tin tức càng giúp ích cho con người bao nhiêu thì càng đe dọa những chế độ độc tài muốn kiểm soát tư tưởng và hành động của con người bấy nhiêu. Người dân Đông Âu phải mất 44 năm trời mới phá tan được "bức màn sắt", nhưng đến cùng với sự tháo gỡ những biên giới chính trị đầu thập niên 90 là cả một kỷ nguyên thông tin làm thay đổi bộ mặt thế giới. Với đà phát triển không ngừng của mạng lưới toàn cầu, kỷ nguyên ấy được đánh dấu bằng sự ra đời của điện thoại di động, email, các trang blogs cá nhân, trang mạng YouTube để trao đổi videos, rồi các dịch vụ nối kết mạng lưới xã hội như Facebook, Twitter... Và rồi bước sang cuối năm 2010 đầu năm 2011, tất cả những công cụ truyền tin này đã đóng vai trò quan trọng để làm dấy lên một làn sóng biểu tình và cách mạng từ Bắc Phi đến Trung Đông, lật đổ một loạt các chế độ độc tài chẳng khác gì cơn thịnh nộ của những con người cùng khổ đã vùng lên đạp ngã "bức màn sắt" Đông Âu.

Tương tự như đế quốc Liên Xô đã phải dựng "bức màn sắt" để kiểm soát người dân các nước chư hầu, những chế độ độc tài còn lại trên trái đất buộc lòng phải rập khuôn nhau dựng hàng loạt "tường lửa" - vừa bằng kỹ thuật vừa bằng bạo lực - để đối phó với làn sóng phản kháng đã khơi nguồn từ "cách mạng hoa lài Tunisia" và "mùa Xuân Ả Rập". Thời điểm cuối năm Tân Mão 2011 được đánh dấu bằng hình ảnh đó: những bức tường lửa mong manh như cố gắng tuyệt vọng của một bọn điên rồ muốn níu lại vòng quay của bánh xe lịch sử.

Đào Trường Phúc (12-2011).

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: