Saturday, December 31, 2011

2011 : TÀU NUỐT VIỆT NAM - ĐẢNG TỰ TAN (Phạm Trần)



Phạm Trần
Thứ sáu, 30 Tháng 12 2011 14:32

Năm 2011 khép lại với nhiều biến cố không bình thường đã đến với đất nước và con người Việt Nam, nhưng tương lai lại mờ mịt hơn bao giờ hết.

Nỗi lo lớn nhất đến từ 6 điểm thỏa hiệp ghi trong “Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” đã được ký tại Bắc Kinh ngày 11/10/2011 giữa Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, và Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trung Hoa, trong đó có vấn đề “hợp tác cùng phát triển” trên các vùng biển tranh chấp giữa 2 nước ở Biển Đông.

Trung Quốc sẽ bắt đầu khoan dầu ở quần đảo Trường Sa vào năm 2012

Nhưng ranh giới tranh chấp lại không rõ trên diện tích bao la ước lối 3,500.000 cây số vuông mà người Tàu gọi là biển Nam Trung Quốc. Càng khó khoanh vùng hơn khi Bắc Kinh đã ngang nhiên nhận có chủ quyền trong vùng biển đảo nằm trong bản đồ có hình Lưỡi Bò, hay còn gọi là “Đường Chín Đoạn” chiếm từ 80% đến 85% diện tích Biển Đông, có đường ranh chạy sâu vào lãnh hải của Việt Nam, Nam Dương (Indonesia), Mã Lai Á (Malaysia), Brunei và Phi Luật Tân (The Philippines)

Trung Cộng đã vẽ vùng chủ quyền khi họ gửi Công hàm cho Liên Hiệp Quốc ngày 7/5/2009 để phản đối Việt Nam đã nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa với Liên Hiệp Quốc theo Luật biển 1982.

Bắc Kinh nói với Liên Hiệp Quốc rằng: “ Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó”.

Hành động “tự nhận” vô bằng cớ lịch sử bao gồm cả hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Như vậy, khi Nguyễn Phú Trọng ký đồng ý “hợp tác cùng phát triển” với Tàu thì có khác nào “trao trứng cho Ác”, vì hành động này đã rơi vào bẫy của Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ Trung Hoa từ 1975 đến 1982.
Nhưng thỏa thuận “hợp tác cùng phát triển” ngày 11/10/2011 giữa Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào có khác với lập trường “Gác tranh chấp, cùng khai thác” của Đặng Tiểu Bình đã đặt ra với các lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN khi hai nước thảo luận tái lập quan hệ ngọai giao năm 1990, dưới thời Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Văn Linh và sau đó đến lượt Đỗ Mười, từ năm 1991?

Cả hai chủ trương hợp tác này đã giấu đi lập trường cốt lõi nguy hiểm của họ Đặng, theo Tiến sĩ Vũ Cao Phan, nhà nghiên cứu quan hệ Việt – Trung, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc. Theo ông Phan thì “toàn bộ” câu nói của Đặng Tiểu Bình là “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Ông Phan tiết lộ ý đồ của Đặng Tiểu Bình trong cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc), được phát trong Chương trình liên tuyến “Nhất hổ nhất tịch đàm” đến hơn 150 quốc gia trên thế giới tối thứ bảy, 25/6/2011.

Nhà nghiên cứu Vũ Cao Phan nói với Phóng viên của đài Phượng Hoàng rằng: “Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là “chủ quyền”!

Nên biết hai điều quan trọng nhất của Thỏa hiệp “Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung”ngày 11/10/2011 viết nguyên văn:

4. “Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này”.
5. “Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn”.

Như vậy, có phải ông Trọng đã “trúng kế” Hồ Cẩm Đào hay đã bị Tàu “mua đứt” để di hại cho đất nước?
Lo âu thứ hai là Lãnh đạo đảng và Nhà nước CSVN đã nhượng bộ trước áp lực của Trung Cộng như đã chứng minh trong trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 20 đến 22/12/2011 của Phó Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa, Tập Cận Bình.

Hai nước Việt-Trung đồng ý rằng: “Đối với những vấn đề tồn tại hay mới nảy sinh, trong đó có vấn đề trên biển, hai bên tuân thủ nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã đạt được và nghiêm chỉnh thực hiện “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” đã ký giữa hai nước, cùng nỗ lực xử lý, giải quyết thỏa đáng, có lý, có tình, không để ảnh hưởng xấu đến đại cục quan hệ, đi tới giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được”.

Nhưng “đại cục quan hệ” chỉ có lợi cho Trung Cộng khi ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng phải làm theo yêu cầu của Tập Cận Bình: “Hai bên nhất trí cho rằng cần nhanh chóng thành lập cơ chế trao đổi về việc triển khai Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên giao cho Đoàn đàm phán chính phủ hai nước sớm gặp và trao đổi về việc triển khai thực hiện Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”.

Như vậy rõ ràng chuyến sang Việt Nam của Tập Cận Bình, người sẽ thay Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Cộng năm 2013, chỉ nhằm mục đích ép Việt Nam phải mau chóng “đàm phán” việc thi hành thỏa thuận “hợp tác cùng phát triển” ở Biển Đông để cho Tàu tha hồ vơ vét tài nguyên và dầu khí của Việt Nam, đặc biệt quanh vùng Trường Sa và Hoàng Sa, một cách hợp pháp!

Đàn áp theo lệnh Tàu
Nỗi lo thứ ba là Công an Nhà nước Việt Nam đã thẳng tay đán áp dã man, bắt giam trái phép và khủng bố những công dân yêu nước tự phát xuống đường biểu tình chống Tàu xâm chiếm đất đai và biển đảo của Việt Nam trong hai tháng 8 và 9/2011 tại Sài Gòn và Hà Nội.

Công an làm việc này để thi hành lời hứa với Tàu của Nguyễn Chí Vịnh, Trung tướng, Thứ trường Quốc phòng Việt Nam trong lần họp “Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt – Trung lần thứ hai” tại Bắc Kinh ngày 28/08/2011.

Nguyễn Chí Vịnh đã cam kết với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ dẹp biểu tình chống Tàu, theo tường thuật của Bảo Trung, Báo Quân đội Nhân dân, ngày 30/8/2011:“Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn. “Các thế lực thù địch hiện có hai luận điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”.

Hành động bạc nhược, nô lệ Tàu của Nguyễn Chí Vịnh, con Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người hùng của Quân đội CSVN, có đáng bị phỉ nhổ không hay nên bị lịch sử “phanh thây xé thịt”?

Nỗi buồn thứ tư là sự nhu nhược trước bạo quyền cai trị của một thiểu số lãnh đạo trong đảng; quy phục trước âm mưu lấn chiếm biển đảo Việt Nam của Bắc Kinh và phản bội sự tin cậy của dân của Quốc hội nhà nước CSVN.
Quốc hội mang danh đại biểu của dân nhưng cơ quan quyền lực cao nhất nước này đã hoàn toàn vô dụng không bảo vệ được quyền lợi cho dân và quyền lợi của đất nước.

Đối nội, Quốc hội không dám bênh vực dân khi dân bị những kẻ có chức, có quyền bóc lột, đàn áp; không dám phê bình, cách chức lãnh đạo khi họ có lỗi nghiệm trọng làm hại đến tài sản và quyền lợi của Tổ quốc. Điển hình như vụ làm ăn thua lỗ trên 1000 tỷ đồng của tập đoàn Tàu thủy Vinashin mà không một Bộ trưởng nào bị cách chức.
Quốc hội cũng không dám ngăn đảng làm dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên dù biết dự án kinh tế này chỉ làm lợi cho Tàu, phá hoại tàn sản của Tổ tiên và làm hại nền kinh tế quốc gia.

Về mặt đối ngoại, Quốc hội đã nghiêm chỉnh thi hành lệnh của Bộ Chính trị không được thảo luận và lên án hành động ngang ngược đàn áp ngư dân và lấn chiếm biển đảo, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia Việt Nam của Trung Cộng ở Biển Đông.

Là cơ quan đại diện dân, nhưng Quốc hội chỉ biết phục vụ quyền lợi và bảo vệ đảng nên tính bù nhìn ngày một lên cao. Cơ quan này cũng đã bất lực trước những thỏa hiệp giữa lãnh đạo đảng với nước ngoài, cho dù các thỏa hiệp này có hại cho tổ quốc như đã chứng minh trong chuyến thăm Tàu của ông Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10/2011 và chuyến thăm Việt Nam mới đây của Phó Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình (từ ngày 20 đến 22/12/2011).

Nỗi buồn thứ năm là tình hình kinh tế càng ngày càng tồi tệ. Đại đa số dân chưa đủ cơm ăn, áo mặc, con cái không được học hành, vật giá leo thang, đồng lương lao động không đủ sống qua ngày.

Mức lạm phát đã vượt quá 18% vào những ngày cuối năm là dấu hiệu nền kinh tế đang nằm trên ngưỡng cửa tụt hậu. Con số 48.700 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải giải thể hay ngừng hoạt động hoặc không có hoạt động rong 9 tháng năm 2011 là dấu hiệu phá sản đang lan rộng.

Trong khi đó, tình trạng cán bộ đảng viên tiếp tục tham nhũng, sống mất phẩm chất, suy thoái tư tưởng lên cao đến mức báo động là điều đã được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng nhìn nhận trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương bốn ngày 26/12/2011.

Ông Trọng nói: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”.Đây là lần thứ hai, trong vòng 12 năm kể từ tháng 2 năm 1999 khi Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ra Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, Trung ương khóa XI lại phải họp để bàn tiếp về Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay”.

Điều này có nghĩa những gì đảng nói đảng viên phài làm, phải học tập và phải rèn luyện trong suốt 12 năm qua để thành những con người gương mẫu, trong sạch để được dân yêu đã như nước đổ đầu vịt.

Lê Khả Phiêu lên tiếng
Người có trách nhiệm thi hành Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) của Khoá đảng VIII là Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư đảng thời đó đã lên tiếng giải thích tại sao chưa làm được chuyện “xây dựng Đảng”.

Trong Bài viết “Muốn Đảng mạnh phải loại bỏ chủ nghĩa cá nhân” trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 29/12 /2011, ông Phiêu nói: “ Trước hết, tôi phải khẳng định rằng: Đảng đã có khắc phục hạn chế, yếu kém bởi nếu không khắc phục thì Đảng không thể tồn tại, không đủ năng lực để lãnh đạo đất nước được như hiện nay. Nhưng việc khắc phục đó chưa theo kịp với tình hình, thậm chí có những suy thoái còn nặng hơn, trầm trọng hơn. Tại Đại hội XI Đảng cũng đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… và chỉ rõ rất nhiều biểu hiện như chạy chức, chạy quyền, chạy huân chương…”

Theo Phiêu thì cơ bản của vấn đề là nhiều người trong đảng, kể cả cấp Lãnh đạo đã đánh mất điều được gọi là “Đạo đức cộng sản”.

Nguyên Tổng Bí thư đảng VIII viết rằng: “ Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội phải đứng trên cái chung mà xem lại mình. Đối với cái chung, mình làm như thế nào, đối với bản thân, mình giữ sự trong sạch đến đâu? Hai cái đó đã nhuần nhuyễn chưa. Thực tình, tôi thấy là chưa được, hoặc có lúc được, có lúc chưa được, thậm chí có người hư hỏng, kéo dài; kể cả về quan điểm tư tưởng chính trị; kể cả việc giữ đạo đức trong sạch của người cộng sản. Như thế thì cái chất cộng sản không còn và như thế chúng ta cũng làm không đến nơi, đến chốn và nguyên nhân sâu xa nhất chính là chúng ta đã không đấu tranh triệt để với chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta chưa chữa trị được căn bệnh này. Chủ nghĩa cá nhân trong Đảng được ví như bệnh ung thư, nó hết sức nguy hiểm”

Vậy bây giờ muốn sửa đổi thì đảng phải làm gì? Ông Phiêu trả lời: “Từ trước tới nay Đảng ta đã đề ra rất nhiều rồi, rất đúng, rất trúng rồi, nhưng chúng ta làm không đến nơi, đến chốn hoặc là không chịu làm, hoặc nói một đường, làm một nẻo. Tôi nói ví dụ, ai cũng hiểu, nguyên tắc tổ chức của Đảng là không cho phép một người có quyền quyết định bất kỳ việc gì. Nhưng thực tế thì lại có chuyện này. Khi triệu tập hội nghị thì số đông ngồi im, nhưng ra ngoài nói đủ thứ. Bác Hồ từng nói: Trong hội thì im lặng, nhưng ngoài hội thì nhiều mồm. Như thế là rất cá nhân. Thấy cái sai thì lờ đi, cái đúng không bảo vệ. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì Đảng ngày càng hư hỏng và đến một lúc nào đó là mất chế độ”.

Ông Phiêu đồng ý với Trọng là “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị” trong đảng viên đang đe dọa sự sống còn của đảng.

Ông Phiêu nói: “Một vấn đề lớn nữa là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị. Đây là vấn đề rất hệ trọng nhưng tôi thật tiếc tại Hội nghị này Trung ương lại chưa có đủ thời gian để đề cập đến. Thực tế hiện nay đối với công tác xây dựng Đảng, nếu không nhận rõ được vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị là gì thì không thể có giải pháp thực hiện hiệu quả. Bác Hồ từng dạy: Kiến thiết đất nước gồm 4 yếu tố: Chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Bốn yếu tố này có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, nhưng chính trị chính là yếu tố quyết định. Vì vậy, nếu suy thoái về tư tưởng chính trị thì sẽ dẫn đến suy thoái cả về kinh tế, xã hội và văn hóa. Như thế là đi chệch hướng, mà ở chúng ta chính là chệch hướng XHCN. Nghĩa là cái “chất” CNXH không được xây dựng cao lên, mà làm tụt đi, mặc dầu kinh tế có thể phát triển. Điều này trên thế giới đã có nhiều bài học và thực tế cũng đã và đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới…”.

Vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng bảo đảng viên: “ Những việc cần và có thể làm ngay phải chăng là: Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại”.

Ông Trọng cũng yêu cầu: “ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; cải tiến, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”.

Những điều ông Trọng nói không mới. Các chứng hư tật xấu này đã được lãnh đạo đảng nói nhiều tại Đại hội toàn quốc XI hồi tháng 1/2011.

Có mới chăng là chúng được lập lại trong mội Hội nghị riêng ngay trong thời kỳ đầu của Ban Chấp hành Trung ương đảng XI

Những việc phải làm ngay, theo lệnh của Trọng gồm : “ Phải khẩn trương đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, chế độ sinh hoạt đảng; kiểm tra, giám sát việc tự rèn luyện và giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, cho phù hợp với điều kiện mới. Xây dựng quy định cụ thể về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh thực hiện chất vấn trong Đảng. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, gắn với việc tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; có cơ chế giám sát chặt chẽ của tổ chức đảng và nhân dân, kịp thời thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, nhà ở, bảo đảm cho cán bộ, công chức có mức sống ổn định và có điều kiện để giữ liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi”.

Tất cả những việc này cũng đã được Đảng ra lệnh thi hành liện tục từ 3 Khóa đảng VIII, IX và X. Bây giờ đến khóa đảng XI lại làm lại từ đầu là bằng chứng của sự bất lực, rệu rã, bất tuân lệnh, trên bảo dưới không nghe của trên 3 triệu đảng viên.

Vì vậy, ông Trọng đã cảnh giác như trước đây các Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh đã làm. Ông Trọng nói: “Chúng ta biết rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Nhưng liệu lời nói của ông Trọng lần này có hiệu lực hơn các Tổng Bí thư tiền nhiệm chăng thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Trọng cũng khuyên các cấp đảng viên: “Ban Chấp hành Trung ương phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại; và không được để ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên của chúng ta”.

Nhưng “kẻ xấu” là ai, hay chúng chính là những kẻ “nội thù” trong hàng ngũ đảng đang làm cho đảng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”?

© Phạm Trần(Cuối 2011)

.
.
.

No comments: