Thursday, December 29, 2011

NHỮNG BỨC TRANH BIẾT LÊN TIẾNG (Tường An, RFA)



Tường An, thông tín viên RFA
2011-12-29

Vì một lý do rất ngẫu nhiên, gần đây, tại Paris có một họa sĩ đã nảy ra ý kiến vẽ những bức tranh của những nhà bất đồng chính kiến hiện đang bị cầm tù hay đã được tự do.

Và ông dùng tiền thu được từ những bức tranh này để góp phần vào việc giúp đỡ thân nhân của họ. Thông tín viên Tường An ghi lại những cảm tưởng chung quanh những bức tranh biết lên tiếng cho Nhân Quyền này, xin mời quý vị theo dõi:

Những bức tranh Nhân Quyền
Trong những ngày lễ, Tết sắp đến, sẽ có những thức ăn rất ngon trên bàn ăn của mọi gia đình. Thế nhưng, trên bàn ăn của thế giới, món ăn Dân Chủ, Nhân Quyền hãy còn thiếu mà trong một số quốc gia người ta phải còn mua với một giá quá đắt, và rất nhiều người đã phải trả bằng chính tự do của họ. Và đó cũng là lý do mà những bức tranh, tạm gọi là những bức tranh Nhân Quyền, được ra đời bởi một họa sĩ già bên Pháp. Khi nghe tin con của anh Ba Sài Gòn ra đời khi anh đang ở trong tù, rồi anh Điếu Cày bị bắt, Họa sĩ Trần Lân đã nảy ra ý tưởng là vẽ chân dung của các nhà bất đồng chính kiến mà ông vẫn gọi là các chiến sĩ Tự Do để gây quỹ cho thân nhân của gia đình họ.

Từ tháng 9 năm 2011 Họa sĩ Trần Lân đã đặt bút vẽ những bức tranh đầu tiên của Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ thị Minh Hạnh và qua quỹ Tù Nhân Lương Tâm mà ông cũng là thành viên, gửi về cho gia đình họ. Vì ông bị bệnh suyễn nặng, nói năng có phần mệt nhọc nên chúng tôi tiếp xúc với cô Trần Tuyết Lan, con gái của ông và được cô cho biết:
 “Ông cụ tôi nảy ra ý kiến là nếu ai muốn Ông vẽ chân dung thì gửi hình qua email, Ông sẽ gửi bức chân dung trở lại, mỗi người đặt sẽ xung vào quỹ Tù Nhân Lương Tâm từ $50 - $100 tùy hảo tâm. Thì lúc đó là khoảng tháng 9 năm nay, đầu tiên là anh Lê Minh, ảnh đặt 1 bức cho Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, đôi lứa trẻ tuổi mà anh dũng mà vì tù đầy đã chia rẽ thì ông cụ tôi nhất định phải vẽ họ đứng bên nhau. Sau đó thì tin của ông Trương Văn Sương qua đời trong tù nên ông cụ tôi phải vẽ ngày một bức chân dung để gửi về cho gia đình ông ta trong dịp giỗ cúng. Sau đó thì theo thời cuộc và thứ tự những người đặt tranh thì ông cụ tôi có vẽ hình của ông Lưu văn Bảy, cựu quân lực Việt nam Công Hòa, ông Huỳnh Ngọc Tuấn, nhà văn và luật sư Huỳnh văn Đông cũng là do anh Lê Minh và anh Phùng Mai đặt. Rồi đến hình anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải do ông bà Trần Lê Quang ở Paris đặt. Sau đó là anh Nguyễn Bảo Tư đặt một lúc 3 hình của ba người mà anh ngưỡng mộ là linh mục Nguyễn Văn Lý, cô Phạm Thanh Nghiên và nhà báo Trương Minh Đức.”

Bức tranh chân dung Ông Huỳnh Ngọc Tuấn của Họa sĩ Trần Lân. Courtesy Họa sĩ Trần Lân.

Trong ngày phát giải thưởng do Mạng Lưới Nhân Quyền tổ chức tại Úc, ông Trần Lân cũng đã gửi hai bức tranh của Luật sự Cù Huy Hà Vũcô Đỗ Thị Minh Hạnh, là hai nhân vận được nhận giải thưởng năm nay, đến Ban tổ chức. Trong cái nhìn đầu tiên, mọi người đều nghĩ đó là hình chụp vì sự sống động của nó. Anh Nguyễn Thái Hải, người đã mua cả hai bức tranh đó cho biết cảm nghĩ của anh:

“Nhìn vào 2 bức tranh thì thấy hết sức là sống động, có nét giống như là một hình chụp vây đó! Khi tôi giới thiệu đến với một số người đến dự ngày hôm đó nói đó là bức chân dung vẽ, nhưng có nhiều người không tin cứ nghĩ đó là chụp. Thật ra nhìn thấy quá xúc động! Khi mà họa sĩ vẽ lên chân dung của 2 vị phải nói đó là anh hùng của đất nước Việt Nam mình. Đỗ thị Minh Hạnh là một cô gái quá non trẻ nhưng mà thật là đúng một nữ anh thư, không biết bao nhiêu sự đè ép, đánh đập, tra tấn nhưng cô ta vẫn dửng dưng, tôi rất ái mộ, kính trọng vô cùng. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nếu anh ta sống cuộc sống an lành của ảnh thì anh ta giàu có lắm rồi, nhưng anh ta dấn thân để tranh đấu cho Dân chủ, cho Nhân quyền cho Việt Nam mà anh ta bất chấp mọi gian lao, tù đày. Đó là một cái gương quá cao cả.”

Bức tranh chân dung Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng của Họa sĩ Trần Lân.  Courtesy Họa sĩ Trần Lân

Bức tranh lên tiếng cho Nhân Quyền đầu tiên của họa sĩ Trần Lân là bức tranh vẽ Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh, bức tranh ấy đã vượt đại dương để đến với gia đình của Hùng và Hạnh. Không sao nói hết được nỗi xúc động của gia đình khi nhìn thấy chân dung hai con mình trên nền vẽ. Từ bên kia đại dương, đã có những người nghĩ đến con mình và họa lên trang giấy, điều đó gợi lên cho gia đình một cảm giác thân mật, gần gũi.
Ông Đỗ Ty, cha của cô Minh Hạnh nói lên cảm xúc của mình:
 “Khi mà mới nghe tin chứ chưa nhận, chưa cầm bức tranh thì gia đình cũng có xúc động rồi là tại vì những người ở xa lạ, những người ở đất khách quê người mà cũng có những ý nghĩ là nó gần như là nó ở bên cạnh mình đó, thành ra gia đình rất là cảm động, và hơn nữa là người đó hình dung, vẽ những tâm tư họ vào bức tranh thành ra bức tranh rất là sống động. Khi gia đình nhận rồi thì không riêng gì Bố Mẹ xúc động mà gần như là cả trong dòng họ, anh em đều có đến xem và cũng đều có ý nghĩ chung như gia đình vậy đó cô. Còn riêng bé Hạnh thì nghe kể thôi chứ cũng không được xem bức tranh đó, cũng không nên, nhung mà bé Hạnh cũng thấy phần ấm áp trong đó.”

Chung tay hỗ trợ
Ông Trần Lân, tên thật là Trần Thúc Lân, năm nay đã gần 78 tuổi, ông đã vẽ ngay từ thời còn là công chức trong bộ Thông Tin của Việt Nam Công Hòa, ông cũng là thầy dạy vẽ cho các con của bác sĩ Trần Kim Tuyến. Ngoài ra, ông cũng đã nhiều năm ấm lạnh với các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Trần Bình Lộc. Những tài tử nổi tiếng như Gene Kelly, Fred Astaire, Burt Lancaster... cũng mua rất nhiều tranh của ông, thế nhưng ông vẫn rất khiêm nhường, không cho mình là họa sĩ mà chỉ tự gọi mình là một “thợ vẽ” .  Chị Lan, con gái của ông cho biết:
 “Ông cụ tôi rất thích vẽ chân dung từ thời còn trẻ, vì ông thích vẽ giống thực, nên ông không bao giờ tự cho mình là họa sĩ, cứ tự cho mình là thợ vẽ vì ông có sáng tác gì đâu? Ông chỉ vẽ cho thật là giống thôi. Vì thời gian không cho phép, nên ông chọn vẽ bút chì màu, vừa gọn, lại dễ gửi đi xa. Khi vẽ chân dung thì ông phải tìm hiểu về người mình vẽ, nhất là các chiến sĩ Tự Do, thì lại càng cần hiểu biết về quá trình tranh đấu của người ấy, nên ông cố tìm hiểu về tất cả các cá nhân mà ông vẽ.
Ông hay vẽ chân dung trên nền cảnh phản hiện ý trí tranh đấu của mỗi người trong tranh mà càng tìm hiểu về họ tôi càng kính mến họ hơn. Gương hy sinh của họ thật cao cả, cho ông vững niềm tin ở tương lai đất nước còn trong tay những người anh dũng như họ. Ông vẫn cứ nói, ở hải ngoại, chúng ta dù già trẻ, lớn bé, nam nữ hay giàu nghèo... ít nhiều ai cũng phải góp tay để hỗ trợ các chiến sĩ Tự Do quốc nội. Cá nhân thì ai cũng chỉ là giọt nước trong biển cả, nhưng tất cả đều phải muốn thành hạt nước làm vỡ bờ, thì tất nhiên bờ sẽ vỡ.”

Bức tranh chân dung LS Huỳnh Văn Đông của Họa sĩ Trần Lân. Courtesy Họa sĩ Trần Lân.

Vâng, mỗi giọt nước sẽ tạo thành biển lớn, cũng trong ý nghĩ đó, anh Nguyễn Thái Hải xem việc mua tranh của mình như một đóng góp nhỏ nhoi vào công cuộc vận động Dân Chủ Nhân Quyền. Hai bức tranh ấy anh cũng đã tặng lại cho hai hội đoàn ở Sydney và Melbourn. Có lẽ những bức tranh ấy sẽ được sang tay nhiều người khác nữa, và mỗi lần đổi chủ là tiếng nói của người trong tranh lại vang xa hơn nữa như lời tâm tình của anh Nguyễn Thái Hải:
“Tôi chỉ đóng góp được một cái gì nhỏ nhoi trong phạm vi của tôi, rất là nhỏ nhoi, không xứng đáng vào đâu với những hy sinh của những anh em chiến sĩ của mình. Những giới trẻ trong Việt Nam phải âm thầm chịu đựng những sự đè ép. Thực tế với một chút xíu nhỏ mọn mà tôi đóng góp thì không đáng vào đâu, nhưng mà tôi muốn nói với những người anh em chiến sĩ bên Việt Nam là các anh em chiến đấu không cô đơn đâu. Đồng bào chúng ta ở hải ngoại này luôn luôn lúc nào cũng đứng sau lưng các anh.. Tôi xúc động quá chắc là tôi nói không được nữa…”

Hạnh trong tranh cười rất tươi, mắt sáng ngời niềm tin. Hạnh trong tranh đầy nghị lực và tin tưởng vào công bằng, chân lý. Còn Hạnh bây giờ thì sao? Ông Đỗ Ty, bố của Hạnh cho biết tình trạng con mình sau gần 2 năm trong trại giam:
 “Địa điểm trại giam là phân trại 5, trại giam Thủ Đức, thuộc tỉnh Bình Thuận. Bây giờ tình hình bé Hạnh trong trại giam: phòng giam của nó là 60-70 người. Mỗi phần nằm như vậy là được khoảng 70 cm, cựa qua cựa lại rất là khó, tối thì muỗi. Lần gặp gỡ giữa gia đình với Hạnh thì Hạnh có nói là Hạnh không phải là biệt giam mà lại nằm chung với những người tù nhân nhiễm HIV!
Thành ra nó cũng có phần lo sợ, nhưng mà bây giờ dù có lo sợ cũng không làm gì được tại vì trong đó họ bố ráp như vậy. Nó có báo với cha mẹ là nếu nó có bề gì nó nhiễm HIV thì đó là số phận của nó thôi. Riêng bản thân nó thì nó không lo sợ gì cả vì nó chấp nhận tất cả nhưng nó sợ gia đình suy nghĩ. Nếu không may mà nhiễm HIV thì sợ gia đình đau khổ thêm vì nó. Nếu mà nó lo sợ thì gia đình sẽ lo sợ thêm. Bây giờ nó không lo sợ gì cả, nó bảo gia đình cứ yên tâm, yên lòng đi chứ bây giờ nó không có cách nào chống đỡ. Thì khi gia đình nghe tin đó thì cũng đâm ra hoảng, lo sợ, trong nhà rất là đau lòng. Thành ra gia đình kêu thì không biết kêu đâu, cũng không biết cầu cứu ở đâu. Sẵn dịp phỏng vấn này thì tôi cũng đề nghi các Ủy ban Nhân Quyền, các Mạng Lưới Nhân Quyền, các Ủy Ban Ân Xá Quốc Tế can thiệp. Gia đình bây giờ chỉ biết cầu cứu thôi chứ không biết làm cách nào hơn. Nguyện vọng là nguyện vọng cầu cứu, mà nguyện vọng cầu cứu được đến nơi đến chốn thì gia đình mới yên tâm được.”

Bức tranh chân dung Ông Trương Văn Sương của Họa sĩ Trần Lân. Courtesy Họa sĩ Trần Lân.

Từ căn phòng nhỏ hẹp ở một góc Paris, những bức tranh Nhân Quyền ấy sẽ vượt qua nhiều đại dương, phá vỡ mọi ngăn cách, đem con người từ hai bờ lục địa đến với nhau và trở thành những món quà Giáng Sinh có ý nghĩa nhất. Qua nét vẽ của người vẽ Trần Lân, những bức tranh ấy đã biết lên tiếng thay cho những người trong tranh đang bị giam cầm chỉ vì dám lên tiếng.


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: