Wednesday, December 28, 2011

2011 : NĂM CỦA CÁC MẠNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI (Nguyễn Hưng Quốc)



Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 28 tháng 12 2011

Sở dĩ quần chúng, những con người hoàn toàn vô danh, không gắn liền với một đảng phái, không có lãnh tụ và không được dẫn dắt bởi bất cứ một lý thuyết gia nào, có thể lật đổ các chế độ độc tài, làm nên những cuộc cách mạng vang dội ở Trung Đông và Bắc Phi là nhờ một yếu tố kỹ thuật mới chưa từng có trong lịch sử: mạng lưới truyền thông xã hội, bao gồm, trước hết, hệ thống điện thoại di động, email, Facebook và Twitter.

Đó là lý do tại sao nhiều nhà bình luận trên thế giới cho các cuộc cách mạng Ả Rập trong năm 2011 cũng chính là cuộc cách mạng của internet, hay cụ thể hơn, của mạng truyền thông xã hội (social media), hay, cụ thể hơn nữa, của Facebook.

Từ trước đến nay, nhiều người đã nói đến sức mạnh của quần chúng. Các vị thánh hiền sáng lập Nho giáo thường nhấn mạnh quan điểm xem dân là gốc của chính trị; ý dân là ý trời (Dân chi sở dục, thiên tất tòng chi); dân còn trọng hơn cả xã tắc và vua chúa (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Ở Việt Nam, Nguyễn Trãi cũng từng ví dân với nước trong khi các thế lực chính trị là thuyền: Thuyền nổi lên hay bị lật úp cũng là vì nước. Thường, khi hanh thông, người ta hiếm khi ý thức được sức mạnh của nhân dân; chỉ đến khi thuyền bị lật úp, người ta mới biết là dân mạnh như nước (phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ).

Bản chất mạnh, nhưng không phải lúc nào dân chúng cũng thể hiện được sức mạnh của mình. Trong lịch sử, không hiếm trường hợp quần chúng hay nhân dân, có khi là hàng triệu hay hàng chục triệu, thậm chí, hàng trăm triệu người, bị một thiểu số cực ít, dăm ba người đè đầu cưỡi cổ, bóc lột và hành hạ đến tận cùng. Mà vẫn cam chịu. Từ năm này qua năm khác. Từ thập niên này đến thập niên khác. Thậm chí, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Những lúc ấy, không thể nói được là quần chúng mạnh.

Quần chúng, vốn chỉ có tay không, khi đối đầu với bạo quyền, chỉ có một nguồn sức mạnh duy nhất: sự đoàn kết. Một người dân: cực yếu. Vài ba trăm hay vài ba ngàn người dân: vẫn yếu. Nhưng nhân dân nói chung, như một tập thể thống nhất, lại là một sức mạnh vô địch. Như vậy, điều kiện để tạo thành sức mạnh của nhân dân chính là sự thống nhất. Nói cách khác, nhân dân hay quần chúng chỉ mạnh, thực sự mạnh, khi họ hành động như một khối thống nhất.

Giới cầm quyền, từ trước đến nay, hiểu rất rõ điều đó. Họ thường sử dụng hai biện pháp chính để vô hiệu hóa sức mạnh của nhân dân: ngu dân hóa và phân hóa, tức là làm cho dân chúng vừa ngu vừa chia rẽ. Hai cái ngu lớn nhất là, một, sùng tín các huyền thoại bao quanh lãnh tụ (xưa là thuyết thiên mệnh; sau này, là lý tưởng cộng sản cộng với các huyền thoại về tài năng và công đức của lãnh tụ). Phân hóa theo nhiều tầng và nhiều cách: theo địa phương, theo giới tính, theo giai cấp và theo tôn giáo.

Bổ sung cho hai biện pháp ngu dân hóa và phân hóa ở trên là biện pháp ngăn chận mọi nguồn thông tin. Để người dân không thể liên lạc với nhau. Không thể kết hợp lại với nhau. Để dân chúng, tuy là nước, chỉ là những mảnh ao tù nho nhỏ, những khe suối nho nhỏ. Chứ không thành sông hay thành biển ào ạt sóng.

Internet và các mạng truyền thông xã hội cung cấp cho người ta một phương tiện tuyệt hảo để vượt qua mọi âm mưu ngăn chận ấy. Truyền hình và truyền thanh chính thống chỉ nói một chiều? – Mặc! Báo chí chính thống chỉ rặt một giọng tụng ca? – Mặc! Dân chúng đã có phương tiện truyền thông riêng vừa nhanh chóng vừa dễ dàng vượt qua mọi cửa ải kiểm duyệt: internet. Khi muốn trao đổi thông tin với nhau: người ta dùng các mạng truyền thông xã hội. Khi muốn bàn luận về một vấn đề gì đó: người ta cũng dùng các mạng truyền thông xã hội.

Trong các cuộc cách mạng ở Trung Đông và Bắc Phi trong năm 2011, các mạng truyền thông xã hội đóng ba vai trò chính:

Thứ nhất, và quan trọng nhất, là xã hội hóa, thậm chí, toàn cầu hóa những vấn đề có tính chất cá nhân. Cũng bị công an đánh chết, nhưng có nạn nhân chỉ là một cá nhân, hoàn toàn là một cá nhân riêng lẻ, nếu không có ai, ngoài gia đình và hàng xóm biết đến. Nhưng khi cái cảnh nạn nhân bị đánh chết được tung lên mạng, qua website, blog, Facebook hoặc qua điện thoại di động, cho mọi người biết, vấn đề cá nhân của nạn nhân lập tức biến thành một vấn đề xã hội: nó gợi sự đồng cảm, từ đó, sự phẫn nộ của mọi người. Chính sự đồng cảm và phẫn nộ ấy làm cho mọi người, thuộc những thành phần và ở những địa phương khác nhau, trở thành đoàn kết và thống nhất. Là một. Những mảnh ao tù hay những khe suối nhập lại với nhau. Thành biển lớn.

Thứ hai, nó chia sẻ nhanh chóng và hiệu quả mọi thông tin mà người ta có thể có được. Từ trước đến nay, hầu hết các nguồn thông tin chính, ngay ở các quốc gia dân chủ, đều nằm trong tay giới truyền thông. Nhưng giới truyền thông, ngay cả khi họ thành tâm và công tâm, cũng rất giới hạn. Không có nơi nào có đủ phóng viên để giàn ra một thế trận thật rộng, có mặt khắp nơi để thu nhận được mọi tin tức. Với mạng truyền thông xã hội thì khác. Bất cứ người nào, với chiếc điện thoại di động trên tay, cũng đều có thể trở thành phóng viên. Đi đường tình cờ thấy một công an ức hiếp ai đó ư? Thì họ giơ máy điện thoại lên chụp ảnh ngay. Rồi có thể gửi ngay cho bạn bè. Bạn bè lại gửi cho nhau. Chỉ trong tích tắc, bức ảnh đã lan đi khắp nơi. Khi một trăm ngàn người cùng tham gia tranh đấu có cùng một phương tiện và một cách thức làm việc như thế, nguồn thông tin sẽ vô cùng vô tận. Và được cập nhật từng giờ. Từng phút.

Thứ ba, mạng truyền thông xã hội không những giúp chia sẻ thông tin mà còn tạo nên sự đồng thuận rộng rãi trong cả cộng đồng. Nỗi uất hận của người này dễ dàng lây lan sang người khác. Thành một nỗi phẫn nộ của tập thể. Hơn nữa, nên lưu ý, sự đồng thuận không dừng lại ở phương diện cảm xúc. Mà còn ở ý tưởng. Trong đó, có những ý tưởng liên quan đến tổ chức, chẳng hạn, xuống đường lúc nào và ở đâu, hô những khẩu hiệu gì, đối phó với công an và cảnh sát ra sao, v.v…

Trong các cuộc cách mạng Ả Rập, đặc biệt tại Tunisia và Ai Cập, dân chúng đã tận dụng và tận dụng một cách sáng tạo và thành công cả ba chức năng trên của các mạng truyền thông xã hội. Chính quyền thừa biết tất cả những điều đó nên đã tìm cách ngăn chận. Nhưng không được. Nhiều kỹ thuật viên đầy thiện chí, từ khắp nơi, đã vào cuộc, bỏ hết công ăn việc làm, giúp duy trì các mạng truyền thông xã hội ấy. Dân chúng cũng ý thức rõ đó chính là thứ vũ khí mình cần nên tìm mọi cách sử dụng nó. Bình thường, người Tunisia và Ai Cập, cũng như người Hồi giáo nói chung, ít chuộng Facebook hay Twitter. Thế nhưng, khi cách mạng bùng nổ, thói quen ấy thay đổi hẳn. Trong suốt cái gọi là Cách mạng Mùa xuân ấy, số người Ai Cập sử dụng Google để cập nhật tin tức liên quan đến tình hình chính trị trong nước tăng lên gấp mười lần và số người đưa hình ảnh lên Youtube tăng lên 50% so với những năm trước! http://www.thenational.ae/business/media/facebook-revolution-a-myth-critics-say

Có điều, khi nói cuộc cách mạng Ả Rập năm 2011 là cuộc cách mạng của truyền thông xã hội (nổi bật nhất là Facebook), chúng ta cần lưu ý hai điểm:

Thứ nhất, truyền thông xã hội chỉ là phương tiện chứ không phải là nguyên nhân
. Nguyên nhân chính của cách mạng bao giờ cũng là sự bất mãn của quần chúng. Nguyên nhân của sự bất mãn lại đến từ nhiều nguyên nhân khác, trong đó hai nguyên nhân nổi bật nhất là: sự độc tài và tham nhũng. Chính vì sợ có sự hiểu lầm như vậy, nhiều bình luận gia nhấn mạnh: không nên quá phóng đại vai trò của truyền thông xã hội mà quên đi những nỗi thống khổ mà người dân phải gánh chịu cũng như những công phẫn bừng bừng trong lòng họ khiến họ gạt hết mọi sợ hãi để xuống đường và đương đầu với bạo lực.

Thứ hai, không nên quên quyền lực của địa điểm (power of place) trong các cuộc biểu tình chống đối của quần chúng. Cả hàng triệu người đồng cảm, đồng thuận và đồng ý trên các mạng truyền thông xã hội cũng trở thành vô ích nếu chúng không được tượng hình trong một không gian cụ thể. Cách mạng bao giờ cũng gắn liền với không gian. Trong bài “In Protest, the Power of Place” đăng trên tờ The New York Times ngày 15 tháng 10 năm 2011, Michael Kimmelman giải thích: “Chính trị khuấy động lương tâm chúng ta. Nhưng địa điểm ám ảnh trí tưởng tượng của chúng ta.” Nói đến cách mạng Pháp, chúng ta nghĩ đến ngục Bastille; đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Đức, và sau đó, ở khắp Đông Âu, chúng ta nghĩ đến bức tường Bá Linh; đến cuộc nổi dậy của thanh niên và sinh viên Trung Quốc cách đây 20 năm, chúng ta nhớ ngay đến một địa điểm: Thiên An Môn. Và cuộc cách mạng long trời lở đất ở Ai Cập cũng đi vào ký ức nhân loại với một địa điểm: Quảng trường Tahrir.

Viết đến đây, tự dưng tôi nhớ đến bờ hồ Hoàn Kiếm với 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong năm 2011...

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.
.
.

No comments: