Friday, December 30, 2011

NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT & NGHỆ THUẬT VỊ NHÂN SINH (Nguyễn Đình Đăng)



Nguyễn Đình Đăng
This entry was posted on 17/10/2011 at 2:27 chiều

Nghệ thuật trước hết phải biểu hiện giá trị nội tại của nghệ thuật đích thực. Nếu không đó là chỉ là thứ vô giá trị.
Giá trị nội tại của nghệ thuật đích thực chỉ có thể có nếu nghệ thuật thoát khỏi mọi áp đặt về luân lý, răn dạy, hay dùng làm công cụ phục vụ bất cứ thứ gì khác ngoài chính nghệ thuật. Đó là ý nghĩa của “Nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Cách đây 120 năm, văn hào Ái-nhĩ-lan Oscar Wilde (1854 – 1900) từng viết:
Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả duy nhất của một khí chất duy nhất. Vẻ đẹp của nó xuất phát từ một thực tế rằng tác giả của nó chính là anh ta. Nó không liên quan gì tới việc người khác mong muốn cái họ muốn. Thật vậy, một khi nghệ sĩ ghi nhận những gì người khác muốn, và cố gắng đáp ứng nhu cầu của người khác, anh ta đã không còn là một nghệ sĩ nữa, mà đã trở thành một gã đần độn hoặc một thợ thủ công làm trò giải trí, một gã lái buôn thật thà hoặc gian manh. Từ khoảnh khắc đó trở đi anh ta không còn có thể tự cho mình là nghệ sĩ được nữa.”

“Nghệ thuật vị nhân sinh” thường được hiểu là nghệ thuật có chức năng và nhiệm vụ phải phục vụ xã hội. Kinh tế là tất cả và nghệ thuật chỉ là đầy tớ của kinh tế. Việc dùng nghệ thuật để phục vụ chính trị đã đẻ ra cái gọi là “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” (Socialist realism) tại Liên Xô trước kia, mà một số nước đã bắt chước. Việc đòi hỏi nghệ thuật phải gánh vác các chức năng đạo đức, thẩm mỹ giai cấp, và những giáo điều chính trị đã làm tổn thương, què quặt nghệ thuật. Kết quả là những bức tranh như thế này đã ra đời:


Trào lưu Hiện thực XHCN nay đã phá sản cùng với sự sụp đổ của Liên bang Cộng hoà XHCN Xô Viết vào năm 1991.
Trong bài “Giá trị của nghệ thuật“, tôi có trích lời của nhà văn Alexandr Solzhennitsyn phát biểu trong diễn từ khi ông nhận giải Nobel văn chương (1972) như sau:

Nắm giữ Nghệ thuật trong tay, chúng ta tự cho rằng mình là chủ nhân của nó, hùng hổ điều khiển nó, đổi mới nó, cải cách nó, tuyên ngôn nó, bán nó lấy tiền, dùng nó để bợ đỡ những kẻ mạnh, coi nó hoặc như trò tiêu khiển trong các ca khúc thị trường, nơi tửu quán, hoặc như hòn đá hay cái gậy, bất kể cái gì tóm được, để phục vụ các đòi hỏi chính trị thoảng qua, hay các nhu cầu xã hội hạn hẹp. Nhưng, mặc cho mọi dày vò của chúng ta, Nghệ thuật vẫn không bị vấy bẩn, vẫn không vì thế mà đánh mất đi nguồn gốc của mình, vẫn luôn luôn, và trong mọi cách chúng ta dùng nó, rọi chiếu lên chúng ta một phần cái ánh sáng bí mật bên trong của nó (…) Nghệ thuật hé mở cho chúng ta, tuy lờ mờ, tuy ngắn ngủi, những điều không thể nào đạt được bằng lý trí. Như chiếc gương thần trong truyện cổ tích, nhìn vào nó ta không thấy chính mình mà chợt thấy một khoảnh khắc ta chẳng khi nào đạt tới, phóng tới, bay tới được. Và chỉ có tâm hồn đang thổn thức.

Đăng tại website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngày 15/10/2011

.
.
.

No comments: