Tuesday, March 17, 2020

HELEN CHU, LÝ VĂN LƯỢNG CỦA HOA KỲ (Jackhammer Nguyễn)




Jackhammer Nguyễn
17/03/2020

Người ta đã nói và khóc nhiều cho bác sĩ Lý Văn Lượng, người Trung Quốc ở Vũ Hán, là người đầu tiên trong một số ít người ngoài phòng bệnh, biết sự xuất hiện của virus corona, gây ra một loại bệnh đáng sợ, chết người.

Vụ việc xảy ra đầu tháng 12/2019, ngay sau khi bác sĩ Lý trò chuyện với đồng nghiệp về bệnh phổi Vũ Hán (lúc đó chưa biết là bệnh gì), công an Trung Quốc đã bắt bác sĩ phải im lặng để… giữ ổn định chính trị!

Bệnh phổi Vũ Hán sau đó đã trở thành dịch, rồi đại dịch. Người ta nói rằng Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội để tiêu diệt mầm bệnh từ những bệnh nhân đầu tiên.

Bác sĩ Helen Chu, người Mỹ, cũng có thể được coi là một Lý Văn Lượng của Hoa Kỳ, dù bà may mắn hơn bác sĩ Lý là được sống trong một quốc gia dân chủ, không bị công an quấy rầy, nhưng bà cũng bị bắt phải im lặng.

Bác sĩ Chu chuyên về dịch tễ và dị ứng, làm việc tại một trường đại học thuộc Tiểu bang Washington, miền Tây Bắc Hoa Kỳ.

Bác sĩ Helen Chu

Ngày 21/1/2020, trường hợp đầu tiên bị nhiễm virus corona được xác nhận tại Tiểu bang Washington. Bà Chu cùng các đồng nghiệp đặt câu hỏi, rằng liệu người bị nhiễm virus corona đó đã lây cho ai chưa? Bà đề nghị cấp trên chuyển hướng dự án nghiên cứu bệnh cúm của bà đang thực hiện, sang việc thu thập bệnh phẩm của những người tình nghi bị nhiễm virus corona.

Các viên chức liên bang bảo: Không được phép!

Ngày 25/2, tức là sau một tháng, bác sĩ Chu và các đồng nghiệp quyết định xé rào, thu thập bệnh phẩm từ những người bị nghi ngờ để làm xét nghiệm. Đội của bà Chu quyết định như vậy sau khi chứng kiến trong ngày 24/2 nhiều trường hợp nhiễm bệnh xuất hiện tại Mỹ. Ngay lập tức, đội nghiên cứu phát hiện một thiếu niên, không đi ra nước ngoài trong mấy tháng qua, lại bị nhiễm virus corona. Tức là thiếu niên này đã bị ai đó lây nhiễm. Và chuyện lây nhiễm này đã âm thầm lặng lẽ diễn ra ở tiểu bang Washington trong mấy tuần lễ liền mà không ai biết.

Bác sĩ Chu cùng các đồng nghiệp bàng hoàng trước kết quả xét nghiệm cậu thiếu niên đó, và bây giờ phải quyết định xem họ phải làm gì.

Nếu họ giữ kết quả đó cho họ như một công việc nghiên cứu thì sẽ không có vấn đề gì. Nếu họ tuyên bố kết quả đó công khai, thì có thể họ sẽ gặp rắc rối với các viên chức cấp trên.

Bà Chu và các đồng nghiệp quyết định hành động theo lương tâm của mình, họ thông báo cho các viên chức y tế địa phương. Người ta tìm được trường học của cậu thiếu niên khi cậu vừa vào lớp, đóng cửa trường và tẩy trùng.

Cùng ngày hôm đó, các viên chức y tế của Washington, CDC, và FDA (Cơ quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ, của chính quyền liên bang) họp bàn xem là có tiếp tục công việc của bác sĩ Chu không. Họ ra quyết định: Ngừng xét nghiệm!

Sau đó một thời gian, CDC và FDA bắt đầu nới lõng việc thu nhập bệnh phẩm và cho phép các phòng thí nghiệm ở cấp địa phương làm xét nghiệm.

Ngày 2/3/2020, Hội đồng dự án nghiên cứu cúm của thành phố Seattle, nơi bà Chu làm việc, tuyên bố rằng nếu đội nghiên cứu của bà Chu không tiến hành thu thập, xét nghiệm, không công bố kết quả thì đó sẽ là những hành động không đạo đức. Bà Chu và các đồng nghiệp được bật đèn xanh, lao vào tiếp tục công việc xét nghiệm virus corona.
Nhưng đến ngày 9/3/2020 họ lại bị các viên chức cấp trên bảo dừng lại vì một loạt các lý do hành chính.

Bốn ngày sau, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho Hoa Kỳ. Nước Mỹ đã ở trong cơn đại dịch, với hàng ngàn người nhiễm bệnh, nhiều thành phố, trường học bị đóng cửa, dân chúng nháo nhào lùng mua thực phẩm và giấy vệ sinh.

Ngay sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, các nhà báo hỏi ông Trump, rằng ông có chịu trách nhiệm trong việc chậm chạp thu thập xét nghiệm virus corona hay không, ông trả lời rằng ông không chịu trách nhiệm gì hết!

Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco






No comments: