Saturday, March 28, 2020

CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI hiến kế GIÚP KINH TẾ MỸ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG COVID-19 (SOHA)




SOHA
28/03/2020  19:30

Nước Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn bao giờ hết do đại dịch COVID-19 hoành hành, đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) bình luận.


Nền kinh tế Mỹ đã choáng váng, lao đao và điêu đứng trước sự bùng phát mạnh của đại dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-10): Thị trường chứng khoán lao dốc, kéo theo sau là hàng loạt các "cơn địa chấn" lớn nhỏ - hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu việc làm bị đe dọa.

Đài phát thanh quốc gia Mỹ (NPR) bình luận rằng tình hình hiện nay là điều chưa từng có tiền lệ, khi nước Mỹ vừa phải chống chọi với một đại dịch toàn cầu, vừa phải chống đỡ nền kinh tế lao dốc. Cả tính mạng và của cải đều bị đe dọa.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn bao giờ hết, và những bài học kinh nghiệm từ những lần suy thoái trước đó chưa chắc đã có hiệu quả trong lần này - bởi đây là "cuộc chiến" chưa từng có.

Đài NPR đã liên hệ với 5 nhà kinh tế học hàng đầu thế giới để xin ý kiến của họ về cuộc khủng hoảng hiện nay. Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả nội dung lược dịch từ những chia sẻ của 5 nhà kinh tế học này.

*
01.
Bà Megan Greene
Nhà kinh tế học hàng đầu, nhà nghiên cứu cấp cao tại trường Havard Kennedy

Theo nhà kinh tế học Megan Greene, ưu tiên hàng đầu đối với các chính trị gia trong thời điểm này là hạn chế những tổn hại của dịch bệnh đối với nhóm người lao động dễ tổn thương nhất - đó là những người làm công việc dịch vụ nhận lương theo giờ, cùng với đó là các chủ doanh nghiệp nhỏ.

Bà Greene cũng đề ra một kế hoạch về "chương trình chia sẻ công việc", theo đó:

- Một chương trình "chia sẻ công việc" được Liên bang hỗ trợ.

- Chiến lược "chia sẻ công việc" đã được áp dụng rất thành công ở Đức và Hà Lan khi họ đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế. Thay vì sa thải người lao động, chủ doanh nghiệp sẽ cắt giảm giờ làm của nhân viên. Tại Mỹ, những người lao động này có thể nhận được tín dụng thuế từ chính quyền, hoặc nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp để bù vào phần lương bị cắt giảm.

- Chiến lược "chia sẻ công việc" sẽ giúp giảm gánh nặng trả tiền lương cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để các doanh nghiệp này vẫn có cơ hội trụ lại và sống sót cho đến khi cuộc khủng hoảng được giải quyết. Và khi nền kinh tế hồi phục, thì các doanh nghiệp này cũng sẽ khôi phục lại nhanh chóng, thay vì phải tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

*
02
Bà Penny Goldberg
Giáo sư kinh tế học tại Đại học Yale, cựu Trưởng ban kinh tế của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG)

Bà Goldberg cho rằng ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế nên là kiềm chế khủng hoảng về dịch vụ y tế, cụ thể là:

- Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cần được phân bổ thêm nhiều nguồn lực lớn. Chính phủ cần có các biện pháp để gia tăng nguồn cung khẩu trang, nước rửa tay khô, cồn, máy thở...

- Chính phủ cần hành động nhanh, sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng: Cần coi tình hình hiện tại là một cuộc chiến, không chỉ là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Cần đảm bảo các khoản chi phí chăm sóc sức khỏe tự chi trả, các khoản khấu trừ, đồng thanh toán đều được miễn trong thời điểm hiện tại. Tất cả những người cần được chăm sóc y tế phải được chăm sóc y tế, bất kể họ có khả năng chi trả hay không.

- Cấm trục xuất những người không thể trả tiền thuê nhà; cấm tịch thu nhà; trì hoãn tuyên bố phá sản.

- Khoản hỗ trợ 1.200 USD (hoặc nhiều hơn) cho mỗi người là một ý tưởng tuyệt vời. Sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu khoản hỗ trợ này tập trung vào những người thực sự cần đến nó. Tuy nhiên, nếu so về đúng-sai, thì điều quan trọng hơn cả là tốc độ thực thi quyết định này.

- Tránh sa thải người lao động bằng mọi giá. Nếu có thể, hãy chuyển sang hình thức làm việc bán thời gian hoặc cắt giảm giờ làm. Nếu các công ty không có đủ tiền mặt để trả lương cho nhân viên, thì có thể ghi nợ để trả sau.

- Việc duy trì công việc của người lao động (dù chỉ là công việc trên giấy tờ) sẽ là sự hỗ trợ rất cần thiết về mặt tâm lý đối với người lao động, đồng thời cho họ thấy rằng họ không phải chống chọi với cuộc khủng hoảng một mình. Nếu không làm điều đó, thì chúng ta sẽ không chỉ phải đối mặt với suy thoái kinh tế, mà trật tự xã hội cũng có nguy cơ sụp đổ.

- Những tình cảnh bất thường cần có những biện pháp phi thường.

- Ngoài những biện pháp nói trên, chính phủ cần trấn an người dân và các doanh nghiệp rằng nền kinh tế sẽ "tái sinh" hậu khủng hoảng, và chính phủ bắt buộc phải áp dụng biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ để đạt được điều đó.

*
03.
Ông Tyler Cowen
Giáo sư kinh tế học tại Đại học George Mason, chủ blog kinh tế Marginal Revolution

Theo ông Cowen, các chướng ngại quan liêu đang cản trở những nỗ lực ứng phó với dịch COVID-19, do đó:

- Chính phủ Mỹ cần loại bỏ các thủ tục quan liêu.

- Các quy định hạn chế do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) ban hành đã ngăn cản Mỹ phát triển đầy đủ khả năng kiểm nghiệm thuốc.

- Các quy định hạn chế do Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và các cơ quan khác ban hành đã khiến việc sản xuất khẩu trang tại Mỹ khó khăn hơn.

- Việc sản xuất vaccine phải chịu nhiều rào cản pháp lý, nhiều mặt hàng y tế nhập khẩu phải chịu nhiều hàng rào thuế quan và các hạn chế khác. Nói chung, phản ứng của chúng ta trước sự bùng phát của dịch bệnh đã bị các thủ tục quan liêu cản trở.

- Các hội đồng đánh giá trong các trường đại học đã gây khó khăn cho nhiều nhà nghiên cứu, khiến họ không thể kịp thời nghiên cứu về virus corona.

*
04.
Ông Jeffrey Sachs
Giáo sư về phát triển bền vững tại Đại học Columbia

Chuyên gia này cho rằng nền kinh tế không thể phục hồi nếu các biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng chưa được áp dụng, cụ thể là:

- Một lệnh phong tỏa để ngăn virus lây lan, kéo dài ít nhất vài tuần và sau đó được nới lỏng dần dần. Tăng khả năng xét nghiệm và truy tìm nguồn gốc lây bệnh để giai đoạn phong tỏa có thể kết thúc sớm.

- Tài trợ khẩn cấp và lập tức cho các tiểu bang và thành phố để họ cung cấp ngân sách cho lĩnh vực y tế và hỗ trợ xã hội khi lệnh phong tỏa được áp dụng (hỗ trợ các nhân viên y tế, nhân viên xã hội, đầu tư lắp đặt các thiết bị bảo vệ, chuẩn bị các khu vực cách ly...)

- Bồi thường thất nghiệp và hỗ trợ tín dụng thuế để duy trì việc trả lương cho người lao động.

*
05.
Bà Gita Gopinath
Trưởng ban kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

Theo bà Gopinath, hỗ trợ của chính phủ nên ưu tiên những người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, theo đó:

- Những người cần hỗ trợ nhất nên được ưu tiên hàng đầu.

- Những người làm trong ngành nhà hàng - khách sạn và ngành giao thông - vận tải thuộc những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi biện pháp "cách ly xã hội" được áp dụng. Mỗi ngày lại có thêm nhiều người bị sa thải hoặc phải nghỉ việc không lương. Những người lao động này cần được hỗ trợ về thu nhập để nuôi gia đình, và chính phủ nên ưu tiên họ.

- Các khoản hỗ trợ của chính phủ có thể là tiền mặt, giảm thuế hoặc kéo dài thời gian trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

- Điều kiện tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được mở rộng với thời gian áp dụng và các khoản phúc lợi nên được tăng lên.



No comments: