Friday, March 27, 2020

VIRUS VŨ HÁN TẠO NHỮNG CƠN CUỒNG NỘ (J.B Nguyễn Hữu Vinh)




Thứ Sáu, 03/27/2020 - 06:39 — nguyenhuuvinh

Virus “lạ”

Đại dịch do virus Vũ Hán gây ra trên toàn thế giới đã đến giai đoạn trở thành thảm họa. Đến giờ này, đã có hơn nửa triệu người được xác định là nhiễm bệnh được phát hiện và hơn 24.000 người chết bởi loại virus này.

Chưa bao giờ, cả thế giới lại quan tâm đến một sinh vật nhỏ bé mà thường ngày chẳng một ai nhìn thấy, chưa bao giờ xuất hiện.

Nói theo ngôn ngữ nhà nước Việt Nam thường dùng khi những điều không hay đến từ Trung Quốc thì đó là “virus lạ”.

Cả thế giới điêu đứng, hoảng hốt và ảnh hưởng đến đời sống hàng tỷ người trên thế giới. Không chỉ ảnh hưởng về kinh tế, mà cả đời sống chính trị cũng như những cuộc chiến về truyền thông, về thương mại cũng như những vấn đề về quốc phòng, an ninh được đề cập đến. Mà loại virus này còn gây nhiều tác động xung đột xã hội khác nhau thuộc về ý thức, tư tưởng cũng như hành động của nhiều người, nhiều cộng đoàn, nhiều tập thể cũng như các cá nhân.

Cũng qua những xung đột đó, nhiều mối quan hệ bị đổ vỡ, nhiều mối liên kết, tình cảm con người bị đứt gãy.

Phải nói rằng, tác hại của virus Vũ Hán là khôn lường.

Đặc biệt, cũng chính loại virus này, đã tạo ra những cơn cuồng nộ nhiều khi vượt quá lĩnh vực chính mà người ta quan tâm, vượt qua cả những chuyện đúng, sai trong ứng xử và quan hệ thường có.

Những cơn cuồng nộ

Câu chuyện Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong phát biểu của mình chê trách Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là người “đáng lo ngại” vì nói trước quên sau, hay chuyện phán bừa về dịch bệnh và điều trị, về chuyện “Nước Mỹ không vĩ đại” khi thiếu các thiết bị y tế chống dịch, thì chẳng khác gì Vũ Hán… đã tạo ra một làn sóng xung đột dữ dội khắp nơi trong và ngoài nước.

Ở đây không bàn chuyện đúng, sai trong lời phát biểu này. Bởi chỉ riêng chuyện đúng sai, mấy ngày qua, trên mạng xã hội đã quá nhiều và mỗi người đều có những lý lẽ và bảo vệ những lý lẽ đó của mình.

Ở đây, chỉ bàn về sự cuồng nộ, phẫn nộ của người Việt qua những sự kiện mà chúng ta đã thấy.

Làn sóng phản đối dữ dội không chỉ tập trung vào việc đúng, sai trong lời phát biểu, mà còn thể hiện sự giận dữ của mình về thái độ, về những ân tình mà họ đã có một thời gian dài dành cho người họ hâm mộ và ủng hộ để rồi thất vọng. Rồi từ đó, những câu chuyện riêng tư, chuyện quan hệ, gia đình và tính cách cá nhân… tất cả đều được nêu lên mạng xã hội.

Cũng trong cơn giận dữ đó, nhiều người vốn một thời là đồng nghiệp, cùng cộng tác, nay bạch hóa tất cả những điều sâu kín vốn có từ lâu và vẫn nghĩ rằng chỉ giữ cho riêng mình biết, riêng mình chịu. Cũng rất nhiều người từng có mối quan hệ ân tình, đã từng là ân nhân, giúp đỡ Mẹ Nấm trong khi hoạn nạn, thậm chí có người từng ủng hộ thần tượng của mình đến con số 5.000 đola Mỹ, nay bỗng nhiên quay ngoắt 180 độ trong thái độ của mình.

Có lẽ, với một người bình thường, sự phẫn nộ không đến mức ấy. Nhưng với một người, một thời đã được nhiều người hâm mộ và ủng hộ như Mẹ Nấm thì sự giận dữ càng mạnh mẽ, rộng khắp hơn. Cũng đơn giản thôi, khi người ta ủng hộ và gửi gắm nhiều niềm tin, thì người ta hy vọng nhìn thấy ở đối tượng của mình những điều lớn lao hơn những việc đời thường.

Thế mới thấy rằng, trong các món nợ, thì món nợ ân tình là món nợ nặng nề và khó trả nhất.

Sự thực thì không chỉ vì đối tượng đã từng nhận được sự giúp đỡ ủng hộ của rất nhiều người, nay làm họ thất vọng, mà còn có một lý do nữa để cho sự phẫn nộ của cộng đồng tăng cao.

Đó là việc đụng chạm đến Donald Trump, một thần tượng của cộng đồng cho đến nay chiếm đa số ở Mỹ. Donald Trump, một tổng thống đứng đầu đất nước Hoa Kỳ, quốc gia không lớn nhất, nhưng hùng mạnh nhất thế giới là điều không ai có thể phủ nhận.

Người Mỹ có thể không ưa Donald Trump ở nhiều điểm, phê phán chửi bới Trump ở nhiều mặt trong việc lãnh đạo đất nước của họ như báo chí Mỹ thường làm, thậm chí còn tổ chức điều tra, điều trần những điều mà họ cho là Donald Trump đã phạm những tội trạng theo luật định.

Nhưng đó là những công dân Hoa Kỳ chứ không phải Mẹ Nấm, một người mới nhận được sự giúp đỡ, ra ân của nước Mỹ đưa từ nhà tù cộng sản qua đây.

Và xưa nay, chẳng mấy ai kết luận rằng nước Mỹ không vĩ đại, thường người ta chỉ tìm những điều vĩ đại đã tạo ra một nước Mỹ mà nay đã trở thành mơ ước của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên cả địa cầu này, kể cả những kẻ luôn mồm chửi “đế quốc Mỹ” với đủ mọi lời xấu xa như các quan chức cộng sản.

Thực ra, cũng đã từng có thời gian có người đã từng tuyên bố nước Mỹ không hề vĩ đại, thậm chí cho rằng “Mỹ chỉ là con hổ giấy, nhưng là con hổ giấy có răng nanh nguyên tử” mà chẳng mấy ai dám phản đối. Nhưng đó là lời của Mao Trạch Đông, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ở đây Mẹ Nấm chưa phải là Mao Trạch Đông.

Làn sóng phản đối thể hiện cơn cuồng nộ thường có của người Việt vốn hay tìm kiếm và tôn thờ thần tượng cho mình, cũng như sự kỳ vọng vào sự hoàn hảo ở một con người mà nhiều khi chưa cần hiểu kỹ về họ, chưa rõ sự thật về họ. Đối với nhiều người, nhất là những người Việt Hải ngoại, những thông tin nhận được để tin, để hy vọng và gửi gắm chỉ là những thông tin bề nổi trong môi trường thông tin xã hội.

Thế rồi, cơn cuồng nộ chưa dứt ở những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump và tôn sùng nước Mỹ, thì ngược lại, cộng đồng lại chứng kiến một hình thái khác trên mạng xã hội.

Đó là khi nước Mỹ có số người nhiễm virus Vũ Hán lên đến 85.594, vượt qua con số mà Trung Quốc thông báo là 81.340, trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới, thì trên mạng xuất hiện hiện tượng vui mừng, phấn khởi và hoan hỉ rằng “Chúc mừng sự vĩ đại của nước Mỹ” khi dẫn đầu thế giới về dịch bệnh.

Hẳn nhiên, ở đây cũng chỉ bàn về thái độ của những người đã vui mừng trước thông tin này.

Đó là một thái độ bất lương và thiếu nhân tính, dù động cơ của họ là gì sau đó thì việc vui mừng, phấn khởi trước đại nạn của một cộng đồng với hàng ngàn người bỏ mạng cũng là điều không ai có lương tri có thể chấp nhận được.

Người ta có thể nghĩ rằng, sau những cuộc chiến qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc dịch bệnh cũng như những căng thẳng trong ứng xử giữa hai nước thời gian qua, thì khi nước Mỹ bị dịch bệnh tăng cao, có lẽ người không thấy buồn là Tập Cận Bình vốn đã cay đắng nhận đủ lời chỉ trích vừa qua. Tất nhiên dù vậy đi nữa thì Tập cũng chẳng dám thể hiện điều này. Còn những người vui mừng, thậm chí căng khẩu hiệu chúc mừng Mỹ, Nhật, Hàn Quốc dính dịch Vũ Hán, chỉ là đám dân vô lại ở Trung Quốc đã làm.

Còn là người Việt có lương tri, người ta nghĩ rằng chẳng ai có thể làm điều đó. Thế nhưng, điều đó xã xảy ra và đáng buồn hơn là có nhiều người ủng hộ ý kiến bệnh hoạn đó.

Đặc tính của Người Việt?

Có thể thấy điều này qua những cơn cuồng nộ vừa qua trên mạng xã hội. Đó là tâm lý bầy đàn của người Việt.

Bỏ qua những chuyện mâu thuẫn cá nhân vốn có với nhiều người của Mẹ Nấm. Có thể nói rằng, nhiều người lập tức vào thóa mạ Mẹ Nấm, cho rằng là an ninh cộng sản cài cắm, là cò mồi, là nhiều “danh hiệu” khác nữa… Nhưng chẳng đưa ra một chứng cứ cụ thể nào, chủ yếu là suy diễn dựa theo cảm tính yêu ghét của chính mình mà thôi.

Mà cái cảm tính yêu ghét ấy cũng chỉ có được từ những thông tin mà họ nhặt nhạnh được qua mạng Internet để rồi tôn sùng là anh hùng, là vĩ nhân, là dũng cảm… mà chẳng hiểu về con người họ đang tôn sùng đó là ai, bản chất thực của họ như thế nào.

Cũng có rất nhiều người tỏ ý thất vọng khi những sự ủng hộ về vật chất và tinh thần cho người đấu tranh một thời gian dài, nay thất vọng và họ có ý kiến. Nhưng, không phải đó là tất cả.

Thậm chí, có những người cả đời vốn chẳng bao giờ dám mở mồm một tiếng hay có một hành động nào cho việc chung của xã hội và đất nước. Công việc họ chủ yếu là đứng trong bóng tối và quan sát những người có tinh thần, có tiếng nói về việc chung để rồi hạch sách, đòi hỏi phải thế này, phải thế khác… Cứ như những việc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và quyền lợi đất nước là việc được khoán gọn cho một nhóm người nào đó chứ không phải trách nhiệm của mình. Để rồi khi không được như ý thì quay sang… chửi, thậm chí là chửi to nhất.

Còn những người ngược lại, do không ưa Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ với quyết tâm “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà có thái độ vui mừng trước dịch bệnh gia tăng và người chết càng nhiều, thì đó là sự vô lương.

Trong chế độ cộng sản, sự tôn sùng cá nhân, sùng bái lãnh tụ là điều mà người cộng sản đưa vào sách vở cần kiêng kỵ. Nhưng, như đã là bản chất của cộng sản việc gì họ đã cấm, đã kỳ thị, đã bài xích chửi bới, thì đó là những việc họ thực hiện đầu tiên.

Vì thế, việc xây dựng lãnh tụ thành thần tượng, để cho dân chúng tôn sùng và biến dân chúng thành bầy cừu chỉ biết nhắm mắt “Học tập và làm theo” đã trở thành chính sách và là cách cai trị.

Còn với những người có tinh thần cho đất nước có một nền dân chủ, cho quyền con người được bảo đảm trong đó, thì cả việc tôn sùng cá nhân, hay hạ bệ cá nhân với những điều không rõ ràng, do suy diễn là điều không nên có.

Và một điều không cũ nhưng thiết nghĩ cần nhắc lại với nhiều người: Việc đấu tranh cho một Việt Nam hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, tự do… là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người trong tất cả 100 triệu người Việt Nam.

Đó không phải là đặc ân hay trách nhiệm dành cho riêng ai.

Ngày 27/3/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh


-----------------------------------------------

XEM THÊM








No comments: