Thursday, March 26, 2020

THẬN TRỌNG VỚI SỰ PHÌNH TO QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC TRONG ĐẠI DỊCH (The Economist)




Phan Nguyên dịch

Chỉ trong vài tuần, một con virus có đường kính một phần mười nghìn milimet đã biến đổi các nền dân chủ phương Tây. Các nước đã đóng cửa các doanh nghiệp và buộc người dân ở nhà. Họ đã hứa chi hàng nghìn tỷ đô la để giữ cho nền kinh tế không sụp đổ. Nếu Hàn Quốc và Singapore là một chỉ dẫn, quyền riêng tư y tế và điện tử sắp bị gạt sang một bên. Đó là sự mở rộng mạnh mẽ nhất của quyền lực nhà nước kể từ sau Thế chiến II.

Hết điều cấm kỵ này đến điều cấm kỵ khác đã bị phá vỡ. Không chỉ dưới hình thức đe dọa phạt tiền hoặc bỏ tù đối với những người bình thường làm những việc bình thường, mà còn về quy mô và phạm vi của vai trò chính phủ trong nền kinh tế. Ở Mỹ, Quốc hội đã sẵn sàng thông qua một gói cứu trợ trị giá gần 2 nghìn tỉ đô la, tương đương 10% GDP, gấp đôi những gói cứu trợ được hứa hẹn trong giai đoạn 2007-09. Bảo đảm tín dụng của Anh, Pháp và các quốc gia khác tương đương 15% GDP. Các ngân hàng trung ương đang in thêm tiền và sử dụng nó để mua những tài sản mà họ từng từ chối. Ít nhất, các chính phủ đang tìm cách ngăn chặn tình trạng phá sản trong một thời gian.
Đối với những người muốn một chính phủ nhỏ và thị trường mở, Covid-19 đặt ra một vấn đề. Nhà nước phải hành động dứt khoát. Nhưng lịch sử cho thấy rằng sau các cuộc khủng hoảng, nhà nước không từ bỏ tất cả các quyền lực mà nó đã được trao thêm. Ngày nay, điều đó có tác động không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với cả sự giám sát của nhà nước đối với các cá nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà nước thường phình to trong các cuộc khủng hoảng. Các chính phủ có thể gặp khó khăn vì đại dịch, nhưng họ có thể cưỡng chế và huy động các nguồn lực lớn một cách nhanh chóng. Ngày nay, các chính phủ đóng vai trò cần thiết nhằm thực thi việc đóng cửa các địa điểm kinh doanh và cách ly người dân để ngăn chặn virus. Và cũng chỉ họ mới giúp khắc phục được sự sụp đổ kinh tế xảy ra sau đó. Ở Mỹ và khu vực đồng euro, GDP có thể giảm 5-10% so với năm trước, có khi nhiều hơn.

Một lý do khiến vai trò của nhà nước thay đổi nhanh chóng là Covid-19 lây lan như cháy rừng. Trong vòng chưa đầy bốn tháng, nó đã lan từ một khu chợ ở Vũ Hán ra hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuần vừa qua đã ghi nhận 255.000 trường hợp người nhiễm mới. Mọi người sợ hãi trước tình cảnh của Ý, nơi gần 74.000 trường hợp dương tính đã làm quá tải một hệ thống y tế đẳng cấp thế giới, khiến hơn 7.500 người tử vong.

Nỗi sợ hãi đó là một lý do khác cho sự thay đổi nhanh chóng. Khi chính phủ Anh cố gắng lùi lại để giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước, họ đã bị buộc tội là hành động quá ít, quá muộn. Ngược lại, Pháp đã thông qua một đạo luật trong tuần này trao cho chính phủ quyền lực không chỉ kiểm soát sự di chuyển của người dân mà còn để quản lý giá cả và trưng dụng hàng hóa. Trong cuộc khủng hoảng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chứng kiến tỉ lệ người dân ủng hộ ông tăng vọt.

Ở hầu hết các nước trên thế giới, cho đến nay, nhà nước đã phản ứng với Covid-19 thông qua sự pha trộn giữa sự ép buộc và sức mạnh kinh tế. Khi đại dịch xảy ra, nhà nước có khả năng sử dụng sức mạnh độc nhất của mình để giám sát mọi người bằng cách sử dụng dữ liệu của họ. Hồng Kông sử dụng các ứng dụng trên điện thoại cho biết bạn đang ở đâu để giám sát lệnh cách ly. Trung Quốc có một hệ thống mã để ghi lại những người nào đủ khỏe mạnh để được đi ra khỏi nhà. Dữ liệu điện thoại giúp các chuyên gia xây dựng mô hình dự đoán sự lây lan của bệnh. Và nếu chính phủ muốn chặn được Covid-19, như Trung Quốc đã làm, họ sẽ cần ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai đối với nhiều người dân vẫn còn dễ mắc bệnh, bằng cách vây ráp những cụm lây nhiễm mới. Hàn Quốc nói rằng tự động truy tìm các mối tiếp xúc gần của những ca nhiễm mới bằng cách sử dụng công nghệ di động sẽ mang lại kết quả sau mười phút thay vì 24 giờ.

Sự gia tăng mạnh mẽ này của quyền lực nhà nước đã diễn ra mà hầu như không có thời gian để tranh luận. Một số người sẽ tự trấn an rằng điều này chỉ là tạm thời và nó sẽ không để lại hệ quả, như trường hợp bệnh cúm Tây Ban Nha cách đây một thế kỷ. Tuy nhiên, quy mô của phản ứng làm cho Covid-19 giống như một cuộc chiến hoặc một cuộc Đại suy thoái. Và ở đây lịch sử cho thấy các cuộc khủng hoảng thường dẫn đến một nhà nước lớn hơn vĩnh viễn với nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn so với khả năng mà các khoản thuế có thể chi trả cho họ. Nhà nước phúc lợi, thuế thu nhập, quốc hữu hóa, tất cả đều bắt nguồn từ các cuộc xung đột và khủng hoảng.

Như danh sách đó cho thấy, một số thay đổi ngày hôm nay là điều đáng mong muốn. Sẽ rất tốt nếu các chính phủ được chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo; tương tự là nếu họ đầu tư vào y tế công cộng, kể cả ở Mỹ, nơi rất cần cải cách. Một số nước cần chi trả tiền lương cho người nghỉ bệnh một cách tử tế.

Những thay đổi khác có thể ít rõ ràng hơn, nhưng sẽ khó đảo ngược vì chúng được ủng hộ bởi các nhóm cử tri nhiều quyền lực ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Một ví dụ là việc nới lỏng thỏa thuận của khu vực đồng euro vốn có mục tiêu áp đặt kỷ luật lên việc vay mượn của các nước thành viên. Tương tự như vậy, Anh đã áp đặt quyền kiểm soát của nhà nước lên ngành đường sắt, một bước đi được cho là tạm thời nhưng có thể sẽ không bao giờ được rút lại.

Đáng lo ngại hơn là sự lây lan của những thói quen xấu. Chính phủ có thể rút lui vào tình trạng tự cung tự cấp. Một số sợ bị hết các nguyên liệu sản xuất thuốc, nhiều trong số đó được sản xuất tại Trung Quốc. Nga đã áp đặt lệnh cấm tạm thời xuất khẩu ngũ cốc. Các nhà công nghiệp và chính trị gia đã mất niềm tin vào chuỗi cung ứng. Đó chỉ là một bước đi nhỏ dẫn tới sự ủng hộ về lâu dài của nhà nước đối với các công ty chủ chốt của quốc gia, những công ty sẽ được cứu trợ bởi tiền thuế của dân. Triển vọng thương mại quốc tế vốn đã mờ mịt nay lại càng mù mịt thêm. Và về lâu dài, một sự mở rộng quá mức và kéo dài của quyền lực nhà nước cùng với nợ công cao hơn đáng kể có khả năng dẫn đến một loại chủ nghĩa tư bản chậm chạp, kém năng động hơn.

Nhưng đó không phải là vấn đề lớn nhất. Những lo lắng lớn hơn nằm ở nơi khác, như việc lạm dụng quyền lực và các mối đe dọa đối với tự do. Một số chính trị gia đã tranh thủ vun vén thêm quyền lực, như ở Hungary, nơi chính phủ đang tìm cách thông qua một tình trạng khẩn cấp vô thời hạn. Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu dường như coi cuộc khủng hoảng là cơ hội để trốn tránh một phiên tòa xử tội tham nhũng đối với ông.

Đáng lo ngại nhất là việc giám sát người dân quá mức. Thu thập và xử lý dữ liệu sâu rộng sẽ gia tăng vì nó mang lại lợi thế thực sự trong việc quản lý bệnh. Nhưng điều đó cũng mang lại cho nhà nước quyền truy cập thường xuyên vào hồ sơ y tế và dữ liệu điện tử của công dân. Nhà nước sẽ đối mặt với cám dỗ là tiếp tục sử dụng giám sát sau đại dịch, tương tự như trường hợp luật chống khủng bố được gia hạn sau ngày 9/11. Điều này có thể bắt đầu với việc truy tìm các trường hợp bị bệnh lao hoặc những người buôn ma túy. Không ai biết nó sẽ kết thúc ở đâu, đặc biệt là trong bối cảnh đối phó với Covid-19, một nhà nước Trung Quốc giám sát điên cuồng người dân được coi như một mô hình.
Giám sát có thể là rất cần thiết để đối phó với Covid-19. Các quy định với các điều khoản giám sát và chấm dứt hiệu lực được đưa vào sẵn sẽ có thể giúp ngăn chặn tình trạng lạm quyền. Nhưng hàng rào bảo vệ chính chống lại những nhà nước quá nhiều quyền lực, trong công nghệ lẫn nền kinh tế, sẽ chính là người dân. Họ phải nhớ rằng một chính phủ phù hợp với chống dịch không phù hợp với cuộc sống thường nhật của họ.


NGUỒN :

Big government is needed to fight the pandemic. What matters is how it shrinks back again afterwards
26/03/2020.





No comments: