Friday, February 8, 2019

VUA THÁI KHÔNG TÁN THÀNH CHO CHỊ RUỘT RA TRANH CỬ (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
8 tháng 2 2019

Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn ra tuyên bố cho rằng đề nghị chưa từng có tiền lệ của chị gái ngài khi công bố ra tranh cử chức thủ tướng nước này là "không phù hợp."

Công chúa Ubolratana Mahidol năm nay 67 tuổi . AFP

Công chúa Ubolratana Mahidol, 67 tuổi, đã được đề cử làm ứng viên cho một đảng liên minh với cựu Thủ tướng gây chia rẽ và bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Một động thái như vậy sẽ phá vỡ truyền thống của Hoàng gia Thái Lan công khai đứng ngoài chính trị, tuyên bố viết.

Cuộc bầu cử của Thái Lan sẽ diễn ra vào ngày 24 tháng Ba. Giới quan sát đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử như là cơ hội đầu tiên để Thái Lan trở lại chế độ dân chủ sau năm năm dưới sự cai trị của quân đội.

'Cực kỳ không phù hợp'

Trong một tuyên bố từ Hoàng Gia được đọc trên tất cả các mạng truyền hình nước này, Quốc vương Vajiralongkorn viết:

"Việc tham gia của một thành viên cấp cao của Hoàng gia trong chính trị, dù bằng cách nào, là một hành động mâu thuẫn với truyền thống lâu năm, phong tục và văn hóa của đất nước, và do đó được coi là cực kỳ không phù hợp. "

Quốc Vương Thái Lan Vajiralongkorn bác việc chị ruột có thể giả tranh cử. GETTY IMAGES

Vài giờ trước đó, Công chúa Ubolratana đã bảo vệ quyết định của mình ra tranh cử, nói trên truyền thông xã hội rằng đó là quyền của bà với tư cách công dân khi chấp nhận đề cử.

Trước đó, nhà báo Nopporn Wong-Anan từ Thế giới vụ bình luận với BBC Tiếng Việt về động thái vô tiền khoáng hậu của Công chúa Thái Lan, ông nói:

"Đây là động thái rất có tính quyết định, trước thông báo này, mà chúng ta nói là vào khoảng 2-3 tuần trước, cuộc bầu cử này được coi như một cuộc bầu cử mà phe quân sự sắp giành thắng lợi.
"Lý do là vì Hiến pháp đã được thiết kế bởi những người mà phe quân sự chỉ định. Và nó được thiết kế để ngăn chặn tình hỉnh được ủng hộ rộng rãi trong dân chúng của ông Thaksin Shinawatra và sự trở lại chính trị rồi 'lên ngôi' của ông ta.
"Các quan sát, dự đoán tin tưởng rằng sự ủng hộ của cử tri vẫn còn rất mạnh trong tầng lớp dưới, đặc biệt ở mạn Đông Bắc của Thái Lan. Ông Thaksin đã bị lật đổ vào năm 2006 trong một cuộc đảo chính và em gái của ông cũng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2014."

Nhà báo Nopporn Wong-Anan, Trưởng ban BBC Tiếng Thái bình luận tiếp:

"Phe chính trị của ông Thaksin bị người khác cho là để cho người dân phá hoại nền quân chủ, để những người theo phe cộng hòa ở lại. Cho nên họ bị cáo buộc là có âm mưu lật đổ thể chế vương quyền. Nhưng ông Thaksin đã sống sót và ông nhận ra rằng mặc dù được sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp quần chúng đó, ông không thể thoát khỏi cáo buộc cho rằng ông là một người theo phe cộng hòa, là một người lật đổ vương quyền.
"Do đó ông đã tiếp cận vị công chúa, người là chị gái của Quốc vương đương kim và là con gái cả của nhà Vua quá cố. Công chúa Ubolratana từng kết hôn với một người Mỹ và đã ly hôn. Bà đã từ bỏ vị trí của bà ở Hoàng gia từ khi bà kết hôn. Sau khi ly hôn, bà trở lại Thái Lan. Mặc dù đã là một 'thường dân', bà vẫn được người dân kính trọng, bà vẫn được người ta coi như một thành viên của Hoàng gia và bà vẫn được coi như là Công chúa.
"Do đó sự nổi tiếng của bà khá mạnh, bà dường như vươn được tới tầng lớp thần dân lớp dưới, là một Công chúa Hoàng gia, bà điều hành nhiều dự án từ thiện do Hoàng gia tài trợ. Bà được khoảng 100.000 người theo dõi trên tài khoản Instagram, do đó bà có vẻ rất phù hợp cho ông Thaksin, bởi vì trước thông báo ra tranh cử này, bà đã được nhìn thấy trao đổi riêng tư hay cá nhân, nếu có thể dùng thuật ngữ này, với con gái của ông Thaksin trên Instagram.
"Bà từng được thấy trên tài khoản Facebook chụp hình khi dự khán một trận bóng đá World Cup với ông Thaksin và em gái của ông, bà Yingluck, ở Nga. Nếu chúng ta đưa các miếng ghép này lại với nhau, chúng ta có thể thấy bà là lựa chọn phù hợp nhất của ông Thaksin để thanh minh cho ông.
"Và có thể dùng ở đây một thành ngữ là 'nhất xạ đoạt lưỡng liêu', hay 'nhất cử lưỡng tiện', một mặt, sự phổ biến của ông trong những người dân nghèo ở nông thôn vẫn mạnh và mặt khác, ông có thể thanh minh cho tên tuổi của ông trước cáo buộc là một người dám phá hoại hay mưu đồ lật đổ nền Quân chủ vương quyền như đã nói trên, bằng việc có người chị ruột của nhà Vua thân cận ở bên."

Một trong hai trang tuyên bố từ Hoàng Gia của Quốc vương đư công bố trên truyền thông Thái Lan.  THAIL-ROYAL CASSETTE

Ai là người thủ lợi?

Khi được hỏi liệu như vậy đã biết và có thể khẳng định rõ ràng người hưởng lợi từ việc Công chúa Ubolratana ra tranh cử này, nhà báo Nopporn Wong-Anan đáp:

"Tất nhiên chắc chắn đó là ông Thaksin rồi. Bởi vì dưới sự sắp xếp của chính quyền hiện nay, ông đã bị luật pháp cấm ra tranh cử, ông cũng vẫn đang phải đương đầu với nhiều cáo buộc hình sự trong đó có tội bỏ trốn, em gái của ông cũng là người đào thoát và chịu các cáo buộc của tòa án.
"Cho nên điều mà ông đang làm, ông không chỉ đứng sau một đảng phái mà nhiều đảng phái - nếu chúng ta dùng một thuật ngữ kinh tế, thì đó là một mạng lưới các chi nhánh làm vệ tinh xoay quanh một tập đoàn - vào cuộc bầu cử lớn này.
"Cho nên điều ông Thaksin làm là ông đưa người chị của nhà Vua vào một phân nhánh nằm trong đại tập đoàn của ông. Do đó, rõ ràng ông Thaksin chính là người thủ lợi.

Nhà lãnh đạo bị lật đổ Thaksin Shinawatra được cho là vẫn có ảnh hưởng mạnh trong nền chính trị Thái Lan. REUTERS

Nhà báo Nopporn Wong-Anan cũng bình luận về động thái từ phía của Thủ tướng Thái Lan và 'phe phái' được cho là liên quan tới Thủ tướng:

"Đầu tiên phải nói là tuần trước đó, đã có một đảng phái được thành lập dành cho Thủ tướng, nhiều bộ trưởng đương nhiệm trong nội các của ông là thành viên sáng lập của đảng này.
"Tháng trước, các bộ trưởng này đã từ chức và tuần trước họ đã đến gặp ông Thủ tướng Prayuth tại văn phòng Chính phủ và đã có các trao đổi."

Nhà báo Nopporn Wong-Anan cho rằng cần có thêm thời gian để theo dõi các diễn biến chính trị Thái Lan sau các động thái mau lẹ hôm 08/2 của cả Quốc vương nước này và chị gái của Quốc vương. BBC/BBC NEWS TIẾNG VIỆT

Bình luận về tuyên bố của Hoàng gia Thái Lan loại bỏ khả năng ra tranh cử của Công chúa Ubolratana, ông Nopporn Wong-Anan nói:

"Hiện chưa thể biết diễn tiến tiếp theo sẽ ra sao. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ các động thái từ các phía liên quan và trong đó có thể có các thông báo tiếp theo từ Hoàng Gia," nhà báo nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.

---------------------------------------

08/02/2019

Công chúa Ubolratana của Thái Lan, con gái cả của cố quốc vương Rama IX, vừa mới tuyên bố bà chấp thuận trở thành ứng cử viên thủ tướng đại diện cho đảng Thai Raksa Chart, tờ Nikkei đưa tin.

Công chúa Ubolratana (giữa) sẽ trở thành thủ tướng tương lai? Ảnh: Thailand Tatler

Đây là hành động được cho là vô tiền khoáng hậu, khi cuộc bầu cử ngày 24/3 tới đang đến gần.

Lần đầu tiên kể từ khi Thái Lan trở thành một nền quân chủ lập hiến vào năm 1932, có một thành viên của hoàng gia tham gia chính trị một cách chính thức, đặc biệt lại là ứng viên thủ tướng. Điều này phá vỡ truyền thống chính trị xưa nay ở Thái Lan.

Nhưng đó không phải là điều vô tiền khoáng hậu duy nhất, một điều nữa cũng thú vị không kém diễn ra trong thời gian này, đó là việc thủ tướng đương nhiệm, Prayuth Chan O-cha tiếp tục chạy đua cho chức thủ tướng ở kì bầu cử tới. Đương kim thủ tướng hiện tại vốn là một tướng quân đội. Ông trở thành thủ tướng sau khi lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014, lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra.

Theo thông lệ, sau mỗi kì đảo chính, phe quân đội sẽ triệt thoái về các doanh trại và để cho người dân bầu lên chính phủ mới thông qua tổng tuyển cử. Các tướng quân đội sẽ không tham gia chính trị. Tuy vậy, sau cuộc đảo chính năm 2014, ông từ chối trở về doanh trại, thay vào đó, ông khoác lên mình bộ complet và trở thành một chính trị gia. Việc Thủ tướng Prayuth tiếp tục tranh cử đã phá bỏ thông lệ quân đội không tham chính đã có từ lâu ở Thái Lan.

Hiến pháp hiện hành của Thái Lan quy định, thủ tướng sẽ được Thượng viện bầu. Và điều thú vị là, khác với Hạ viện vốn do cử tri bầu trực tiếp, thành viên của Thượng viện sẽ được Quân đội Hoàng gia chỉ định. Những tưởng với lợi thế này thì Thủ tướng Prayuth, thuộc phe quân đội, sẽ dễ dàng giữ được ghế thủ tướng của mình. Thế nhưng, với việc Công chúa Ubolratana ra tranh cử, điều này trở nên không chắc chắn bởi văn hóa chính trị ở Thái Lan từ trước tới nay luôn đặt hoàng gia lên trên hết.

Chuyện chưa dừng lại ở đó, Công chúa 67 tuổi Ubolratana ra tranh cử đại diện cho đảng Thai Raksa Chart, vốn là chính đảng có thiên hướng ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, vị thủ tướng nổi tiếng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2006. Phe quân đội vốn kị giơ gia đình Shinawatra. Hai cuộc đảo chính gần đây nhất đều nhằm mục đích lật đổ chính quyền của các thành viên gia tộc này.

Công chúa Ubolratana sinh năm 1951 tại Thuỵ Sĩ, nơi vua cha đang theo học vào thời điểm đó. Bà từng từ bỏ địa vị hoàng gia khi kết hôn với một người Mỹ vào năm 1972 nhưng trở lại hoàng gia sau khi ly hôn. Bà có bằng cử nhân ngành hoá sinh của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nổi tiếng của Mỹ. Trong số ba người con của bà, một người chết trong đợt sóng thần năm 2004, hai người con gái còn lại hiện đang sống ở Mỹ.

------------------------------

VIDEO :
Người Việt February 8, 2019
.
VOA    08/02/2019
.
Anh Vũ – RFI   |   Đăng ngày 08-02-2019
.
BBC Tiếng Việt    |   8 tháng 2 2019






No comments: