Thứ sáu, 22/2/2019
Cuối năm 2013, trên đường lái xe về quê ăn Tết dọc
duyên hải miền Trung, chúng tôi dừng uống nước tại một quầy bán dưa hấu ven lộ.
Gần đó, những mảng tường thép cùng ống khói sơn trắng - đỏ chọc thẳng lên nền
trời xanh đầy nắng gió. Đó là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, thuộc tổ hợp điện
lực Vĩnh Tân, đang được xây dựng.
Trong câu chuyện, người bán hàng vui mừng vì huyện
có nhà máy mới, sẽ có nhiều công nhân mua hàng của họ. Bà còn hy vọng tổ hợp điện
lực sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho dân địa phương, "như lời các anh ở
trển".
Bẵng đi một thời gian, giữa tháng 4-2015, cuộc
"tụ tập đông người" với quy mô chưa từng có đã diễn ra ở Bình Thuận.
Nguyên nhân chính bởi những bức xúc chồng chất do ô nhiễm tạo ra bởi nhà máy
nhiệt điện Vĩnh Tân 2 khiến môi trường sống của dân cư bị bức tử.
Người dân Bình Thuận đã bức xúc không chỉ bởi những ống
khói phá hỏng bầu trời, mà còn bởi một hậu quả khác của điện lực Vĩnh Tân: phát
tán bụi và các chất độc hại từ bãi tro xỉ đang gây ô nhiễm nước ngầm, bức hại
biển và nguồn lợi thủy sản - sinh kế của họ. Chỉ chưa đầy năm năm từ ngày tổ
máy nhiệt điện than đầu tiên vận hành tại đây, số liệu của Bộ Công thương cho
thấy bãi tro xỉ Vĩnh Tân đã chứa khoảng 4,5 triệu m3.
Lượng tro xỉ
thải ra từ nhiệt điện Vĩnh Tân nếu chứa trong các container 40 feet với tải trọng
30 tấn, đặt trên các toa tàu thì phải cần đến gần 127.000 toa tàu. Đoàn tàu tro
xỉ đó có chiều dài là 1.900 km, với đầu máy tại ga Sài Gòn và toa cuối ở ga Đồng
Đăng. Đều đặn mỗi năm, điện lực Vĩnh Tân tạo ra một đoàn tàu tro xỉ dài như thế.
Nhưng Việt Nam không chỉ có mỗi điện lực Vĩnh Tân,
mà còn điện lực Duyên Hải (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu
Giang), Mông Dương (Quảng Ninh), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Quỳnh Lập (Nghệ An), Quảng
Trạch (Quảng Bình), Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Long An... và rất
nhiều nữa. Chúng cũng đang và sẽ tạo ra những "đoàn tàu" tro xỉ khác.
Có một sự liên hệ đáng suy ngẫm về vụ "tụ tập
đông người" ở Vĩnh Tân. Năm 2015 cũng là năm mà Việt Nam chính thức chuyển
từ quốc gia xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng, trong đó chiếm tỷ
trọng lớn nhất là than đá để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng cao của các nhà
máy nhiệt điện.
Lịch sử hơn
120 năm xuất khẩu than đá của Việt Nam nay đã kết thúc để chuyển sang một trang
mới. Trang mới này ngày càng "đen" hơn. Chỉ riêng
năm 2018, số liệu thống kê cho thấy Việt Nam đã chi một số tiền kỷ lục là hơn 2
tỷ USD để nhập khẩu than đá. Thực tế thì tiêu thụ than đá của Việt Nam đã tăng
phi mã đến 350% chỉ trong vòng 10 năm qua, so với tỷ lệ trung bình cùng giai đoạn
toàn thế giới là 26%. Nhưng "cơn nghiện" than đá của Việt Nam vẫn
chưa thấy điểm dừng, nếu không muốn nói là càng ngày nghiện càng nặng.
Các chất ô nhiễm phát thải từ nhiệt điện than trên
thế giới từ lâu đã được xác định là thủ phạm gây ra ô nhiễm không khí, nguồn nước,
đất trồng, phá hủy các hệ sinh thái, và gây ra bệnh tật cho các cộng đồng dân
cư. Không chỉ thế, nhiệt điện than còn bị chỉ đích danh là thủ phạm chính phát
thải khí nhà kính, gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Năm 2016, nguyên Chủ tịch Ngân
hàng thế giới Jim Yong Kim đã có một phát biểu chấn động: "Nếu Việt Nam tiến hành lắp đặt 40 GW nhiệt điện than và toàn bộ
khu vực thực thi các kế hoạch nhiệt điện than, tôi nghĩ cuộc sống sẽ kết thúc.
Đây sẽ là một thảm họa cho hành tinh của chúng ta".
Chính sách lấy nhiệt điện than làm trụ cột phát triển
nguồn điện của Việt Nam là rào cản thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch
trong suốt thời gian qua. Chỉ riêng trong địa bàn huyện Tuy Phong đã thấy hai bức
tranh đối lập. Phía Nam huyện là những cánh đồng điện gió đang chật vật vươn
lên để tạo ra những dòng điện xanh trong sự đón chào của người dân. Phía Bắc của
huyện là trung tâm điện lực Vĩnh Tân thuộc "diện bảo vệ an ninh đặc biệt".
Hai
bức tranh đối lập đó đủ để nói lên một nhu cầu cấp thiết hiện nay ở tầm vĩ mô:
Chính phủ cần ban hành một bản quy hoạch điện lực mới, lấy năng lượng sạch làm
trụ cột, đưa ra lộ trình từ bỏ hoặc hạn chế nhiệt điện than ở mức tối thiểu.
Câu hỏi quan trọng nhất là: Làm sao để nền năng lượng quốc gia được đảm bảo an
ninh an toàn, tạo ra sự thịnh vượng mà ở đó chất lượng sống của mọi người đều tốt
hơn?
Bộ Công thương cho tới lúc này vẫn đang kêu gọi công
luận "không
nên cực đoan với nhiệt điện than" với lý do an ninh năng lượng quốc
gia. Nhưng sự cảm thông không thể kéo dài vĩnh viễn, và người dân cần được nhìn
thấy bản chiến lược năng lượng mới của quốc gia trước khi quá muộn.
ECIU, một tổ chức phi chính phủ, trong báo cáo năm
2016 đã "vinh danh" bốn "con hổ nhiệt điện than" châu Á gồm:
Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam - nhóm quốc gia đóng góp đến 74% công
suất nhiệt điện than toàn cầu. Sẽ chẳng ai tự hào khi được "vinh
danh" như vậy.
"Việt Nam không thể hóa rồng trong khi xung
quanh đầy bụi của nhiệt điện than" - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt
Nam, ông Ousmane Dione, đã nói như vậy.
Nguyễn
Đăng Anh Thi
No comments:
Post a Comment