Thursday, February 28, 2019

HÀNG TRIỆU CÔNG NHÂN DỆT MAY SỐNG LAY LẮT VÌ LƯƠNG THẤP (The Leader)




Thu Uyên - Ngọc Mỹ  -  The Leader  
09:01, 27/02/2019

TheLEADEROxfam cho biết, tại Việt Nam hiện nay, có tới 99% công nhân may không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn lương châu Á và 74% không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn của Liên minh lương đủ sống toàn cầu.

Tọa đàm về tiền lương không đủ sống do Oxfam tổ chức

Những con số thống kê trong báo cáo được Oxfam kết hợp với Viện Nghiên cứu Công nhân và công đoàn đưa ra tại buổi tọa đàm “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” diễn ra sáng nay ngày 26/02 tại trụ sở của Oxfam Việt Nam thực sự đáng để suy ngẫm.

Báo cáo của Oxfam là kết quả khảo sát đối với doanh nghiệp may ở nhiều khu vực, nhiều doanh nghiệp trong đó cung ứng hàng cho các thương hiệu nổi tiếng như K.hey, Target, GU, Uni Clo, Carrefour, SFG, Froevernew, Cotton On, Peacocks, Tesco, DP Garments, Gap, Splat, Camel, BVH, New Look, Primax, Morrison, Jorge, CK, Zara, Posco, Arcadia, Dunnes, Mango, Jamax. Tại các doanh nghiệp được khảo sát đều có quy mô doanh nghiệp trên 200 lao động, 70 - 80% là lao động trực tiếp, 85 - 90% là nữ.

Báo cáo cho biết, tại Việt Nam hiện nay, có tới 99% công nhân may không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn lương châu Á là 8,9 triệu đồng/tháng và 74% không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn của Liên minh lương đủ sống toàn cầu 5,2 triệu đồng/tháng.

Ước tính lương cơ bản trung bình của 2,5 triệu lao động trong 60.000 doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam chỉ 3,7 triệu đồng/tháng.

Chị Hà 35 tuổi, làm công nhân may ở Hải Dương đã được 18 năm. Công việc vất vả nhưng tiền lương nhận được thậm chí không đủ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, chứ chưa nói đến chăm lo cho hai đứa con chị một cuộc sống tốt đẹp. Chị Hà muốn nghỉ việc đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, tuy nhiên giám đốc sản xuất từ chối ký vào đơn xin nghỉ việc của chị, yêu cầu sang gặp phòng nhân sự.

Phòng nhân sự cho biết hiện có những người nộp đơn từ đầu năm đến giờ vẫn chưa được giải quyết. Nếu không được công ty đồng ý cho thôi việc, chị và những người khác sẽ không thể hưởng quyền lợi bảo hiểm của mình. Câu chuyện của chị Hà cho thấy một thực tế là bản thân công ty rất muốn giữ công nhân nhưng họ không giữ bằng động lực “tiền lương” mà bằng biện pháp hành chính.

Cũng theo báo cáo của Oxfam, 69% công nhân dệt may cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình; 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng, trong đó 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn; 53% không đủ khả năng điều trị khi ốm đau và có tới 94% công nhân không dám nghỉ ốm khi cần.

Đi làm muộn, quên quẹt thẻ chấm công, nghỉ ốm hay không đạt định mức, tất cả chỉ là một trong muôn vẻ những cách khác nhau để doanh nghiệp khấu trừ thu nhập của người lao động.

Bà Phạm Thu Lan – Phó viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Trưởng nhóm nghiên cứu đã tổng hợp từ những nghiên cứu thực tế và đưa ra kết luận về các phương thức mà chủ doanh nghiệp sử dụng để cắt giảm lương của người lao động, bao gồm cách tính tiền lương phụ thuộc và giá đơn hàng, tăng làm thêm giờ thay vì tuyển thêm lao động, gây áp lực về mặt hành chính để buộc công nhân làm việc,…

“Cuộc khảo sát cho thấy rất nhiều công nhân may có mức lương chưa đủ sống. Họ phải chi tiêu ở mức dè xẻn và hiếm khi chi tiền vào những khoản chưa thực sự cần thiết. Các chi tiêu cho giải trí, hoạt động xã hội và thậm chí đi lại về quê thăm gia đình và bạn bè ít công nhân có thể dám chi trong tiền lương hàng tháng của họ. Có công nhân nhận mức lương sản phẩm đạt 10-12 triệu đồng/tháng nhưng họ thường làm việc hết sức. Mong đợi của công nhân may hiện nay là lương đủ sống trong điều kiện làm việc bình thường, trong giờ làm việc tiêu chuẩn và cường độ làm việc phù hợp”, báo cáo nhận định.

Hệ luỵ

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam khẳng định: “Tình trạng tiền lương thấp trong chuỗi cung ứng ngành may đang làm cho công nhân và gia đình họ bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, nợ nần. Mức lương không đủ sống khiến người lao động bị bần cùng hóa, không được hưởng những nhu cầu sống tối thiểu, buộc họ phải làm thêm giờ dẫn đến những tổn hại về sức khỏe và thậm chí rơi vào nợ nần".

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Có tới 65% công nhân may tại Việt Nam thường xuyên phải làm thêm giờ và 37% công nhân cho biết họ thường xuyên phải vay mượn từ bạn bè, người thân hoặc hàng xóm để bù đắp chi tiêu.

Đặc biệt, báo cáo cũng cho thấy, không chỉ thiếu thốn về vật chất, tiền lương không đủ sống còn đem tới những hệ lụy về tâm lý, sức khỏe của người lao động và doanh nghiệp cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. 

Chị Nguyễn Thanh Phụng 37 tuổi, hiện đang mắc bệnh tim mãn tính và huyết áp cao, sức khỏe rất kém vẫn thường xuyên phải làm thêm giờ chỉ để đạt đủ định mức và được hưởng mức lương tối thiểu.

Hay chị Hậu, công nhân may 27 tuổi – người hằng ngày vẫn tiếp tục cuộc sống tằn tiện, cần mẫn làm việc với cái bụng rỗng để tích góp từng đồng, vẫn đang chờ đợi những thay đổi tích cực và cụ thể hơn cùng với mong mỏi về một mức lương đủ sống, một tương lai tươi sáng cho họ và gia đình.

Theo ý kiến từ một quản lý sản xuất được phỏng vấn trong quá trình nghiên cứu: “Khi tâm lý ức chế hoặc không thoải mái thì năng suất và chất lượng công việc giảm, vì người lao động làm việc uể oải, không hứng thú. Nếu điều kiện lao động kém và lương quá thấp thì người lao động sẽ nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn”.

“Lương không đủ sống” là một bóng đen đang phủ lên, kìm hãm sự phát triển của ngành may xuất khẩu Việt Nam và kéo dài chuỗi ngày sống khó khăn của những công nhân dù họ ngày ngày cần mẫn tới xưởng, thậm chí chấp nhận làm thêm giờ hay sống xa gia đình. 






No comments: