Mai Vân – RFI
Đăng ngày 27-02-2019
Là
nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc
dĩ nhiên là nước phải theo dõi nhất cử nhất động của hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều
Tiên nhân hội nghị thượng đỉnh mở ra hôm nay, 27/02/2019 tại Hà Nội. Trong bài
phân tích ngày 23/02 vừa qua mang tựa đề « Hàn Quốc được gì và mất gì từ thượng
đỉnh Trump–Kim », trang mạng đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera đã cho rằng : «
Dù đã góp phần cải thiện quan hệ Seoul–Bình Nhưỡng, cuộc gặp Trump-Kim ở Việt
Nam có thể khiến Hàn Quốc lo lắng ».
Bài viết trên trang Al Jazeera mở đầu với mối quan
tâm của So Seung Lee, một người Seoul 78 tuổi, trước cuộc gặp “đầy ý nghĩa” giữa
Donald Trump và Kim Jong Un tại Singapore năm ngoái. Ông Lee đã chăm chú theo
dõi những đoạn trích trên truyền hình, trong đó có cái bắt tay ngoạn mục giữa
hai lãnh đạo.
Nhưng từ đó đến nay, ông đã cảm thấy thất vọng : « Từ
Singapore đến nay không thấy chuyển biến gì trên vấn đề phi hạt nhân hóa hay hiệp
định hòa bình. Tôi cho rằng đó chỉ là một cuộc gặp mang tính biểu tượng mà thôi
và vô dụng. Lần này hy vọng là họ sẽ đạt được một cái gì đó mang lại thay đổi thật
sự. »
Hy vọng
một kết quả cụ thể
Đối với tác giả bài viết, không chỉ có ông Lee là
mong muốn mọi việc tiến triển với cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai. Sau khi phá
được băng giá trong quan hệ với Bình Nhưỡng vào năm 2018, Seoul cũng hy vọng là
đàm phán Mỹ-Triều lần này đạt được một cái gì đấy quan trọng.
Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, Kim Eui
Kyeom cho rằng : « Hai lãnh đạo Mỹ-Triều đã có những bước đi đầu tiên để kết
thúc lịch sử 70 năm thù nghịch. Lần này chúng tôi hy vọng họ có những hành động
cụ thể hơn ở Việt Nam… Chúng tôi chờ đợi là Việt Nam sẽ là bối cảnh để Bắc Triều
Tiên và Hoa Kỳ viết nên trang sử mới ».
Cách đây 3 năm quan hệ hai miền Triều Tiên xuống mức
thấp nhất kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Bắc Triều Tiên đã năm
lần thử nghiệm hạt nhân, đe dọa bắn hỏa tiễn sang đảo Guam của Mỹ và cho nổ một
quả bom mà họ gọi là khinh khí.
Thế nhưng vào năm ngoái diễn ra những bước tiến ngoạn
mục : vào tháng Tư năm 2018, Kim Jong Un đã băng qua biên giới để gặp tổng thống
Hàn Quốc Moon Jae In ở Bàn Môn Điếm. Trước đó vận động viên Bắc Triều Tiên đã
tham gia Thế Vận Hội mùa đông, tổ chức ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Trong phái đoàn
Bắc Triều Tiên, có nhiều quan chức cao cấp, đặc biệt là có cô em của lãnh đạo
Kim Jong Un.
Hàn Quốc cũng hy vọng thời kỳ hòa bình được kéo dài,
và nhất là hy vọng chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo, bởi
vì cuộc chiến Triều Tiên chỉ kết thúc với một lệnh ngưng bắn.
Trong cuộc gặp với viên chức cao cấp Hàn Quốc vào
thượng tuần tháng 2 này, tổng thống Moon Jae In đánh giá : « Đối với chúng ta
thời kỳ hòa bình và thịnh vượng của bán đảo đang đến gần hơn. Tôi hy vọng là
thượng đỉnh sắp tới sẽ là một thượng đỉnh lịch sử, sẽ biến bán đảo Triều Tiên từ
một vùng còn vết tích chiến tranh lạnh, còn mang dấu ấn của thù hằn, tranh chấp,
thành một vùng hòa bình trù phú. »
Với quan hệ Seoul-Bình Nhưỡng được cải thiện, viễn cảnh
về một Hàn Quốc thống nhất một lần nữa đã khiến Kyung Hee Lee, một thanh niên
27 tuổi phấn khởi trước cuộc đàm phán mới giữa hai ông Trump và Kim.
Thanh niên này khẳng định : « Tôi rất thích việc họ
gặp lại nhau. Họ đang làm những điều chưa từng được thực hiện trước đây… Mặc dù
còn quá sớm để nghĩ đến việc thống nhất đất nước, nhưng tôi nghĩ rằng hội nghị
thượng đỉnh có thể là bước đầu tiên để biến điều đó thành hiện thực. Nếu là như
vậy, thì các con tôi có thể sống trên một đất nước Triều Tiên thống nhất. »
Lá bài
kinh tế
Ông Moon được dân chúng ủng hộ đáng kể sau cuộc gặp
lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Với cuộc bầu lại Quốc Hội vào năm tới, tỏng
thống Hàn Quốc rất mong muốn một kết quả tốt ở cuộc gặp ở Hà Nội, có thể dẫn đến
những cuộc đàm phán tiếp theo trong tương lại giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Tại Singapore vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo là ưu
tiên hàng đầu. Nhưng vào tuần qua, ông Trump cho biết rằng ông không vội thực
hiện mục tiêu này. Thay vào đó, ông tìm cách ngăn Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ
khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Ông Moon thì đã nói với ông Trump là Seoul muốn hợp
tác kinh tế với Bắc Triều Tiên, xem đó là một động thái “nhượng bộ” nếu nó có
thể thúc đẩy Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Ông Moon cho là ông sẵn sàng thực hiện bất kỳ đề án
mới nào về đường sắt hay đường lộ nối liền hai miền, cũng như những đề án hợp
tác kinh tế liên Triều khác.
Nhiều người ở Hàn Quốc cũng hy vọng phục hồi lại
quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên, đặc biệt là mở lại khu công nghiệp Kaesong
mà hoạt động bị ngưng từ 3 năm nay.
Kim Hak Gwon, một chủ nhà máy ở Kaesong giải thích:
“ Mở lại khu công nghiệp, tạo môi trường cho các công ty tại chỗ sản xuất sản
phẩm thô hay sản phẩm phụ có thể có lợi… và đồng thời giúp tạo công việc làm ở
Hàn Quốc. Đã có 54.000 người Bắc Triều Tiên lao động ở Kaesong, nhưng có đến
300.000 nhân công ở phía Nam tham gia vào dây chuyền sản xuất.”
Mở lại Kaesong sẽ giúp Hàn Quốc nhiều hơn là bất kỳ
hợp tác kinh tế nào khác với Bắc Triều Tiên, theo đánh giá của ông Park Jee
Hyeong, giáo sư kinh tế Đại Học Quốc Gia Seoul.
Theo giáo sư Park: “Nếu không có ‘đầu tư trực tiếp’vào
Bắc Triều Tiên, tác động kinh tế trên nền kinh tế Hàn Quốc từ việc khởi động lại
thương mại dự kiến sẽ rất ít và giới hạn, nhưng sẽ giúp Bắc Triều Tiên rất nhiều
về kinh tế và sẽ có tác động tích cực lớn. Nếu đề án hợp tác như Khu Phức Hợp
Công Nghiệp Gaesung được tiến hành, điều đó có thể mang lại lợi ích cho miền
Nam nhiều hơn.”
Kỳ vọng
vào Thượng đỉnh nhưng cũng lo ngại cho Liên minh Mỹ- Hàn
Theo Al Jazeera, dân Hàn Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng
vào Thượng Đỉnh Hà Nội. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện hồi đầu tháng Hai
này, hơn 62% người được hỏi tỏ ý lạc quan về một kết quả tích cực.
Giáo sư chính trị Yul Shin tại Đại Học Myongji ở
Seoul nhận xét: “Quan hệ liên Triều là điều duy nhất có lợi cho chính phủ Moon
Jae In… Tuy nhiên, sự phấn khởi sẽ nhanh chóng tan biến nếu người ta chỉ thấy hết
thượng đỉnh này đến thượng đỉnh khác mà không thấy bất kỳ thay đổi thực sự nào
về phi hạt nhân hóa.”
Bên cạnh đó, cũng có những chỉ trích về việc chính
phủ bỏ bê các vấn đề trong nước, trong khi lại tập trung quá nhiều vào Bắc Triều
Tiên.
Với 1,22 triệu người Hàn Quốc thất nghiệp vào tháng
Giêng - con số cao nhất trong 19 năm qua - Min Jung Ahn, một thanh niên 23 tuổi
cho rằng cho rằng đó là điều mà chính quyền nên tập trung thời gian và nỗ lực để
giải quyết thay vì chỉ chú ý đến Kim Jong Un.
Thanh niên này cho biết “không mong đợi gì nhiều” từ
Thượng Đỉnh Hà Nội và xác định: “Tôi không nói là vấn đề Bắc Triều Tiên không
quan trọng nhưng cuộc sống hàng ngày của tôi quan trọng hơn nhiều.”
Giới phân tích cũng lo ngại rằng, sau hội nghị thượng
đỉnh Hà Nội, liên minh quân sự Washington-Seoul có thể bị đe dọa, trong đó có vấn
đề số lượng gần 28.500 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.
Vào đầu tháng Hai này, Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận
mới với Hoa Kỳ về việc Seoul phải chi phí bao nhiêu cho sự hiện diện của quân đội
Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc trong bối cảnh tổng thống Mỹ Doanald Trump đòi Hàn Quốc
phải trả thêm.
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng việc triển khai lực
lượng Mỹ ở Hàn Quốc quá tốn kém. Sau cuộc hội đàm Trump-Kim ở Singapore, một số
cuộc tập trận Mỹ-Hàn đã bất ngờ bị đình chỉ, điều được coi là hành động nhượng
bộ của ông Trump đối với ông Kim.
Kim Taewoo, nguyên lãnh đạo Viện Thống Nhất Quốc Gia
Hàn Quốc, một định chế do chính phủ tài trợ, nhận định bi quan: “Liên minh Hàn
Quốc-Hoa Kỳ hiện đang bị bệnh nặng”.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết là không có kế
hoạch giảm quân nào, nhưng một số người đã cho biết là họ sẽ không ngạc nhiên nếu
ông Trump đặt vấn đề giảm quân tại Hàn Quốc lên bàn đàm phán với ông Kim.
Ngoài ra, thái độ hoài nghi ngày càng tăng trong dân
chúng Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, về quyết tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân
của Bắc Triều Tiên.
--------------------
LIÊN
QUAN
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment