Friday, February 22, 2019

KIM JONG-UN LÀ AI? (Andrew J. Nathan - The New York Review of Books)




Biên dịch: Duy Đoàn | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Posted on 20/09/2016 by The Observer

Hai má phúng phính và kiểu tóc loe của nhà cai trị trẻ tuổi Kim Jong-un xứ Bắc Triều Tiên, mối giao tình với cựu ngôi sao bóng rổ xăm trổ đầy mình Dennis Rodman, cùng nụ cười toe toét như trẻ vui đùa khi đứng trước những đợt phóng tên lửa, hết thảy kết hợp một cách kì dị với việc chế độ này quyết tâm nhấn chìm kẻ thù trong “biển lửa”. Những điểm đó làm cho phương Tây vừa có mối ác cảm vừa có thái độ giễu cợt đối với đất nước này. Nhiều người tiên đoán rằng Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ không thể tồn tại lâu hơn được nữa, khi xét đến tình trạng đói nghèo ở khắp nước này, một hệ thống trại tù chuyên giết hại người vốn được khép vào tội ác chống nhân loại theo xác định của một uỷ ban điều tra của Liên Hợp Quốc,[1] tình trạng tự cô lập kinh tế, đương đầu với hết thảy các nước láng giềng, cùng sự non nớt thiếu kinh nghiệm của lãnh tụ nước này.

Chính quyền Obama đã vận dụng lập trường “kiên nhẫn chiến lược”, chờ đợi những lệnh chế tài quốc tế ngày càng dữ dội sẽ buộc Bắc Triều Tiên hoặc phải từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân, hoặc phải lâm vào tình trạng tự sụp đổ từ bên trong và bị thâu tóm bởi chính phủ Hàn Quốc thân Tây phương.

Nhưng kẻ láng giềng thân cận khác của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, chưa bao giờ mong đợi CHDCND Triều Tiên đầu hàng hay sụp đổ, và cho đến nay họ vẫn đúng. Thay vì từ bỏ bom hạt nhân và các chương trình tên lửa, Bình Nhưỡng đến nay được cho là có tầm mười đến hai mươi thiết bị hạt nhân và hơn một nghìn tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, và đang phát triển một đầu đạn gọn nhẹ vốn có thể vươn tới lục địa Hoa Kỳ.

Ở Triều Tiên, chế độ này gần đây đã qua được bài thử thách ngặt nghèo nhất mà các chế độ toàn trị phải đối diện, quá trình kế nghiệp lãnh tụ. Nước này chịu sự cai trị của Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) từ năm 1948, khi kết thúc thời gian chiếm đóng hậu Thế chiến II của Liên Xô ở Bắc Triều Tiên, cho đến khi ông ta mất vào năm 1994; tiếp theo là sự cai trị của người con trai Kim Jong-il, từ năm 1994 cho đến khi ông này mất năm 2011; và kể từ 2011 là dưới sự cai trị của cháu trai người sáng lập, Kim Jong-un. Jong-un là con trai út trong nhà và là người kế vị bất ngờ; ông ta trỗi lên trong vai trò người thừa kế vai trò lãnh đạo chỉ hai năm trước khi cha ông ta mất, ngược lại với cha ông ta, vốn là người được xác định sẽ thừa kế vai trò lãnh đạo trong suốt 20 năm. Người ta tin rằng Kim Jong-il đã điều hành việc khủng bố, làm hàng giả, buôn lậu và các chiến dịch phổ biến vũ khí trong hầu hết thời gian 20 năm đó.

Một điều tương phản khác, Kim “đệ nhị” đã dàn cảnh công chúng đông đúc khóc than cho cha ông ta, và tỏ vẻ khiêm nhường bằng cách hoãn lại việc tiếp quản chính thức các vị trí lãnh đạo trong ba năm, còn Jong-un, chỉ mới 27 tuổi, đã tự phong mình làm bí thư thứ nhất (first secretary) của Đảng Lao động Triều Tiên (Korean Workers’ Party) ngay sau khi cha ông ta mất và sớm đảm nhận luôn vị trí chủ tịch Quân uỷ Trung ương (Central Military Commission), chủ tịch Uỷ hội Quốc phòng (National Defense Commission) và chỉ huy tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (Korean People’s Army), cùng nhiều chức vụ lãnh đạo khác. Tháng Năm này (năm 2016), ông ta triệu tập Đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên, lần đầu tiên trong 36 năm, để có thể đảm nhận vị trí chủ tịch đảng và đặt dấu ấn cá nhân lên chính sách “tịnh tiến kinh tế” (byungjin) của đất nước trong việc xây dựng kinh tế và phát triển vũ khí hạt nhân.

Quyền uy của Kim “đệ tam” dựa trên hình thức chính danh vô song của Bắc Triều Tiên vốn cho rằng ông nội ông ta đã dựng nên chế độ này. Tiền thân của Đảng Lao động Triều Tiên là một tổ chức theo chủ nghĩa Lenin kinh điển, mang tên Đảng Cộng sản Triều Tiên, được sáng lập vào thập niên 1920 dưới sự giám hộ của Liên Xô và (sau đó) là Trung Quốc. Nhưng sau khi Kim Il-sung tiếp quản nửa phía bắc của Triều Tiên vào năm 1948, ông ta thanh lọc các đối thủ thân Liên Xô và thân Trung Quốc, và tạo dựng nên một phong cách sùng bái cá nhân thật đặc trưng. Theo phong cách sùng bái này, “Kim Il-sung không thể hiện là một kẻ thừa kế, một môn đồ, hoặc một kẻ tiếp nhận sự chỉ dẫn của bất kì lãnh tụ, triết gia hay nhà tư tưởng ngoại quốc nào”, theo lời của chuyên gia về Bắc Triều Tiên Andrei Lankov trong cuốn The Real North Korea. “Ông ta là người cha lập quốc… bằng chính sức mình, đấng Tạo hoá của Tư tưởng Chủ thể (Juche) và là Người Vĩ đại nhất trong Năm Nghìn Năm Lịch sử Triều Tiên.”

Các chủ đề của hình tượng sùng bái này được rút ra từ Kitô giáo (vốn được tuyên truyền trước đó bởi những nhà truyền giáo trên bán đảo Triều Tiên, theo một số nguồn tin thì trong số đó có ông ngoại của Kim Il-sung), từ Phật giáo và từ thần thoại hoàng đế của Nhật, cựu thực dân trên đất Triều Tiên. Như B.R. Myers đã chứng tỏ trong cuốn The Cleanest Race phân tích về hệ thống tuyên truyền Bắc Triều Tiên, Kim Il-sung được khắc hoạ như một nhân vật lưỡng tính – tròn trĩnh, mềm mại và sạch sẽ – với sự thanh khiết đạo đức cùng vẻ điềm tĩnh khác thường, ban phát những lời chỉ đạo thực tiễn và thể hiện tình mẫu tử đối với “đứa con dân tộc” túng thiếu.

Do đó, chế độ Bắc Triều Tiên không theo “chủ nghĩa Stalin” hay “Nho giáo”, như người ta thường hay mô tả. Chế độ này trung thành với một hệ tư tưởng mang tên “chủ nghĩa Kim Il-sung” (Kimilsungism), với trọng tâm là ý niệm về juche (chủ thể). Hệ tư tưởng này từng được Kim Jong-il mô tả là “một ý tưởng độc đáo vốn không thể cắt nghĩa trong khuôn khổ của chủ nghĩa Marx-Lenin… một ý tưởng mới được phát hiện trong lịch sử tư tưởng nhân loại.” Đặt trọng tâm vào ý tưởng cho rằng “con người, chứ không phải tự nhiên, giữ vị thế Chủ nhân trong thế giới vật chất”, juche là cái mà học giả về Triều Tiên Bruce Cumings gọi là “điều cốt lõi mù mờ của duy ngã luận dân tộc Bắc Triều Tiên”.[2]

***
Để đảm bảo tương lai cho chế độ, câu chuyện hoang đường đã giúp Kim Il-sung có được tính chính danh cá nhân đã được ông ta biến thành cơ sở cho một triều đại mới. Như Lankov suy đoán, ông ta có lẽ sợ rằng người kế vị được chỉ định sẽ xua ông ra khỏi vũ đài, giống như Lâm Bưu (林彪 – Lin Biao) đã làm với Mao ở Trung Quốc và bị buộc tội bởi hành động đó. Người duy nhất không thể bị xúi giục lật đổ ông ta chính là người con trai, mà sự sinh tồn của người này sẽ phụ thuộc vào mức độ vững chắc trong câu chuyện hoang đường của người cha. Năm sinh của Kim Jong-il được đổi từ năm 1941 sang 1942 để hiệp vần với năm sinh của người cha (1912). Nơi sinh chính thức của ông ta cũng được chuyển từ địa điểm thực sự nằm ở Siberia, nơi Cộng sản Triều Tiên ẩn náu suốt thời chiến, sang một quân trại cách mạng bí mật và hoang đường nằm trên đỉnh Paektu linh thiêng phủ đầy tuyết bên trong nước Triều Tiên bị Nhật chiếm đóng. Và câu chuyện về thuở thiếu thời của ông ta được kể lại với toàn những ví dụ về lòng kiên định và đức hạnh.

Khi dần đến cuối đời, tới lượt Kim Jong-il cần tìm một người kế vị trong số ba người con trai. (Ông ta còn có bốn người con gái, mà ngày nay đều chiếm giữ các vị trí có trọng trách khác nhau trong chế độ.) Giới quan sát ban đầu cho rằng quyền kế vị sẽ rơi vào người con trai cả Kim Jong-nam (sinh năm 1971).[3] Tuy nhiên, Jong-nam là con của ông với người vợ lâu năm đầu tiên (không rõ liệu Jong-il có từng chính thức kết hôn với người bạn đời nào của ông ta không), vốn là người bị một Kim Il-sung có tư tưởng gia trưởng căm ghét. Hơn nữa, vào năm 2001, Jong-nam bị các viên chức sở di trú Nhật bắt khi nhập cảnh nước này bằng một hộ chiếu Dominica giả, đi theo là vợ, đứa con và bảo mẫu. Hộ chiếu giả không phải là điều bất thường đối với tầng lớp cai trị Bắc Triều Tiên, nhưng rõ ràng trong mắt của người cha, lí do dùng đến hộ chiếu giả của Jong-nam – để đưa gia đình mình tới chơi Disneyland Tokyo – đã xác nhận rằng Jong-nam thiếu sự cứng rắn cần thiết để thi hành quyền lực. Jong-nam bị cho sống lưu vong, và theo tường trình cho biết thì ông ta đã chú yếu sống ở thành phố cờ bạc Macau của Trung Quốc. Ông ta đã có một số cuộc phỏng vấn báo chí, bày tỏ sự phản đối về “quyền kế vị”. Tôi được kể rằng, các nhân viên an ninh Trung Quốc đang bảo vệ ông ta trước những sát thủ Bắc Triều Tiên. Không rõ ai đang là người ủng hộ ông ta.

Con trai thứ nhì của Kim Jong-il, Kim Jong-chul, cũng được cho là không đủ tài. Theo một cuốn sách dạng nhàn đàm của một cựu đầu bếp sushi người Nhật trong nhà họ Kim, thì nguyên do là anh ta quá “nhu nhược”. Thế là còn lại Jong-un, sinh năm 1984,[4] mặc dù sinh nhật chính thức của ông ta được điều chỉnh thành 1982 để tiếp nối sự song trùng huyền bí với năm sinh của ông nội và người cha. Jong-un học không giỏi, và trong suốt quãng thời gian học cấp hai tại một trường tư ở Thuỵ Sĩ, bóng rổ và những môn thể thao khác được cho là những thứ ám ảnh ông ta. Nhưng ông ta là kẻ nóng nảy và thích áp chế, những đặc tính phù hợp để thừa tự ngôi vị độc tài. Năm 2009, có lời đồn cho rằng “một thiên tài lãnh đạo mới đã xuất hiện từ bên trong những vùng đất cổ xưa của Triều Tiên”. Dung mạo của Jong-un được chải chuốt lại cho giống với ông nội ông ta – bao gồm cả kiểu cắt tóc phồng lên ấy. Giới quan sát suy đoán rằng ông ta được khuyến khích tăng cân vì mục đích này. Theo tường trình của tình báo thì hiện nay có thể ông ta đang gặp phải các vấn đề về sức khoẻ liên quan đến chứng béo phì.

Mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với uy quyền của Jong-un là người dượng của ông ta. Vốn là chồng của cô em gái duy nhất của Kim Jong-il, Jang Song-taek đã tích tụ được tầm ảnh hưởng rộng khắp, đảm đương nhiều vai trò khác nhau, trong đó có chức phó chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng, người kiểm soát kho dự trữ ngoại hối của Bình Nhưỡng, và là đầu mối liên lạc chính yếu của chế độ với Trung Quốc.[5] Nhiều người xem ông ta là nhiếp chính, và ông ta gây ra mối đe doạ tiềm tàng đối với vị trí đứng đầu của Jong-un khi có mối quan hệ thân cận với người anh cùng cha khác mẹ Jong-nam đang lưu vong, một người có thể sẽ thế chỗ cậu em trai ở vị trí đứng đầu của đảng và nhà nước.

Vào ngày 8 tháng Mười hai năm 2013, hai năm sau khi Jong-un lên nắm quyền, nhà cai trị trẻ tuổi này đã dàn xếp để cho các vệ binh vận đồng phục bắt giữ Jang trước mặt hàng trăm viên chức cao cấp vốn được triệu tập để tham dự cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị thuộc đảng cầm quyền. Jang bị cáo buộc “chống đảng, có những hành vi bè phái phản cách mạng”, dính vào nhiều vụ ngoại tình, cùng một số tội khác.  Ông ta bị lăng mạ như một “tên cặn bã xấu xa tệ hơn cả con chó” và bị xử bắn bằng đội hành quyết (chứ không như lời đồn lúc đó là bằng súng cao xạ hoặc bằng bầy chó đói ăn). Nhiều người theo phe ông ta cũng bị giết hoặc bị đưa vào trại lao động, một số báo cáo cho biết là vợ chồng, con cháu của họ cũng chịu chung số phận. Vợ của Jang có thể tán thành hoặc không tán thành việc xử tử người chồng ngoại tình của bà; bà được cho là bị chứng mất trí và từng xuất hiện câm lặng trước công chúng đôi lần kể từ vụ thanh trừng ấy.

***
Tấn bi kịch gia tộc này đặc biệt gây sốc cho Trung Quốc, đồng minh chính thức duy nhất của Bắc Triều Tiên. Đối với Trung Quốc, đó được xem là một sự sỉ nhục khi xảy ra vụ ngược đãi trắng trợn như thế đối với người thông giao chủ chốt của họ ở Bình Nhưỡng, người được họ xem là một nhà cải cách có chừng mực. Và vụ thanh trừng này làm bật lên sự khác biệt đạo lí giữa hai chế độ độc tài: dẫu có chung đường hướng chính trị hung bạo, nhưng giới chính khách Trung Quốc không xử tử người thân của nhau.

Kẻ cai trị trẻ tuổi này cũng cần gia cố uy quyền của ông ta trong tầng lớp kỹ trị của chế độ. B.R. Myers đưa ra một luận điểm ứng nghiệm với Kim Jong-un cũng như với những người tiền nhiệm:

Vì đây không phải nhà nước theo chủ nghĩa Marx-Lenin quyết tâm thực hiện cải thiện tiêu chuẩn sống vật chất, mà thay vào đó là một nhà nước dân tộc chủ nghĩa trong đó chức năng chính của lãnh tụ là hiện thân của những đức hạnh Triều Tiên – vốn được xem là không bao gồm tính sắc sảo về trí tuệ – nên sự thấp kém tương đối về thiên tư [lãnh tụ] làm giới tuyên truyền ít khó chịu hơn so với những gì người ngoài vẫn nghĩ.

Tuy thế, chức năng chủ yếu của những kẻ cai trị trong triều đại nhà Kim là đi thăm các đơn vị sản xuất trên khắp đất nước và đưa ra “sự chỉ đạo tại chỗ”.[6] Kim Jong-un vốn chỉ một năm trước khi người cha chết đã được bổ nhiệm làm tướng bốn sao và là phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương mà không có kinh nghiệm quân sự nào trước đó, thì giờ đây trước cả triệu binh lính chuyên nghiệp trong quân đội, lớn thứ tư trên thế giới, hoặc trước những nhà khoa học tên lửa được đào tạo ở Liên Xô và Trung Quốc, những người đã xoay xở trong tình trạng kinh tế đình đốn để tạo ra những quả bom và tên lửa hạt nhân mà (ít nhiều) hoạt động được, hoặc trước những nhà hoạch định kinh tế cùng những nhà ngoại giao cấp cao khác của đất nước, làm thế nào ông ta có thể đạt được sự kính trọng từ họ?

Để xác lập quyền kiểm soát của mình đối với họ, Kim Jong-un đã thanh trừng hàng tá các sĩ quan quân sự cấp cao cũng như các viên chức cao cấp khác của đảng và của công an. (Hãng tin Associated Press đã tường trình từ các nguồn tin của Hàn Quốc cho biết Kim đã xử tử khoảng 70 viên chức cao cấp trong thời gian tại vị bốn năm.) Đồng thời, ông ta đề bạt những viên chức thuộc thế hệ ông nội và cha ông ta, những kẻ được ông ta cho là trung thành.

Kim chuyển sang củng cố sự ủng hộ từ công chúng bằng cách giữ nguyên nhưng làm mềm đi một chút hệ thống phân tầng xã hội của chế độ. Chi tiết này đã được khảo xét trong bộ đôi báo cáo vô giá của Robert Collins, người đã mô tả cách thức mà hệ thống songbun (xuất thân), hay địa vị giai tầng, ở Bắc Triều Tiên đã chia nhỏ dân số nước này thành 51 hạng mục hay cấp bậc xét trên mức khả tín và trung thành đối với gia tộc họ Kim và đối với nhà nước Bắc Triều Tiên. Những hạng mục này tới phiên chúng được nhóm thành ba đẳng cấp lớn: hạch tâm (핵심), dao động (동요) và phản đối (적대), tương ứng lần lượt 25%, 55% và 20% dân số.

Địa vị giai tầng có tính thừa tự, và nó quyết định nơi sinh sống, chất lượng nhà ở, cơ hội giáo dục và công việc của người ta, cũng như quyền tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng gia dụng. Các lực lượng vũ trang và các cơ quan an ninh được chiêu mộ từ giai cấp hạch tâm và tìm cách bảo vệ hệ thống mà nhờ đó họ và gia đình họ có những đặc quyền riêng biệt. Bất kì dấu hiệu bất trung nào về mặt chính trị đều khiến cho cá nhân đó bị chuyển sang giai cấp phản đối và thường bị đưa vào trại lao động vô thời hạn vốn luôn kết thúc bằng cái chết. Hơn nữa, theo tường trình của Lankov, “không chỉ kẻ đắc tội mà toàn bộ gia đình của người đó cũng sẽ biến mất”.

Trật tự của đặc quyền không chỉ mang tính xã hội mà còn mang tính vật chất. Sống trong những điều kiện hàng đầu thế giới ở khu phố thị Bình Nhưỡng là vài trăm nghìn thành viên ở cấp cao nhất xã hội. Xa hơn nhưng vẫn trong nội ô là những nhóm người và chuyên gia ở cấp bậc thấp hơn với điều kiện sống tệ hơn nhưng vẫn còn kham nổi. Phần đông dân số sống cách xa thủ đô. Những người thuộc tầng lớp đặc quyền ở giữa thường e sợ việc chất vấn hệ thống này vì sợ bị giáng xuống tầng lớp chịu cảnh thiếu thốn dữ dội hơn. Hệ thống này đã tạo ra tinh thần tuân phục trong âu lo ở khắp xã hội có thể sánh với bầu không khí được tạo ra tại các trại Gulag ở Liên Xô cũng như bầu không khí bài trừ chủng tộc của Đức Quốc xã.

Cuộc sống khó khăn của đa số người dân đang được làm dịu bớt đi ở chừng mực nào đó nhờ những cải cách khiêm tốn về kinh tế và văn hoá, một số cải cách vốn đã bắt đầu từ thời Kim Jong-il. Chế độ này cho phép có những chợ tư nhân quy mô nhỏ, giúp người dân tiếp cận được nhiều hơn với nguồn thực phẩm; nông dân có thể giữ lại một phần vụ thu hoạch; các doanh nghiệp có thể phân phối một chút thu nhập của họ cho công nhân và nhân viên; và một lượng hạn chế các thương nhân có thể qua lại biên giới với Trung Quốc. Nạn đói hồi cuối thập niên 1990 đang dần nhạt nhoà trong kí ức. Mức tăng GDP đạt khoảng 1% mỗi năm kể từ lúc Kim Jong-un nắm quyền, so với những mức âm trong suốt thời kì cai trị của người cha. Lãnh tụ mới này đã xây dựng một dạng văn hoá thanh niên buồn tẻ, tiêu biểu là những trận đấu bóng rổ biểu diễn với đội Harlem Globetrotters, một ban nhạc nữ chơi những bài pop Tây phương và vây quanh là những vũ công ăn mặc như các nhân vật hoạt hình Disney, một công viên nước hào nhoáng mới xây, và những màn xuất hiện trước công chúng bất thường (ở Bắc Triều Tiên) bên cạnh ông ta của người vợ trẻ đẹp, một cựu ca sĩ.

Tuy vậy, nền kinh tế vẫn phụ thuộc phần lớn vào bốn nguồn: xuất khẩu ngư sản và khoáng sản sang Trung Quốc, thường là sản phẩm lao động của các tù nhân; điều những nhóm lao động có giao kèo đến Siberia, châu Phi và Trung Đông; tiền lời có được từ việc làm hàng giả và buôn lậu phi pháp; và nguồn cứu trợ từ Hàn Quốc và phương Tây, có được nhờ hành vi hăm doạ bỏ đói dân chúng. Vào thập niên 2000, Bắc Kinh đã tìm cách thuyết phục Kim Jong-il ban hành những cải cách kiểu Trung Quốc. Nhưng Kim cha có lẽ đã đúng khi xét đoán rằng những cải cách ở quy mô đó sẽ là đòn tự sát về chính trị. Ngay cả Trung Quốc cũng suýt sụp đổ vào năm 1989, sau mười năm đầu cải cách theo Đặng Tiểu Bình.

Bắc Triều Tiên giống Đông Đức hơn là Trung Quốc: có một chế độ Triều Tiên khác với kích cỡ tương tự nằm kế bên với một mô hình kinh tế thành công hơn. Nhà họ Kim chỉ cho hé mở cửa, nhưng thậm chí chỉ như vậy cũng tạo nên sự khát thông tin, vốn được giải tỏa bởi những kẻ đi lại hợp pháp và phi pháp đến Trung Quốc và những phương tiện truyền thông khác được phát từ cộng đồng “đào ngũ” (chỉ những người bỏ trốn, như cách gọi của Bắc Triều Tiên) ở Hàn Quốc, từ đó có thể dẫn đến sự phản kháng của dân chúng ở một thời điểm nào đó. Để ngăn chặn điều này, chế độ đã kiểm soát thông tin bằng cách khoá các máy thu sóng vô tuyến chỉ cho nhận những tần số đã được phê chuẩn và bằng cách cài đặt các điện thoại di động và máy tính sao cho chúng chỉ truy cập được các trang do chính phủ kiểm soát. Dân chúng vẫn còn thái độ tuân thủ, nhưng họ không còn cảm giác tán tụng Kim Jong-un như những thế hệ trước từng có đối với ông nội của ông ta. Như tại Đông Đức, công dân Bắc Triều Tiên hẳn sẽ tháo chạy không ngớt nếu biên giới mở cửa và nếu họ hoàn toàn biết được những gì đang diễn ra ở Hàn Quốc.

***
Nhà cai trị trẻ tuổi đã có kiểu đối phó táo bạo tương tự với những thách thức ở nước ngoài. Tất cả những thế lực xung quanh đều muốn ông ta gặp chuyện xui rủi nhưng ông ta đã chiếu tướng họ. Hàn Quốc sống trong bầu không khí bị đe doạ từ hàng nghìn khẩu pháo chĩa vào Seoul và chịu đựng những khích động quân sự lúc này lúc kia. Nhưng khi xét đến viễn cảnh di cư hàng loạt, Hàn Quốc lại sợ sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng còn hơn sự tồn tại của nó, và họ đã chống đỡ cho chế độ này bằng khoản viện trợ lương thực khổng lồ. Chính sách ngoại giao của Tokyo với Bắc Triều Tiên tập trung vào việc tìm hiểu về số phận của một nhóm công dân không rõ số lượng bị bắt cóc vào cuối thập niên 1970 và 1980 ở các bãi biển và đường phố Nhật, với thủ phạm là các đặc vụ Bắc Triều Tiên khi chúng rõ ràng muốn tìm kiếm người dạy tiếng Nhật và các điệp viên tiềm năng.[8]

Trung Quốc chống đối chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên vì chương trình này sẽ thôi thúc các chính sách vũ khí của Hàn Quốc, Nhật và Hoa Kỳ theo hướng đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc (chẳng hạn thoả thuận gần đây của Hàn Quốc cho phép triển khai radar và hệ thống phòng vệ tên lửa của Mĩ mang tên THAAD), và mặc dù Trung Quốc cho rằng dù là điều xa vời nhưng nó có thể làm dấy lên một cuộc chiến hạt nhân ở ngay khu vực kế cận và có thể làm phát sinh dòng lũ tị nạn. Nhưng Bắc Kinh không xem vấn đề Bắc Triều Tiên như là một cuộc khủng hoảng như cách nhìn của Washington, vì tình huống này mang lại ít nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Hành vi quấy nhiễu của Bình Nhưỡng gây sức ép lên mối quan hệ giữa Washington và các đồng minh Á châu chính yếu ở Tokyo và Seoul, vì ba nước này có những ưu tiên khác nhau trong việc đương đầu với mối đe doạ Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc có thể định vị chính mình ở vai trò kẻ môi giới quan trọng về mặt ngoại giao trong khu vực, thúc Hàn Quốc đến gần họ hơn và buộc Washington thể hiện lòng biết ơn cho bất kì nỗ lực nào mà Bắc Kinh đang thực hiện nhằm giúp giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ yêu thích triều đại nhà Kim, nhưng họ phải đối phó với một Bắc Triều Tiên đang hiện hữu. Tháng Sáu này (năm 2016), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với đặc phái viên do Kim Jong-un gửi tới, dù báo cáo tình hình của phái viên này trình bày với Tập là nhằm chuyển thông điệp cho biết Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Bắc Kinh thấy Washington là bên nắm giữ chìa khóa giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Như Trung Quốc nhìn nhận, chính sách hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một phản ứng không tránh khỏi trước nhiều thập niên đe doạ của Hoa Kỳ đối với sự tồn vong của Bắc Triều Tiên, theo đúng như lời Bình Nhưỡng đưa ra. Các nhà chiến lược Trung Quốc tin Bình Nhưỡng sẽ chịu bỏ chương trình hạt nhân nếu Washington chịu đưa ra lời cam đoan khả tín rằng sẽ họ không tìm cách lật đổ chế độ Bắc Triều Tiên. Nhưng mặc dù Washington đã có những lời nói ít nhiều giống vậy, nhưng những lời trình bày đó chưa bao giờ đủ chắc chắn và công khai để đáng tin cậy. Hai thoả thuận quan trọng để dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân – năm 1994 và 2005 – đã sụp đổ khi Bình Nhưỡng và Washington cáo buộc nhau trở mặt. Theo quan điểm của Trung Quốc, hiện giờ đã quá trễ để có thể giải trừ hạt nhân ở Bắc Triều Tiên. Điều mà Kim Jong-un muốn là sự công nhận quốc tế xem Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Rốt cuộc Hoa Kỳ sẽ phải công nhận điều ấy.

Khả năng của thế lực yếu nhất khu vực Đông Bắc Á trong việc đối kháng tất cả những thế lực khác là điều không mới. Như Charles Armstrong cho thấy trong cuốn Tyranny of the Weak, Bình Nhưỡng đã hưởng lợi từ mối quan hệ đối địch giữa Trung Quốc và Liên Xô trong suốt thời Chiến tranh Lạnh nhờ vào khả năng “thao túng bậc thầy”. Mối quan hệ giữa triều đại nhà Kim và những “đàn anh” Cộng sản thậm chí còn tệ hơn điều mà thế giới bên ngoài hồ nghi, nhưng Bình Nhưỡng vẫn giữ cả hai nước trong thế luôn tranh nhau để hỗ trợ cho chế độ này. Một động lực tương tự cũng diễn ra hiện nay, khi chế độ này đối đầu với phần còn lại thế giới bằng khả năng gieo rắc tổn hại thông qua sự tồn tại lẫn sự sụp đổ của chế độ.

Kim Jong-un đã gây kinh ngạc cho những người hoài nghi. Trong năm năm, ông ta đã biến một hoàn cảnh kém hứa hẹn nhất thành một thành công tương đối. Ông ta đã làm ngạc nhiên những người Bắc Triều Tiên lẫn nước ngoài nghi ngờ về sự cẩn trọng và sự tàn nhẫn của ông ta, khuyến khích một sự phục hồi nhẹ nền kinh tế, và thúc đẩy vị thế của đất nước thành một cường quốc hạt nhân. Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã được điều chỉnh theo yêu cầu của Trung Quốc để không đe doạ được sự sinh tồn của chế độ Bắc Triều Tiên. Nếu nền kinh tế của Kim sắp sửa sụp đổ, chắc hẳn Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ phải giải cứu cho ông ta. Nguy cơ sụp đổ duy nhất là khi sức khoẻ của Kim Jong-un giảm sút. Thậm chí lúc ấy, một quân đội hùng mạnh và kỉ luật, với những đặc quyền đang bị đe dọa, hẳn sẽ vẫn duy trì trật tự như cũ. Trung Quốc sẽ là kẻ đắc lợi, đó là một lí do cho việc Bắc Kinh thấy không cần phải thương thảo về những kế hoạch phòng bị bất trắc mà nhiều nhà chiến lược Tây phương kêu gọi. Tuy vậy, đây là một loại chiến thắng bần cùng, với việc kẻ cai trị trẻ tuổi cùng những người dân của ông ta bị kẹt trong một cơn ác mộng tự duy trì mà không cho thấy một viễn cảnh kết thúc nào.

*
*
Đây là bài điểm các cuốn sách :

§  Tyranny of the Weak: North Korea and the World, 1950–1992của Charles K. Armstrong, Cornell University Press, 307 tr., 35$; 24,95$ (bản bìa mềm)

§  Marked for Life: Songbun, North Korea’s Social Classification System, của Robert Collins, Committee for Human Rights in North Korea, 119 tr., có văn bản tại www.hrnk.org

§   The Real North Korea: Life and Politics in the Failed Stalinist Utopiacủa Andrei Lankov, Oxford University Press, 315 tr., 18,95$ (bản bìa mềm)

§  Pyongyang Republic: North Korea’s Capital of Human Rights Denial, của Robert Collins, Committee for Human Rights in North Korea, 177 tr., có văn bản tại www.hrnk.org

§  The Cleanest Race: How North Koreans See Themselves—And Why It Matterscủa B.R. Myers, Melville House, 200 tr., 19,99$

———–

Nguyên chú của tác giả:

[1] “Report of the Commission ofInquiry on Human Rights in the Democratic People’s Republic ofKorea,” 17/3/ 2014, có văn bản tại www.ohchr.org.

[2] Xem Bruce Cumings, North Korea: Another Country (New Press, 2004), tr. 159.

[3] Để xem cây gia hệ nhà Kim, hãy ghé trang nkleadershipwatch.wordpress.com/kim­family.

[4] Năm sinh này, từng là thông tin mơ hồ suốt thời gian dài, đã có được sự xác nhận từ người dì của Kim Jong-un, nay đang sống lưu vong. Hãy xem Anna Fifield, “The Secret Life ofKim Jong­un’s Aunt, Who Has Lived in the US Since 1998,” The Washington Post, 27/5/ 2016.

[5] Xem Ken E. Gause, “North Korean Leadership Dynamics and Decision­Making Under Kim Jong­un: A Second Year Assessment,” Center for Naval Analyses, 3/2014, và “North Korean House ofCards: Leadership Dynamics Under Kim Jung­un,” Committee for Human Rights in North Korea, 2015.

[6] Xem Jae­Cheon Lim, Leader Symbols and Personality Cult in North Korea: The Leader State (Routledge, 2015), tr. 104–117.

[7] Xem See Robert S. Boynton, The Invitation­ Only Zone: The True Story ofNorth Korea’s Abduction Project (Farrar, Straus and Giroux, 2016).

--------------------------------

Nguồn: 

------------------------------------

XEM THÊM

RFA phỏng vấn Lê Hồng Hiệp
2019-02-20







No comments: