Minh Anh – RFI
Thứ Tư, ngày 27 tháng 2 năm 2019
Khủng
hoảng di dân ồ ạt, đô thị hóa tràn lan, môi trường sống bị hủy hoại, khí hậu
ngày càng nóng bức, thiên tai ngày càng nhiều … Một câu hỏi lớn được đặt ra :
Phải chăng Trái đất đang bị quá tải chính là nguồn cội của những vấn đề xã hội
đó ?
Chưa có lúc nào Hành tinh Xanh của chúng ta phải tiếp
nhận đông đúc dân cư như lúc này. Mỗi năm Trái Đất đón thêm khoảng 80 triệu
dân, tức mỗi ngày có khoảng 220 ngàn người đến sinh sống. Với nhịp độ này, dân
số thế giới sẽ tăng vọt : Từ 7,7 tỷ người hiện nay lên thành 8 tỷ ngay từ năm
2022, để đạt mức 10 tỷ vào năm 2050. Song song với nhịp độ tăng dân số là mức độ
tàn phá hủy hoại môi trường do các chương trình phát triển đô thị, phá rừng mở
đất canh tác...
Với những ai lo lắng cho tác động của dân số đối với
môi trường, nhất là ở những thế hệ trẻ lo sợ trước tình trạng biến đổi khí hậu,
một câu hỏi khác cũng đang được đặt ra : Phải chăng cách thức bảo vệ hành tinh
tốt nhất là nên có số người sống trên Trái Đất ít hơn ?
Giả thuyết từ bỏ việc có con để cứu vãn hành tinh
xanh đang dần định hình. Một điểm khác đáng chú ý là vấn đề dân số trước đây vốn
chỉ là chủ đề dành cho các chuyên gia để nghiên cứu và cố vấn cho nhà nước, nay
lại trở thành mối bận tâm của người dân. Nhất là vào thời điểm khủng hoảng di
dân và môi trường lớn chưa từng có, chủ đề dân số dần len lỏi vào các cuộc
tranh luận và thâm nhập vào nhận thức của người dân.
Vì
sao vấn đề dân số lại được quan tâm nhiều vào lúc này ?
Ông Gilles Pison, giáo sư tại Bảo tàng Lịch sử Tự
nhiên Quốc gia và Viện Nghiên cứu Dân số Quốc gia INED, trong chương trình phát
thanh Địa Chính Trị của RFI, có giải thích :
« Mối bận tâm này đã có từ khoảng 50 năm nay
khi mà người ta tiết lộ cho dân chúng biết là có một hiện tượng đang diễn ra đó
là mức tăng trưởng dân số quá nhanh. Cho đến lúc đó, chỉ có vài chuyên gia nhận
ra hiện tượng này. Một điều ngạc nhiên vào thời điểm mức tăng dân số thế giới bắt
đầu suy giảm, thì vào đúng lúc đó, người ta mới nói một cách phi lý là có một sự
bùng nổ dân số ».
Thế nhưng, điều làm cho các nhà quan sát phân tích
phải kinh ngạc nhất chính là sức tăng dân số thế giới như « tên lửa vọt ».
Năm 1800, thế giới chỉ có khoảng 1,1 tỷ dân. Hơn hai thế kỷ sau, Trái Đất phải
chứa đến 7,7 tỷ người, tăng gấp 7 lần, trong khi mà trước đó, thế giới phải mất
đến hàng chục thế kỷ để có được con số một tỷ đầu tiên. Các dự phóng đưa ra cho
rằng vào năm 2050, dân số thế giới sẽ là 10 tỷ. Tuy nhiên, theo phân tích của
giáo sư Gilles Pison, mức tăng dân số này đã đạt đỉnh.
« Dự phóng này cũng cho biết đến năm 2050,
dân số sẽ không tăng nữa hoặc tăng không còn nhanh. Chúng ta đang bước vào một
giai đoạn kỳ lạ của nhân loại : chính ở trong thời điểm đó, nhân loại nhận thấy
là dân số trên Trái Đất sẽ tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng có 2-3 thế kỷ. Đây là
một điều chưa từng xảy ra trước đây và rất có thể sẽ không bao giờ tái diễn ».
Dân số tăng nhanh đặt con người trước những thách thức
lớn như vấn đề an ninh lương thực, di dân., xung đột địa chính trị... và nhất
là môi trường. Từ trước đến nay, hiếm khi nào vấn đề dân số được đặt ra trong
các hội nghị về môi trường. Chỉ đến năm 2017, khoảng 15 300 nhà khoa học của
180 nước đã lên tiếng báo động trong một bản tuyên bố bày tỏ quan ngại về tầm mức
của hiện tượng phá rừng và những núi rác do con người thải ra.
Các cuộc khủng hoảng di dân hiện nay cũng được cho hệ
quả của việc bùng nổ dân số nhanh chóng, nhất là tại châu Phi. Làn sóng di dân
từ châu lục này vẫn sẽ tiếp diễn, đặt các nước châu Âu, điểm đến hàng đầu của
người tị nạn, luôn trong tình trạng căng thẳng, bất chấp cuộc sống tại châu lục
đen đang có những cải thiện.
Về điểm này, Bruno Tertrais, trợ lý giám đốc Quỹ
Nghiên cứu Chiến lược FRS, trên RFI giải thích vì sao :
« Để giảm bớt tình trạng di dân, những nước
này phải phát triển. Trên thực tế, tình hình hoàn toàn ngược lại tại châu Phi.
Bởi vì có những nước tại châu lục này hiện đang bước vào giai đoạn phát triển dẫn
đến hiện tượng gia tăng tài sản cá nhân, cho phép một bộ phận người dân có thể
di cư. Nói một cách khác, khi người ta rất nghèo, người ta không đi đâu hết.
Vào lúc người ta bắt đầu có chút thu nhập khấm khá hơn, chính lúc này họ mới có
khả năng để di cư ».
Lão hóa
dân số : Không chỉ có ở những nước giàu
Liệu có đáng lo trước đà tăng dân số này không ? Câu
trả lời là « Không ». Chuyên gia Gilles Pison cho rằng thật quá ảo tưởng nếu
nghĩ rằng áp dụng giải pháp giảm bớt dân số để cứu rỗi Trái Đất trong ngắn hạn.
Bởi vì, tuy rằng dân số vẫn tiếp tục tăng từ đây đến năm 2050, hiện tại nhịp độ
tăng đang có xu hướng chậm lại ở nhiều nơi. Ngược lại, hiện tượng lão hóa dân số
đang tăng nhanh ở nhiều nước, nhất là tại Châu Âu, như quan sát của ông Bruno
Tertrais :
« Bởi vì châu Âu giờ đang ngày càng già cỗi.
Điều đó cũng có thể giải thích phần nào những phản ứng gay gắt tại nhiều nước
Trung Âu trước làn sóng di dân. Bởi vì có thể có một sự lo lắng nào đó về vấn đề
dân số mà ví dụ điển hình tại Hungary, di dân trở thành một vấn đề chính trị.
Nhưng châu Âu cũng không đơn độc trong quá trình bị
lão hóa dân số. Dân số Nga cũng già đi, Trung Quốc cũng bắt đầu bị lão hóa.
Cách nay 30 năm, người ta còn lo lắng trước hiện tượng dân số Trung Quốc tăng
quá nhanh thì giờ đây họ cũng đang đối mặt với vấn đề nguồn nhân lực.
Dân số Nhật Bản đã suy thoái từ lâu. Cuối cùng, tại
những nước lớn, chỉ có hai nước có một tỷ lệ phát triển dân số có vẻ ổn định
không già quá mà cũng không trẻ quá, không nhanh cũng không chậm, đó là Ấn Độ
và Hoa Kỳ ».
Theo các số liệu ước tính, tỷ lệ người già tại Trung
Quốc sẽ tăng gấp đôi (từ 7% lên 14%) trong vòng 25 năm nữa. Hiện tượng này cũng
xảy ra tương tự tại Iran trong vòng 20 năm và Việt Nam là 17 năm.
Tóm lại là quả « Bom P » (Population – Dân số) không
nổ ra. Tăng trưởng dân số đã đạt đỉnh là 2% vào cuối những năm 1960, để rồi xuống
còn ở mức 1,2%. Quy mô gia đình thu nhỏ lan rộng với một tốc độ nhanh chóng gây
ngạc nhiên cho giới quan sát. Theo thống kê năm 2015, tỷ lệ sinh con bình quân ở
phụ nữ là 2,5, thấp gấp hai lần so với cách nay 50 năm, tức vào năm 1950.
Tỷ lệ sinh nở giờ rơi xuống ở ngang mức thay thế thế
hệ hay thấp hơn tùy theo từng châu lục : 2,1 con/phụ nữ tại châu Á ; 2,0 tại
châu Mỹ Latinh ; 1,8 tại Bắc Mỹ và 1,6 tại châu Âu. Giải thích cho hiện tượng
này, cả hai nhà nghiên cứu cho rằng ngày nay người ta có xu hướng chọn có con
ít để sống lâu hơn và có một cuộc sống chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, giới quan sát còn nhận thấy tỷ lệ giảm
sinh con chỉ diễn ra ở những nơi nào phụ nữ được tiếp cận các nền giáo dục, đa
phần ở nơi thành thị và nhất là ở những nơi có những chính sách xã hội tốt. Điều
này giải thích vì sao ngay giữa lòng khối Liên Hiệp Châu Âu – 28 quốc gia thành
viên, tuy đều là các nước phát triển, nhưng tỷ lệ sinh con ở phụ nữ biến đổi
theo từng nước, như nhận xét của ông Gilles Pison :
« Do vậy, chỉ ở những nước châu Âu nào được
Nhà nước hỗ trợ, thì phụ nữ mới có nhiều con. Còn tại những nước nào phụ nữ khó
khăn trong việc kết hợp giữa gia đình và việc làm, thì họ lại quyết định hoãn
việc sinh nở và kết hôn muộn, hơn là phải hy sinh sự nghiệp, học hành. Điều này
giải thích vì sao tỷ lệ sinh nở thấp, dân số đôi khi sụt giảm của nhiều nước
Trung và Đông Âu. Đó là do vấn đề vị thế của phụ nữ, gặp khó khăn trong việc
cùng lúc phải thực hiện vai trò người mẹ cũng như là một cá nhân có nhu cầu làm
việc một cách độc lập ».
Liệu Trái Đất có đủ chứa và nuôi hết 10 tỷ người dân
hay không ? Để kết luận, chuyên gia Gilles Pison phản đối giải pháp không sinh
con để bảo vệ Trái Đất. Theo ông, chính cách sống của con người mới là điều kiện
tiên quyết cho sự sống còn của hành tinh. Tiêu thụ ít và tránh lãng phí là những
phương cách bảo vệ môi trường một cách hữu hiệu nhất.
----------------------
Cùng
chủ đề
Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 13-11-2018
.
Minh Anh – RFI
Đăng ngày 22-09-2018
.
Thu Hằng – RFI
Đăng ngày 01-12-2015
No comments:
Post a Comment