Đăng ngày 25-02-2019
Hai
năm trước, trong chiến dịch tranh cử và cả sau khi trở thành tổng thống Mỹ, ông
Donald Trump thường xuyên có những phát ngôn nặng nề đe dọa Bắc Triều Tiên. Chủ
tịch Kim Jong Un cũng đáp lại « tương xứng ». Từ cuộc khẩu chiến
lăng mạ, mạt sát nhau cho đến cái bắt tay lịch sử ở cuộc gặp thượng đỉnh
Singapore, giờ đây lãnh đạo Mỹ - Bắc Triều Tiên hai nước chuẩn bị tiếp tục ngồi
vào bàn đàm phán ở Hà Nội.
Trước thềm thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội , cùng
trở lại những mốc chính trong mối quan hệ Mỹ -Triều đầy biến động trong hai năm
qua :
Ngày 2 tháng Giêng năm 2017, ngay cả trước khi chính
thức nhậm chức, tân tổng thống Hoa Kỳ khẳng định một cách đầy tự tin rằng Bắc
Triều Tiên sẽ không bao giờ đủ sức để phát triển « vũ khí hạt nhân có
khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ ». Giải pháp ngoại giao khi đó dường như
đã được tổng thống Mỹ lựa chọn. Tháng 5/2017, ông Donald Trump ngỏ ý sẵn sàng gặp
lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Nhưng, Bình Nhưỡng trả lời Washington bằng hai vụ thử
tên lửa liên lục địa ngay trong mùa hè. Lãnh đạo Kim Jong Un quả quyết tuyên bố
rằng « toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của chúng ta ».
Một cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên bắt đầu
nhen nhóm trở lại. Ông Trump hứa sẽ « trút lửa và giận dữ »
vào đất nước Triều Tiên. Bắc Triều Tiên thản nhiên đáp trả bằng vụ thử hạt nhân
lần thứ 6 và sau đó còn khẳng định đã thử thành công bom H.
Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên chuyển qua một màn mới
khi lãnh đạo hai nước mở cuộc khẩu chiến từ xa, tiếp tục với những lời lẽ dọa dẫm,
thóa mạ nhau mang tính chất cá nhân.
Trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tháng 9/2017, ông
Trump gán cho ông Kim biệt danh « gã tên lửa ». Hai ngày sau,
lãnh đạo Bắc Triều Tiên lên tiếng đáp trả gọi ông Trump là lão già « lú
lẫn rối loạn tâm thần »… Tháng 11 năm đó, ông Trump chưa nguôi giận
trong một phát biểu nói về Bắc Triều Tiên ông đã gọi lãnh đạo Bắc Triều Tiên là
« chó con bệnh hoạn ».
Trong thông điệp đầu năm mới 2018, ở Bình Nhưỡng,
Kim Jong Un tuyên bố với hăm dọa đầy hình ảnh rằng « nút bấm hạt nhân
đang đặt trên bàn làm việc ». Ngay lập tức tại Washington, Donald
Trump đáp lại rằng nút bấm hạt nhân của ông « còn to hơn ».
Cùng với màn đấu khẩu với ngôn từ sử dụng không còn gì ngoại giao, kiêng nể nữa,
bầu không khí chiến tranh bao trùm bán đảo Triều Tiên với những động thái quân
sự nắn gân dằn mặt nhau.
Trước đó vào tháng 9/2017, khủng hoảng hai nước còn
bị khoét sâu thêm với vụ Otto Warmbier. Tổng thống Trump lên án Bình Nhưỡng đã
« tra tấn quá sức tưởng tượng » Otto Warmbier, sinh viên bị Bắc
Triều Tiên giam giữ trong suốt 18 tháng trước khi được trả lại cho Mỹ hồi tháng
6 năm đó trong tình trạng hôn mê. Otto Warmbier đã bị chết một tháng sau khi về
Mỹ. Washington ra lệnh cấm kiều dân Mỹ đến Bắc Triều Tiên và quyết định đưa Bắc
Triều Tiên trở lại danh sách những nước ủng hộ khủng bố. Cuối tháng 12/2018, một
tòa án ở Washington đã tuyên án Bắc Triều Tiên phải bồi thường 501 triệu đô la
cho cái chết của sinh viên nói trên.
Từ
Pyeongchang đến Singapore
2018 có lẽ là năm có nhiều biến động có ý nghĩa đối
với hồ sơ Bắc Triều Tiên. Bắt đầu từ sự kiện mang tính bước ngoặt : Thế vận hội
mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc. Ngày đầu năm mới 2018, Kim Jong Un
thông báo sẵn sàng cử vận động viên tham dự Olympic mùa đông tại Hàn Quốc. Một
tháng sau, trong lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang, vận động viên Nam-Bắc Triều
Tiên đã diễu hành chung trong một đoàn.
Hai miền Triều Tiên đã xích lại gần nhau không chỉ về
mặt biểu tượng mà còn cả bằng hành động ngoại giao thực sự. Ban đầu là các cuộc
gặp liên tục của đặc phái viên hai nước ở các cấp khác nhau. Tiếp đó là việc
lãnh đạo Bắc Triều Tiên và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp nhau ba lần
trong vòng chưa đầy 5 tháng.
Trong bầu không khí hòa dịu, thuận lợi, Kim Jong Un
tiến thêm bước nữa : Ngỏ lời mời gặp tổng thống Mỹ. Ngày 8/03/2018, tổng thống
Donald Trump đã gây bất ngờ lớn khi thông báo chấp nhận lời mời gặp Kim Jong
Un, do phía Hàn Quốc chuyển tới. Không chậm trễ, ông Mike Pompeo, khi đó còn
đương chức giám đốc CIA, chưa nhận nhiệm vụ ngoại trưởng, đã được cử tới Bình
Nhưỡng trong tuần lễ Phục sinh đầu tháng Tư để gặp ông Kim.
Ngày 8/5, ông Trump cho biết tân ngoại trưởng lại
lên đường tới Bắc Triều Tiên. Ông Mike Pompeo trở về cùng với ba tù nhân người
Mỹ mà Washington đã đòi Bình Nhưỡng trả tự do. Mọi điều kiện cho cuộc gặp thượng
đỉnh lịch sử Trump-Kim vào ngày 12/6 tại Singapore đã được hai bên chuẩn bị sẵn
sàng. Thế nhưng ngày 24/5 tổng thống Trump bất ngờ đòi hoãn, rất may sau đó ông
lại đổi ý giữ lại lịch cũ.
Ngày 12/6 tại Singapore, hình ảnh lãnh đạo hai cựu
thù bắt tay nhau được truyền trực tiếp đi khắp thế giới như một sự kiện lịch sử.
Lãnh đạo Kim Jong Un thì ca ngợi đó là một « thượng đỉnh lịch sử »
còn tổng thống Donald Trump thì gọi là « cuộc gặp diệu kỳ ».
Tại thượng đỉnh Singapore, lãnh đạo hai nước đã ký
tuyên bố chung, trong đó nội dung trọng tâm là Bình Nhưỡng cam kết ủng hộ một
tiến trình « phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên » còn về phía
Washington thì hứa « bảo đảm an ninh » cho Bắc Triều Tiên.
Bước tiếp
theo khó khăn
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Singapore dù gì cũng mới
chỉ là bước mở đầu. Hai bên tiếp tục các cuộc thương lượng chi tiết không hề dễ
dàng.
Từ sau thượng đỉnh Singapore, các cuộc mặc cả giữa
Bình Nhưỡng và Washington để thực thi tiến trình phi hạt nhân hóa đã không có
được tiến triển cụ thể nào mặc dù có nhiều cuộc đàm phán ở cấp dưới. Bình Nhưỡng
khăng khăng giữ lập trường đòi được giảm nhẹ các trừng phạt thì mới có thể tiếp
tục thực hiện gỡ bỏ dần dần và tiến tới từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Washington tiếp tục duy trì sức ép kinh tế chừng nào Bình Nhưỡng
chưa thực sự phi hạt nhân hóa « vĩnh viễn và có kiểm chứng ».
Bước sang năm 2019, ngày 19 tháng Giêng, sau khi tổng
thống Donald Trump tiếp tướng tình báo Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol tại
Washington, Nhà Trắng thông báo cuộc gặp thượng đỉnh lần hai Mỹ -Triều. Đến
ngày 9/02, tổng thống Donald Trump thông báo cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tại
Hà Nội ngày 27 và 28/02. Ông Trump tuyên bố : « Tôi nóng lòng được gặp
chủ tịch Kim và thúc đẩy sứ mệnh hòa bình ».
Đến lúc này, tại Hà Nội, các công việc chuẩn bị đang
diễn ra hối hả cho thượng đỉnhTrump-Kim với hy vọng cuộc gặp sẽ mang lại những
tiến bộ cụ thể cho tiến trình giải trừ hạt nhân và hòa bình lâu dài trên bán đảo
Triều Tiên.
(Tổng hợp theo AFP)
------------------------------
Mai Vân – RFI
Đăng ngày 25-02-2019
Cuộc gặp Trump Kim lần thứ hai này tại Hà Nội đã
không làm dấy mong đợi hay lạc quan gì nhiều từ phía người Hàn Quốc. Theo AFP,
có người hoan nghênh nỗ lực hòa bình, có người nghi ngờ thiện chí của Bình Nhưỡng,
có người xem đấy chỉ là một màn kịch. Nhìn chung, người ta có thể cảm nhận dân
Hàn Quốc không mấy phấn khởi.
Bà Han Sung Lim, 63 tuổi, trong số người hoài nghi,
cho biết là bà sẵn sàng ủng hộ thống nhất với Bắc Triều Tiên, với điều kiện là
Bình Nhưỡng cho thấy sẵn sàng tháo dỡ chương trình hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo,
cũng như chấp nhận dân chủ. Nhưng nếu Bình Nhưỡng có « một lịch trình
bí mật », thì bà phản đối.
Bà Sung Lim giải thích là tính hoài nghi của bà có từ
lúc nhỏ. Lớn lên dưới chế độ độc tài Park Chung Hee trong những năm 1960-70, với
chương trình học đã có chủ thuyết chống Cộng Sản, nên ngày nay bà vẫn « chống
Cộng». Có điều bà rất thương người dân Bắc Triều Tiên, nghèo khổ, mất tự
do, và nghĩ rằng Hàn Quốc có thể giúp đỡ họ.
Những người chống chiến tranh, như ông Choi
Jae-Kwan, 81, thì nhìn thượng đỉnh với một tia hy vọng. Đã 12 tuổi lúc nổ ra
chiến tranh Triều Tiên, năm 1950, ông không quên cảnh tàn phá của chiến tranh,
với hơn 2 triệu người Triều Tiên, dân thường và binh lính bị chết. Đến giờ bán
đảo vẫn trong tình trạng chiến tranh nên ông rất lo lắng : « Nếu có một
cuộc chiến mới thì tất cả mọi người sẽ chết».
Nhưng đối với ông chiến tranh trên bán đảo không chỉ
là một vấn đề của riêng Triều Tiên, mà Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng có vai trò,
trợ giúp, cố vấn…
No comments:
Post a Comment