Monday, February 25, 2019

CÁI CHẾT CỦA MỘT TỔ CHỨC VĂN HÓA (Mặc Lâm)




25/02/2019

Đối với những ai quan tâm tới lĩnh vực văn hóa học thuật Việt Nam chắc không khỏi buồn lòng khi nghe tin Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã chính thức ngưng hoạt động. Bản thông báo được bà Chủ tịch Nguyễn Thị Bình ký ngày 20 tháng 2 năm 2019 và phát hành rộng rãi vào ngày 23 tháng này.

Bản thông báo ngưng hoạt động Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh được bà Nguyễn Thị Bình ký ngày 20 tháng 2 năm 2019.

Một trong những nội dung cho biết “11 năm hoạt động cho phép Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vui mừng trước những thành quả bước đầu ấy trong việc khởi phát tinh thần “Hưng dân trí, chấn dân khí”. Nay do một số điều kiện khách quan, chúng tôi xin trân trọng Thông báo chấm dứt mọi hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh kể từ ngày công bố Thông báo này”.

Phải công nhận rằng Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức được hình thành và hoạt động rất bài bản chuyên nghiệp, tập trung một số nhân sĩ trí thức cùng mục tiêu khai sáng tầm nhìn của người dân qua Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh một giải thưởng được Nhà xuất bản Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao hằng năm cho các cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu văn hóa, Việt Nam học và dịch thuật.

Bên cạnh giải thưởng là sinh hoạt xuất bản sách do nhà xuất bản Tri Thức cộng tác với Quỹ cho ra đời các loại sách nghiên cứu, văn học, chính trị, giáo dục giá trị được giới trí thức đánh giá cao và người đọc tuy có sự tuyển chọn nhất định nhưng đa số đều chấp nhận hướng đi của nhà xuất bản.

Sau 11 năm duy trì hoạt động có lúc khó khăn cùng nhiều khi thuận tiện nhưng hôm nay đã chấp nhận việc đóng cửa thật là một mất mát cho những ai quan tâm tới việc khai dân trí, chấn dân khí như Phan Châu Trinh từng tha thiết. Tuy nhiên có một điều lạ là Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chưa thật sự chiếm lĩnh mảnh đất mà nó nhắm tới: Những con người Việt Nam đang cần khai hóa. Họ là lớp dân nghèo chiếm đại đa số trong xã hội Việt Nam. Họ là nam, nữ thanh niên lứa tuổi cần bồi dưỡng tri thức trước khi bước chân vào đời sống. Họ là những tầng lớp khác học hành dang dở muốn bổ xung kiến thức bằng các tác phẩm bù đắp vào thiếu thốn cũng như giải thích những câu hỏi có tính học thuật. Những lớp người ấy lại không đứng chung hay chí ít không tiếp cận được với một tổ chức xã hội dân sự rất hữu ích cho tới khi nó không còn hoạt động nữa.

Vì không màng tới nó nên đại đa số dân chúng không cảm thấy mất mát để mà tiếc nuối. Xã hội dửng dưng và cái thông báo hết sức quan trọng trôi theo từng cái nhấp chuột trên những trang facebook.

Tuy nhiên có một bộ phận khác trong đám đông xô bồ ấy đã hụt hẫng và cay đắng khi đọc được tin này. Tuy ít ỏi và có thái độ im lặng, họ vẫn là nhóm người có tấm lòng với những sinh hoạt văn hóa như Quỹ Phan Châu Trinh, bởi đã quá lâu xã hội thiếu vắng một không khí học thuật đúng nghĩa cộng với một giải thưởng thật sự cần thiết cho những người còn thiết tha với nền văn hóa nước nhà. Giải thưởng Phan Châu Trinh tuy chưa mang một tầm vóc đủ lớn nhưng so với các giải thưởng do nhà nước chủ đạo thì thật không thể so sánh với nó. Mỗi một giải thưởng được cấp người ta thấy cả một công trình xem xét và đánh giá. Nó làm người trúng giải hãnh diện đã đành nó còn làm cho các tác giả quốc tế biết thêm về Việt Nam sau chiến tranh và sau những chủ thuyết khó thuyết phục.

Các tác giả trúng giải trong chuyên đề Việt Nam học đều là người ngoại quốc. Qua 11 năm những học giả đoạt giải tăng thêm và sức lan tỏa của giải đã thấy trên nhiều trang báo nghiên cứu quốc tế.

Thông báo ngưng hoạt động chỉ có mấy chữ nói lên nguyên do làm cho người đọc cảm thấy như chính mình đang bị sách nhiễu. “Do một số điều kiện khách quan” là nhóm chữ cách điệu hóa những khó khăn mà tổ chức xã hội dân sự này gặp phải. Tuy không cần nêu rõ nhưng ai cũng biết những điều kiện khách quan ấy là gì.

Đó là chế độ này cảm thấy cái gai Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đến lúc cần phải nhổ sau bao nhiêu năm im lặng theo dõi.

Bởi Chủ tịch của nó là bà Nguyễn Thị Bình, một khuôn mặt khó thể áp chế hay thỏa hiệp. Bà Bình là người phụ nữ duy nhất đại diện cho MTGPMN ký vào Hiệp Định Ba Lê, nguyên Phó Chủ tịch nước trong hai nhiệm kỳ. Bà cũng là cháu ngoại của Phan Châu Trinh.

Hai thành viên chủ chốt khác là Giáo sư Chu Hảonhà văn hóa Nguyên Ngọc, những người đang tạo cho chế độ những buổi họp liên miên để tìm cách đối phó và một trong hai người, Giáo sư Chu Hảo đã bị thể chế chấp nhận tai tiếng để đạp ông ra khỏi môi trường sách vở mà ông và nhóm Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh hết lòng theo đuổi.

Giáo sư Chu Hảo từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ 1996 đến 2005. Sau khi về hưu ông là giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức và là phó hiệu trưởng trường Đại học Phan Châu Trinh. Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật ông bằng hình thức khai trừ Đảng. Hành động này đã châm dầu vào ngọn lửa bỏ đảng trên toàn quốc và hàng triệu người đã lên án hành động được cho là hèn nhược của Hà Nội.

Nguyên Ngọc là một nhà văn, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng. Tác phẩm văn học của ông được mang vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh. Ông là linh hồn của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh sau khi thành lập Đại học Phan Châu Trinh tại Hội an, ngôi trường tư có hướng đi rõ rệt nhắm vào cốt lõi văn hóa Việt Nam.

Trong những năm nổi lên các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược người dân Hà Nội luôn thấy ông xuất hiện bên cạnh dân chúng biểu tình đến nỗi đài truyền hình Hà Nội cho ông là một phần tử phản động.

Ông đã xin rút tên khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011, một giải thưởng được cho là cao quý của Việt Nam. Ông là một trong những thành viên thành lập “Văn Đoàn Độc Lập” và có lẽ vì vậy vào ngày 13 tháng 3 năm 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương ra công văn yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ giáo dục và đào tạo rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn Đoàn Độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa.

Đó là những khuôn mặt sống chết với Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh và “lý do khách quan” khiến tổ chức này phải tự đóng cửa không làm cho người ta ngạc nhiên. Nếu công tâm mà suy xét thì việc đóng cánh cửa bước vào căn nhà này đối tượng thiệt thòi không những chỉ là người dân, mà nhà nước cũng chịu thiệt một phần. Đó là hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trước mắt các học giả quốc tế đã không còn đẹp nữa.

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh dù sao cũng làm cho hình ảnh Việt Nam bớt cằn cỗi trong vấn đề học thuật và các sinh hoạt văn hóa thuộc sách vở, tri thức. Nó tự đóng cửa dù với lý do gì thì nhà nước này cũng mang tiếng là áp lực nó đi đến chỗ không còn đường hoạt động. Bởi Quỹ này không cần một ngân sách lớn để vận hành vì nó không nuôi ai trong hội đồng chấm giải. Nó đóng cửa vì áp lực chính trị của nhà nước là thêm một vết nhơ cho chế độ khi hành xử thiếu văn hóa đối với một tổ chức lấy văn hóa làm đầu.







No comments: