Wednesday, February 27, 2019

TÔI KHÔNG TIN NGƯỜI DÂN HÀ NỘI HÂN HOAN CHÀO ĐÓN KIM JONG UN (Chu Vĩnh Hải)





Mặc dầu báo chí nhà nước khẳng định rằng, người dân Hà Nội hân hoan chào đón Kim Jong-un, nhưng tôi cũng như nhiều người khác thực sự tin rằng, người dân Hà Nội đổ ra đường chỉ vì hiếu kỳ và tò mò.

Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một kẻ vào năm 2012 khi mới 29 tuổi, chưa một ngày ở trong quân ngũ lại tự phong cho mình cấp bậc nguyên soái.

Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một nhà độc tài khét tiếng bậc nhất thế giới, người sẵn sàng để mặc nhân dân mình đói khát nhằm bảo vệ ngai vàng cha truyền con nối.

Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một kẻ đã sát hại những người máu mủ ruột rà, thân thích của mình để bảo vệ ngai vàng vốn được xây bằng máu và nước mắt của hàng triệu người dân Bắc Triều Tiên vô tội.

Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một kẻ sùng bái vũ khí hạt nhân và tên lửa đến độ báo chí nước ngoài đặt cho ông ta biệt danh là Rocketman- Hỏa Tiễn Nhân dù 70% người dân thiếu đói và suy dinh dưỡng nặng, 40% trẻ em suy dinh dưỡng nặng.

Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào nhà lãnh đạo của một đất nước mà ở đó, bánh kẹo thông thường và sữa cũng khan hiếm như kim cương.

Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một nhà độc tài đã bảo vệ vương quyền của mình bằng cách biệt lập đất nước với thế giới.

Tôi không tin người dân Hà nội hân hoan đón chào nhà lãnh đạo của một đất nước mà ở đó tất cả thường dân đều không được tiếp cận với sản phẩm văn minh nhất của nhân loại là Internet, điện thoại di động là một mặt hàng xa xỉ.

Tôi tin rằng, người dân Hà Nội đổ ra đường để mong được một lần có kỷ niệm với một nhà độc tài dị hợm bậc nhất hành tinh. Hãy nhớ rằng, ngắm nhìn quái thú từ một khoảng cách an toàn bao giờ cũng là khát vọng mạnh mẽ của con người.

Người dân Hà Nội khao khát được chứng kiến Kim Jong-un một thì báo chí thế giới khao khát Kim Jong-un gấp hàng ngàn lần. Thông tin về kẻ dị hơm Kim Jong-un và đất nước bí ẩn Bắc Triều Tiên luôn có sức thu hút mạnh mẽ với báo chí quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc gặp Trump- Kim ở Hà Nội thu hút 3000 nhà báo quốc tế, một con số cao gấp nhiều lần so với cuộc gặp D.Trump và Tập Cận Bình vào tháng 12-2017 tại Trung Quốc, hoặc Diễn đàn kinh tế Davos.


-----------------------------------------------

26/02/2019

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều tiên chưa bao giờ là mối quan hệ chính thức- trực tiếp, cho dù giữa tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong -un đã có lần gặp gỡ đầu tiên vào tháng 6-2018 tại Singapore, và sẽ có lần gặp gỡ thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2-2019. Giữa hai quốc gia hoàn toàn khác biệt nhau này có mối quan hệ vô hình thông qua Nam Hàn ngày xưa hay Hàn Quốc ngày nay.

Trong mối quan hệ gián tiếp nhưng luôn luôn căng thẳng ấy, Hoa Kỳ là kẻ chịu hi sinh và mất mát để gìn giữ, Bắc Triều Tiên luôn là kẻ giương oai diễu võ để tồn tại.

Theo tiểu luận “Chế ngự và bị chế ngự bởi Hoa Kỳ” của Kim Tae-huyn và Bail Chang Jae, người Mỹ đã duy trì sự hiện diện đông đảo ở Hàn Quốc từ những năm trước 1961. Mỹ đã giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi ách cai trị của đế quốc Nhật Bản vào năm 1945, trực tiếp cai trị nửa phía nam của bán đảo này trong ba năm bằng một chính quyền quân sự và góp sức tạo ra một chế độ hùng mạnh(Bắc Triều Tiên được quân đội Liên Xô giải phóng và do Kim Nhật Thành cai quản dưới sự bảo hộ của Liên Xô). Nước Mỹ cùng với một số quốc gia đồng minh khác đã bảo vệ Hàn Quốc khỏi cuộc tấn công quân sự xâm lược của Bắc Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Sau cuộc xung đột này, quân đội Mỹ hiện diện đông đảo ở khu phi quân sự biên giới liên Triều. Cho đến năm 1960, sau khi các đơn vị quân sự của Hoa Kỳ rút khỏi Hàn Quốc, sức mạnh và sự hiện diện của Hoa Kỳ vẫn còn áp đảo.

Cũng theo tiểu luận lịch sử nêu trên, hầu hết ngân sách Hàn Quốc từ năm 1946 đến năm 1970 là nguồn viện trợ của Mỹ cộng với khoản tiền lớn mà Mỹ trực tiếp chi cho quân đội Hàn Quốc trong Chương trình hỗ trợ quân sự. Các cố vấn Mỹ góp mặt ở mọi đơn vị quân đội Hàn Quốc, bên cạnh đó, hơn 500 quan chức của Phái đoàn viện trợ Mỹ(USCOM) có trách nhiệm quản lý khoản viện trợ và từ đó quản lý luôn khoản phân bổ ngân sách của Hàn Quốc, kết quả là trên thực tế, người Mỹ đóng vai trò giám sát cũng như định hình các chính sách xã hội và kinh tế trọng yếu của Hàn Quốc. Vào thập niên 1950 và 1960, năng lực của các quan chức và công chức Hàn Quốc rất hạn chế, không có đủ chuyên môn cần thiết của một nhà nước hiện đại nên họ thường xuyên phải dựa vào cố vấn Mỹ nhằm xây dựng luật pháp, các chính sách kinh tế- xã hội để nâng cao năng lực của nhà nước.

Huyền thoại tạo nên kỳ tích Hàn Quốc, tổng thống Park Chung Hee đã từng nói: “ Nếu không có người Mỹ, chúng tôi sẽ không biết gì về các con số, tài chính, ngân hàng”. Không chỉ đào tạo quân đội, nâng cao sức mạnh của quân đội Hàn Quốc, nước Mỹ còn đào tạo miễn phí cho hàng chục ngàn tu nghiệp sinh kinh tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ kỹ thuật…, hoặc ở Mỹ, hoặc tại chính Hàn Quốc. Chính những chuyên gia được đào tạo bài bản này đã góp phần vào việc cất cánh của Hàn Quốc.

Tại thời điểm năm 1961, Bắc Triều Tiên có thu nhập bình quân trên đầu người là 161 USD/người/ năm, cao gấp đôi Hàn Quốc do Bắc Triều Tiên dồi dào tài nguyên khoáng sản, tiếp quản gần như nguyên vẹn các nhà máy và cơ sở doanh thương do Nhật Bản để lại và do nguồn viện trợ vô biên từ Liên Xô. Nhưng, với sự tư vấn luật pháp và chính sách của người Mỹ, vào năm 1970, Hàn Quốc đã đuổi kịp Bắc Triều Tiên về thu nhập bình quân trên đầu người, và càng ngày càng bỏ xa Bắc Triều Tiên trong vấn đề này. Cũng từ năm 1971 trở đi, kỹ nghệ và khoa học của Hàn Quốc bắt đầu bứt phá, bỏ xa Bắc Triều Tiên, hòa vào dòng chảy kỹ nghệ khoa học của thế giới.

Chính quyền Bắc Triều Tiên luôn muốn thống nhất đất nước bằng một hay nhiều cuộc chiến. Nhưng sau khi thất bại nặng nề trong cuộc chiến tàn khốc 1950-1953 dù có sự viện trợ vật chất khủng khiếp từ Liên Xô, viện trợ nhân lực bất tận từ Trung Quốc, chính quyền Bắc Triều Tiên đã hiểu được sức mạnh thực sự của quân đội Mỹ. Chính quyền Bắc Triều Tiên chỉ dám tiến hành những xung đột quân sự cục bộ và nhỏ lẻ trong phạm vi hẹp, hoặc trên biển, hoặc ở trên đất liền. Họ luôn nhìn về phía người Mỹ với sự thận trọng trong các xung đột quân sự.

Về phía Mỹ và Hàn Quốc, họ chưa bao giờ đưa các toán biệt kích và đặc nhiệm luồn sâu vào Bắc Triều Tiên, cũng chưa chủ động gây nên các xung đột quân sự trên đất liền hay trên biển theo đúng tinh thần Hiệp định đình chiến liên Triều được ký kết giữa nhiều bên vào năm 1953.

Rất nhiều dân thường và quân nhân Bắc Triều Tiên đã bất chấp cái chết để đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên- một xứ sở tăm tối và đói khát. Nhưng trớ trêu thay, có một quân nhân Mỹ đã đào thoát sang Bắc Triều Tiên, từ bỏ đầy đủ để đến với thiếu thốn, từ bỏ yêu thương để đến với địa ngục. Quân nhân Charles Jenkins vượt biên năm 1965 khi đóng quân tại một doanh trại gần khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Đây là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt với quân đội vũ trang đóng ở cả hai bên. Một thời gian dài sau vụ đào tẩu, Jenkins tuyên bố ân hận về hành động của mình đồng thời đổ lỗi cho rượu là nguyên nhân dẫn tới sự việc gây rúng động.

Nếu như nước Mỹ chưa bao giờ dùng ngôn ngữ hận thù khi nói về Bắc Triều Tiên, thì ngược lại, khi nói về nước Mỹ, ngôn ngữ hận thù luôn xuất hiện dày đặc trên môi các nhà lãnh đạo và các cơ quan báo chí Bắc Triều Tiên. “Đế Quốc Mỹ xâm lược”, “bọn Mỹ độc ác và tàn bạo”, “đế quốc Mỹ khát máu”, “loài cầm thú đế quốc Mỹ”….là những cụm từ hay được chính quyền và nhân dân Bắc Triều Tiên sử dụng.

Cho dù bị chửi mắng, người Mỹ vẫn không oán trách Bắc Triều Tiên. Cho dù bị căm ghét, người Mỹ vẫn giang rộng vòng tay với người dân Bắc Triều Tiên bất hạnh và luôn vật vã trong cơn đói khát triền miên. Theo ước tính của Cơ quan viện trợ phát triển của Hoa Kỳ(USAID), từ thập niên 1970 đến nay, Mỹ đã viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên khoảng 500 triệu USD, chủ yếu là lương thực thực phẩm và dược phẩm, chiếm ½ viện trợ nhân đạo mà cả thế giới(không tính Hàn Quốc) dành cho Bắc Triều Tiên.

Dù nhận viện trợ nhân đạo từ Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Bắc Triều Tiên luôn coi Hoa Kỳ là một quốc gia thù địch, và mối quan hệ giữa hai quốc gia này dù không chính thức vẫn được chính quyền Bắc Triều Tiên coi là mối quan hệ thù địch. Trong những năm gần đây mối quan hệ không chính thức này lại bị thử thách và nóng bỏng hơn bởi 5 cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên với những tên lửa tầm xa có khả năng tấn công mục tiêu xa hàng ngàn dặm, và Bắc Triều Tiên đang tiếp tục có những mối đe dọa tấn công vào Hoa Kỳ và Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân và các lực lượng trực chiến truyền thống. Trong nhiệm kỳ của mình, ông George Bush nhắc đến Bắc Triều Tiên như là một phần của "Trục ma quỷ" vì mối nguy hại đến từ kho vũ khí hạt nhân của nước này. Trong hai nhiệm kỳ của mình, tổng thống B. Obama luôn xếp Bắc Triều Tiên vào nhóm các quốc gia bảo trợ khủng bố. Khác với những người tiền nhiệm, trong lần gặp gỡ đầu tiên với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào tháng 6-2018, tổng thống D. Trump đã đánh giá ông Kim “là người thông minh và lịch thiệp”. Theo báo chí Hàn Quốc vào thời điểm ấy, ông Kim đã rất hài lòng về lời khen ngợi mà tổng thống Trump đã dành cho mình. Biết đâu nếu không có lời khen này ông Kim sẽ không gặp lại ông Trump ở Hà Nội!

Nếu như mối quan hệ mà Hoa Kỳ giành cho Hàn Quốc là mối quan hệ CHO (bảo hộ quân sự, viện trợ kinh tế, tư vấn xây dựng luật pháp và chính sách, đào tạo miễn phí…) nhằm bảo vệ hòa bình cho Hàn Quốc nói riêng và Đông Bắc Á nói chung, thì mối quan hệ không chính thức mà Hoa Kỳ dành cho Bắc Triều Tiên là mối quan hệ VUỐT VE VÀ RĂN ĐE. Mỗi khi chính quyền Bắc Hàn giương oai giễu võ, Hoa Kỳ ngay lập tực động binh với hàng không mẫu hạm, với máy bay hiện đại rợp trời, với những khí tài quân sự tối tân….Khi chính quyền Bắc Triều Tiên co vòi, quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc lại bình thản nhai kẹo cao su, và bình thản đi bar.

Trong mối quan hệ ngoại giao- quân sự biến động, bất trắc và bất định không chính thức giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, phía Hoa Kỳ luôn trao cho Bắc Triều Tiên một nhành ô liu mỗi khi có cơ hội. Nhành ô liu thứ nhất đã được trao vào tháng 6-2018 tại Singapore. Nhành ô liu thứ hai chắc chắn sẽ được trao vào những ngày cuối tháng 2-1019 tại Hà Nội. Chắc chắn một điều rằng, hòa bình và thịnh vượng sẽ có giá trị hơn khi nó đến từ những cành ô liu, không đến từ súng đạn và chết chóc.

----------------

LIÊN QUAN








No comments: