Võ Văn Quản
- Luật Khoa
27/02/2019
Năm 1994, khi Bắc Triều
Tiên rơi vào nạn
đói trầm trọng đến mức cộng đồng quốc tế phải lo ngại, chính quyền nước
này chợt nhận ra rằng họ cần chi hàng triệu USD vào việc trùng tu tỉnh tháp của
lăng Tangun, người sáng lập ra vương triều Kojoson trong huyền sử Triều Tiên.
Cha con Kim Il-Sung (Kim Nhật Thành) và Kim Jong-Il
(Kim Chính Nhật) sừng sững, hiên ngang giữa thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: EPA
Vì sao lăng của Tangun, một
vị vua được tương truyền trị vì vào năm 2.333 trước Công Nguyên lại quan trọng
đến như vậy?
Khác với hầu hết các
vương triều trên bán đảo Triều Tiên đều nằm gần Seoul, thủ đô của Đế vương
Tangun nằm gần Bình Nhưỡng (Pyongyang). Và trong cuộc đua tranh giành chính
danh với Hàn Quốc vào những thập niên 1990 – đầu những năm 2000 để đại diện cho
toàn bộ bán đảo Triều Tiên mà trong đó Hàn Quốc có vẻ đang thắng thế, Bình Nhưỡng
lục lại lịch sử dân tộc để tìm ra cách giải thích cho tính chính danh của mình.
Truyền thuyết của người
Triều Tiên về Tangun có nhiều dị bản, nhưng nhìn chung đều nói về nguồn gốc
“người trời” của Tangun nói riêng và người Triều Tiên nói chung (bao gồm cả Hàn
Quốc).
Theo một phiên bản được từ điển Britannica
ghi nhận, Hwanung (Đàn Quân) rời thiên đàng xuống Thánh đỉnh Paektu (hay
Baektu) để cai trị địa giới. Trong lúc này, một con hổ và một con gấu đến gặp
Hwanung và thể hiện mong ước được có hình thù của người trời. Hwanung căn dặn để
có được hình thù này, cả hai con thú phải vào sâu trong hang động không có ánh
mặt trời và không được ăn thịt trong suốt 100 ngày. Con hổ không đủ kiên nhẫn
và bỏ đi. Con gấu ở lại và hóa thành một người phụ nữ xinh đẹp. Người này sau
này trở thành mẫu thân của Tangun, thụ thai sau khi nhận được một hơi thở từ
Đàn Quân. Tộc người Triều Tiên và các vương triều Triều Tiên bắt đầu từ đây.
Truyền thuyết này có tính
quan trọng tương tự như câu chuyện Âu Cơ – Lạc Long Quân tại Việt Nam. Nếu người
Kinh có nguồn gốc “Con Rồng, Cháu Tiên”, người Triều Tiên là truyền nhân trực
tiếp của “người trời”.
Và gia đình họ Kim tìm
cách gắn mình với nguồn gốc “người trời” này.
Thánh sử bắt đầu
Năm 1997, Bắc Triều Tiên
đưa vào sử dụng một bộ lịch mới, gọi là lịch
Juche. Năm đầu tiên tính theo lịch này là năm Chủ tịch Kim Nhật Thành ra đời,
tức là năm 1912 (đồng nghĩa với việc năm nay là năm 108 tại Bắc
Triều Tiên, không phải 2019). Ông được ca tụng là người giáng trần từ thiên
đàng với tư cách Tangun tái thế, được thiên định sẽ bắt đầu và xây dựng lại lịch
sử và nhà nước trên toàn bán đảo Triều Tiên sau khi nó bị chủ nghĩa đế quốc
quân phiệt Nhật Bản làm cho ô uế.
Thánh sử (hagiography) của
gia đình họ Kim bắt đầu.
Gia đình đầy “khí chất” thánh thần gồm Kim Il-Sung
(Kim Nhật Thành – Quốc phụ), Kim Jong-Il (Kim Chính Nhật) trên ngựa trắng và Quốc
mẫu Kim Jong-suk (Kim Chính Thục) trên ngựa nâu. Ảnh: KCNA.
Ba đời lãnh đạo Triều
Tiên nhà họ Kim không đơn thuần chỉ là những thiên tài, họ được mô tả là có tài
năng và khí chất của thần thánh.
Đối với Kim Nhật Thành,
ông kể rằng mình đã nắm tay thề quyết
tâm đánh bại chủ nghĩa đế quốc vào năm lên năm, khi đang chơi… xích đu
với mẹ.
Năm lên sáu, Kim Nhật
Thành tự nguyện tham
gia cuộc biểu tình phản đối sự chiếm đóng của đế quốc Nhật, nằm trong
các sự kiện của phong trào Nhất Tam 1919 (March 1st Movement of 1919). Phong
trào bị đàn áp dữ dội, và đó cũng là lúc mà Lãnh tụ vĩ đại – Chủ tịch vĩnh hằng
(Great leader and
Eternal President) Kim Nhật Thành quyết tâm đánh đuổi đế quốc Nhật bằng mọi
giá.
Năm lên tám, ông đã bắt đầu
vận chuyển vũ khí đạn dược xuyên lòng địch.
Năm 11 tuổi, ông được cha
mình gửi đến một trường học cách mạng bí mật ở Mãn Châu (Trung Quốc).
Năm 13 tuổi, Kim Nhật
Thành với chỉ một bản đồ vẽ tay đã quyết tâm thực hiện hành trình 4.000 km từ
Mãn Châu trở về Triều Tiên, vượt bão tuyết, núi cao, đối phó với thú dữ, để cảm
nhận số phận của người dân Triều Tiên trên con đường và thấu hiểu nỗi thống khổ
của họ.
Đây là một trong những sự
kiện quan trọng nhất trong Thánh sử được xây dựng về Kim Nhật Thành, thường được
gọi là “Hành trình 1000 ri trở về đất mẹ” (“1000 ri Journey”. Ri – 里 là một đơn vị đo chiều dài của Nhật. Một ri tương
ứng với khoảng 3,9 km).
Nếu câu chuyện về Kim Nhật
Thành mang màu sắc văn hóa bản địa, câu chuyện về việc sinh hạ Kim Chính Nhật lại
khiêm tốn và mang màu sắc Thiên Chúa giáo nhiều hơn, theo bình luận của một
số tài liệu.
Theo đó, truyền thông nhà
nước nhại lại khung cảnh Thánh Đản (Biblical Nativity) để tả thời khắc sinh ra
dù khiêm tốn của Kim Chính Nhật, nhưng lại mang tầm
vóc vũ trụ bao la, được dự báo với đàn én, hai sắc cầu vồng và một
tinh cầu mới trên bầu trời đêm.
Đối chiếu với các tình tiết
trong Kinh Tân Ước (New Testament), câu chuyện có diễn biến khá tương tự.
Các nhân chứng của buổi hạ
sinh ngay lập tức nhận ra những điều tiên tri và định mệnh cao cả của đứa trẻ.
Họ cho rằng đứa trẻ là ngôi sao sẽ đem ánh sáng đến cho tương lai của Triều
Tiên và gọi nó là Vầng sao sáng của Thánh đỉnh Baekdu (The Bright Star of
Mt. Baekdu). Tin lành về đứa trẻ được lan truyền đi khắp đi đất nước, với
người dân hạnh phúc đón mừng.
Đế quốc Nhật xấu xa,
tương tự như Vua Herod xứ Judaea, thì cho rằng đứa trẻ là điềm báo dữ, đã tìm mọi
cách để truy lùng và tiêu diệt. Tiểu sử Kim Chính Nhật Quyển I, thậm chí còn
trích dẫn nguyên văn một tài liệu… tưởng tượng của người Nhật rằng việc Kim
Chính Nhật được sinh ra đã làm hoang mang toàn bộ Tokyo, và dự báo rằng cậu bé
“người trời” này sẽ trở thành một Đại tướng quân đánh bại quân đội Nhật, mang lại
độc lập cho Triều Tiên.
Duy chỉ đáng tiếc cho nhà
lãnh đạo tiếp theo, Kim Jong-un (Kim Chính Ân), là thời điểm ông trở thành lãnh
đạo Bắc Triều Tiên vào năm 2011 thì một bộ phận dân chúng đã bắt đầu có cơ hội
tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, ít ra là với Trung Quốc. Điều này khiến
cho Kim Chính Ân khó có cơ
hội sử dụng giai thoại huyền sử để mô tả tuổi thơ ấu của mình. Tuy
nhiên, nó vẫn không triệt tiêu hoàn toàn nhu cầu tuyên truyền của bộ máy nhà nước
Bắc Triều Tiên.
Năm 2014, Đài
truyền hình KBS của Hàn Quốc thu thập được một giáo trình trung học Bắc
Triều Tiên, cho thấy học sinh ở đây đã phải bắt đầu một khóa đào tạo dài ba năm
về cuộc đời niên thiếu của Kim Chính Ân.
Nội dung của chương trình
vẫn chưa được tìm ra, tuy nhiên nhiều phim
tài liệu phát toàn Bắc Triều Tiên tuyên truyền rằng Kim Chính Ân đã trở
thành một thiện xạ súng lục cũng như thông thạo bảy ngoại ngữ ở tuổi lên ba; có
các phát hiện khoa học địa chất và là một sử gia ở tuổi vị thành niên. Không
khó để dự đoán trong chương trình giáo dục trung học nói trên chứa đựng những
gì.
Những thông tin mà cơ
quan ngôn luận trung ương của Bắc Triều Tiên tuyên truyền được trình bày ở
trên, bạn đọc có toàn quyền tin hoặc không tin. Nhưng với những người không
tin, câu hỏi đặt ra là vì sao những chiến dịch tuyên truyền thế này lại tiếp tục
được sử dụng ở thế kỷ 21.
Sùng bái cá nhân
Người đầu tiên sử dụng
thuật ngữ sùng bái cá nhân (cult of personality) trong văn cảnh chính trị
là Karl
Marx, trong bức thư gửi cho Wilhelm Blos vào năm 1877.
Marx chỉ trích Ferdinand
Lasalle, một đối thủ chính trị của ông ngay trong Liên minh Cộng sản Quốc tế
(Communist League). Đáng tiếc thay, hầu hết học trò xuất sắc hay nổi tiếng nhất
của ông như Lenin, Stalin, Mao hay Kim Nhật Thành đều sử dụng sùng bái cá nhân
như một phần không thể thiếu trong chiến thuật trị quốc của mình.
Theo luận khảo nổi tiếng “Tính cách là gì và nó
có thật sự quan trọng không?” (What is character and why it
really does matter), Giáo sư Thomas A. Wright (Đại học Fordham, Anh) định nghĩa
sùng bái cá nhân là một hiện tượng “mẫu mực hóa, đến mức như thần thánh hóa
hình ảnh công cộng của một cá nhân, được định hình và phát triển dựa trên các
chiến dịch tuyên truyền không ngừng nghỉ cùng với các tương tác truyền thông”.
Karl Marx hóa ra lại là người đầu tiên sử dụng thuật
ngữ “sùng bái cá nhân” trong văn cảnh chính trị. Ảnh: ullstein bild Dtl.
Tuy điều này nghe có vẻ dễ
nhận biết và dễ phản đối, các chiến thuật tuyên truyền bền bỉ và có chuẩn bị đều
có những tác động như ý muốn lên hầu hết các đối tượng tiếp nhận thông tin.
Ví dụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh
cho đến nay được xem là hình mẫu hoàn hảo của một chính trị gia tại Việt Nam.
Tài năng, đức độ, danh tiếng, khiêm tốn, giản dị, thông minh… là số ít những đức
tính mà một người Việt Nam thông thường có thể kể ra để mô tả vị “Cha già dân tộc”.
Không chỉ vậy, ngay cả bố và mẹ của Hồ Chí Minh cũng đã và đang được mô tả như
những vị thánh, có đền thờ riêng, có sử sách riêng, với quyết tâm cách mạng và
nhân phẩm hoàn mỹ.
Đây có phải là dấu hiệu của
sùng bái cá nhân?
Tôi cá là sẽ có một số lượng
lớn bạn đọc phản đối quan điểm này. Với họ, những kẻ xét lại Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ là những tên cặn bã.
Điều này thật ra không
quá khác với tình trạng ở Triều Tiên.
Năm 2011, người dân và
các sĩ quan quân đội Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch thả hàng chục ngàn bong bóng vào
lãnh thổ Triều Tiên kèm theo hình ảnh về đời tư của Kim Chính Nhật, sự xa hoa
mà các con ông đang được hưởng tại nước ngoài, thông tin về Mùa Xuân Ả Rập và
hàng loạt các thông tin về sự phát triển của Đại Hàn Dân Quốc.
Họ tin là thời điểm chín
muồi để một cuộc Cách mạng tự thân ở Bắc Triều Tiên có thể sẽ diễn ra.
Nạn đói thập niên 1990 giết
chết gần một triệu nhân mạng, việc thay đổi tiền tệ không tuân thủ quy tắc thị
trường năm 2009, các tướng lãnh quân sự bắt đầu lo lắng về vị trí và vai trò của
mình khi tình trạng sức khỏe của Kim Chính Nhật suy yếu, các phong trào dân chủ
quốc tế lên cao đến đỉnh điểm… tất cả dường như đều quá hoàn hảo cho một cuộc
Cách mạng dân chủ ở Triều Tiên.
Nhưng tại sao nó vẫn
không diễn ra nổi?
Đơn giản là vì sùng bái
cá nhân vẫn còn hiệu
quả, và thậm chí người ta còn không nhận ra nó đang vận hành hiệu quả. Người
dân Bắc Triều sau hàng chục năm được nhồi nhét thứ tôn giáo chính trị (political
religion) của nhà họ Kim có vẻ không biết mình đang thật sự muốn gì, và họ cũng
sợ sự bất định mà việc thiếu vắng một “lãnh tụ kính yêu” hay một “lãnh tụ vĩ đại”
có thể mang lại.
Thiếu vắng một người để
người dân tôn sùng và sợ hãi, đôi khi cũng là nguyên cớ để những gia đình thần
thánh như thế này tồn tại trên thế giới ngày nay.
No comments:
Post a Comment