Thanh Phương – RFI
Đăng ngày 25-02-2019
Bắc
Triều Tiên sẽ chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn hay chỉ giải trừ một
phần? Hai lãnh đạo sẽ đạt được những thỏa thuận cụ thể hay chỉ ra những tuyên bố
bày tỏ ý định? Washington và Bình Nhưỡng sẽ đi đến hòa bình hay sẽ lại cắt đứt
quan hệ?
Mọi kịch bản đều có thể xảy ra sau cuộc họp thượng đỉnh
lần thứ hai giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un với tổng thống Hoa Kỳ
Donald Trump trong hai ngày 27 và 28/02/2019 tại Hà Nội.
Sau một thời gian dài gặp bế tắc về phi hạt nhân
hóa, các nhà thương thuyết của Mỹ và Bắc Triều Tiên trong những ngày qua đã ráo
riết đàm phán cho đến giờ chót để chuẩn bị cho thượng đỉnh Hà Nội. Theo các
chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, như ông Vipin Narang, Viện Công
nghệ Massachusetts, cho dù công việc chuẩn bị đi đến đâu, cả tổng thống Trump lẫn
lãnh đạo họ Kim đều mong muốn là thượng đỉnh lần hai phải đạt được kết quả cụ
thể, phải có những bước tiến so với thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore tháng
06/2018.
Nhưng ngược lại, không một chuyên gia chờ đợi là thượng
đỉnh Hà Nội sẽ giúp đạt được ngay một thỏa thuận về « phi hạt nhân hóa
Bắc Triều Tiên một cách vĩnh viễn và hoàn toàn có thể kiểm chứng được »,
mục tiêu tối hậu của Hoa Kỳ. Thậm chí cụm từ nói trên có thể sẽ không được ghi
trong bản tuyên bố chung của hai lãnh đạo Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên. Các quan chức
Mỹ nay chỉ hy vọng « những tiến bộ cụ thể » đến phi hạt nhân
hóa và hiện giờ cũng không dám đưa ra bất cứ thời hạn nào đối với Bình Nhưỡng.
Bản thân tổng thống Trump vào tuần trước cũng đã tuyên bố là « không có
gì phải vội vã ».
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát Mỹ, có nguy cơ là
thượng đỉnh Hà Nội sẽ lại giống như thượng đỉnh Signapore, tức là ông Kim Jong
Un sẽ chỉ cam kết một cách mơ hồ là sẽ « phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán
đảo Triều Tiên », mà chẳng đưa ra một lịch trình cũng như không nói rõ
cách thức tiến hành. Theo chuyên gia Jung Pak, Viện Brookings, đây sẽ là một thất
bại đối với phía Mỹ. Còn đối với chuyên gia Viping Narang, đây sẽ là kết quả tốt
nhất đối với phía Bắc Triều Tiên, vì như vậy là họ có thể tranh thủ được thời
gian mà không nhân nhượng điều gì với Mỹ.
Nhưng theo AFP, nguy cơ lớn hơn, hay nói đúng hơn là
cơn « ác mộng » của các quan chức Mỹ, đó là tổng thống Trump
nhượng bộ quá nhiều trong cuộc gặp thứ hai với ông Kim Jong Un. Mối lo này là
có cơ sở bởi vì ông Donald Trump vẫn thường làm theo ý mình mà không nghe lời
các cố vấn. Cụ thể, họ lo ngại tổng thống Mỹ sẽ chấp nhận ký hiệp định chấm dứt
chiến tranh Triều Tiên, cho dù không đạt được những nhân nhượng đáng kể của
lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân. Về phần Hàn Quốc, họ sợ là tổng
thống Trump chỉ đòi cấm các tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên để bảo vệ
lãnh thổ Mỹ, mà không tính đến mối đe dọa của các tên lửa khác đối với các láng
giềng châu Á.
Nay phía Hoa Kỳ chỉ mong diễn ra kịch bản « có
qua có lại », để họ có thể khẳng định thượng đỉnh Hà Nội « thành
công ». Ví dụ như phía Bình Nhưỡng chấp nhận đình chỉ hoạt động các cơ
sở thử nghiệm tên lửa và hạt nhân và phá hủy một số cơ sở đó, đặc biệt là
Yongbyon.
Nhưng thật ra, theo chuyên gia Jung Pak, điều mà
Washington mong muốn nhất đó là Kim Jong Un chấp nhận cho Cơ quan Năng lượng
Nguyên tử Quốc tế vào thanh ra các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đổi lại,
Hoa Kỳ có thể thể mở một văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng, một bước để tiến tới
thiết lập bang giao giữa hai nước, thậm chí tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Vấn đề là phía Bắc Triều Tiên vẫn đòi bãi bỏ hoàn
toàn các biện pháp trừng phạt đối với nước này, thế mà chính quyền Trump cho tới
nay không chấp nhận điều này trước khi Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa.
Cho nên, theo AFP, có thể là cuối cùng thì phía Mỹ chắc sẽ phải chấp nhận đình
chỉ một số trừng phạt với điều kiện Bình Nhưỡng chứng tỏ là họ sẽ làm đúng theo
các cam kết về phi hạt nhân hóa.
---------------------------
Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 25-02-2019
Tổng
thống Mỹ rời Washington vào hôm nay 25/02/2019 để tới Hà Nội họp thượng đỉnh với
lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong hai ngày 27-28/02. Để chuẩn bị cho hội nghị này,
phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên đã tiếp tục đàm phán với nhau, với cuộc tiếp xúc
sau cùng diễn ra hôm qua tại Hà Nội.
Nội dung đàm phán không được tiết lộ, nhưng Seoul
vào hôm nay đã tỏ ý lạc quan trước triển vọng hai lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ đưa ra một
bản tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến Tranh Triều Tiên 1950-1953.
Theo ghi nhận của hãng tin Hàn Quốc Yonhap, vào hôm
qua, đặc sứ Bắc Triều Tiên Kim Hyok Chol đã tiếp xúc với đồng nhiệm Mỹ Stephen
Biegun tại một khách sạn ở Hà Nội.
Hôm nay, trong một cuộc họp báo ở Seoul, ông Kim Eui
Kyeom phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, cho biết rằng ông « tin
tưởng » vào khả năng là tại Hà Nội, Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra một
tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến Tranh Triều Tiên.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên phủ tổng thống
Hàn Quốc nói rõ: « Lúc này chưa thể biết được tuyên bố đó mang hình thức
nào, nhưng tôi tin Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được một thỏa thuận ».
Tuy nhiên, Seoul cũng lưu ý rằng bản tuyên bố chấm dứt
chiến tranh không phải là một hiệp ước hòa bình chính thức, một văn kiện chỉ có
thể được ký kết ở « giai đoạn cuối của tiến trình phi hạt nhân
hóa » trên bán đảo Triều Tiên, đòi hỏi thêm nhiều thời gian đàm phán,
và liên quan đến nhiều bên khác như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Về phần mình, trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump
tiếp tục bảo vệ quan điểm đối thoại với Bình Nhưỡng trong bối cảnh tại Mỹ vẫn
có dư luận phản đối. Hôm qua, Bắc Triều Tiên đã thúc giục Hoa Kỳ nắm bắt
« một cơ hội lịch sử hiếm hoi », chống lại các quan điểm hoài
nghi tại Quốc Hội cũng như trong giới truyền thông Mỹ về thực tâm hòa bình của
Bình Nhưỡng.
No comments:
Post a Comment