Nguyễn
Thị Từ Huy & Phan Văn Thắng
26/02/2019
Lời
tòa soạn: Làm gì để có thể thay đổi nền giáo dục đang quá trì
trệ và lạc hậu của chúng ta hiện nay? Đó là câu hỏi phải trả lời, là nhiệm vụ
phải thực hiện của mọi người Việt Nam. Thực ra đã có nhiều lời giải nhưng cơ bản
vẫn là vô vọng vì hình như chưa có cái nhìn nào xuyên thấu và cách làm nào thật
sự sáng suốt và đủ mạnh để xoay chuyển tình thế. Dẫu sao, mỗi một ý kiến có
trách nhiệm đều là một viên gạch đáng quý để xây dựng lại nền giáo dục đã quá
cũ kỹ và lạc hậu của nước nhà. Trên tinh thần đó, VHNA giới thiệu cuộc trao đổi
về chủ đề Giáo dục khai phóng giữa nhà báo Phan Văn Thắng và TS Nguyễn Thị Từ
Huy đến từ đại học Hoa Sen - TP. Hồ Chí Minh.
TS. Nguyễn Thị Từ Huy
Phan Văn Thắng: Thưa Ts, trong mấy năm gần đây, đã có nhiều trí thức, nhà giáo
dục ở VN kêu gọi nền giáo dục VN cần thực hiện theo triết lý giáo dục khai
phóng. Gần đây nhất, các trường đại học công lớn nhất như đại học KHXH &NV
Hà Nội và tp Hồ Chí Minh cũng tuyên ngôn triết lý giáo dục của nhà trường là
giáo dục khai phóng. Là người nghiên cứu triết học và giáo dục, bà có thể khái
quát nội hàm khái niệm Giáo dục khai phóng và sự chuyển biến của nó trong
lịch sử như thế nào?
Nguyễn Thị Từ Huy: Có thể nói một cách ngắn gọn về
nguồn gốc của khái niệm như sau: Khái niệm liberal arts có nguồn gốc
từ thời Hy Lạp cổ đại ở châu Âu. Giáo dục thời kỳ này muốn kiến
tạo những con người tự do, nhờ có kiến thức rộng và khả năng suy
luận logic. Đến thời Trung Cổ, các môn khai phóng được giảng dạy gồm
hai phần: Tam khoa có Ngữ pháp, thuật Hùng biện, và Logic. Tứ khoa có
Số học, Hình học, Thiên văn học và Âm nhạc. Người châu Âu gọi đây là
7 nghệ thuật khai phóng, chúng có giá trị làm phát triển các năng
lực trí tuệ toàn diện cho con người.
Sau
thời Trung cổ, định chế các môn khai phóng trong trường học dần dần
biến mất ở châu Âu. Nhưng hiện nay nền giáo dục châu Âu được thiết kế
trên tinh thần khai phóng, tức là dạy cho con người có khả năng sử
dụng kiến thức để có thể tự do lựa chọn và tự do quyết định.
Người Mỹ biến giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) thành một
thứ đặc sản của giáo dục đại học ở đất nước này. Mục đích của
nó vẫn luôn nằm trong truyền thống châu Âu: giáo dục toàn diện và
giáo dục nhân văn. Giáo dục nhằm tạo ra con người tự do, hiểu biết
bản thân, hiểu biết xã hội và hiểu biết thế giới, có trách nhiệm
với cộng đồng. Đại học dạy cho sinh viên cách suy nghĩ chứ không chỉ
là nội dung suy nghĩ, dạy cho học sinh biết cách học, chứ không chỉ
là nội dung cần phải học. Nghĩa là dạy cho sinh viên khả năng phản
biện, sáng tạo, chứ không phải chỉ là ghi nhớ và vận dụng. Tuy
nhiên, người Mỹ đẩy xa đến chỗ xây dựng các chương trình giáo dục
khai phóng được dạy cho hai năm đầu của đại học, hoặc là thiết lập
hẳn các trường đại học khai phóng với chương trình riêng, đặc thù cho
giáo dục khai phóng.
Ngày nay, châu Âu nói chung không có các trường đại học khai phóng hay
chương trình khai phóng ở đại học như mô hình của Mỹ, nhưng phương
pháp giảng dạy của giảng viên và phương pháp học tập của sinh viên
trong các trường đại học thì luôn theo tinh thần khai phóng. Sinh viên
không học thuộc lòng, mà họ học để hiểu, để phê phán và sáng tạo.
Họ đọc các tác phẩm với tư duy phản biện, họ đọc để đồng tình
hoặc phản đối, và luôn được dạy cách tìm ra những điểm có thể phê
phán hoặc cần được xem xét lại của mỗi tài liệu, mỗi tác giả, mỗi
trào lưu…
*
Phan Văn Thắng: Vậy, khai phóng là khai phóng cái
gì? Khai phóng ai, cho ai?
Nguyễn Thị Từ Huy: Để trả lời câu hỏi của ông, có
thể nói một cách rất giản dị: Khai phóng chính mình, khai phóng mỗi
cá nhân. Cho ai? Cho bản thân mỗi người, và từ đó mà cho cộng đồng,
cho xã hội, cho đất nước và cho nhân loại. Khi mỗi cá nhân được khai
phóng, khi mỗi cá nhân có đủ kiến thức để có thể tự do quyết định
và lựa chọn điều đúng và điều tốt cho chính mình và cho cộng đồng,
thì có thể tin rằng, một xã hội được cấu thành từ những cá nhân
như vậy sẽ là một xã hội tốt đẹp trên căn bản. Dĩ nhiên, xã hội
lúc nào cũng có các vấn đề của nó, nhưng có các xã hội được
thiết lập trên các nguyên tắc tốt đẹp và có các xã hội được thiết
lập trên các nguyên tắc phản tiến bộ.
Tuy
nhiên, đối với giáo dục Việt Nam hiện nay, để trả lời câu hỏi: “Khai
phóng ai, cho ai?” lại là một điều hoàn toàn không đơn giản. Tính
chất phức tạp thể hiện ở chỗ này: Các vấn nạn của nền giáo dục,
mà chúng ta đã bàn mãi từ bao nhiêu năm nay, chỉ có thể giải quyết
khi chúng ta có những lãnh đạo giáo dục được khai phóng. Giáo dục
Việt Nam muốn thay đổi, muốn bứt phá, muốn phát triển ngang bằng với
thế giới, thì chúng ta cần phải có các nhà quản lý giáo dục được
khai phóng, biết cách làm việc theo phương pháp khai phóng, và lãnh
đạo nền giáo dục theo tinh thần khai phóng.
Liên
quan đến câu hỏi “khai phóng cái gì?”, tôi muốn gợi lại khái
niệm “éducation libératrice”(giáo dục khai phóng) được Paulo Freire
sử dụng trong cuốn “Pédagogie des opprimés” (Giáo dục học của những kẻ
bị áp bức). Trong cuốn sách này Freire nói đến loại giáo dục dành
cho những người bị áp bức nhưng không chấp nhận số phận này, vì thế
họ học tập để giải phóng chính họ, và giải phóng cho cả những kẻ
áp bức họ. Quan niệm của Freire về giáo dục khai phóng đặc biệt ở
chỗ ông nhìn thấy sức mạnh khai phóng thuộc về những người bị áp
bức, những người này đủ mạnh để giải phóng cho chính mình và cho
cả những người áp bức mình. Và khai phóng ở đây được hiểu là khai
phóng cho các tiềm năng của con người, khai phóng các năng lực tiềm
tàng của con người, biến các năng lực đó thành sứcmạnh. Khai phóng
theo nghĩa này được hiểu như là sự giải phóng bản thân và giải
phóng cho người khác. Từ ý tưởng này Freire hình thành quan niệm về
một nền giáo dục khai phóng trong đó vai trò của các thành phần tham
gia vào quá trình giáo dục có thể hoán đổi lẫn nhau: giáo viên và
học sinh đều có thể đóng vai trò nhà giáo dục, hai bên giáo dục lẫn
nhau qua quá trình dạy và học. Đối thoại trở thành phương thức dạy
học chủ yếu của giáo dục khai phóng. Học sinh không tiếp nhận một
cách thụ động, mà chủ động đối thoại với giáo viên. Và phương pháp
này giúp cho các năng lực của học sinh được khai phóng.
Vận
dụng nghĩa của Freire tôi hình dung nền giáo dục khai phóng là một
nền giáo dục giải phóng các năng lực cá nhân và giải phóng các
tiềm năng xã hội để tất cả có thể cùng pháttriển một cách tốt
nhất, một cách đồng bộ, chứ không tiêu diệt lẫn nhau. Nghĩa là sự
phát triển của người này không tiêu diệt sự phát triển của người
kia, sự phát triển cá nhân không tiêu diệt sự phát triển xã hội. Đây
là hiện tượng đáng buồn đang xảy ra trong xã hội VN đương đại của
chúng ta: các cá nhân làm giàu tài sản của riêng mình, đồng thời
tiêu diệt đạođức xã hội, tiêu diệt môi trường, hủy diệt các giá trị
tiến bộ… Một nền giáo dục khai phóng sẽ góp phần khắc phục hiện
tượng này. Bởi vì mục đích của nó là đào tạo nên những con người
biết cách kết hợp hài hòa sự phát triển của cá nhân mình với việc
thúc đẩy sự phát triển của xã hội và làm cho xã hội tốt đẹp hơn,
công bằng hơn, nhân văn hơn.
Ngoài ra, cũng có thể hiểu rằng muốn đạt tới việc tự giải phóng cho bản
thân mình và giải phóng cho người khác, con người phải được khai minh. Khai
minh theo nghĩa của Kant: có khả năng sử dụng trí tuệ của mình một cách độc lập.
Và muốn có thể độc lập sử dụng trí tuệ của mình thì phải có hai điều: tri thức
và sự dũng cảm. Một cá nhân có tri thức mà không có can đảm sử dụng
những tri thức đó thì cũng chưa đạt tới tình trạng khai minh.
*
Phan Văn Thắng: Tôi đang nghĩ đến từ khai phóng giáo dục sẽ mở ra con đường khai
phóng văn hóa và tư tưởng. Còn bà ?
TS Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi hoàn toàn đồng ý với ông về điều
này. Chắc chắn là như vậy.
*
Phan Văn Thắng: Trở lại nền giáo dục của Việt Nam, có
phải mấy chục năm qua chúng ta không hướng đến mục tiêu khai phóng/không giải
phóng tư duy, không đề cao năng lực sáng tạo của con người?
Nguyễn Thị Từ Huy: Không! Nếu chúng ta trung thực thì
chúng ta sẽ phải trả lời là “không”. Có những nỗ lực khai phóng ở
một số cá nhân, ở một số gia đình, ở một số bộ phận tại một số
trường, tại một số tổ chức nào đó. Nhưng toàn bộ nền giáo dục của
chúng ta không được thiết kế theo tinh thần và phương pháp khai phóng.
*
Phan Văn Thắng: Trong một cuộc trao đổi với Văn hóa
Nghệ An, GS Trần Văn Đoàn có nói rằng giáo dục Việt Nam chưa có triết lý. Có
đúng vậy không?
Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi đồng ý một nửa với GS Trần Văn
Đoàn. Giáo dục VN chưa có một triết lý tiến bộ để có thể tạo ra
những con người tự do, có năng lực sáng tạo và năng lực đáp ứng sự
phát triển của thời đại. Nhưng nói Giáo dục VN chưa có triết lý thì
không hoàn toàn chính xác. Triết lý dựa trên đó mà nền giáo dục
của chúng ta vận hành từ gần một thế kỷ nay ở miền Bắc, và từ
1975 đến nay trên toàn quốc, đó là thứ triết lý nhằm tạo ra những
con người làm công cụ cho một hệ thống chính trị. Nhưng cần phải nói
thêm rằng, chính ở điểm này mà tôi thực sự trân trọng những người
VN, những tổ chức ở VN, đã không mệt mỏi trong suốt một thời kỳ dài
nỗ lực để giữ cho giáo dục được là giáo dục chân chính, nghĩa là
đào tạo ra những con người không chấp nhận làm công cụ.
*
Phan Văn Thắng: Chỉ có Khai phóng liệu đã đủ chưa cho
một nền tảng toàn diện và bền vững cho sự phát triển giáo dục trong bối cảnh hiện
đại ngày nay?
Nguyễn Thị Từ Huy: Dĩ nhiên là chưa đủ. Có thể
hình dung tinh thần khai phóng như là nền tảng trên đó mỗi người phải
xây dựng nên giá trị cá nhân bằng các kiến thức và kỹ năngcủa một
chuyên ngành nào đó, và đóng góp cho xã hội bằng khối tri thức mà
mình sở hữu và cả những tri thức và giá trị mà mình sẽ sáng tạo
ra nữa.
Nền
giáo dục muốn phát triển phải cập nhật được vốn tri thức vô cùng
phong phú và biến đổi hàng ngày, được tạo ra hàng ngày ở các quốc
gia, nhất là ở các quốc gia phát triển. Đồng thời một nền giáo dục
phát triển phải đóng góp vào quá trình sản xuất tri thức đang diễn
ra trên thế giới, phải đóng góp dấu ấn của mình, sản phẩm trí tuệ
của mình trong kho tàng trí tuệ của thế giới. Đây là mục tiêu của
một nền giáo dục phát triển. Và muốn đạt được mục tiêu này thì cơ
sở, nền tảng của nó chính là tinh thần khai phóng và các phương
pháp khai phóng.
*
Phan Văn Thắng: Với thực trạng hiện nay, sẽ có những
khó khăn gì khi xây dựng và phát triển nền giáo dục theo triết lý giáo dục
khai phóng?
Nguyễn Thị Từ Huy: Nếu ông cho phép tôi nói một cách
thẳng thắn và trung thực, thì tôi sẽ nói rằng khó khăn căn bản nhất
của chúng ta là ở chỗ chúng ta thiếu những lãnh đạo có tinh thần
khai phóng và hiểu được giá trị, ý nghĩa của giáo dục khai
phóng. Giáo dục VN đang thiếu những lãnh đạo có khả năng và phương
pháp khai phóng. Các khó khăn sẽ được giải quyết khi chúng ta có một đội ngũ
lãnh đạo có tầm nhìn khai phóng.
*
Phan Văn Thắng: Để khai phóng cho nền giáo dục,chúng
ta cần phải làm những gì?
Nguyễn Thị Từ Huy: Câu hỏi này rất xác đáng. Tuy
nhiên “chúng ta” là ai?
Nếu “chúng ta” là tất cả những
người đang tham gia vào nền giáo dục: các cấp quản lý, giảng viên,
giáo viên, nhân viên, sinh viên, học sinh…, thì câu trả lời sẽ là như
sau:
-
Đối với lãnh đạo giáo dục: cần xây dựng các chính sách và chương
trình cho giáo dục khai phóng ở các cấp khác nhau: đại học, trung
học, tiểu học và mầm non.
-
Đối với giảng viên và giáo viên: giảng dạy theo tinh thần và phương
pháp khai phóng.
-
Đối với học sinh, sinh viên: học theo phương pháp và kỹ năng khai
phóng.
Nếu “chúng ta” là tất cả mọi
người Việt Nam thì câu trả lời sẽ là:
-
Lãnh đạo nhà nước phải có các chính sách để phát triển giáo
dục khai phóng. Và đây là vì lợi ích của toàn dân và lợi ích của
đất nước. Giáo dục là quốc sách, khẩu hiệu này luôn luôn đúng. Nếu
các cấp lãnh đạo nhà nước làm được điều này, thì họ thực sự có
những đóng góp to lớn cho quốc gia và cho dân tộc.
-
Mỗi người dân Việt Nam, từ góc độ của mình, bằng những phương
tiện mà mình có, ủng hộ và thực hành giáo dục khai phóng, từ trong
gia đình, tới nhà trường và tới toàn xã hội. Đặc biệt, các nhà
báo, do đặc thù nghề nghiệp của mình, có thuận lợi hơn những thành
phần xã hội khác trong việc cổ vũ và xây dựng cho cộng đồng ý thức
về tầm quan trọng của giáo dục khai phóng.
*
Phan Văn Thắng: Đâu là điều kiện tiên quyết để có thể
xây dựng nền giáo dục khai phóng?
Nguyễn Thị Từ Huy: Để có một bộ môn giáo dục khai
phóng, hay một chương trình giáo dục khai phóng, trong một trường đại
học nào đó, thì trường đó cần có một Ban Giám hiệu ủng hộ giáo
dục khai phóng.
Nhưng, để xây dựng cả một nền giáo dục khai phóng thì, trở lại
với một ý đã nói trên đây, cần có một Bộ Giáo dục có tinh thần
khai phóng và có chủ trương khai phóng. Tuy nhiên, như vậy cũng chưa
đủ, mà cần phải có những định chế chính trị phù hợp với giáo dục
khai phóng. Trên cơ sở các định chế chính trị ấy thì Bộ Giáo dục
mới có thể triển khai giáo dục khai phóng trên toàn bộ nền giáo
dục, ở các phương diện thích ứng.
*
Phan Văn Thắng: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này. Chúng ta đã cơ bản đồng quan điểm. Tuy
nhiên, tôi vẫn thấy rằng để thực sự có một nền giáo dục khai phóng trong bối cảnh
hiện nay là vô cùng khó khăn. Khó khăn ấy đến từ thể chế, cơ chế, từ sức ỳ của
xã hội, của nền giáo dục đã quá ư rệu rã và lạc hậu, từ cái văn hóa thủ cựu,
lem nhem của chúng ta, từ mỗi chức sắc và từ mỗi người, trong đó có chúng ta.
No comments:
Post a Comment