Sunday, February 3, 2019

THỦ THIÊM GIẤC MƠ HOA TRÁI . . . (Trung Việt)




Trung Việt
Ảnh: Mai Kỳ
Kỹ thuật: Ngô Tới
02/02/2019


Chỗ tôi ngồi với họ cách bến phà Thủ Thiêm chừng 100m. Mưa làm nước lênh láng, khiến cỏ, vốn đã bị con người quên lãng mấy năm rồi, mặc sức trườn ra lối đi. Họ, mấy người đàn ông lẫn đàn bà tụ lại dưới tấm bạt dựng trên nền đất vốn là nhà của ông Nguyễn Cẩm. Từ ngày bị giải tỏa, họ thất nghiệp, người may mắn thì trở thành “thợ đụng” - đụng đâu làm đó. Không hẹn, nhưng rảnh thì họ chạy về đây. Mọi ánh mắt đều hướng ra phía con phà cũ giờ đã đi về đâu đó xa lắc, hoặc đã thành sắt vụn kể từ ngày bến đò Thủ Thiêm bị khai tử.


“Thuyền xưa bến cũ đâu còn nữa/ Có nghĩa tình chi hỡi cố nhân”. Câu thơ của tác giả nào đó tôi quên mất tên, hiện về trong những cái nhìn buồn thiu trống vắng đến não ruột. Ngay cả cái kiểu anh Nguyễn Hồng Thái “bặp” thuốc lá không ngừng, những làn khói trắng đục cứ quẩn quanh hiện rồi tan như chẳng đặng đừng, như thể vấn vương căn nhà, mảnh vườn cũ, muốn sờ vào hàng cột, chạm chân lên bậc thềm, một vùng thương nhớ ngọt ngào mà chua chát. “Đây anh, con đường này hồi đó qua lại tấp nập. Tụi tôi làm lưới, chiều phi xuống sông, bét ra cũng có con cá nấu ăn, giờ thì ngồi ngó sông như thể kẻ xa lạ. Tụi tôi ở đây nghèo nhưng không mắc nợ. Vô chung cư ở đâu có quen, mà đâu phải ở miễn phí, đất không đền bù, có đền cũng rẻ như bèo, nợ quá trời. Làm thợ hồ bữa được bữa mất. Anh không tin, tôi dẫn vô gặp bà con”. Họ tranh nhau nói như đã nói hai mươi năm rồi, và bùng lên những ngày đã qua, khi mọi thứ bây giờ như canh bài đã lật trắng bụng. “Liệu đến bao giờ chúng tôi mới được giải quyết?”. Ông Cẩm nhìn tôi đột ngột. Gió từ sông thổi vào, như xô dạt câu hỏi lẫn câu trả lời ngắc ngứ của tôi.


Bẻ câu chuyện sang hướng mắt, gương mặt người đàn ông đã quá lục tuần giãn ra. “Ngày đó ở đây đình chùa miếu mạo nhiều lắm, cứ một năm cúng một lần. Tết về là xúm lại nghe hát bội, hồ quảng”. “Đình An Khánh ở đâu?”. “Đó - ông Cẩm phóng ngay cái nhìn về phía trái, chỗ cây trụ điện kia bẻ vô. Giờ thì còn đâu!”. Ánh mắt hụt hẫng bất ngờ châm ngòi cho nỗi nhớ. Anh Thái nói liền một mạch: “Lúc họ đào đình, tui có mặt nè, có cái triện to lắm, nghe nói đó là của một tướng quân đâu ngoài miền Trung có công với dân ở đây, nên dân thờ, tôn là Thành hoàng Thủ Thiêm…”. Đó là một lát cắt giữa vô vàn tầng vỉa mang hồn vía thuở lập làng lập ấp, khi đình An Khánh được khai quật năm 2016. Bây giờ trên nền đình xưa, từng ghi dấu nơi tụ hội chốn về tâm linh của bao lớp người phường An Khánh một thuở, là trung tâm triển lãm đang xây, mà kế cạnh đó, thành phố định xây nhà hát… “Hết rồi em à, còn chi nữa đâu, giờ chỉ có miếu Cô Bơ chỗ gần nhà thờ…”.


Lúc nãy, tôi có ghé chỗ miếu, một người đàn ông giọng Bắc nói qua cánh cửa, rằng tuổi thọ nó chưa tới trăm. Từ đây, nhìn thẳng qua bên kia là bến Nhà Rồng, dịch xuống tí là bến Chương Dương. Tôi đứng đó, thấy lạ lẫm vô cùng sông nước Sài Gòn. Bên kia nhộn nhịp bao nhiêu, thì bên này, giữa bạt ngàn lau sậy, dây leo, cái miếu thờ màu vàng mái ngói âm dương thấp bé như muốn lẩn vào cỏ, như niềm vui lặng lẽ của bao lớp cần lao Thủ Thiêm với yên bình thôn dã. Sau lưng miếu, bên kia đường là nhà mẫu khu Empire City, với hàng chữ như treo trên nóc miếu. “Ừ, nhưng linh lắm - ông Cẩm hắng giọng - chỉ lạ là khách bên Sài Gòn, quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh ghé viếng, rồi Việt kiều, chứ ở đây thì không. Hồi đó, họ cập ghe sát cổng miếu, đông như hội”…

Những dòng chảy miên man trôi theo lời kể xót xa. Câu chuyện Thủ Thiêm với oan khiên mất đất mất nhà, kéo theo bao nhiêu chuyện. Lịch sử tư pháp nước nhà phải ghi đậm nó. Lịch sử phát triển Sài Gòn cũng không thể lơ nó. Bởi, đây là gương tày liếp về cách hành xử, mối quan hệ giữa chính quyền và dân, cách xử lý giữa tồn tại và phát triển, hơn tất cả, chính là “bản án” về lòng tham không được chế ngự. Câu chuyện Thủ Thiêm trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, giữa đúng và sai trên giấy tờ, rồi sẽ được xử lý. Còn xử đến đâu, thế nào, lại là chuyện khác. Tôi nghĩ điều này, khi ráng men theo một chút về lịch sử phát triển và phong thủy của vùng đất lau sậy bên sông Sài Gòn, chỗ lơ thơ cỏ dại, chỗ mênh mang ruộng lúa, giờ đã nằm sâu dưới bao lớp đất ngổn ngang chuẩn bị cho ra đời những công trình lớn. Tại sao là Thủ Thiêm, để rồi bây giờ tốn bao giấy mực, thời gian, gây bao cảnh tang thương đến hoa kia cỏ này?


Ông Kỳ Chi, một người nghiên cứu phong thủy về Thủ Thiêm, luận thế này: phía nam nước ta, từ Đồng Nai trở vào là một vùng đất trù phú. Theo phong thủy, đây là vùng đất có địa thế rất đẹp. Phía bắc là phần cuối của dãy Trường Sơn, có thế Huyền Vũ vững chắc; tây bắc có dãy núi Bà Đen; đông nam là vùng núi Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ vững chãi. Từ vùng Đồng Nai - Biên Hòa và Sài Gòn - Gia Định nhìn về hướng nam ta thấy hệ thống các sông như: sông Lòng Tàu, Soài Rạp, Vàm Cỏ; xa hơn là sông Tiền, sông Hậu, tất cả đều dẫn ra biển theo hướng nam tạo thành hình thế Chu Tước sinh vượng. Tổng thể đã hình thành cho vùng đất này một địa thế đại cát theo đúng thuật phong thủy: tọa sơn, hướng thủy, với đầy đủ Huyền Vũ, Chu Tước, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, Minh đường Thủy tụ. Xin lưu ý, Minh đường này không chỉ là tốt cho Sài Gòn mà cho cả vùng châu thổ phía nam, với tâm điểm tụ khí chính là vùng đất Sài Gòn. Từ bao nhiêu năm nay Sài Gòn luôn là trung tâm phát triển về mọi mặt với vận khí hưng thịnh của vùng châu thổ phía nam.


Riêng vùng đất Sài Gòn, xét về các thuật phong thủy như sa pháp, thủy pháp, âm trạch, dương trạch... thì Thủ Thiêm chính là nơi hội tụ vượng khí mạnh mẽ nhất, vì Thủ Thiêm là nơi được sông Sài Gòn từ phía bắc thượng nguồn đổ về, uốn lượn bao quanh, ôm ấp và giao nhau với sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển. Nhưng vì sao đến nay Thủ Thiêm vẫn chưa phát triển đúng với vị thế phong thủy trời ban? Rà lại lịch sử kéo dài từ thời các chúa Nguyễn đến nay thì thấy, Thủ Thiêm chỉ đạt được địa lợi, còn thiên thời thì nằm trong vận mệnh chung của đất nước và thế giới, nên chưa đạt được yếu tố hòa bình thịnh vượng trọn vẹn. Nhân hòa cũng không, bởi lòng dân chưa yên. Hãy đặt câu hỏi, vì sao chỉ cách Thủ Thiêm một con sông mà vùng Sài Gòn (quận 1 và các quận 3, quận 5...) lại phát triển vượt bậc? Các vùng đó, tuy phát triển thịnh vượng, nhưng không thoát được những thảm họa chiến tranh, trong khi đó vùng tâm điểm của Thủ Thiêm vẫn bình yên, sinh khí vẫn tốt dù không phát triển về kinh tế. Hãy thành thật và mạnh dạn nói rằng, chính lòng tham đã xúc phạm các cơ sở thờ tự, tôn giáo, dẹp phá bừa bãi nhà cửa của dân. Những oan khuất bất bình và những đau khổ đó đã phá hủy sinh khí vốn có của vùng đất lành Thủ Thiêm mà phải còn rất lâu mới có thể xóa hết được.


Tôi hỏi ông Cẩm: “Chiến tranh có đụng đến Thủ Thiêm không?”. “Làm gì có! ông trả lời tắp lự - ông già tôi nói Mậu Thân 1968, bên Sài Gòn đạn nổ inh trời, nhưng bên này mấy ổng bật la-de ngồi uống, chẳng có viên đạn nào đi lạc vào đây. Ngay cả hồi 1975, cảnh sát dã chiến đóng ở đây, bỏ đồ đạc hết, đi qua bên kia - ông khoát tay - ngay chỗ Ba Son, hồi trước là hải quân Mỹ, nếu đánh Thủ Thiêm thì chỉ một trận pháo là xong, nhưng tuyệt nhiên không có. Mấy ông già nói, từ thuở lập làng đến giờ, suốt mấy trăm năm, ở đây không có bom rơi đạn nổ, máu chảy đầu rơi, chẳng đụng ai, chẳng ai đụng mình. Giàu ai không ham, nhưng chúng tôi ở đây yên ổn bao đời…”. Câu bỏ lửng của ông buồn như lau sậy trắng đầu ngoài kia thấp thoáng trên lưng mấy con trâu ai đó thả rong, quấn lấy tôi. Không gì lớn hơn thực tế. Sự bình yên đã bị phá vỡ. Chân mạch hội khí thiêng của Thủ Thiêm đã bị ám khí trần gian ô tạp. Chân mạch đó, không gì khác, chính là chân tâm, là lòng dân Thủ Thiêm như hòn máu Sài Gòn. Họ đã ở đây, sống trong vùng tụ hết linh khí bảo bọc cho thành phố, họ không biết hay không cần biết mấy trăm năm thửa đất đầy cỏ lát, cỏ năng, chim cò đậu, những cánh đồng lúa vàng, những câu hò thôn dã neo trên những chiếc xuồng mất hút giữa rạch dừa, đã làm điểm tựa cho một Sài Gòn phát triển, thì không có lý gì họ bị ngược đãi, bị bứng ra khỏi quê cha đất tổ. Vậy chìa khóa để mở cánh cửa, xua ám khí kia là gì? Chân khí, đó chính là thật sự vì dân, làm sao cho họ yên lòng sau những mất mát. Họ đã nói là sẵn sàng tha thứ, bởi làm dân, oán trách chi cho thêm nặng, nhưng đổi lại họ cần có cơm no áo ấm, có an bình sau một ngày vật vạ mưu sinh. Hãy giải oan cho họ. “Rất lạ là oan khí Thủ Thiêm, dù có, nhưng chỉ là vùng ngoài rìa, chứ vùng lõi thì vượng khí còn nguyên”. Tôi nghe câu này từ ông Kỳ Chi, nghĩ cũng là điềm may cho Sài Gòn, cho ai đó đang dùng dằng câu chuyện trách nhiệm, né tránh hay đối diện với cái nhìn của lương tâm. Hãy tin đi, vượng khí đó dồn tụ hồn thiêng trời đất ban cho, thì hãy bắt đầu lại từ đầu bằng buông bỏ lòng tham, bằng hành xử chân thành với dân, với đất đai tiên tổ, nương theo khí tốt mà đến, thì sẽ chạm linh thiêng, lòng trời sẽ mở, lòng dân sẽ hòa…


Tôi ra đứng chỗ được coi là tâm điểm của Thủ Thiêm, đó là nơi cây cầu có tấm bảng chỉ đường Ven Hồ Trung Tâm, xa xa là cao ốc của Sala nằm rìa vùng An Lợi Đông, lòng dậy lên nỗi khao khát, rằng nếu Thủ Thiêm được quy hoạch thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật, tôn giáo, loại bỏ những ngôi nhà chọc trời thô kệch, thay vào đó là nhà vườn gần gũi, lộng lẫy hoa trái bốn mùa, thì nó sẽ là điểm nhãn cực kỳ độc đáo. Người ta đã quá ngột ngạt với khói xe, bê tông, chen lấn, thì cuối tuần sẽ tìm về đây hít thở khí trời trong lành, lúc đó vượng khí theo nhau mà về, Thủ Thiêm sẽ tạc một chữ Hòa đại tự…

Trung Việt





No comments: