Monday, February 11, 2019

THĂNG TRẦM TRONG GẦN 70 NĂM QUAN HỆ VIỆT NAM & BẮC TRIỀU TIÊN (RFI)




Đăng ngày 11-02-2019 

Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong hai ngày 27-28/02/2019. Theo truyền thông Hàn Quốc, nhân dịp này, ông Kim Jong Un có thể thăm chính thức Việt Nam. Nếu tin trên được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến thăm Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua.

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (P) tiếp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho (T) tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội, ngày 30/11/2018. REUTERS/MINH HOANG

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Bắc Triều Tiên tiến triển như thế nào ? RFI tiếng Việt xin trích phần nói về chủ đề này trong tài liệu nhan đề Quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên từ năm 1945 tại một hội thảo do Hội Hữu nghị Pháp-Việt tổ chức vào tháng 01/2018.

Trước tiên, tài liệu trên nhấn mạnh đến một số điểm tương đồng giữa Việt Nam và Triều Tiên : có chung đường biên giới với Trung Quốc, từng bị quân phát xít Nhật chiếm đóng, đều bị chia cắt làm đôi (từ 1954-1975 đối với Việt Nam và chính thức từ 1948 đến nay đối với hai miền Triều Tiên), từng là tâm điểm trong cuộc chiến tranh lạnh Đông-Tây và đều có vị trí chiến lược về mặt địa-chính trị trong khu vực.

Trong quá khứ, cả miền nam Việt Nam và miền nam Triều Tiên đều là hai thành trì chống chủ nghĩa cộng sản. Sau hai lần muốn can thiệp vào Việt Nam nhưng bất thành (1953 và 1954), toán quân Nam Hàn đầu tiên (gồm 34 sĩ quan và 69 quân nhân thuộc một đơn vị y tế cùng với 10 võ sư huấn luyện taekwondo) hiện diện tại Việt Nam vào năm 1964 sau khi chính quyền miền Nam Việt Nam thay đổi lập trường.

Dần dần, quân nhân Nam Hàn trở thành lực lượng nước ngoài lớn thứ hai, sau Mỹ, tham chiến ở Việt Nam vừa vì lý do là đồng minh của Mỹ, vừa vì lợi ích kinh tế với những cam kết ngầm của Hoa Kỳ. Cho đến năm 1973, hơn 312.850 quân nhân Nam Hàn được triển khai dưới quyền chỉ huy của trung úy Chae Myung Shin. Họ bị cáo buộc gây ra nhiều vụ thảm sát thường dân Việt Nam trong những năm 1966 đến 1968 với hơn 9.000 nạn nhân, theo số liệu của một ủy ban điều tra sự thật và hòa giải Hàn Quốc.

Chỉ đến năm 2001, Hàn Quốc mới thừa nhận tội ác do quân nhân nước này gây ra trong chiến tranh Việt Nam qua lời chia buồn của tổng thống Kim Dae Jung trước những nỗi đau mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng, nhưng ông tuyên bố rằng “những tội ác gây ra không do cố ý”. Bốn năm sau khi Hà Nội và Seoul thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992, Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba, là nước đầu tư lớn thứ tư vào Việt Nam và hiện trở thành nhà đầu tư hàng đầu.

1950-1973 : 23 năm Bắc Triều Tiên ủng hộ hết mình miền bắc Việt Nam
Với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên), Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao sớm hơn, ngay từ ngày 31/01/1950. Bắc Triều Tiên trở thành nước thứ ba, sau Trung Quốc và Cộng hòa Liên bang Xô Viết, công nhận nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam thời kỳ đó.

Sau năm 1954, quan hệ chính trị giữa hai nước trở nên mật thiết hơn với những chuyến thăm chính thức : Hồ Chí Minh đến thăm Bắc Triều Tiên vào tháng 07/1957 ; Kim Nhật Thành hai lần đến thăm Việt Nam, vào tháng 11-12/1958 và tháng 11/1964. Hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa hai bên chính thức được bắt đầu từ tháng 02/1961.

Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, Bắc Triều Tiên, lúc đó phát triển hơn, đã giúp đỡ miền Bắc Việt Nam về mặt quân sự (vũ khí, đạn dược, đồng phục...) và về kinh tế (xi măng, thép, vải, thuốc men, phân bón...). Giá trị khối lượng trợ giúp trong những năm 1966-1969 được thẩm định lên đến 20 triệu rup mỗi năm. Đây là khoản tiền đáng kể đối với một nước nhỏ như Bắc Triều Tiên.

Ngoài ra, còn phải kể đến số lượng sinh viên Việt Nam sang Bắc Triều Tiên du học - khoảng 2.500 sinh viên vào năm 1968 - và trở thành những nhân tố chủ đạo cho mối quan hệ song phương.

Khác với Nam Hàn, Bắc Triều Tiên không điều quân tham chiến ở Việt Nam, ngoại trừ khoảng 200 phi công tham gia từ năm 1965 đến 1968, trong đó có 14 người tử trận và được ghi công ở tỉnh Bắc Giang.

Sự trợ giúp của Bắc Triều Tiên giảm dần vào đầu thập niên 1970 và ngừng lại vào năm 1973 sau khi hiệp định Paris được ký kết.

1975-1996 : Thăng trầm trong quan hệ ngoại giao Hà Nội-Bình Nhưỡng
Quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên xấu đi do bất đồng về cuộc nội chiến Cam Bốt (1967-1975). Bình Nhưỡng ủng hộ đề xuất của Bắc Kinh về việc thành lập một mặt trận thống nhất gồm 5 nước châu Á (Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Lào, Cam Bốt), trong khi Việt Nam và Liên bang Xô Viết lại tỏ ra dè chừng về ý tưởng này. Cần lưu ý là trong bối cảnh Trung Quốc và Liên Xô bị chia rẽ, Hà Nội đã không ngả về phía Bắc Kinh.

Sau năm 1975, Bắc Triều Tiên ủng hộ chế độ Khmer Đỏ. Quốc Vương Norodom Sihanouk thường xuyên đến Bình Nhưỡng, nơi ông được xây tặng một cung điện và có vệ sĩ riêng. Năm 1979, quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng xấu đi nghiêm trọng sau khi Bắc Triều Tiên lên án Việt Nam can thiệp vào Cam Bốt, đồng thời từ chối công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Kampuchea mới.

Tình hình được cải thiện hơn sau khi Việt Nam rút quân khỏi Cam Bốt vào năm 1989. Một ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Bắc Triều Tiên đã được thành lập cùng năm nhằm tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, thỏa thuận hợp tác này bị đình chỉ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc ngày 22/12/1992.

Năm 1993, Bắc Triều Tiên-Việt Nam đã đầu tư chung vào kế hoạch sản xuất lụa ở tỉnh Hải Dương. Những khó khăn về kinh tế đã buộc chính quyền Bình Nhưỡng bán lại cổ phần cho phía Việt Nam vào năm 2001. Đây chỉ là một trong số khoảng 135 thỏa thuận song phương được ký kết từ 1957 đến 2002, theo thống kê của Pham Thi Thu Thuy trong một bài viết trên NK News, dù phần lớn được ký kết trong thời kỳ cuối những năm 1960.

Nhiều sự cố về tài chính cũng tác động đến quan hệ song phương : theo phía Việt Nam, năm 1996, Bắc Triều Tiên đã không thanh toán 20.000 tấn gạo trị giá khoảng 18 triệu đô la.

Việt Nam : Mô hình kiểu mẫu cho Bắc Triều Tiên ?
Về mặt trao đổi kinh tế, hiện Bắc Triều Tiên quan tâm đến Việt Nam hơn là theo chiều hướng ngược lại. Nhiều chuyên gia nước này thường xuyên đến Việt Nam để nghiên cứu về các chương trình cải cách kinh tế, được Bình Nhưỡng coi là một mô hình phát triển ổn định hơn về mặt xã hội so với hướng đi của Trung Quốc.

Vấn đề người tị nạn Bắc Triều Tiên qua ngả Việt Nam để sang Hàn Quốc (vì vùng núi biên giới Việt-Trung không quá hiểm nghèo) cũng tạo thành mối bất đồng giữa hai nước. Ban đầu, chính quyền Hà Nội nhắm mắt làm ngơ cho người Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc thông qua bốn trung tâm tiếp nhận ở Việt Nam do Hàn Quốc quản lý. Tuy nhiên, tình hình thay đổi với thông báo hồi tháng 07/2004 rằng có 468 người Bắc Triều Tiên đã sang Hàn Quốc từ Việt Nam. Từ đó, chính quyền Việt Nam đã tăng cường kiểm soát công dân Bắc Triều Tiên ở cửa khẩu và trục xuất những người Hàn Quốc điều hành trung tâm tiếp nhận người tị nạn Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Việt Nam.

Quan hệ giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng được tăng cường kể từ cuối những năm 2000 và được đánh dấu với những chuyến công du cao cấp của phái đoàn Bắc Triều Tiên tại Việt Nam vào những năm 2010, 2012 (Kim Yong Nam, chủ tịch đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao, từ ngày 05-07/08), 2015 (Par Yong Sik, bộ trưởng Quân Đội) và 2018 (Ri Yong Ho, bộ trưởng Ngoại Giao, từ 29/11-02/12).

Về phía Việt Nam là chuyến công du của tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nông Đức Mạnh vào tháng 10/2007. Đây là chuyến công du đầu tiên của một vị lãnh đạo cao cấp của đảng kể từ khi Hồ Chí Minh được tiếp đón tại Bình Nhưỡng năm 1957.

Mối quan hệ mà Việt Nam duy trì với cả hai miền Triều Tiên, cũng như với Hoa Kỳ, có thể biến Hà Nội thành một nhà trung gian quan trọng trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Sau chuyến thăm đầu tiên của Kim Nhật Thành cách đây 61 năm, Kim Jong Un tiếp bước ông nội đến Hà Nội. Nếu chính thức thăm Việt Nam, lãnh đạo Bắc Triều Tiên vừa có thể củng cố mối quan hệ song phương, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm từ mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam : theo mô hình tư bản chủ nghĩa nhưng không từ bỏ chế độ cộng sản.

Trong chuyến công du Việt Nam năm 2018, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gián tiếp nhắn gửi đến lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un rằng “đất nước của ông có thể đi theo con đường đó. Giờ đến lượt ông, nếu ông nắm bắt được thời điểm này”.


---------------------

LIÊN QUAN

Thứ Hai, ngày 11 tháng 2 năm 2019
.
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày 11-02-2019





No comments: