Lê Phan
(Theo
The Guardian)
February 10, 2019
Mới 5 giờ 55 phút sáng, trên một trong những trục lộ chính của vùng tây thủ đô London, vừa bắt đầu chật ních xe cộ chuẩn bị cho giờ đi làm. Một ông tên Dave lái xe van trắng trờ tới một khu đậu tạm, đang dựng một tấm bảng ngay bên lề con đường bận rộn. Cái quảng cáo trước là cho Calvin Klein với người mẫu Lara Stone. Chỉ khoảng 20 phút sau, Dave đã phủ kín mất người mẫu, thành thạo trét những miếng giấy hình vuông lên, sử dụng cái thang cho những tấm ở trên cao, rồi quét qua với cây chổi lông khổng lồ.
Cái miếng giấy vuông đầu tiên, ở góc cực trái, có
hình chụp đầu ông Jacob Rees-Mogg và mảnh đầu tiên của ký hiệu Twitter của ông
ta. Khi Dave xếp các cạnh cho đều nhau, rồi keo và chổi, và Stone biến dần, một
câu lộ ra từ ông Rees-Moog, một trong những lãnh tụ của Brexit. Đây không phải
là một tweet, ông ta đã lên tiếng ở Quốc Hội “Chúng ta có thể có hai cuộc trưng
cầu dân ý. Như mọi sự xảy ra, có ý nghĩa hơn nếu có một cuộc trưng cầu dân ý
sau khi việc tái điều đình hoàn tất.”
Mỉa mai của câu này là ông Rees-Moog và phe Brexit
nay đang cương quyết chống lại một cuộc trưng cầu dân ý nữa vì họ sợ là lần này
phe họ sẽ thua.
Những người dân London cầm biểu ngữ chống Brexit
(Hình: Getty Images)
Có ba người nữa, mặc áo hoodies, sơ mi dày của những
ông thợ rừng, đầu đội nón, luẩn quẩn quanh đó, thích thú thưởng thức. Họ đang
thưởng thức công trình của họ – bởi Richard, Adam và Chris là ba trong số bốn
nhân vật chủ chốt đằng sau chiến dịch Led By Donkeys, một nhóm tranh đấu du
kích ủng hộ ở lại với Âu Châu, đang tìm cách làm nổi bật sự mỉa mai và dối trá
của các chính trị gia bằng cách đưa chính những lời tuyên bố của họ lên bảng đường
trên toàn quốc.
Thực ra họ không còn là du kích nữa, mà nay họ đang
trở thành chính quy, và tấm bảng này được trả tiền đàng hoàng. Lý do tại sao nó
được dựng lên vào sáng sớm như vậy vì đó là giờ làm việc của Dave, chính là vì
giờ đó dễ kiếm chỗ đậu xe. Trước kia khi còn là du kích, họ cứ chiếm đoạt một tấm
bảng đường rỗi dán những tấm bảng của mình lên. Cũng xin thêm Richard, Adam và
Chris không phải là tên thực của họ; họ không muốn bị nhận diện.
Khi Dave – mà có lẽ là tên thật, ông ta chỉ được
thuê dán những tấm bảng này – đã hoàn tất công việc, ba “chiến sĩ” và nhà báo
rút ra khỏi tiền tuyến đến tiệm cà phê Costa gần đó, uống cà phê và ăn sáng, để
sưởi ấm và để cho Richards, Adam và Chris giải thích câu chuyện cho một phóng
viên của tờ The Guardian. Vốn là bạn lâu năm, họ đều làm việc ở cấp quản trị của
các tổ chức phi chính phủ NGO và tổ chức thiện nguyện. Đoàn kết bởi một nhóm
WhatsApp, bởi chính trị, một sự thù ghét Brexit và nhu cầu cần phải làm một cái
gì, họ cũng đều có gia đình trẻ với phải cho con ăn, phải đưa con đi học, làm
bài với con và cho con đi ngủ. Những bà vợ và partner của họ thông cảm và ủng hộ,
họ nói. Họ sống ở London và Bristol. Thành viên thứ tư sống ở Âu Châu, bên
ngoài Anh Quốc, với partner không phải dân Anh và con cái.
Khi nhà báo hỏi phải chăng chỉ là mấy anh họp nhau lại
chọc cười thiên hạ, hay là mở đầu cho một cuộc khủng hoảng giữa đời? Nhưng
Richard trả lời “Tôi nghĩ nếu có một cuộc khủng hoảng giữa đời nó là từ toàn thể
quốc gia, không phải cá nhân chúng tôi. Anh Quốc đang trong một cuộc khủng hoảng
hậu đế quốc, giữa hay đúng hơn cuối đời nơi không biết mình đang đi về đâu. Nó
vừa ra đi và đã mua xe mô tô và áo jacket da, nó là một cuộc khủng hoảng giữa đời
mang tên Brexit, và tôi không nghĩ là nó sẽ được giải quyết.”
Richard, 44 tuổi, nói nhiều nhất, nhưng anh biết, và
ngừng lại nhường lời cho những người kia. Adam, 43 tuổi, trầm lặng và điềm đạm,
nhưng cương quyết, và can đảm nhất khi phải leo thang. Chris, 39 tuổi, thích
triết lý, là nhỏ nhất trong đám, không mấy khác một người mẫu, và sẽ không gây
ngạc nhiên nếu xuất hiện trên bảng đường. Christ là người đã nghĩ ra cái tên
cho nhóm họ, dựa trên một câu từ thời Thế chiến thứ nhất về binh sĩ – vốn là sư
tử – bị đưa vào cõi chết vì những quyết định ngu xuẩn của các ông tướng Anh được
mệnh danh là “lừa.”
Chris nói “Thường chúng ta, người Anh, có tiếng là rất
tế nhị một cách buồn tẻ, ấy vậy mà chúng ta đang trong một giây phút của xáo trộn
và khổ đau và không ai thực sự biết chúng ta đang đi về đâu. Chúng tôi đưa những
lời từ những tên lừa này, những lãnh tụ này, vốn đang dẫn chúng ta đến bờ vực
thẳm, làm nổi bật những gì đã đưa chúng ta đến nông nỗi này. Nó có vẻ hữu lý.”
Như mọi sự ở nước Anh này, hầu hết những ý kiến hay
phát xuất từ một quán rượu. Họ đang ngồi bàn với nhau về cái tweet nay đã trở
thành khét tiếng của ông David Cameron “Anh Quốc đối diện với một lựa chọn đơn
giản và khó tránh – ổn định và chính phủ mạnh với tôi hay rối loạn với Ed
Milliband (lãnh tụ đảng Lao Động đối lập)” vốn lại được lập lại sau khi bà Thủ
Tướng Theresa May hủy việc bỏ phiếu hôm Tháng Mười Hai. Và rồi một người trong
đám họ bảo tại sao không ai đưa nó lên bảng đường, biến nó thành một cái tweet
không ai xóa nổi? Ngày hôm sau, trong nhóm WhatsApp họ tìm được một người sẵn
sàng in nó ra cho họ. Và họ đồng ý “Hãy cứ làm!”
Vì in năm tấm rẻ hơn một tấm, thành ra họ lục ra
thêm bốn tweet nữa – từ các lãnh tụ của phe Brexit, các ông Michael Gove, David
Davies, John Redwood và Liam Fox – thực ra không nghĩ là họ có dựng nó lên nổi
không. Vốn nguyên thủy là 200 bảng cộng với 90 bảng để mua một cái thang.
Không ai viết chỉ dẫn dựng bảng đường trên YouTube.
Điều gần nhất họ kiếm được là một ông quay một video qua thời gian quảng cáo
nghề làm bảng đường của ông ta. Đêm thứ nhất bị hoãn vì cô con gái của Richard
không chịu đi ngủ. Nhưng rồi, một đêm vào Tháng Giêng, bọn họ mò đến Xa Lộ A10 ở
bắc London, với Adam leo thang phủ keo, với những mẫu giấy bay khắp nơi, kể cả
mặt ông Cameron. Sau cùng, nửa giờ qua đi và tấm bảng đầu tiên đã được treo
lên.
Tấm đầu tiên họ “chôm” từ một quảng cáo của ngân
hàng Halifax, Richard biện bạch “Chúng tôi tạm thời mượn chỗ từ một công ty có
đủ khả năng tài chánh để cho chúng tôi mượn tạm. Quả là chúng tôi không xin
phép nhưng đây là một dịch vụ công cộng và do đó hoàn toàn bênh vực được.” Rồi
họ cũng mượn chỗ của Ford và McDonald’s nữa.
Và họ cảm thấy hài lòng. Adam nói “Có lý khi nói đến
lấy nó ra khỏi khu vực digital. Bản chất thực và cụ thể qua việc dựng những tấm
bảng này trên đường phố và bắt mấy ông này phải chịu trách nhiệm thực sự hữu hiệu
theo tôi nghĩ. Khi chúng tôi thấy chúng, chúng tôi đã có một giây phút: thiệt đấy
nó có thể có công hiệu.”
Họ về đến pub để kịp gọi ly bia cuối cùng trước khi
quán đóng cửa. Sáng hôm sau, họ tweet đi, một ai chuyền đi, họ có 1,000 người
theo, rồi một phóng viên của tờ Guardian tweet lại, họ có 2,000 rồi 3,000 (nay
họ có trên 50 ngàn người theo).
Nhưng không ích gì giảng đạo cho người đã tin, dân
London bỏ phiếu áp đảo đến trên 80% từ chối Brexit, họ biết họ phải đi ra ngoài
London vào những khu vực của những người đã bỏ phiếu cho Brexit. Sunderland, ở
miền trung nước Anh hơi quá xa nhất là khi có con nhỏ thường thích tỉnh giấc
vào lúc 4 giờ 30 phút sáng và còn phải đi làm, nhưng họ đến Romford, một quận ủng
hộ Brexit và họ đến cảng Dover nơi họ để lại câu nói nực cười của ông Dominic
Raab, bộ trưởng Brexit “Tôi không hiểu mức độ của nó… nhưng chúng ta đặc biệt
trông cậy vào đường chuyên chở Dover qua Calais.”
Họ kể lại Dover như là một ban nhạc kể lại cuộc
trình diễn thành công đầu tiên. Nó là đêm của vụ bỏ phiếu về thỏa hiệp mà bà
May đạt được với Liên Hiệp Âu Châu. Sau khi đi làm về, họ dùng cái Toyota của
Adam đi Dover, trong khi nghe cuộc tranh luận và bỏ phiếu mà Quốc Hội đã bác bỏ
thỏa thuận, trên nóc xe là cái thang. Họ đã nhận diện qua Google Street View bốn
địa điểm. Một địa điểm trông quá cao. Nhưng Adam không sợ và đó là câu của ông
Liam Fox nói đến thỏa thuận mậu dịch tự do Anh-Âu Châu hậu Brexit là “thỏa thuận
mậu dịch dễ nhất lịch sử.” Chó sủa, đèn pha kích động bởi tiếng ồn, những tay
nhậu xỉn xỉn, nhưng Richard bảo “Cứ làm như mình là chủ nhân vậy” và họ thành
công. Đêm hôm đó ở Dover họ dựng bốn bảng, kể cả bà Thủ tướng ủng hộ ở lại với
Âu Châu.
Rồi họ lái xe về nhà vào lúc 2 giờ sáng. Thật quá
thích thú nhưng họ đã đến mức mà không thể tiếp tục mà vẫn còn là chồng, cha tốt.
Họ đã chi ra tổng cộng 500 bảng tiền túi. Thế là ngày hôm sau họ mở một trương
mục “Crowdfunder” quyên tiền trên Internet. Chỉ có ba giờ sau họ có đủ mục tiêu
là 10,000 bảng và chả mấy chốc sau họ có 50,000 bảng. Chris nói “Chúng tôi tự bảo
“trời đất ơi” với việc này nay là một trách nhiệm.” Richard bảo có nguy cơ là họ
sẽ có cả triệu bảng trong ngân hàng mà không biết làm gì với nó thành ra họ làm
điều hầu như không ai làm, họ yêu cầu mọi người hãy ngưng gửi tiền để họ tính
xem làm gì.
Điều họ có thể làm là nay họ có thể thuê người biết
dựng bảng đường, thuê chỗ để cho tấm bảng không bị lột một hai ngày sau. Không
phải ai hưởng ứng. Chủ nhân của những địa điểm tốt nhất từ chối, quá chính trị
họ nói, mặc dầu họ đã từng cho đảng UKIP, đảng thúc đẩy Brexit, quảng cáo.
Nhưng rồi họ cũng tiếp tục và hiện nay họ có ngót nghét khoảng 60 bảng. Chúng ở
trên toàn cõi và họ còn muốn nữa vì nay họ có tiền. Và họ sửng sốt và cảm động
trước sự ủng hộ. Và mọi người đóng góp những câu nói bất hủ.
Chris giải thích là có nhiều người như họ, bực tức
và cảm thấy bất lực với cảm tưởng đang đi vào vực thẳm mà không ai làm gì cả
thành ra “Khi cái ý tưởng nhỏ xíu này đến, nó là một cái gì thực tế và cụ thể
mà chúng ta có thể làm. Nó có tính giải tỏa giúp cho chúng ta có cảm tưởng làm
một cái gì, và điều chúng tôi có được từ mọi người phản ảnh cùng cảm tưởng.”
Chris tiếp “Đưa một chút tinh thần trách nhiệm vào
chính trị của chúng ta là điều tôi thực thích thú đã tham dự.” Còn Adam bảo anh
làm việc quốc tế nhiều và có nhiều người ở ngoại quốc đang muốn bắt chước. (Lê
Phan)
No comments:
Post a Comment