Sunday, February 10, 2019

KATHY TRẦN - DỰ LUẬT PHÁ THAI & ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI VIỆT NAM (Thạch Đạt Lang)




10/02/2019

Những ngày vừa qua, báo chi, truyền thông và mạng xã hội tranh cãi ồn ào về chuyện nữ dân biểu Kathy Trần thuộc đảng Dân Chủ của tiểu bang Virginia đưa ra một dự luật cho phép sản phụ được quyền phá thai ở tuần thứ 40 tức là đến cận kề ngày sinh.

Cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới hầu hết lên tiếng đã kích, vu khống, nhục mạ, nguyền rủa Kathy Trần với những lời lẽ nặng nề, không chỉ thô tục, hạ cấp mà còn sắt máu, tàn độc. Trên facebook xuất hiện những hình ảnh làm từ photoshop cho thấy Kathy Trần hiện thân là một con ác quỷ nhe nanh đe dọa hút máu, ăn thịt trẻ em như Dracula.

Những người chỉ trích, kết án Kathy Trần chủ trương đưa ra một dự luật sát nhân, dường như không hề có chút hiểu biết nào về đạo luật phá thai đã có sẵn của tiểu bang Virginia. Theo đạo luật này, cho dù đã sát đến ngày sinh nở (tuần thứ 40), sản phụ vẫn được quyền hủy bỏ thai nhi nếu việc giữ thai nhi đến khi sinh gây ra nguy hiểm cho tính mạng hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của sản phụ cũng như của thai nhi.

Đạo luật này quy định cần phải có một bác sĩ chuyên môn cùng 2 bác sĩ độc lập khác đồng xác nhận tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của sản phụ nếu tiếp tục giữ bào thai đến ngày sinh.

Dự luật mới của Kathy Trần chỉ có mục đích đơn giản hóa thủ tục, thay vì cần có sự chứng nhận của 3 bác sĩ thì nay chỉ cần một bác sĩ – người chăm sóc cho sản phụ – là đủ.

Sự việc thật ra chẳng có gì đáng để gây ồn ào nhưng phản ứng, cách trình bày không khéo léo của Kathy Trần khi trả lời phỏng vấn đã bị lợi dụng, chính trị hóa cho mục đích bẩn thỉu, hèn hạ của Donald Trump và đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên đây không phải là mục đích của bài viết.

Bài viết chỉ muốn nói đến thái độ của người Việt Nam khi nhân danh tôn giáo, đạo đức để phê bình, vu khống, nguyền rủa người khác. Không ít những nguời có học, có bằng cấp, kiến thức, những người làm công tác truyền thông, báo chí trong cộng đồng người Việt, cho RFA cũng a dua theo dư luận, nhân danh đạo đức, tôn giáo để ném đá Kathy Trần mà không hề tìm hiểu đạo luật phá thai đã có sẵn của tiểu bang Virginia.

Họ nhân danh đạo đức, tôn giáo để chì chiết, mạt sát Kathy Trần không ngượng miệng bằng những ngôn từ ngập ngụa căm thù, khinh ghét, oán hận, dù Kathy Trần chưa hề có lời lẽ nào xúc phạm đến tinh thần hay thể chất của họ cũng như làm phương hại thanh danh của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tôn giáo nào, nguyên tắc đạo đức nào cho phép chúng ta nguyền rủa, chửi bới, nhục mạ ngưới khác khi hoàn toàn chưa hiểu rõ được sự việc mà chỉ mới nghe qua hay đọc một vài bài báo cố tình loan tin sai lệch cho mục đích chính trị?

Nếu không có lý do chính đáng, chắc chắn không có người phụ nữ nào có thể nhẫn tâm giết chết đứa con trong bụng mà họ đã chịu đựng những vật vã, đau đớn về thể chất, những hoang mang, lo lắng, khổ sở về tinh thần, về tương lai của mình và của đứa trẻ đến tuần thứ 40 để rồi phải cắn răng dứt bỏ một sinh mạng vô tội.

Cũng không có một bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp nào có đủ can đảm khuyên thân chủ mình nên phá một bào thai ở tuần thứ 40 nếu việc giữ cho đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, không dị tật, sản phụ không bị ảnh hưởng nặng nề về tâm thần, thể chất sau khi sinh.

Việc giết chết một thai nhi ở tuần thứ 40 là một sự chọn lựa, một quyết định vô cùng khó khăn của sản phụ cũng như của bác sĩ điều trị. Quyết định phá thai vào thời điểm này mang nặng tính cách xã hội hơn là vấn đề tôn giáo hay đạo đức.

Ai sẽ gánh chịu hay chia sẻ, giúp đỡ những khó khăn, những tổn thất về tinh thần, thể chất của sản phụ sau khi sinh? Những người lên án dự luật phá thai của Kathy Trần có sẵn sàng đóng góp tài chánh, công sức, thời gian… tạo điều kiện sinh hoạt cho đứa trẻ dị dạng, bị khuyết tật nặng nề, cơ thể, trí óc không thể phát triển bình thường..?

Lợi dụng tôn giáo, đạo đức để lên án, nguyền rủa, sỉ nhục, vu khống, ném đá người khác phải chăng là một căn tính của dân tộc Việt Nam?

Thạch Đạt Lang

 -----------------------------------------

  

----------------------

Việt Báo
09/11/2017


FAIRFAX COUNTY, Virginia (VB) -- Bà Kathy Trần tới Hoa Kỳ trong cương vị một em bé tỵ nạn từ Việt Nam, và bây giờ bà trở thành người phụ nữ Mỹ gôc Á châu đầu tiên được bâu vào chức Dân biểu tiêu bang Virginia.

Chân dung Kathy Trần

Bà Kathy Trần đắc cử trong cuộc bầu cử hôm Thứ Ba 7/11/2017 đê giữ chức Dân biểu đại diện địa hạt 42 tiểu bang Virginia.

Bà Kathy Trần thay thế David Albo, một người Cộng Hòa giữ chức Dân biểu điạ hạt 42 suốt 24 năm nhưng không ra tái tranh cử.

Đa số những ứng cử viên tranh cử với lập trường cùng phe với TT Trump đều thất cử.

Đối thủ Cộng Hòa của bà Kathy Tran là Lolita Mancheno-Smoak, đại diện Đảng Cộng Hòa địa phương.

Bà Kathy Trần có ưu thế vì ở địa hạt 42 Virginia, có 57% cử tri bầu cho bà Hillary Clinton.

Bà Kathy Tran và ba mẹ là thuyền nhân vượt biển từ Việt Nam, khi bà mới 7 tháng tuổi. Họ chờ 13 tháng ở trại tỵ nạn để vào Hoa Kỳ.

Bà Kathy Tran đã từng là công chức ở Sở Huấn Luyện Nhân Dụng của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, giữ nhiều chức vụ khác nhau trong 12 năm công chức nơi đây, nơi đó bà đã từng giữ chức Giám Đốc Sở Chính Sách, Luật Pháp, Nội Quy (Director of the Division of Policy, Legislation, and Regulation).

Tiếp theo, bà làm việc cho hội đoàn về di trú -- National Immigration Forum, nơi bênh vực người di dân.

Bà Kathy Trần tốt nghiệp đaị học Duke University, có bằng Cao Học Social Work tại đaị học University of Michigan.

Phu quân của bà là Matt, hai người có 4 con, hiện cư ngụ ở West Springfield.

Bà Kathy Trần với chồng và 4 con còn nhỏ tuổi

Bà Kathy Tran trong làn sóng cấp tiến -- có nhiều hoạt động bênh vực nữ quyền, di dân, người lao động...

Bà Kathy Trần đã từng viết về lập trường chống Cộng của bà rất minh bạch (http://kathyfordelegate.com/)  nội dung trích:

“Ngày 30 tháng 4 là một ngày đau buồn của lịch sử miền Nam Viêt Nam.

Giống như những quân nhân, công chức khác đã phục vụ trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, sau khi Saigon thất thủ vào tay cộng sản miền bắc, ba tôi đã bị giam vào cái gọi là “trại học tập cải tạo”, nơi mà ông đã bị bắt làm lao động cực nhọc và bị tẩy nảo hơn hai (2) năm. sau khi ba tôi được thả ra khỏi trại giam, ba mẹ tôi đã xác định rằng họ không thể sống dưới một chế độ tàn ác như chế độ cộng sản. họ đã quyết định bỏ lại sau lưng tất cả gia đình và bạn bè thân thiết để liều mạng làm thuyền nhân trốn thoát ra đi.

Như quý vị cũng biết, cuộc hành trình bằng đường biển vô vùng gian nan, nguy hiểm. ghe chúng tôi đã bốn (4) lần bị cướp biển. lúc đó, tôi vẫn chưa được bảy (7) tháng tuổi, đã bị bịnh qúa nặng suốt cuộc hành trình. ba mẹ tôi đã chuẩn bị thủy táng tôi.

Sau những ngày lênh đênh, gian nan trên biển, ghe vượt biên của chúng tôi cũng đã cặp bến được một trại tị nạn ở Malaysia. trong thời gian chờ đợi để được đi định cư, ba tôi, là một nha sĩ, phục vụ cho bệnh viện của trại tị nạn; mẹ tôi thì làm thông dịch viên cho các phái đoàn quốc tế như Pháp, Anh, Canada, Uc hay Hoa Kỳ đến trại để phỏng vấn và nhận người. mặc dầu đã có rất nhiều quốc gia chấp thuận cho gia đình chúng tôi sớm được đi định cư ở xứ của họ, nhưng cha mẹ tôi đã từ chối. gia đình tôi đã phải chờ mười ba (13) tháng, một thời gian lâu dài hơn những người khác đi cùng ghe, để làm thủ tục đi định cư ở Hoa Kỳ.

Với cha mẹ tôi, Hoa Kỳ là quốc gia tiêu biểu cho tự do, hy vọng và cơ hội, và họ sẳn sàng đánh đổi mọi thứ để chờ được đi định cư ở quốc gia này.

Gia đình chúng tôi chưa bao giờ quên ơn việc chính phủ Hoa Kỳ đã sốt sắng trong vấn đề tiếp nhận người tị nạn trong thời gian đó. để trả ơn, chúng tôi đã và đang đóng góp công sức nhỏ nhoi của mình phục vụ cho xứ sở này. đó là điều đã thúc đẩy tôi trở thành một người công chức từ bấy lâu nay. em trai tôi hiện tại là một sĩ quan của binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từng tham gia chiến đấu hai (2) lần trong chiến trường Iraq và một lần trong chiến trường Afghanistan. ba tôi, người đã tốt nghiệp nha sĩ trước ngày mất miền Nam Việt Nam, nay cũng đã phục hồi lại được văn bằng và hành nghề bên California. ông đã thường xuyên khám và chửa răng miễn phí cho các bệnh nhân nghèo của ông.

Ngày 30 tháng tư gợi cho gia đình chúng tôi nhớ lại cái qúa khứ đau buồn và sự mất mát lớn lao của năm 1975 và những năm kế tiếp, chúng tôi luôn tri ân những nam và nử quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa, quân đội Hoa Kỳ và các quân đội đồng minh khác đã phục vụ và hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.

Ngày 30 tháng tư cũng là dịp để chúng tôi kiểm điểm lạị hiệu qủa của sự tranh đấu cho nhân quyền cho nhân dân Việt Nam, và tiếp tục tranh đấu cho đến khi dân tộc Việt Nam thực sự có nhân quyền.

Chúng tôi cùng đứng lên với dân tộc Việt Nam và tất cả những người Việt hiện đang sống lưu vong khắp nơi trên thế giới trong công cuộc tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, hy vọng và cơ hội.”

---------------------------------

XEM THÊM

Người Việt Online
January 31, 2018

RICHMOND, Virginia (NV) – Dân biểu người Mỹ gốc Việt, bà Kathy Trần (Dân Chủ-Fairfax), đại diện Địa Hạt 42 của Hạ Viện Virginia, hôm Thứ Năm, 31 Tháng Giêng, cho biết bà đã nói “không rõ ràng” tại một buổi điều trần hồi đầu tuần, liên quan đến một dự luật nới lỏng giới hạn phá thai ở thời kỳ cuối.
Chính vì phát biểu này mà bà bị chỉ trích, gia đình bà bị đe dọa, và bà bị nhiều người bảo thủ, trong đó có cả đồng hương gốc Việt, cũng như các chính trị gia Cộng Hòa, từ tiểu bang đến liên bang, và ngay cả Tổng Thống Donald Trump, chỉ trích nặng nề.

“Ước chi hôm đó tôi có thể suy nghĩ và phản ứng nhanh hơn, ước chi tôi có thể nhanh hơn lúc đó,” vị dân biểu gốc Việt đầu tiên của Virginia nói với nhật báo The Washington Post.
“Và tôi đã nói không rõ ràng, và tôi thật sự lấy làm tiếc về điều này.”

Tại một buổi điều trần ở Quốc Hội Virginia, khi một nhà lập pháp Cộng Hòa hỏi vị nữ dân biểu là có phải dự luật của bà cho phép phá thai ngay cả khi người mẹ chuyển dạ và sắp sinh con, bà trả lời “đúng vậy.”
Thế nhưng hôm Thứ Năm, người phụ nữ 41 tuổi, có bốn đứa con, đính chính như sau.
“Đáng lẽ tôi nên nói: ‘Rõ ràng là không, bởi vì Virginia cấm giết trẻ sơ sinh, và vào thời điểm đó, thai nhi đã thành con người.”

Luật Virginia cho phép phá thai thời kỳ cuối, khi mạng sống hoặc sức khỏe của người mẹ bị đe dọa “nặng nề và không thể cứu vãn được” do tiếp tục mang thai, và phải được ba bác sĩ có bằng hành nghề xác nhận. Không có giới hạn trong việc phá thai thời kỳ cuối; thủ tục này có thể được tiến hành cho tới khi sinh con.
Dự luật do Dân Biểu Kathy Trần đề nghị sẽ bỏ điều khoản “nặng nề và không thể cứu vãn được” khi xác định nguy hiểm đến tính mạng người mẹ nếu tiếp tục mang thai.
Dự luật cũng yêu cầu chỉ cần một bác sĩ có bằng hành nghề xác nhận là đủ, thay vì ba bác sĩ.
Ngoài ra, dự luật cũng sẽ cho phép phá thai khi bào thai được 6 tháng tuổi được thực hiện tại một bệnh xá, thay vì một bệnh viện.
Dự luật này sau đó bị phía Cộng Hòa, hiện đang nắm đa số, bác bỏ.

Tuy vậy, bà nói bà và gia đình bị đe dọa qua các lời nhắn để lại trên điện thoại, email, và mạng xã hội, làm cho cảnh sát bây giờ phải bảo vệ bà và gia đình.
Một đoạn video, được biên tập lại, quay lời phát biểu của bà dân biểu, rồi đưa lên mạng xã hội và truyền cho nhiều người khác, gây một cơn sốt trên mạng.
Thậm chí, một số người viết trên Twitter, gọi bà là “kẻ giết trẻ em” hoặc “một con quỷ.”
Khi được Daily Caller, một trang web bảo thủ, hỏi về vụ này, Tổng Thống Donald Trump nói ông có xem đoạn video và gọi phát biểu của nữ dân biểu gốc Việt này là “khủng khiếp.”
“Quý vị còn nhớ khi tôi nói bà Hillary Clinton muốn giựt em bé ra khỏi tử cung không?” ông Trump nói. “Đó, nó là như vậy đó. Đó là điều họ đang làm.”

Vụ om sòm này còn nhắm vào Thống Đốc Ralph Northam, người thuộc đảng Dân Chủ, và là một bác sĩ giải phẫu nhi đồng.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh WTOP hôm Thứ Tư, khi được hỏi về phát biểu của Dân Biểu Kathy Trần, Thống Đốc Northam trả lời rằng phá thai thời kỳ cuối “được thực hiện trong trường hợp đứa bé bị dị dạng nặng nề, hoặc bào thai không còn sống được nữa. Thành ra, trong trường hợp này, nếu người mẹ đang chuyển dạ, tôi có thể nói một cách chính xác với quý vị điều gì sẽ xảy ra. Em bé sẽ được sinh ra, em bé sẽ được dưỡng cho thoải mái, em bé sẽ được làm cho tỉnh lại, nếu người mẹ và gia đình muốn. Và sau đó là các bác sĩ và người mẹ thảo luận với nhau.”
Phát biểu này của Thống Đốc Northam sau đó bị phía Cộng Hòa sử dụng trong việc tố cáo ông muốn giết trẻ sơ sinh.
Phát ngôn viên của ông Northam nói rằng phát biểu của ông bị “chẻ ra làm tư,” và vị thống đốc không hề có ý nói thảo luận giữa bác sĩ và người mẹ sau khi em bé ra đời có nghĩa là sẽ chấm dứt sự sống của thai nhi.
Ông Northam còn nói ý tưởng cho rằng ông chấp thuận giết trẻ sơ sinh là “ghê tởm.”

Hôm Thứ Năm, Dân Biểu Kathy Trần đưa một đoạn video dài 1 phút 26 giây lên Facebook, trong đó bà nói: “Tôi có nói chuyện với người trong gia đình tôi, phụ nữ trong địa hạt tôi, và phụ nữ khắp Virginia. Họ nói với tôi là họ phải vật lộn với một quyết định rất riêng tư là có nên phá thai hay không. Dự luật này chỉ muốn hủy bỏ các trở ngại cho họ để họ có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách an toàn khi lấy ý kiến của bác sĩ.”

Bà cũng nhắc lại rằng, trước đây, có những đề nghị tương tự liên quan đến phá thai, nhưng phía Cộng Hòa không bao giờ phản ứng như lần này.

Bà cũng nhắc lại luật phá thai hiện hành ở Virginia, và nói rằng bà không đề nghị thay đổi gì cả, “mà chỉ muốn bảo đảm là phụ nữ có thể tiếp cận các dịch vụ phá thai kịp thời.”
“Kể từ khi dự luật của tôi được giới thiệu, tôi nghe được rất nhiều phụ nữ trong địa hạt và khắp tiểu bang, những người ủng hộ tôi, nói rằng họ không muốn một chính trị gia xen vào khi một phụ nữ bàn bạc với bác sĩ để đưa ra một quyết định liên quan đến sức khỏe của họ,” Dân Biểu Kathy Trần nói thêm.
“Tôi rất trân trọng sự ủng hộ của họ và sẽ tiếp tục bênh vực cho phụ nữ ở Virginia.”

Bà Kathy Trần thắng cử dân biểu hồi năm 2017, với nhiệm kỳ hai năm, giúp đảng Dân Chủ thu ngắn cách biệt với đảng Cộng Hòa.
Hiện nay, Cộng Hòa chỉ hơn Dân Chủ 2 ghế trong tổng số 100 ghế tại Hạ Viện Virginia.

Bà Kathy Trần cho biết gia đình bà vượt biên đến Mỹ lúc bà mới có 7 tháng tuổi.
Bà từng làm việc trong nhiều năm tại Bộ Lao Động Hoa Kỳ.
Bà Kathy Trần tốt nghiệp cử nhân đại học Duke University và cao học xã hội tại đại học University of Michigan.
Bà hiện là chủ tịch hội phụ huynh học sinh địa phương,  và đang sống tại West Springfield với chồng và bốn người con. (Đ.D.)









No comments: