Người Việt Online
February 10, 2019
WASHINGTON,
DC (NV) – Mỹ bắn tiếng sẽ cứng rắn hơn trên Biển Đông để
đối phó với chiến lược của Trung Quốc ở các vùng biển mà chủ quyền không rõ
ràng, gọi là “vùng xám.”
“Cản trở tàu của nước khác, chặn trước tàu của chúng
ta, ném chướng ngại vật trước tàu của chúng ta…” Đô Ðốc John Richardson, tư lệnh
Hải Quân Hoa Kỳ, phát biểu hôm Thứ Tư tuần trước tại Viện Nghiên Cứu Atlantic
Council về hoạt động của Hải Quân trên Biển Đông phải đối diện với sự quấy phá
của các lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Richardson nói rằng Hoa Kỳ nên nghiên cứu những
sách lược mới để thực thi các luật lệ đã được vạch ra để hành xử khi lực lượng
hải quân các nước gặp nhau trên biển. Những thời gian mấy năm gần đây, Trung Quốc
sử dụng các lực lượng thứ hai, thứ ba để làm áp lực chứ không riêng gì lực lượng
thứ nhất, để áp đặt những “vùng xám” như là của riêng họ trên Biển Đông.
Lực lượng thứ nhất là hải quân, lực lượng thứ hai là
các tàu hải giám, hải cảnh, lực lượng thứ ba là các đoàn tàu đánh cá cỡ lớn được
huấn luyện quân sự và có thể được trang bị võ khí nhẹ như một thứ dân quân trên
biển. Các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm sâu vào các vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam, đuổi các tàu đánh cá Việt Nam, mà lực lượng cảnh
sát biển của Việt Nam nhiều khi không dám đụng chạm.
Từ năm 2014, Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận “Quy tắc
gặp nhau không tính trước trên biển” của lực lượng hải quân hai bên, dù không
phải là một hiệp định có hiệu lực pháp lý, nhưng cũng được áp dụng để tránh va
chạm cả tàu chiến đến máy bay quân sự dẫn đến một cuộc chiến toàn diện. Quy tắc
này hiện đã được 21 nước áp dụng.
Nhiều nước có vùng biển chung với Trung Quốc từ Hoa
Đông xuống Biển Đông đã từng đối diện rất nhiều lần với các trò bắt nạt của lực
lượng hải giám và dân quân biển của Bắc Kinh. Phía trên là Nhật Bản, phía Nam
thì ngoài Việt Nam, cả Philippines, Indonesia, Malaysia cũng không ít lần phản
đối các trò gây sự của các lực lượng thứ hai, thứ ba này.
Theo ông Richardson, sự hiện diện liên tục của hải
quân Hoa Kỳ ở khu vực, đặc biệt là những chuyến “tự do hải hành” qua các vùng
biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng những nước khác như Việt
Nam, Philippines, Indonesia cũng tuyên bố chủ quyền, “đòi hỏi những sách lược mới”
để giảm thiểu các cơ nguy dẫn đến các cơ hội “tính toán sai” giữa các chiến hạm
trang bị nặng.
Ông kêu gọi phải có những cơ chế thực thi để làm cho
các bên đừng đi quá đà. Theo ông những cơ chế ấy đã có nhưng “chúng ta phải vận
dụng nhiều cơ bắp hơn khi tiến hành.”
Lời phát biểu của đô đốc Richardson về “khu vực xám”
hay “những lần gặp chưa tới mức xung đột” diễn ra vào lúc cả Hoa Kỳ và Trung Quốc
đang diễn ra những căng thẳng trên nhiều lãnh vực. Trong khi các đàm phán đang
tiến hành vẫn chưa có kết quả để tránh gia tăng chiến tranh thương mại, còn những
âu lo sẽ có những gia tăng căng thẳng giữa lực lượng hai bên trên Biển Đông.
Tháng trước, Đô Đốc Richardson đã đến Bắc Kinh gặp
tư lệnh hải quân Shen Jinglong (Thẩm Kim Long) và tổng tham mưu trưởng quân đội
Trung Quốc Li Zuocheng (Lý Tác Thành). Sau cuộc gặp, ông nói với báo chí rằng
giữa ông và các tướng lãnh Trung Quốc “có những suy nghĩ khác nhau” cho người
ta hiểu là lập trường hai bên không thay đổi mà ông nói “Có những khác biệt rất
lớn hiểu theo nghĩa chúng ta quan niệm (chủ quyền) Biển Đông.”
Tờ South China Morning Post hôm Thứ Sáu tuần qua nói
rằng nhiều chuyên viên cả Mỹ lẫn Úc đều thúc giục lực lượng hai nước cần phối hợp
chặt chẽ với nhau để đối lại các trò mà Trung Quốc áp dụng tại các “vùng xám”
trên Biển Đông. Nhưng tờ SCMP cũng thuật lời Yue Gang (Nhạc Cương) một đại tá hồi
hưu cho rằng Bắc Kinh vẫn áp dụng chiến thuật sử dụng các lực lượng thứ hai, thứ
ba vì đang có lợi thế địa lý đối với Mỹ.(TN)
No comments:
Post a Comment